XÂY DỰNG NHÂN CÁCH CHO CON: HƯỚNG DẪN THEO TỪNG ĐỘ TUỔI
- Người viết: Life Mentor lúc
- Kỹ năng làm cha mẹ
(Bài này dựa theo nghiên cứu của Tiến sỹ tâm lý Jody Sherman Levos)
Hóa ra hạnh phúc, lòng tốt, sức khỏe thể chất và sức khoẻ tinh thần có liên quan rất chặt chẽ đến các thước đo thành công (như thu nhập và học vấn). Để có được điều đó, cần xây dựng cho trẻ một bộ phẩm chất từ khi trẻ có nhận thức, hay còn gọi bằng một từ rất cổ điển “xây dựng nhân cách”.
Đến đây bạn có thể nhảy ngay đến phần checklist theo từng độ tuổi, nhưng cũng có thể tiếp tục đọc kỹ từng đoạn để hiểu thấu đáo hơn.
——
Sau khoảng 1-2 thế hệ giáo dục đạo đức, nhân cách bị lãng quên, dẫn đến “vấn nạn đạo đức trong giới trẻ hiện nay” (mà báo chí và những người lớn vẫn ca cẩm mỗi ngày), các cha mẹ thế hệ mới hiện nay đang rất chú ý đến xây dựng nhân cách cho con.
Một làn sóng mới tập trung nhiều vào hạnh phúc, ứng xử, kỹ năng, phẩm chất…trong giáo dục trẻ, không chỉ là điểm số tại nhà trường. Làn sóng này bao gồm:
Các trường học (đặc biệt trường tư/ quốc tế) bổ sung thêm nhiều kỹ năng, hoạt động ngoài học thuật vào chương trình giảng dạy, và coi đó là lợi thế
Nhiều chương trình giáo dục trẻ em các kỹ năng, phẩm chất ra đời, nhiều trại hè, học kỳ quân đội, lớp kỹ năng sống…được tổ chức có sức hút mạnh mẽ tương đương các lớp học thêm để cải thiện điểm số.
Các hội nhóm cha mẹ tập trung vào thảo luận việc ứng xử với con tuổi dậy thì, giáo dục đạo đức…nhiều tương đương với các nhóm chỉ thảo luận việc học tập.
Báo chí và mạng XH ca cẩm suốt ngày về hành vi, ứng xử, đạo đức của trẻ con. Và thúc giục các cha mẹ phải tập trung vào dạy đạo đức cho con.
Biết là quan trọng rồi, nhưng chữ “giáo dục nhân cách” rộng lớn như vậy, bao gồm những gì? Chính người lớn chúng ta, trải qua 40 - 50 năm cuộc đời vẫn còn lúng túng không liệt kê hết được. Và khi hỏi kỹ hơn cần phải dạy nhân cách như thế nào thì nhiều người cũng không rõ lắm.
Bài viết này Life Mentor sẽ giúp các cha mẹ một tay.
GIÁO DỤC NHÂN CÁCH QUA CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN
Tùy thuộc vào độ tuổi của con và hoàn cảnh mỗi gia đình, có người có danh sách đến 100 phẩm chất cần phải dạy con, nhưng cũng có nhà chỉ có 3 thứ phải dạy. Mỗi nhà một kiểu, và không có công thức chung. Việc tranh luận đúng sai về các tiêu chí đạo đức là điều thừa thãi.
Sau đây là danh sách những phẩm chất để cha mẹ tham khảo. Lưu ý: mỗi đứa trẻ phát triển khác nhau, vì vậy có những phẩm chất nằm trong danh sách nhưng lại không có trong danh sách khác, có khi xuất hiện ở độ tuổi 4-6 nhưng con bạn đến 8 tuổi mới phù hợp để rèn dạy con. Điều đó là hoàn toàn bình thường.
Danh sách này cũng chưa thể đầy đủ, vì dựa trên nghiên cứu của 1 nhà tâm lý. Life Mentor sẽ tổng hợp nhiều nghiên cứu khác nữa, và đưa ra một danh sách đầy đủ hơn để cha mẹ “nhặt món” phù hợp với gia đình mình.
Nhưng ít nhất, danh sách này sẽ cho bạn cảm giác một đứa trẻ điển hình nên có, và có một sợi dây để bám vào và tiến về phía trước.
——
TRẺ 2 TUỔI
Trẻ có thể kể tên 1-2 cảm xúc của mình (ví dụ: tức giận, buồn bã, hạnh phúc)
Trẻ mạnh mẽ lên tiếng về những gì mình muốn (thường trẻ nói “KHÔNG” khi không đồng ý với người lớn)
Trẻ có thể nói cho người lớn khi trẻ cảm thấy buồn bã hoặc tổn thương. Trẻ có những phản ứng thích hợp như mặt rất buồn khi người khác đang khóc. Điều này chứng tỏ rằng con đang hiểu cảm giác của người khác thế nào, và phản ứng bằng cách thay đổi trạng thái của mình. Đó là dấu hiệu của sự đồng cảm.
Trẻ có thể nhìn vào khuôn mặt của cha mẹ (hoặc người lớn) để kiểm tra cảm xúc của họ khi xuất hiện một tình huống mới. Trẻ đang lấy tín hiệu từ cảm xúc và hành vi của người lớn.
Trẻ chơi song song: chơi bên cạnh một người ngang hàng nhưng không nhất thiết phải "với" một người ngang hàng. Trẻ có thể chia sẻ không gian chung nhưng vẫn hoạt động độc lập. Đây là tiền thân của việc thực sự tương tác và xây dựng trải nghiệm chơi với bạn.
Trẻ có thể tỏ ra miễn cưỡng chia sẻ hoặc chơi thay phiên. Trẻ đang học cách tương tác xã hội, tìm kiếm quan điểm của người khác và trì hoãn sự hài lòng của bản thân khi chơi chung.
Thỉnh thoảng tham gia vào trò chơi hợp tác. Trẻ có thể bắt đầu chơi với bạn bè, điều này đòi hỏi sự phối hợp của nhiều kỹ năng như giao tiếp, chia sẻ, thay phiên nhau và ghi nhận quan điểm của người khác.
Trẻ có thể tuân theo các quy tắc đơn giản, chẳng hạn như nhặt đồ chơi sau khi chơi. Điều này báo hiệu rằng con có thể lưu giữ thông tin (yêu cầu là gì), tuân thủ yêu cầu.
——
TRẺ 3 TUỔI
Con có thể kể tên một số cảm xúc của chính mình (ví dụ: tức giận, buồn, hạnh phúc), kèm theo cảm xúc, sắc thái cơ thể.
Con có thể đặt tên cho một số cảm xúc của người khác, dựa trên nét mặt, ngôn ngữ cơ thể và hành vi (ví dụ: xem phim biết cô kia đang buồn, thấy mẹ tức giận biết là mẹ giận, thấy bố vui vẻ là chạy ra ôm và chung vui). Việc trẻ đọc được cảm xúc là chìa khóa để phát triển sự đồng cảm.
Chào hỏi, tương tác với những đứa trẻ khác trong một không gian (ví dụ: công viên, trường mầm non) và tham gia chơi cùng. Con đang nhận ra “đồng bọn” và cố gắng kết nối và tham gia vào cuộc vui, điều này đòi hỏi sự phối hợp của nhiều kỹ năng xã hội và đại diện cho sự thay đổi từ "tôi" sang "chúng tôi".
Bình tĩnh trong vòng khoảng 10 phút sau khi bị tách khỏi một người chăm sóc đáng tin cậy (ví dụ: trẻ đi học mẫu giáo). Con đang thể hiện khả năng điều chỉnh cảm xúc của mình và nhận thức về thói quen và sự gắn bó an toàn (biết người thân yêu sẽ quay lại sau đó).
Có thể tham gia vào trò chơi hợp tác - chơi với bạn chứ không chỉ bên cạnh bạn. Chơi hợp tác (hoặc cạnh tranh) đòi hỏi sự phối hợp của nhiều kỹ năng, chẳng hạn như giao tiếp, chia sẻ, thay phiên nhau và lấy quan điểm của người khác.
Có thể tuân theo các quy tắc đơn giản, chẳng hạn như nhặt đồ chơi sau khi chơi. Điều này báo hiệu rằng con có thể lưu giữ thông tin (yêu cầu của người lớn) và thực hiện để làm hài lòng hoặc giúp đỡ người khác.
Trẻ có thể bắt đầu bắt đầu chơi (với bản thân và những người khác). Điều này cho thấy con không phụ thuộc vào người khác đưa ra ý tưởng chơi - trẻ cũng có thể bắt đầu chơi, điều này thể hiện sự sáng tạo và mong muốn tương tác với người khác của con.
Thể hiện lối chơi kịch tính (ví dụ: diễn những cảnh như chơi nhà hoặc giả vờ là một con vật). Trò chơi kịch tính là chìa khóa để trẻ em khám phá các chủ đề, thử vai trò và hỗ trợ các kỹ năng giao tiếp và kể chuyện của trẻ
———
TRẺ 4 TUỔI
Trẻ bắt đầu khám phá các khái niệm như công bằng hay hành vi tốt và xấu là gì.
Đây là giai đoạn đầu trẻ khám phá các khía cạnh đạo đức và chuẩn mực xã hội.
Trẻ có thể phát triển tình bạn vượt ra ngoài việc chỉ đơn giản là chơi với các bạn cùng tuổi. Trẻ bắt đầu gắn bó với một bạn có sở thích chung, tính cách hài hước và muốn dành thời gian cho nhau
Tình bạn đầu đời là nơi con sẽ thực hành các kỹ năng như chia sẻ, hiểu cảm xúc của người khác, điều chỉnh cảm xúc của chính mình và thực hiện các hành động vị tha (như cho đi một chiếc bánh quy) để làm cho người khác hạnh phúc.
Trẻ có thể thể hiện lối chơi kịch tính (ví dụ: diễn những cảnh như chơi nhà hoặc giả vờ là một con vật). Trò chơi kịch tính là chìa khóa để trẻ em khám phá các chủ đề, thử các vai trò và hỗ trợ các kỹ năng giao tiếp và kể chuyện.
Trẻ có thể an ủi một người khác khi buồn hoặc tổn thương (ví dụ, ôm một người bạn đang khóc). Thái độ đồng cảm sâu sắc bao gồm nhận ra cảm xúc của người khác, hiểu những cảm xúc đó nghĩa là gì và có những hành động an ủi, chia sẻ.
Trẻ có thể thay đổi hành vi của mình để phản ứng lại các tình huống khác nhau (ví dụ: vào thư viện thì nhẹ nhàng và nói nhỏ so với chơi ở công viên).
Điều này cho thấy con hiểu rằng một số hành vi hoàn toàn được chấp nhận ở một số nơi nhưng không phải ở những nơi khác, và con có thể thay đổi và kiểm soát những hành vi đó như một dấu hiệu của sự tôn trọng và muốn hòa nhập.
Trẻ thích giúp đỡ. Trẻ muốn làm các công việc đơn giản, phù hợp thể hiện rằng trẻ quan tâm.
Trẻ có thể sử dụng các thuật ngữ phức tạp hoặc nhiều sắc thái hơn để đặt tên cho cảm xúc của mình và cảm xúc của người khác, chẳng hạn như cảm giác thất vọng sẽ “cao cấp” và “phức tạp” hơn so với tức giận.
——
TRẺ 5 TUỔI
Trẻ có thể tuân theo các quy tắc và thay phiên nhau khi chơi trò chơi với những đứa trẻ khác. Chơi là thời điểm hoàn hảo để thực hành các kỹ năng cộng tác với người khác trong cuộc sống.
Trẻ có thể giúp việc nhà, không phải bị bắt buộc mà thực sự muốn giúp đỡ, và nhận được sự ghi nhận của cha mẹ.
Trẻ có thể thay đổi hành vi của mình để phản ứng trong các tình huống khác nhau (ví dụ: trên xe ô tô thì không chạy nhảy và làm phiền người khác). Điều này cho thấy con hiểu rằng một số hành vi hoàn toàn được chấp nhận ở một số nơi nhưng không phải ở những nơi khác, và trẻ có thể thay đổi và kiểm soát những hành vi đó như một dấu hiệu của sự tôn trọng và muốn hòa nhập.
Trẻ phát triển tình bạn vượt ra ngoài việc chỉ đơn giản là chơi với các bạn cùng tuổi. Tình bạn đầu đời là nơi con sẽ thực hành các kỹ năng như chia sẻ, hiểu cảm xúc của người khác, điều chỉnh cảm xúc của mình và thực hiện các hành động vị tha (như cho đi một chiếc bánh) để làm cho người khác hạnh phúc.
Hát, nhảy, chơi múa rối, hoặc tạo ra tác phẩm nghệ thuật và muốn chia sẻ với những người khác (ví dụ: "Hãy nhìn con này!” hoặc “Con đã làm cái này cho mẹ.”). Điều này cho thấy con bạn đang học cách thể hiện bản thân và muốn đánh giá phản ứng của người khác và/hoặc làm hài lòng người khác bằng những món quà.
Thể hiện lối chơi kịch tính (diễn những cảnh như chơi trên thuyền, hoặc giả vờ là một con vật). Trò chơi kịch tính là chìa khóa để trẻ em khám phá các chủ đề, thử vai trò và hỗ trợ các kỹ năng giao tiếp và kể chuyện của mình.
Trẻ có thể an ủi một người khác đang buồn hoặc tổn thương (ví dụ, ôm một người bạn đang khóc). Trẻ đang phát triển khả năng đồng cảm sâu sắc, bao gồm nhận ra cảm xúc của người khác, hiểu cảm giác đó và hành động để an ủi.
Trẻ thể hiện mức độ độc lập ngày càng tăng, chẳng hạn như tự mặc quần áo, tự đánh răng, tự quyết định. Điều này thể hiện khả năng kiểm soát hành động của con bạn và sự tự tin vào khả năng làm việc của chính mình.
——
TỪ 6 TUỔI TRỞ LÊN
Đến năm 6 tuổi, nhiều trẻ em bắt đầu bước vào môi trường học tập chính thức, và một số cũng tham gia các môn thể thao có tổ chức, các lớp học âm nhạc và các buổi vui chơi không chính thức.
Tất cả những hoạt động này mang đến cho con RẤT NHIỀU cơ hội để tương tác với bạn bè, người lớn và những người mới.
Nếu bạn đã dạy rèn con cẩn thận các hành vi tốt từ bé, trước 6 tuổi, thì giai đoạn này bạn hoàn toàn có thể tự tin “thả con” bước vào môi trường học tập (xa mẹ 10 tiếng, tự xử lý các tương tác xã hội…). 2-6 tuổi là giai đoạn vàng của con, nhưng cũng là giai đoạn vàng của cha mẹ.
Bạn có thể sẽ nhận thấy con bắt chước hành vi hoặc cách cư xử của bạn cùng lớp, đôi khi đáng yêu nhưng đôi khi không chấp nhận được. Giai đoạn 2-6 tuổi, nếu bạn đã dạy con vững vàng, thì con ít có khả năng bị tác động bởi những hành vi xấu.
Trẻ thể hiện khả năng đồng cảm với người khác, biết người khác đang nhìn mình và điều chỉnh hành vi để được tập thể chấp nhận.
Trẻ nếu có khả năng giao tiếp tốt, sẽ có thể thể hiện cảm xúc của mình, nói ra những điều mình cho rằng đúng.
——
Kết luận:
Có nhiều đặc điểm tính cách của con bắt đầu ổn định và nhất quán dần sau 6 tuổi. Nhưng những tính cách này không "cố định". Con vẫn sẽ phát triển và thay đổi theo thời gian, trong những hoàn cảnh khác nhau. Phát triển nhân cách là một quá trình suốt đời!
Việc của cha mẹ là tạo môi trường tích cực tại nhà, chọn môi trường tích cực tại trường, và liên tục quan sát, hỗ trợ, giúp con phát triển hành vi.