PHÂN LOẠI SÁCH ĐÚNG VÀ CHỌN SÁCH HIỆU QUẢ

PHÂN LOẠI SÁCH ĐÚNG VÀ CHỌN SÁCH HIỆU QUẢ

Hiện nay có quá ít thông tin để cho trẻ em, và cha mẹ chọn sách hiệu quả. Cách thức chúng ta thường chọn sách là:

  • Đi nhà sách (hoặc lướt online), thấy sách nào hay lạ, phù hợp thì nhặt (random pick)
  • Đọc review, xem bản tóm tắt, bản đọc thử, thấy review tốt thì mua (qua bộ lọc của người khác)
  • Lên mạng, tìm các gợi ý “danh sách 100 cuốn sách cần đọc trước tuổi 20”, “top 10 cuốn sách nên đọc ở tuổi 90”, “10000 cuốn sách dành cho bé 3 tuổi”…

Cách làm trên chỉ giúp các bạn tìm được CÁC ĐẦU SÁCH hay và hot mà thôi. Cái chúng ta đang tìm kiếm là CÁC LOẠI SÁCH cơ. Vì thiếu thông tin, những người mới tiếp cận với sách sẽ đứng giữa hàng vạn đầu sách, và hàng ngàn đầu sách mới ra mỗi năm, thật bất công cho họ.

Với học sinh từ 15 tuổi trở lên, chúng tôi khuyên nên tập trung vào 3 dòng sách chính:

  • Sách phát triển bản thân
  • Sách chuyên ngành.
  • Sách kinh doanh (hoặc kĩ năng nói chung)

Hãy dành 80% thời gian và năng lượng cho những dòng sách nói trên, và chỉ nên dưới 20% cho dòng sách giải trí (ai mà chẳng phải giải trí chứ).

  1. HÃY ƯU TIÊN CHO SÁCH PHÁT TRIỂN BẢN THÂN, đặc biệt khi bạn còn trẻ.

Có thể đọc self-help nhưng hạn chế ở mức vừa phải thôi. 5-7 quyển là được rồi. Các cuốn self-help cũng khá hữu ích trong việc truyền động lực để bạn giữ lửa, rèn luyện bản thân tốt hơn. Self-help giúp bạn trả lời câu hỏi WHY (tại sao tôi lại phải thay đổi bản thân cho tốt hơn). Nó không giúp bạn trả lời HOW (Giờ tôi biết phải nâng cấp bản thân rồi, nhưng làm thế nào, từ đâu thì sách không chỉ). Vì vậy mới nói, hãy đọc 5-7 quyển để “giữ lửa” mà thôi.

Sách Thấu hiểu bản thân. Đây là những cuốn nhất định các bạn trẻ phải đọc. Từ 15 tuổi đã có thể đọc rồi. Đọc sớm tốt sớm, càng hiểu bản thân sớm, càng tránh được chọn sai con đường và nghề nghiệp. Nhưng từ 18 tuổi, bắt đầu bước vào cuộc sống và muốn “định vị” bản thân, đó là thời điểm vàng để đọc những cuốn sách này. Bản chất đó là sách triết học, nhưng được viết ở dạng đơn giản hoá, quần chúng hoá, gắn với các tư duy và tình huống đời thường của mỗi người.

Một số ví dụ: Phải trái đúng sai, tiền không mua được gì, Công lý…(và toàn bộ 15 cuốn của GS ĐH Havard Michael Sandel, “triết gia chính trị nổi tiếng nhất và có tầm ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 21” đều là các cuốn cực đỉnh). Cha mẹ đọc mấy cuốn này, tha hồ giảng cho con về …đạo lý :))

Ví dụ: Tôi là ai, nếu vậy thì bao nhiêu; Bạn đang nghịch gì với đời mình; Đi tìm lẽ sống; Đúng việc (một trong những cuốn ít ỏi của tác giả Việt Nam viết rất xuất sắc về đề tài triết học); và toàn bộ các cuốn của cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần…

Cần tránh nhầm lẫn sách thấu hiểu bản thân với sách tâm linh, và sách self-help nhé. Kẻo các bạn lại bảo tôi xúi dại, đọc xong u mê :)) Mấy cuốn tôi gợi ý đọc xong chỉ giúp tư duy mạch lạc, và khai thông trí tuệ thôi đó.

2. ƯU TIÊN SỐ 2 LÀ SÁCH CHUYÊN NGÀNH

Nếu sách giáo khoa, giáo trình quá nhàm chán? Hãy coi đó là Mục lục những gì bạn cần học thôi.

Nhiều bạn chê giáo trình khô khan, chê khó học khó hiểu. Đúng đấy, bản chất của giáo trình là phải khô khan, phải là gạch đầu dòng. Bởi vì kiến thức rộng mênh mông, sách giáo trình đóng đúng vai trò của nó là **LIỆT KÊ MỤC LỤC. **Các bạn chê giáo trình, tức là các bạn chỉ bám vào giáo trình để lấy kiến thức. Tư duy sai, fail từ vạch xuất phát rồi.

Hãy bám lấy các keyword của giáo trình, như một khung logic trong đầu, rồi tự tìm kiếm tài liệu mở rộng những keyword mà mình thấy hứng thú. Giáo trình giữ bạn không đi chệch hướng, vẽ ra một bản đồ cho bạn bám vào, nhiệm vụ của bạn là tự đào sâu vào ngành mà mình muốn theo đuổi. Hiểu được thực tế khách quan đó, thì không phải chửi giáo trình nữa nhé, nó đóng đúng vài trò của nó rồi. Việc còn lại, bạn muốn học gì sâu hơn thì tự tìm tài liệu mà đào sâu.

Dù bạn ở bất cứ lĩnh vực nào, thì mục tiêu tối thượng là mình sẽ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó. Clear chưa đã?

Vậy, ông nào học quản trị kinh doanh thì hãy đào thật kĩ các sách, tài liệu về kế toán, quản trị, nhân sự, marketing, bán hàng, truyền thông, tài chính…

Ông nào học về đồ hoạ thì phải thông thuộc hết: illustration, animate, photoshop, chụp ảnh, màu sắc, ánh sáng…

Ông nào học về quan hệ quốc tế thì phải nắm trong tay: kinh tế, chính trị, văn hoá, lịch sử, quan hệ các nước, chiến tranh, xung đột, hoà bình.

Bằng muôn ngàn cuốn sách ngoài kia, chứ không chỉ bám vào giáo trình và chê giáo trình lý thuyết, khô cứng.Không thể nào ông học ngành đó mà người ta hỏi đến ông mù tịt được. Đó là cần câu cơm của ông cơ mà.

3. SÁCH KINH DOANH (HOẶC SÁCH RÈN KĨ NĂNG) LÀ ƯU TIÊN SỐ 3

Nếu các bạn học ngành kinh doanh, thì combo gộp luôn vào mục 2. Nhưng kể cả không học ngành kinh doanh, thì các sách rèn kỹ năng trong thương trường cũng cực kì hữu ích.

Đặc biệt những kĩ năng về giao tiếp, giữ gìn các mối quan hệ, bán hàng, truyền thông, xây dựng thương hiệu, quản lý con người…thì ai ai cũng cần, bởi nó áp dụng trong rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống.

Trong nhóm này còn có các sách về kiến thức xã hội nói chung, những kiến thức ngoài chuyên ngành. Ví dụ bạn học ngành kiến trúc, nhưng quan tâm đến kinh tế xã hội. Bạn học ngành Điện tử nhưng quan tâm đến lịch sử thế giới. Vẫn nên đọc những cuốn kiến thức xã hội và vận hành của thế giới để có kiến thức cơ bản.

20% DÀNH CHO SÁCH GIẢI TRÍ

Sách giải trí có thể là ngôn tình (ôi ngày xưa hồi còn thanh niên mình cũng đọc vài cuốn sến súa tình yêu :))

Có thể là sách cắm hoa, làm đẹp, trang điểm….

Có thể là sách văn học, tiểu thuyết, trinh thám…

Bạn có thể điền danh sách dài vô tận vào đây. Nhưng nhớ chỉ là 20% thời gian dành cho nó thôi đấy nhé.

Hi vọng bài viết của Life Mentor giúp bạn sáng tỏ thêm một chút, có thêm một gợi ý để chọn sách, tài liệu phù hợp với bản thân mình hơn. 

Bye.

“Life Mentor – Cha mẹ dẫn lối” là cộng đồng hỗ trợ các cha mẹ có con độ tuổi 10-18 trong hành trình giáo dục con, với các hoạt động chính:

  • Kết nối 1-1 với các Mentor thành công trong đa dạng lĩnh vực.
  • Định hướng sự nghiệp thông qua hoạt động trải nghiệm đa dạng các ngành nghề trong xã hội.
  • Giúp con xây dựng tư duy, kỹ năng xã hội và các bài học về quản trị cuộc sống chưa được dạy trong nhà trường.

Chúng tôi xây dựng dự án Life Mentor để lưu giữ lại những tri thức mà chúng tôi học được từ nhiều nguồn trên thế giới, như một di sản để lại cho các con mình, và nhiều trẻ em Việt Nam. 

Life Mentor mong muốn mọi trẻ em đều được thấu hiểu, tôn trọng, định hướng phát triển tiềm năng và sự nghiệp theo đúng năng lực và đam mê. Đội ngũ Mentor sẽ đồng hành trong quá trình phát triển của mỗi bạn nhỏ. Hãy cùng chúng tôi chung tay nhé.

Liên hệ công việc: lifementor2021@gmail.com

Website: https://lifementor.vn

Group FB: https://www.facebook.com/groups/lifementor2021

Spotify: https://spoti.fi/3zXawQT

← Bài trước Bài sau →