Tác giả: Anh cá heo.
(Bài viết nhân những tranh luận về câu chuyện cha mẹ kham khổ nuôi con ăn học “thành tài”, nuôi con học tới thạc sĩ, tiến sĩ).
Tôi nghĩ “hiếu học” luôn luôn là một đức tính tốt, một ưu điểm. Nhưng tôi quan sát thấy quan niệm về hiếu học nhiều khi đã trở nên cực đoan, bảo thủ, không còn tuân theo những yếu tố thời đại nữa.
Những tấm gương học sinh, sinh viên hiếu học được cổ vũ trên truyền thông rất nhiều. Đó có thể là học sinh nghèo học giỏi, sinh viên giành được học bổng, cá nhân đỗ đạt cao, giành giải thưởng, đạt được bằng cấp cao.
Tuy nhiên cũng không ít trường hợp dư luận và truyền thông cổ vũ cho những trường hợp cực đoan. Ví dụ như việc học chỉ nhằm đạt bằng cấp cao mặc dù năng lực hạn chế, hoặc đốt cháy giai đoạn như học sinh tiểu học thi IELTS, hoặc thần đồng này nọ... Trong số đó, rất nhiều trường hợp được thổi phồng, đánh bóng phục vụ cho việc truyền thông. Điều đó không tốt một chút nào cho bản thân người trong cuộc, cũng như cho xã hội.
HIẾU HỌC LÀ CHĂM HỌC NGAY CẢ KHI KHÔNG ĐƯỢC CẤP BẰNG!
Chúng ta đã rất quen với nếp suy nghĩ, hiếu học là chăm chỉ học tập để đạt được bằng cấp cao hơn mặt bằng thông thường, ví dụ thạc sĩ hay tiến sĩ bất chấp việc học cao đó có phục vụ mục đích gì hữu ích không hay chỉ làm tiêu tốn tài nguyên (thời gian, tiền bạc, công sức, chi phí cơ hội) của chính người học và của cả xã hội. Ngoài một số công việc như giảng dạy, nghiên cứu khoa học... còn lại hầu hết công việc không đòi hỏi bằng tiến sĩ. Người làm công việc quản lý, kể cả quản lý cấp cao, cũng không đòi hỏi phải học tiến sĩ. Thông thường một người bình thường có thể làm công việc tri thức với tấm bằng đại học, và hoàn toàn có thể trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình với tấm bằng thạc sĩ là cao nhất. Phần quan trọng hơn bằng cấp chính là thành quả lao động chuyên môn.
Các trường đại học phương Tây thường dành ưu tiên và hỗ trợ cho sinh viên là người đầu tiên trong gia đình đi học đại học. Lý do là thành viên đầu tiên của một gia đình (đại gia đình) đi học đại học sẽ mở cánh cửa cơ hội cho các gia đình nghèo để có cơ hội bước vào tầng lớp trung lưu, có khả năng lao động trí óc với tấm bằng đại học. Nhưng sau khi có tấm bằng đại học, sinh viên tốt nghiệp đã được trao cho đủ công cụ tư duy và khả năng chuyên môn để bắt đầu lao động giúp gia đình/đại gia đình hoặc đơn giản là chính bản thân mình thoát nghèo mà không cần thiết phải học ngay lên thạc sĩ, tiến sĩ. Thậm chí thực tế hơn nữa là càng với các gia đình nghèo, thì học sinh càng nên học nghề sớm để lấy bằng sớm, ra trường sớm, đi làm sớm để giúp gia đình nhanh thoát nghèo hơn.
Tư tưởng càng nghèo càng phải học cao để thoát nghèo có lẽ có ảnh hưởng từ thời phong kiến, với nỗ lực dùng bằng cấp để bù đắp lại sự thiệt thòi về địa vị kinh tế-xã hội, vv... Trong một xã hội văn minh và công bằng, thì thu nhập hay công việc tốt có thể là một thước đo chính xác về năng lực lao động của một người. Tức là một người giỏi, có khả năng sẽ luôn có cơ hội có công việc tốt hoặc nhiều cơ hội để kiếm tiền. Còn trong một xã hội thiếu minh bạch, vàng thau lẫn lộn, thì lại làm nảy sinh tâm lý cho rằng tiền bạc không phải là thước đo trình độ hay thành công, vì có nhiều gian lận khiến người giỏi không được lãnh phần thưởng mình xứng đáng, cũng như người dở vẫn có thể “hưởng miếng bánh” to hơn.
Có lẽ chúng ta cần tuy duy lại “thế nào là hiếu học?”. Nếu đó là quá trình học tập miệt mài, nỗ lực vượt khó, liên tục tìm tòi sáng tạo để giải quyết vấn đề, để tạo ra giá trị cho cá nhân và thế giới thì đó là “hiếu học lành mạnh”. Còn nếu nỗ lực học chỉ để đạt được bằng cấp, ngay cả khi nó không tương xứng với năng lực thực tế, thì đó có thể là “hiếu học tiêu cực”. Cũng có khi chúng ta nhầm lẫn cho rằng một người chăm chỉ tới lớp học là một người hiếu học. Chưa chắc đúng! Có thể anh ta chỉ đang nỗ lực đạt được một bằng cấp thôi. Và nếu một người chăm tới lớp nhưng lười đọc sách, có thể đó không phải là người hiếu học mà là người chuộng bằng cấp. Hiếu học thực sự, hay đỉnh cao của sự hiếu học thực sự chính là khi người ta miệt mài học ngay cả khi KHÔNG ĐƯỢC CẤP BẰNG. Ví dụ, đọc sách, đọc sách chuyên môn chính là một dạng học mà không được cấp bằng. Nên một cộng đồng chăm đọc sách chuyên môn thì đó chắc chắn là cộng đồng hiếu học. Còn một cộng đồng không đọc sách chuyên môn mà chăm tới lớp thì có thể là một cộng đồng không hiếu học cho lắm, mà chuộng bằng cấp hoặc hư danh do bằng cấp mang lại nhiều hơn.
CHA MẸ HỖ TRỢ ĐẾN ĐÂU CHO MUC TIÊU HIẾU HỌC CỦA CON CÁI?
Tôi tin rằng cha mẹ có nghĩa vụ phải bảo trợ học phí học phổ thông cho con cái, hoặc hầu hết các chính phủ đều cung cấp giáo dục phổ thông miễn phí hoặc trợ phí phần lớn cho trẻ em. Khi hoàn cảnh còn khó khăn, phụ huynh nên dựa vào trường công để cung cấp giáo dục cho con cái. Cha mẹ chỉ nên dẫn con sang trường tư nếu đã hoàn toàn có khả năng tự bảo trợ học phí phổ thông, không cần trợ giúp của chính phủ. Việc phụ huynh biểu tình đòi trường tư phải giảm học phí là một việc khá kỳ lạ.
Ở bậc đại học, phụ huynh nên tài trợ hoặc cho vay học phí (trả sau, trả góp) đối với con cái mình. Nhưng phụ huynh không nên giúp trả học phí cho con học thạc sĩ và tiến sĩ. Sự hỗ trợ của phụ huynh cho học phí sau đại học của con cái có tác dụng hoàn toàn ngược lại, đó không phải là sự hỗ trợ cho tinh thần hiếu học nữa, mà là sự tiếp sức cho sự ỷ lại. Có một nghịch lý tồn tại trong xã hội chúng ta, là khi không thể tìm việc làm sau học đại học, thay vì tìm cơ hội để được đào tạo lại (reskilling) hoặc đào tạo nâng cao (upskilling) để đảm bảo việc làm, thì người lao động lại đổ xô học thạc sĩ, tiến sĩ để tiếp tục thất nghiệp, dù họ không định hướng làm việc nghiên cứu hay giảng dạy ở trường học, trường đại học. Có phải do học phí đại học, sau đại học ở Việt Nam vẫn còn quá thấp để nhiều học viên vẫn chọn cách “đầu tư lỗ” như vậy?
Còn bạn, bạn quan niệm thế nào về hiếu học? Bạn có chấp nhận thực tế rằng với sự hỗ trợ của công nghệ giúp phổ biến tri thức một cách dễ dàng như ngày nay, việc “biết nhiều” không quan trọng bằng “biết những gì hữu ích” hoặc “làm nhiều” dựa trên những gì mình biết hay không? Điều đó có thể giúp chúng ta trả lời nghiêm túc những câu hỏi quan trọng của một cộng đồng: tuy nghèo nhưng học rất giỏi, nhưng tại sao học giỏi rồi mãi không thoát nghèo?
——
Mai Mai - Family Education Mentor
Founder @LifeMentor.vn