(Kiến thức từ cuốn: It takes two to talk của tổ chức Hanen - Australia)
——
Bản năng tự nhiên của cha mẹ là nhảy vào hỗ trợ trẻ ngay khi trẻ bắt đầu có dấu hiệu gặp khó khăn. Chúng ta nghĩ rằng đó là giúp đỡ con, là chăm sóc và yêu thương con.
Nhưng để dừng lại, để kệ con xoay xở, lại cần một nỗ lực và ý thức rất lớn để
KHÔNG ĐOÁN TRƯỚC NHU CẦU CỦA CON
KHÔNG BẢO CON PHẢI LÀM GÌ
KHÔNG LỰA CHỌN HỘ CON
Chúng ta hãy nhớ công thức thần thánh OWL.
O (Observe) - Quan sát: để chúng ta nhận biết cảm xúc và nhu cầu của con
W (Wait) - Chờ đợi để trẻ tự xoay xở, tự nói ra, tự giải quyết vấn đề, tự thể hiện bản thân theo cách của con
L (Listen) - Lắng nghe, để khuyến khích con thể hiện bản thân.
Hôm nay, Life Mentor sẽ cùng bạn khám phá công thức OWL thần thánh nhé.
O (Observe) - Quan sát:
Chậm lại khoảng 10 giây, đừng đưa ra lời khuyên ngay, đừng giúp ngay, đừng hành động ngay. Để quan sát, chúng ta có thể thấy rất nhiều biểu hiện thú vị ở con. Ngôn ngữ cơ thể, gương mặt, nhịp thở, trạng thái, âm giọng. Chỗ này tưởng khó nhưng đa phần chúng ta làm được. Trong giao tiếp xã hội thông thường, chúng ra khá dễ dàng đoán ý sếp, đoán tâm trạng của vợ, đoán cảm xúc của bạn, đa phần là do chúng ta ĐỂ Ý và COI TRỌNG CẢM XÚC CỦA NGƯỜI KIA.
W (Wait) - Chờ đợi
Lý do lớn nhất khiến chúng ta không có 10 giây chờ đợi này, là vì chúng ta không đủ kiên nhẫn. Chúng ta cảm thấy khoảng thời gian yên lặng là khoảng thời gian trống rỗng. Phải lấp đầy bằng cái gì đi chứ, sao cứ im lặng như tờ thế, sao con nói chậm thế, sao con xử lý vấn đề lủng củng thế, sao con vòng vèo thế. Sốt ruột quá, phải ra tay ngay chứ. Có phải không nào?
Là người trưởng thành, đã trải qua kinh nghiệm, cha mẹ thường có cảm giác rằng bổn phận của cha mẹ phải là chỉ bảo, dạy dỗ, kiểm tra kiến thức của con. Vì thế, cha mẹ thường có khuynh hướng không đợi trẻ bày tỏ.
Đặc biệt với những bạn nhỏ nói chậm, diễn đạt vấn đề chậm, nói vòng vèo, hành động chậm, nói được 10 từ rồi lại quay lại nói từ đầu để diễn đạt lại. Vậy là cha mẹ lại nhảy vào giúp, hướng dẫn con theo cách riêng của người đã có trải nghiệm. Cha mẹ nói thay cho trẻ khi phải giao tiếp với người lớn khác (nói đỡ lời cho con), giúp trẻ cho nó nhanh (đặc biệt khi có người khác đang đợi), yêu cầu trẻ nói nhanh, làm nhanh, giải quyết nhanh (khi làm bài tập, hay làm việc nhà).
Làm thay, nói thay, thúc giục là phản ứng tự nhiên, thậm chí là bản năng cần phải giúp đỡ “con non” khi con non chưa biết tự làm. Nhưng con càng lớn dần lên, chúng ta càng phải lùi lại để tạo cơ hội cho trẻ học.
Bắt đầu bằng việc dừng 10 giây, rồi khi trẻ loay hoay với việc của mình, hãy chờ đợi 20 giây, 30 giây cho đến khi trẻ cầu cứu. Cha mẹ cần phải để con thể hiện bày tỏ bản thân (lời nói, hành động, cách giải quyết vấn đề) theo cách riêng của con.
Khi chúng ta muốn mọi việc đơn giản hơn, dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn, chúng ta đã bỏ qua cảm xúc, nhu cầu, và tính tò mò của con.
Vậy nếu như cứ để cho trẻ loay hoay tự xử lý, thì cha mẹ kệ à? Không dạy gì con à? Vai trò “dẫn lối” của cha mẹ ở đâu?
Đó là khi đã qua 10-30 giây chờ đợi, con đã loay hoay mãi, con nhờ giúp, ánh mắt con cầu cứu, thì cha mẹ có thể bước vào hướng dẫn con từng bước.
Xông vào giúp con ngay cũng không đúng. Mà cứ để kệ con loay hoay xoay xở với rắc rối của con cũng không phải. Nghệ thuật làm cha mẹ là cần bước vào đúng thời điểm, dẫn dắt con cách giải quyết từng vấn đề khó khăn.
L (Listen) - Lắng nghe:
Mẹ, hôm nay con chán quá.
Lại chán rồi. Chán gì mà chán. Mới vào đầu năm học được có mấy hôm đã chán.
Nhưng mà con mệt ý, học mấy môn này chán chết đi được.
Lại lấy cớ rồi. Lấy cho mẹ cái chảo ra đây nhanh lên. Xong rồi gọi bố về ăn cơm. Chán thì tối mở bài ra mẹ kiểm tra xem sao mà kêu chán.
(Con tiu nghỉu, chả buồn nói chuyện)
Những cuộc nói chuyện như trên nghe có quen quen không? Trong rất nhiều trường hợp, cha mẹ chỉ nói những điều mình nghĩ, mình muốn áp cho con. Trong cuốn sách “Học làm cha mẹ hiệu quả”, TS. Thomas Jordon nhắc đến 12 rào cản giao tiếp khi cha mẹ nói chuyện với con. Cả 12 rào cản này đều thể hiện cha mẹ không thực sự “lắng nghe” con. Nhiều cha mẹ hay nhận xét, đánh giá, gạt bỏ ý kiến của con, hoặc đánh lạc hướng chủ đề, đưa ra lời khuyên…ngay khi con nói.
Cha mẹ nghĩ rằng đã giúp con giải quyết vấn đề, giúp cho mọi việc dễ dàng hơn. Nhưng thực ra, cha mẹ đang huỷ hoại sự kết nối giao tiếp với con. Khi dựng lên 1 rào cản giao tiếp, con sẽ ngừng trò chuyện, ngừng kết nối với chúng ta.
Khi cha mẹ chăm chú lắng nghe, chỉ nghe thôi. Không chen vào lời nhận xét, không đánh giá, không đưa lời khuyên…Chỉ chăm chú nghe và cố gắng hiểu cảm xúc, thông điệp của con. Điều này ban đầu sẽ rất khó, đi ngược lại thói quen xưa nay của chúng ta. Nhưng cố gắng luyện tập, sẽ đến ngày gặt được trái ngọt. Khi cha mẹ lắng nghe trẻ, dành sự chú ý hoàn toàn cho con, điều này sẽ động viên con, giúp con cảm thấy an toàn về cảm xúc hơn.
Ví dụ: Sau khi đi chơi sở thú về, Khanh tỏ ra rất sôi nổi và kể lại những gì xảy ra ở sở thú. Mẹ ngắt lời: “Ồ, con có thích mấy con khỉ không? Mẹ biết là con rất thích mà. Mẹ cũng thích khỉ lắm.” Chưa đợi con nói xong, mẹ tiếp: “Khanh ơi, đến giờ rửa tay ăn cơm rồi con.” Niềm hứng thú của Khanh biến mất, Khanh trở nên buồn rầu và không nói gì nữa. Mẹ đã quên OWL và bỏ mất cơ hội trò chuyện với Khanh về điều mà con thích nhất nhưng chưa kịp nói: Con thích bắp rang bơ bán ở sở thú.
“Cách duy nhất để hiểu rõ trẻ là lắng nghe những gì trẻ nói. Bạn không thể làm điều này khi bạn đang nói được”
(Neil Postman and Charles Weingartner - các nhà giáo dục).
Công thức OWL (Quan sát - Chờ đợi - Lắng nghe) rất quan trọng. Nó là tiền đề để kết nối với con, giải quyết mọi mâu thuẫn, cũng như giao tiếp hiệu quả với con. Điều này không dễ, cần sự luyện tập, nỗ lực có ý thức một thời gian các cha mẹ ạ.
Nếu chúng ta có những dấu hiệu sau đây:
Dành hết phần nói khi trò chuyện với con
Giúp con khi chưa đến lúc cần thiết
Mớm lời con khi con bày tỏ cảm xúc, nhu cầu
Ngắt lời con
Nghĩ rằng mình biết điều mà con định nói ra là gì
Thì hãy nhớ rằng, chúng ta đang vi phạm nguyên tắc giao tiếp cơ bản với con đấy. Hãy nhớ công thức OWL - Quan sát, chờ đợi, lắng nghe nhé.