CHUYỆN NẾP NHÀ

CHUYỆN NẾP NHÀ

Hay câu chuyện về quy tắc gia đình.

Có một từ rất hay trong giáo dục gia đình, là chữ “nếp nhà”. Đây là một từ của các cụ mà mình rất thích. Các bạn Tây cũng có nếp nhà, họ gọi là “quy tắc gia đình”.

Chữ nếp nhà gói gọn trong nó đầy đủ văn hoá, nền tảng đạo đức, và thói quen của một gia đình. Đó là những quy tắc tích cực truyền từ đời ông bà cha mẹ đến con cháu, để điều chỉnh hành vi của trẻ nhỏ.

Những quy định này, một số gia đình truyền thống viết thành văn bản, nhưng cũng có những gia đình chỉ cần liên tục nhắc nhở, tạo thành thói quen. Điều đó giúp cho:

  • Trẻ con trong nhà hiểu hành vi nào được và không được làm trong gia đình.

  • Người lớn nhất quán trong cách cư xử với trẻ (không phải là hôm nay thì chấp nhận con chửi bậy, mai lại cầm gậy đánh vì nó dám chửi bậy).

Có những quy tắc, sẽ giúp cho mọi thành viên trong gia đình hòa thuận với nhau hơn, cuộc sống gia đình trở nên tích cực và yên bình hơn.

CÁC QUY TẮC GIA ĐÌNH TRÔNG SẼ NHƯ THẾ NÀO?

Mình hay quan sát các gia đình giáo dục con hiệu quả, chủ yếu để “học lỏm” cách họ dạy con hay mà học theo. Đây là cách họ thực hành các quy tắc gia đình một cách bài bản, và vô cùng kiên nhẫn:

  • Nói chính xác hành vi mà cha mẹ mong đợi ở con. Ví dụ: “Mẹ muốn nghe con nói lịch sự. Con không hét lên nhé, nói lịch sự cho mẹ nghe nào”.

  • Quy định phải dễ hiểu đối với trẻ em. Ví dụ: không nói “Con suốt ngày gây ồn ào, không để ai ngủ hả, 11h đến nơi rồi mà còn đùa rinh rích với nhau”, mà hãy nói “9h là đến giờ đi ngủ. Mẹ muốn đi ngủ và tắt đèn bây giờ. 3 phút nữa mẹ sẽ tắt đèn nhé”

  • Nói với trẻ những việc nên làm, chứ không phải những việc không nên làm. Ví dụ: không nói là “Đừng để phòng bừa bộn đấy nhé”, mà hãy nói “Chơi xong con hãy cất đồ chơi vào túi này nhé.”

Những quy tắc này nhiều hay ít tuỳ vào mỗi gia đình. Có những gia đình dễ tính thì chỉ một vài quy tắc đơn giản, hoặc cũng chẳng có quy tắc nào. Có những gia đình siêu gia giáo thì danh sách dài thiên thu.

Nhà mình cũng có những quy tắc nhất định, mà bố mẹ phải thống nhất với nhau trước, tuyệt đối không tranh luận, chưa thống nhất mà đã áp lên con. Khi đó con biết là bố thì ủng hộ, mẹ thì chống, sẽ không nghe lời mẹ, mà xu nịnh bố thì hỏng hết cơm cháo.

Tuy nhiên, nhà mình tiếp cận bằng cách “nhắc nhở nghìn lần, biến thành thói quen”. Nghĩa là dù con có quên, làm sai vẫn không bao giờ cáu, mắng mỏ, không bao giờ “Nói đến thế rồi mà nó vẫn không nghe” hay “Dặn 3-4 lần rồi vẫn quên”. Trẻ con vốn hay quên, đó là chuyện bình thường, đừng vì thế mà từ bỏ vai trò dẫn dắt của cha mẹ, đừng biến cha mẹ từ vai trò người dẫn lối thành vai trò cảnh sát. Nhà mình vẫn kiên nhẫn nhắc đi nhắc lại cho đến khi con hình thành thói quen.

Có tỉ thứ quy tắc mà các gia đình có thể đưa ra để cha mẹ và con cùng thực hành theo. Thú thật nhà mình cũng hơi nhiều. Nhưng tất cả đều là các hành vi tích cực, văn minh mà theo vợ chồng mình thì con nên làm, để trở thành người tử tế. Khi đã là hành vi tử tế, thì không bao giờ là quá nhiều hết.

Sau đây là một số gợi ý từ Life Mentor để các cha mẹ tham khảo nhé:

Hãy nhẹ nhàng khi nói chuyện với nhau.
Luôn nói với cha mẹ nếu ai đó mà con không quen biết muốn làm bạn với con ngoài đời thực hoặc trên mạng
Đợi cho đến khi người khác nói xong thì mình mới nói.
Thay phiên nhau dọn bàn ăn mỗi tối
Gõ cửa trước khi vào phòng của nhau…. và nhiều nhiều nữa.

Với trẻ mẫu giáo, có thể các quy tắc chỉ xoay quanh nhắc nhở ý thức chuyện ăn uống, dọn đồ chơi, đảm bảo an toàn…Với trẻ trước teen (trước 12 tuổi), các quy tắc có thể liên quan đến việc sống tự lập, bớt dần việc cha mẹ làm hộ. Ví dụ như: đánh răng trước khi ngủ, chuẩn bị sách vở cho việc học, tự nấu ăn…

Khi con bước vào tuổi teen, chúng ta mới thấy, việc rèn luyện cho con tuân thủ các mong đợi của cha mẹ có tác dụng cực kì to lớn. Lúc này các quy tắc có thể bao gồm chuyện sử dụng rượu, chất gây nghiện, tình dục, hẹn hò và giờ giới nghiêm. Những mong đợi rõ ràng từ cha mẹ giúp con đưa ra quyết định đúng đắn, mang lại cho teen cảm giác an toàn và có thể tự bảo vệ mình khi không có cha mẹ ở bên.

Một điểm lưu ý là, các cha mẹ có thấy chúng tôi đã chuyển từ chữ “quy tắc” sang thành chữ “mong đợi” không? Đó chính xác là điều chúng ta nên giao tiếp với con. Ở độ tuổi teen, con sẽ ghét bị kiểm soát bằng những quy định cứng nhắc. Lúc này, cách giao tiếp nên là những kì vọng của cha mẹ, nó có thể giúp con cảm thấy như con đang được hướng dẫn hơn là bị kiểm soát.

Con sẽ cần học được rằng các quy tắc là một phần của cuộc sống và con cần phải tuân theo, để tránh xung đột gia đình, làm cho những người còn lại thấy thoải mái khi sống cùng.

Bên ngoài gia đình, con sẽ học được nhà trường có quy định của nhà trường, xe bus có quy định của xe bus, hội thảo có quy tắc riêng của hội thảo, mỗi nơi có những quy định riêng. Con học được cách chung sống với các thành viên trong gia đình, rồi mở rộng ra chung sống cùng bạn bè, cộng đồng. Đi đến đâu tôn trọng người khác và không gian sống của họ ở đó.

---

“Life Mentor – Cha mẹ dẫn lối” là cộng đồng hỗ trợ cha mẹ có con độ tuổi 10-18trong hành trình giáo dục con, với các hoạt động chính:

(1) Kết nối 1-1 với các Mentor thành công trong đa dạng các lĩnh vực, giúp con hướng nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn, và rút ngắn con đường đến thành công;

(2) Tổ chức các khóa đồng hành cùng cha mẹ, hỗ trợ cha mẹ 80% trong việc cung cấp cho các con tư duy, kỹ năng, bộ phẩm chất, và các bài học quản trị cuộc sống chưa được dạy trong nhà trường.

(3) Hỗ trợ xây dựng lộ trình phát triển của mỗi cá nhân theo từng mục đích của mỗi gia đình, và mỗi giai đoạn cuộc đời.

(4) Tư vấn cách cư xử, giải quyết các tình huống xảy ra hàng ngày với con để duy trì mối quan hệ lành mạnh giữa cha mẹ - con cái.

← Bài trước Bài sau →