Năm 2017, cả nhà tôi đi chơi Đài Loan. Khi ấy cháu lớn nhà tôi 10 tuổi.
Thích công nghệ, biết Đài Loan tiên tiến về công nghệ và có một khu chợ công nghệ lớn ở Đài Bắc, cháu đề nghị cho cháu đến đó xem.
Thời điểm đó có một thứ đồ chơi bắt đầu phổ biến trên thế giới, nhưng ở Việt Nam chưa có bán. Đó là con quay tay spinner, được làm bằng hợp kim, nhựa và vòng bi nhỏ, nắm vừa trong lòng bàn tay với nhiều màu sắc khác nhau.
Thứ này cả trẻ em và người lớn đều chơi vì nhỏ gọn, mang theo dễ dàng, lại không đắt tiền lắm. Ngoài việc táy máy vui tay thì mọi người có thể thi xem ai quay lâu hơn.
Tương tự như mọi trò chơi khác, trò này rộ lên thịnh hành một thời gian và sẽ được thay thế bởi trò khác. Lúc đó mọi người đua nhau chơi, ai cũng có một cái, nên trò này khá phổ biến và trở nên rất ''hot''.
Khu chợ Đài Bắc đó mở cả ngày đêm trên mấy khu phố trung tâm, bán rất nhiều thứ, từ đồ ăn thức uống đến thiết bị công nghệ, đông vui, tấp nập.
Thấy bán con quay tay spinner la liệt, kiểu dáng đa dạng và màu sắc phong phú, cháu liền nảy ra ý tưởng mua về Việt Nam để bán lại cho các bạn. Cháu bảo nhiều bạn thích nhưng ở Việt Nam chưa mua được, phải nhờ người mua từ ở nước ngoài mang về.
Tôi ủng hộ ý tưởng này và nói cháu tính toán thử xem giá mua ở đây mang về Việt Nam bán mà có lời thì bố mẹ cho mượn tiền để mua.
Hai triệu là khoản tiền tối đa cho thương vụ này, tôi đề xuất.
Cháu tự tính toán và lập kế hoạch rồi ghi lại. Cháu trao đổi với tôi rằng sẽ mua năm cái để kinh doanh, hai cái để tặng em họ và tặng bạn thân, cũng vừa đủ trong khoản tiền tôi đề xuất. Ngoài ra cháu thích cái nào để chơi và tặng thì chúng tôi mua tặng cháu, không nằm trong số tiền kinh doanh này.
Tôi gợi ý cho cháu nên chọn vài loại với màu sắc khác nhau để người mua có nhiều lựa chọn và không bị đụng hàng. Cháu chọn mua hai cái cùng loại phổ thông, hai cái cùng loại cao cấp hơn và một cái loại đặc biệt, có thể phát sáng khi quay. Tất cả đều khác màu nhau.
Nhân đây, tôi chia sẻ với cháu rằng nếu bán được và có tiền lời thì tiền lời đó chưa tính các chi phí vận chuyển, chi phí tài chính và chịu các loại thuế. Vậy nếu kinh doanh thật sự thì cần tính đến các chi phí đó nữa. Cháu hiểu và nói đây là nhân tiện thôi vì đàng nào thì mình cũng đi chơi, với lại đồ cũng không cồng kềnh và không nặng lắm.
Phải bán hết mới có lời, vậy dự kiến bán thế nào, tôi hỏi cháu.
Cháu nói để bán hết thì cần bán những cái phổ thông trước, bán những cái cao cấp hơn sau, rồi mới bán cái đặc biệt.
Giá thì cháu tự xác định bằng cách so sánh với sản phẩm bán ở nước ngoài trên internet và giá các bạn đã từng mua lại trong nước, sao cho các bạn vẫn được lợi hơn nếu mua của cháu.
Cái đặc biệt sẽ đưa ra bán cuối cùng theo hình thức đấu giá, cháu nói dự định như vậy. Tôi ngạc nhiên và hoàn toàn ủng hộ, tán dương ý tưởng tuyệt vời này của cháu.
''Bán đấu giá tức là như thế nào?'', tôi hỏi. ''Tức là bạn nào trả nhiều tiền nhất thì con bán'', cháu trả lời.
Tôi hỏi sao cháu biết hình thức bán đấu giá. Cháu bảo biết trên mạng, và các cháu vẫn bán các đồ ảo trong các trò chơi games cho nhau.
Trước khi mang đến trường bán cho các bạn, tôi chỉ nhắc cháu rằng, bán ra bán, tặng ra tặng và đừng để các bạn thiệt, mất vui. Ngoài ra, cháu nên biết tiền các bạn bỏ ra mua là tiền riêng chính đáng. Nếu biết bố mẹ các bạn không đồng ý thì đừng bán.
Cháu mang đến trường và bán được ngay vài cái. Những cái còn lại đã có người đăng ký. Cháu trả lại tôi đủ tiền đã mượn. Tôi chúc mừng cháu đã thu hồi vốn và cảm ơn cháu đã trả đủ đúng giao ước.
Tiện đây, tôi cũng cho cháu biết rằng tiền vốn này là bố mẹ cho mượn, còn nếu trong kinh doanh thật thì cháu sẽ phải đi vay và phải trả lãi.
Lãi phải trả cho người cho vay sẽ được tính vào chi phí sản phẩm và được gọi là chi phí tài chính. Cháu bảo cháu biết điều này. Biết như thế nào và biết đến đâu thì tôi chịu nhưng không hỏi thêm.
Tôi biết thế nào nhà trường cũng hỏi và không cho phép cháu bán hàng cho các bạn ở trường.
Theo quy định của nhà trường, hoạt động bán đồ của cháu sẽ bị cảnh báo, thông báo về nhà và có thể bị phạt, trừ trường hợp hoạt động được nhà trường cho phép và có thông báo.
Quy định này của nhà trường là đúng và tôi hoàn toàn ủng hộ. Nhà trường không thể kiểm soát được mặt hàng các cháu mua bán và tiền của học sinh ở đâu ra.
Tuy vậy, tôi chỉ cảnh báo trước với cháu chứ không ngăn cản. Cháu bảo đầy bạn bán đồ ở trường và nhà trường cũng có các hoạt động hội trợ để các học sinh bán đồ cũ gây quỹ từ thiện.
Tôi sợ nếu ngăn cản sẽ làm cháu nhụt chí và mất hào hứng thực hiện ý tưởng.
Y như rằng nhà trường cảnh cáo và không cho phép cháu mang đồ đến trường bán, cháu cho tôi biết. Lúc này tôi mới nói rằng tôi biết chuyện này chắc chắn sẽ xảy ra và muốn bán đồ ở trường thì cần phải xin phép và được sự đồng ý của nhà trường.
Tôi chia sẻ luôn với cháu rằng kinh doanh thật cũng vậy, để hoạt động hợp pháp thì cần đăng ký kinh doanh và thành lập doanh nghiệp.
Còn cái đặc biệt cuối cùng cháu nói sẽ bán ở bên ngoài trường, bạn nào trả nhiều tiền nhất thì sẽ bán. Tôi bảo ok, nhưng lưu ý xem tiền các bạn mua có phải tiền bố mẹ cho hay không.
Việc này thực tế cháu không thể kiểm soát được, nhưng bạn bè phải tin nhau thôi. Cháu khẳng định rằng các bạn ở trường được bố mẹ cho nhiều tiền tiêu vặt lắm, tôi đừng lo.
Tổng kết là tiền lãi bán được không những bù đắp đủ những cái cháu mua để tặng người thân và bạn bè, mà còn bù cả tiền chúng tôi cho cháu mua riêng để chơi.
Cháu hào hứng trả lại tiền chúng tôi bỏ ra mua cho cháu làm quà. Tôi từ chối và cảm ơn cháu, nói rằng khoản đó là bố mẹ cho cháu, và nếu còn tiền lãi thì đấy là tiền riêng của cháu, cứ giữ lấy.
Hình như có một bạn thích quá đã lấy trộm tiền của bố mẹ để mua một cái thì phải. Tôi không nhớ chính xác vì không hỏi kỹ. Chỉ biết cháu đã trả lại tiền cho bạn để trả cho bố mẹ. Nhưng cuối cùng bạn ấy vẫn dành dụm tiền tiêu vặt bố mẹ cho để mua một cái.
_____
“Life Mentor – Cha mẹ dẫn lối” - dịch vụ tư vấn, hỗ trợ các cha mẹ có con độ tuổi 10-18 trong hành trình giáo dục con, với các hoạt động chính:
- Kết nối 1-1 với các Mentor thành công trong đa dạng các lĩnh vực, giúp con hướng nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn, và rút ngắn con đường đến thành công;
- Tổ chức các khóa đồng hành cùng cha mẹ, hỗ trợ cha mẹ 80% trong việc cung cấp cho các con tư duy, kỹ năng, các bài học quản trị cuộc sống chưa được dạy trong nhà trường.
- Hỗ trợ xây dựng lộ trình phát triển của mỗi cá nhân theo từng mục đích của mỗi gia đình, và mỗi giai đoạn cuộc đời.
- Tư vấn cách cư xử, giải quyết các tình huống xảy ra hàng ngày với con để duy trì mối quan hệ lành mạnh giữa cha mẹ - con cái.
Chúng tôi xây dựng dự án Life Mentor để lưu giữ lại những tri thức mà chúng tôi học được từ nhiều nguồn trên thế giới, như một di sản để lại cho các con mình, và nhiều trẻ em Việt Nam.
Life Mentor mong muốn mọi trẻ em đều được thấu hiểu, tôn trọng, định hướng phát triển tiềm năng và sự nghiệp theo đúng năng lực và đam mê. Đội ngũ Mentor sẽ đồng hành trong quá trình phát triển của mỗi bạn nhỏ. Hãy cùng chúng tôi chung tay nhé.