NHỮNG HỌC BỔNG MÌNH NHẬN ĐƯỢC

NHỮNG HỌC BỔNG MÌNH NHẬN ĐƯỢC

Phần 1: Học bổng AAS

Năm 2010, AAS (trước là học bổng ADS) chính thức đóng cửa khối mở (khối cho ngoài khu vực nhà nước, cho thí sinh tự do), mình còn 1 lối thoát duy nhất là học bổng Endeavour, việc lựa chọn giữa nộp hồ sơ MA (Thạc sĩ) và VET (Vocational Education Training – Khoá đào tạo nghề) cũng khiến mình tương đối đau đầu.

Nhưng như đã nói, mình chọn phải có tiền, nên quyết định apply VET (khoá đào tạo nghề). Có bạn apply cả 2, nhưng kết quả cũng chỉ được VET (khoá đào tạo nghề). Mình nộp VET nhờ bạn cùng lớp đại học với mình gợi ý. Đồng thời bạn cũng bảo mình chọn các trường TAFE mà apply là ok. Mình bới tung google lên để tìm trường TAFE là cái gì, rồi tìm được trường có khóa học như yêu cầu, sau này rút kinh nghiệm, mình hay chia sẻ với các bạn có ý định nộp hồ sơ theo học bổng VET (khoá đào tạo nghề) thì hãy tìm những khóa học Diploma hoặc Advanced Diploma, có thể ở hệ thống trường TAFE, có thể trong trường đại học, nhưng học bổng VET cho mức đào tạo 1 năm như vậy thôi. 

Quy trình của Học bổng Endeavour thì công khai và đa số mọi người có thể tìm hiểu dễ dàng. Gồm có thi IELTS, nộp hồ sơ vào trường (admission), nộp hồ sơ học bổng. Hồi mình được thì còn có chính sách nếu IELTS chỉ có 5.5 sẽ được học thêm tiếng anh 6 tháng.

Kinh nghiệm để thành công với học bổng VET (đào tạo nghề) theo mình là phải chứng minh được khóa học phù hợp với bạn. Có thể bạn không phải là người giỏi nhất nộp vào học bổng, nhưng bạn phải là người phù hợp nhất. Tiêu chí phù hợp như thế nào thì lại… tùy vào mỗi loại học bổng. Ví dụ như VET của Endeavour, không thiên về đào tạo học thuật mà là đào tạo nghề, khóa học giúp bạn có thể áp dụng trực tiếp, cụ thể và hữu ích trong công việc bạn đang và sẽ muốn làm.

Trong trường hợp của mình, thời điểm đó mình làm trong nhóm Quản lý chuyển đổi (Change Management) của một dự án khá to giữa FPT và Tổng Cục thuế (có dính đến nhà nước rồi đấy). Mọi kiến thức về Quản lý chuyển đổi đều chỉ là học vài buổi qua các chuyên gia nước ngoài được công ty thuê đào tạo. Rất hay, rất thực tế, nhưng không bài bản. Do vậy, mình có lý do rất tốt để viết khi apply học bổng là khóa học có môn học đấy, mình học xong sẽ hiểu được bản chất và góp phần vào công cuộc Quản lý chuyển đổi ở VN, cụ thể là dự án mình làm việc, tán thêm về hệ thống giáo dục xịn xò của Úc.

À tất nhiên, muốn viết được những thứ đấy, thì lại phải tìm hiểu đến mức cụ thể, là khóa học bao gồm những môn học gì, tất cả những thông tin đấy gần như luôn sẵn có trên các website của trường học bên này.

Một lần nữa mình muốn nói là, tư duy của các bạn tây rất thẳng thắn và cụ thể, nên đừng nói những thứ mơ hồ cao siêu. Hãy nói những thứ cụ thể và thực tế, mà muốn nói được cụ thể, phải tìm hiểu đến chân tơ kẽ tóc. Văn hóa Việt nam của mình, nói chung, thường hay thiên về vĩ mô, khái quát, đại khái cái gì cũng biết, nhưng mà chỉ biết chung chung, nói chung chung, chứ hỏi ra cụ thể thì lại không sâu sát. Cái này là lỗi hệ thống, mình chỉ coi đây là chia sẻ để các bạn có thể hình dung được ít nhiều nội dung mình nên viết khi xin học bổng.

Phần 2: Học bổng Thạc sĩ nghiên cứu

Ngay sau khi nhận được thư của cô giáo hướng dẫn, với những gợi ý rõ ràng về việc nên tăng cường nền tảng học thuật (academic), mình bắt tay ngay vào chuẩn bị để năm sau giành học bổng. Năm 2012, ở nhà sản xuất em bé, nhân tiện, mình sản xuất thêm một số bài báo đăng trên các tạp chí học thuật (cả tiếng Việt và tiếng Anh). Đến cuối năm, khi vốn liếng đã có vẻ “đầy đặn”, mình lại gửi thư cho cô giáo ở Trường La Trobe, tiếp tục bày tỏ nguyện vọng và hứng thú với việc làm nghiên cứu, khoe “thành tích” mới, và nói sẽ tiếp tục nộp học bổng của trường năm nay. Đồng thời, lại tiếp tục nhờ cô làm giáo viên hướng dẫn cho mình.

Cô giáo tỏ rất phấn khởi nhận lời, và khen mình tiến bộ, đồng thời nói sẽ hỗ trợ mình hết sức trong quá trình xin học bổng cũng như nghiên cứu (nếu được) sau này.

Ngày thông báo kết quả, mình run run mở email và cuộc đời trở nên tươi đẹp khi nhận được thư bắt đầu bằng chữ Congratulations (Chúc mừng)!

Kinh nghiệm rút ra, khi bạn muốn xin học bổng nghiên cứu của trường là:

Thứ nhất, hãy thể hiện mình thực sự có khả năng và hứng thú với việc làm nghiên cứu. Với trường hợp của mình, mình nghĩ, là bằng việc đưa ra bằng chứng từ hồi đại học mình đã làm nghiên cứu, nghiên cứu khoa học, và viết một số bài báo có tính học thuật.

Thứ 2, hãy thể hiện mình nghiêm túc và quyết tâm. Năm đầu mình bị trượt, năm sau vẫn tiếp tục xin, mình nghĩ ít nhiều, cô giáo cũng thấy mình thực sự mong muốn làm chứ không phải “làm cho vui”.

Thứ 3, khi tìm người để hướng dẫn (nếu bạn xin học bổng trường), hãy tìm người có uy tín, hoặc có chức vụ, bạn sẽ gặp khó khăn một chút trong quá trình học vì tiêu chuẩn/yêu cầu của thầy cô sẽ cao hơn một chút, nhưng nếu thầy cô thấy ưng bạn, thì khả năng học bổng cũng cao hơn, dù chỉ một chút thôi. Cô giáo mình là trưởng Khoa và cũng là người nằm trong hội đồng xét duyệt học bổng.

Túm lại là kinh nghiệm bản thân của mình thì cũng chỉ có ít ỏi như vậy. Điều lớn nhất mình rút ra sau 4 năm chinh chiến học bổng Úc là: đừng sợ thất bại, cũng đừng “kinh khủng hóa” những thất bại của mình. Học bổng không phải là cái gì đó “không thể có trong cuộc đời”, thế nên nếu nhỡ không giành được thì hãy vui vẻ chấp nhận và dũng cảm chuẩn bị cho cơ hội lần sau. Quan trọng là, sau mỗi lần thất bại, hãy nghiêm túc nhìn nhận lại nguyên nhân, tác nhân của việc “tạm hoãn thành công” đó, và thay đổi, chuẩn bị cho lần sau tốt hơn.

Thật ra mình nghĩ, nguyên tắc này không chỉ áp dụng cho nộp học bổng, mà trong cuộc sống cũng vậy. Nếu sau mỗi lần thất bại, suy sụp, hoặc là tìm lý do để đổ lỗi (cho hoàn cảnh/cho người liên quan – trừ mình ra, vì luôn nghĩ mình đã cố gắng hết sức), thì khả năng thành công cho những lần tiếp theo của bạn không cao. Vì bạn quên một lý do quan trong, bản chất nhất, đó là chính bạn. Không ai có thể gánh vác hoặc là lý do cho thất bại của bạn cả, trong bất cứ trường hợp nào.

Nếu mình đã cố gắng hết sức, mà vẫn hỏng, có nghĩa là mình cần cố gắng hơn nữa, hoặc việc đó không phù hợp, từ bỏ, chọn cách khác.

(Còn tiếp)

“Life Mentor – Cha mẹ dẫn lối” là cộng đồng hỗ trợ các cha mẹ có con độ tuổi 10-18 trong hành trình giáo dục con, với các hoạt động chính:

  • Kết nối 1-1 với các Mentor thành công trong đa dạng lĩnh vực.
  • Định hướng sự nghiệp thông qua hoạt động trải nghiệm đa dạng các ngành nghề trong xã hội.
  • Giúp con xây dựng tư duy, kỹ năng xã hội và các bài học về quản trị cuộc sống chưa được dạy trong nhà trường.

Chúng tôi xây dựng dự án Life Mentor để lưu giữ lại những tri thức mà chúng tôi học được từ nhiều nguồn trên thế giới, như một di sản để lại cho các con mình, và nhiều trẻ em Việt Nam. 

Life Mentor mong muốn mọi trẻ em đều được thấu hiểu, tôn trọng, định hướng phát triển tiềm năng và sự nghiệp theo đúng năng lực và đam mê. Đội ngũ Mentor sẽ đồng hành trong quá trình phát triển của mỗi bạn nhỏ. Hãy cùng chúng tôi chung tay nhé.

Liên hệ công việc: lifementor2021@gmail.com

Website: https://lifementor.vn

Group FB: https://www.facebook.com/groups/lifementor2021

Spotify: https://spoti.fi/3zXawQT

 

← Bài trước Bài sau →