LẮNG NGHE TÍCH CỰC CẦN NHIỀU HƠN MỘT CHỮ

LẮNG NGHE TÍCH CỰC CẦN NHIỀU HƠN MỘT CHỮ "NGHE"

Chuyện lắng nghe tích cực mình đã đọc từ rất nhiều sách và nghe lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong hành trình gần 8 năm nuôi dạy trẻ con. Mình tưởng là mình đã thực hành RẤT TỐT rồi. Nhưng hoá ra không phải.

Cho đến khi mình đi học một lớp về Làm cha mẹ hiệu quả, có một bài phân tích sâu về “tận cùng” của Lắng nghe tích cực, và còn thêm tiết mục bắt thực hành cách lắng nghe tích cực, mình mới thấy từ lý thuyết (mà mình đã đọc sách) đến thực hành (biến nó thành một lối sống hàng ngày) vẫn còn cách xa nhau quá.

Sau đó mình về nhà, để ý kĩ hơn những phản ứng, biểu hiện, cách thức giao tiếp của con, vì nhiệm vụ là “bóc hành” và “giải mã” những thông điệp mà con nói. Mình mới thấy hoá ra mình làm chưa tốt như mình tưởng.

Ví dụ:

  1. Vy Vy bước vào giai đoạn nói lắm, nhưng lại nói chậm, ngôn ngữ chạy theo không kịp ý nghĩ, nên nói hay vấp và phải quay lại từ đầu để nói từ đầu câu. Mẹ vừa thái rau vừa “ừ ừ, thế hả.” khiến cho Vy Vy rất cáu, hay nói to “Mẹ, mẹ, mẹ nghe con nói đây này.” Rồi nhắc lại từ đầu cả đoạn dài lê thê.

  2. Vy và An hay dỗi vì “Mẹ, mẹ không nhìn con, mẹ nghe con nói đi. Sao mẹ cứ nhìn đi đâu”....

Đúng như khái niệm:
“Lắng nghe tích cực là một cách rất tốt để cải thiện giao tiếp của bạn với con bạn. Nó cho con bạn biết bạn quan tâm đến những gì bé nói.”

Biểu hiện của Lắng nghe tích cực là:

  • Dành toàn bộ sự quan tâm của bạn cho con

  • Giao tiếp bằng mắt và dừng tất cả những việc khác đang làm

  • Ngồi thấp xuống ngang tầm của con

  • Phản hồi hoặc lặp lại những gì con nói, “giải mã” những gì bạn hiểu về cảm xúc, mong muốn của con

Bước 4 là trình độ cao siêu hơn rồi, cần một số kỹ thuật nhất định mà phải đi học để có người hướng dẫn cho. Nhưng 3 bước đầu tiên hoàn toàn ai cũng có thể làm được, bất kể trình độ, điều kiện gia đình thế nào.

Đấy, có mỗi 4 cái gạch đầu dòng nhỏ thế thôi, mà nhiều cha mẹ chúng ta không làm được, hoặc thực hành chán chê mãi vẫn chưa thành thói quen.

Bởi vì chúng ta rất dễ dàng phớt lờ các vấn đề của con cái, đặc biệt nếu cha mẹ có một ngày tồi tệ, mệt mỏi hoặc bận rộn, thì auto con cái bị phớt lờ “Để yên cho mẹ làm việc”, “Tránh ra cho bố nghỉ ngơi”. Nhưng lắng nghe con là liệu pháp rẻ nhất và kì diệu nhất, giúp giữ gìn tình cảm và kết nối với con. Nó rẻ hơn nhiều một món quà ở trung tâm thương mại, nó rẻ hơn nhiều một chuyến đi xa hâm nóng tình cảm gia đình, nó rẻ hơn nhiều các buổi tư vấn chữa lành tổn thương tâm lý, nó rẻ hơn nhiều những xung đột giữa cha mẹ và con cái do không thấu hiểu nhau.

Sau đây là một ví dụ, để giải mã tâm tư của con khi con nói chuyện với cha mẹ nhé:

Mẹ đón con gái từ trường về, con khóc rấm rứt và nói rằng bạn Na đã lấy món đồ chơi yêu thích của con, và còn lè lưỡi trêu con.
Mẹ: “Có vẻ như con rất buồn về việc bạn Na lấy mất món đồ chơi yêu thích của con à?”
Con tiếp tục khóc và gật đầu. “Con sợ bạn Na sẽ làm vỡ đồ chơi”
Mẹ: “Vậy là con sợ bạn Na có thể làm hỏng đồ chơi của con?”
Con: Con không thích bạn Na. Bạn ấy suốt ngày cậy được cô giáo ưu ái, bạn ấy tưởng cái gì cũng lấy được đấy chắc.
Mẹ: “Ồ, vậy bạn Na được ưu tiên quá nhỉ, và con thì không thích bạn ấy lợi dụng được ưu tiên mà lấy đồ của con.”
Con lúc này, đã bình tĩnh lại một chút. “Con có thể cho bạn ấy mượn, nhưng bạn ấy phải hỏi xin con lịch sự chứ”.

Như vậy, nhờ lắng nghe chủ động, mẹ đã hiểu được con cần bạn đối xử với con lịch sự, chứ con không tiếc món đồ chơi. Kĩ thuật này chúng tôi gọi là “bóc hành”.

Những đứa trẻ, dù nhỏ hay lớn, đều cần biết rằng bố mẹ sẽ lắng nghe mình nói, hiểu mình. Có người nghe thì trẻ mới nói. Hôm nay trẻ nói về mấy chuyện học hành chơi chơi, bạn bè trên lớp, nếu cha mẹ chịu nghe, chịu kết nối, thì ngày mai trẻ mới nói cho chúng ta nghe về những hy vọng, những dự định, những mối quan hệ, những tình yêu, những va vấp trong cuộc đời.

Sau khi học kĩ về “Lắng nghe chủ động”, nay mình “sống chậm” hơn rất nhiều. Không tranh thủ 2 việc một lúc nữa (vừa thái rau, vừa trò chuyện với con). Không giục con nhanh nữa (con nghĩ nhanh nhưng diễn đạt chậm, mẹ phải ngồi im mà nghe con nói cho xong câu). Không sốt ruột, nhanh nhanh chóng chóng cho xong với con để làm việc khác nữa (vì “bóc hành” cần phải rất kiên nhẫn, lời nói của con chưa phải là những ấm ức thật của con, đằng sau nhiều lớp vỏ hành mới là mong muốn thật sự).

Hành trình làm cha mẹ còn dài, vẫn phải cặm cụi học mỗi ngày để thấu hiểu và yêu thương con nhiều hơn.

---

“Life Mentor – Cha mẹ dẫn lối” là cộng đồng hỗ trợ cha mẹ có con độ tuổi 10-18trong hành trình giáo dục con, với các hoạt động chính:

(1) Kết nối 1-1 với các Mentor thành công trong đa dạng các lĩnh vực, giúp con hướng nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn, và rút ngắn con đường đến thành công;

(2) Tổ chức các khóa đồng hành cùng cha mẹ, hỗ trợ cha mẹ 80% trong việc cung cấp cho các con tư duy, kỹ năng, bộ phẩm chất, và các bài học quản trị cuộc sống chưa được dạy trong nhà trường.

(3) Hỗ trợ xây dựng lộ trình phát triển của mỗi cá nhân theo từng mục đích của mỗi gia đình, và mỗi giai đoạn cuộc đời.

(4) Tư vấn cách cư xử, giải quyết các tình huống xảy ra hàng ngày với con để duy trì mối quan hệ lành mạnh giữa cha mẹ - con cái.

← Bài trước Bài sau →