VẾT SẸO TRÊN SÀN NHÀ

VẾT SẸO TRÊN SÀN NHÀ

Mặt sàn phòng khách nhà tôi, được lát bằng gạch gốm đồng chất, một loại vật liệu rất rắn chắc, có một vết lõm to bằng đầu ngón tay, rất rõ, cho biết rằng đã phải có một tác động rất mạnh lên bề mặt vô cùng rắn chắc đó. Nó là hậu quả của một cơn nóng giận.

Mỗi lần nhìn thấy nó, lòng tôi lại nhói đau và tự trách bản thân mình. Đôi khi đi qua chỗ đó, có khi tôi lại cố tình tìm nó, một cách vô thức và văng tục khi nhớ lại hành động mất kiểm soát khi ấy.

Nó giống như một vết sẹo luôn có mặt ở đó để nhắc nhở tôi về thái độ và hành vi ứng xử với những người thân trong gia đình, nhất là trước mặt các con.

Hôm đó, vừa về đến nhà, đang uống cà phê thì tôi được nghe vợ tôi vui vẻ kể chuyện cùng đi với cháu bé ra phố để mua gì đó. Tôi hỏi và được biết rằng vợ tôi đã không đội mũ bảo hiểm cho cháu bé khi đi xe máy, với lý do là hai mẹ con đi gần, đi chậm và cháu còn bé quá nên đội mũ có khi còn nguy hiểm hơn vì cổ trẻ con còn yếu.

Cả hai mẹ con còn có vẻ hớn hở vô cùng vì cháu bé lần đầu tiên được ngồi sau xe máy. Trẻ con thường phấn khích khi lần đầu được ngồi xe máy và vui sướng vì có cảm giác rằng mình đã lớn vì được ngồi sau xe máy.

Nghe thấy thế, tôi tức quá, văng tục bằng tiếng Pháp và ném mạnh chiếc cốc đang cầm trên tay xuống sàn nhà. Chiếc cốc vỡ tan tành và để lại vết sẹo đó. Mặt tôi lúc đấy chắc dữ tợn kinh khủng còn hai mẹ con thì vô cùng sợ hãi vì thái độ của tôi.

Sau đó, tôi bỏ đi chỗ khác cho nguôi giận nhưng càng nghĩ càng thấy ân hận vì hành động mất kiểm soát ấy.

Thứ nhất, chiếc cốc đập xuống sàn hoàn toàn có thể bắn thẳng lên mặt, mà nguy hiểm nhất là vào mắt vợ tôi hay cháu bé và gây thương tích cho hai mẹ con, trong khi những mảnh vỡ của chiếc cốc sứ thường rất sắc. Thứ hai là thái độ của tôi khi đó chắc chắn sẽ hằn sâu trong trí nhớ của trẻ, chúng sẽ chỉ thấy tôi đáng sợ chứ chưa hiểu được lý do tại sao, thậm chí cháu bé có thể nghĩ rằng do lỗi của cháu hoặc tôi căm ghét cháu.

Tôi đã từng bị tai nạn xe máy cách nay ngót ba chục năm, bị ngất và mất trí nhớ tạm thời do đi xe máy mà không đội mũ bảo hiểm. Khi ấy còn chưa bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy.

Cũng từng chứng kiến nhiều tai nạn đáng tiếc do không đội mũ bảo hiểm nên tôi có một quy ước với cả nhà là trẻ dưới bảy tuổi không được phép ngồi xe máy, và tuyệt đối không lái hoặc ngồi sau xe máy nếu không đội mũ bảo hiểm. Tôi đã nổi điên vì quy ước này bị phá vỡ và vì cháu bé vừa phải đối diện với rủi ro.

Lúc đó rủi ro thì đã qua rồi, lẽ ra tôi chỉ cần vui vẻ, nhẹ nhàng nhắc nhở thì tôi lại làm nhiễm độc không khí vui vẻ đầm ấm và an toàn trong gia đình bằng thái độ và hành động không kiềm chế ấy. Sự yêu thương và lo lắng không thể được bày tỏ bằng thái độ giận giữ và hung tợn, tuyệt đối không nên.

Trưởng thành cùng với các con, tôi biết và cảm nhận được rất rõ rằng mỗi thái độ, mỗi hành vi và mỗi lời nói của người lớn trong gia đình, đặc biệt là giữa cha và mẹ sẽ tác động rất lớn và sẽ khắc sâu vào tâm trí trẻ để rồi tạo nên sinh lực và năng lượng tích cực cho tâm hồn chúng.

Nguồn sinh lực và năng lượng tích cực trong gia đình có lẽ sẽ theo trẻ suốt cả cuộc đời và giúp chúng làm chủ được cảm xúc của mình và giúp chúng vững chãi trải qua các thăng trầm của cuộc sống. Ý thức rõ điều này nên tôi càng thêm ân hận về hành vi ứng xử của mình trong tình huống đó.

Sự việc xảy ra đã lâu. Giờ thì cảm giác ân hận đã nguôi ngoai nhưng vết sẹo trên sàn nhà vẫn còn đó như để luôn nhắc nhở tôi phải thường xuyên cố gắng làm chủ cảm xúc của mình, nhất là đối với con trẻ.

Đúng là tha thứ cho chính bản thân mình lại thường khó khăn hơn tha thứ cho người khác.

BKQ 29.12.21

---

“Life Mentor – Cha mẹ dẫn lối” là cộng đồng hỗ trợ cha mẹ có con độ tuổi 10-18 trong hành trình giáo dục con, với các hoạt động chính:

(1) Kết nối 1-1 với các Mentor thành công trong đa dạng các lĩnh vực, giúp con hướng nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn, và rút ngắn con đường đến thành công;

(2) Tổ chức các khóa đồng hành cùng cha mẹ, hỗ trợ cha mẹ 80% trong việc cung cấp cho các con tư duy, kỹ năng, bộ phẩm chất, và các bài học quản trị cuộc sống chưa được dạy trong nhà trường.

(3) Hỗ trợ xây dựng lộ trình phát triển của mỗi cá nhân theo từng mục đích của mỗi gia đình, và mỗi giai đoạn cuộc đời.

(4) Tư vấn cách cư xử, giải quyết các tình huống xảy ra hàng ngày với con để duy trì mối quan hệ lành mạnh giữa cha mẹ - con cái.

← Bài trước Bài sau →