TUỔI TEEN CHỐNG ĐỐI - VÀ NHỮNG ĐÁP ÁN ĐẰNG SAU HÀNH VI KHÓ CHỊU (P2)
- Người viết: Life Mentor lúc
- Kỹ năng làm cha mẹ
Khi con bước vào tuổi teen, cha mẹ buộc phải học nhiều hơn về cách sống của lứa tuổi này. Đồng thời cũng cần chấp nhận, chúng ta có ít vị thế hơn trong mắt một trẻ tuổi vị thành niên, cả về uy quyền, kiến thức, sự thông thái…
Vậy có những sự biến đổi nào ở tuổi teen và cha mẹ nên làm gì? Hãy cùng Life Mentor tìm hiểu nhé.
4. Chuyển từ chăm chút sang lạnh lùng
Hãy nhớ lại những ngày đứa bé chũm chĩm của chúng ta còn bé, lúc nào đứa trẻ ấy cũng muốn ôm ấp, rúc vào nách mẹ.
Nhưng khi con vào tuổi teen, con tự biến mình thành một ốc đảo độc lập. Con cũng không để ý là cha mẹ đang nhìn mình, thậm chí không chào đáp lại, thay vào đó là ẩn náu sau cánh cửa khép kín.
Cha mẹ đừng lo. Không phải con hết yêu cha mẹ đâu. Vấn đề chỉ là con ít biểu hiện những hành động thể hiện hoà đồng thôi. Con hành động kiểu “trưởng thành” hơn, và tạo ra khoảng cách với cha mẹ nhiều hơn. Con dành sự tập trung của mình vào các hoạt động xã hội, nhằm mục đích thể hiện mình ngoài xã hội, kết thân bạn bè nhiều hơn. Sự tập trung dành cho gia đình (thậm chí việc học hành, phát triển bản thân) ít đi.
Với cha mẹ, thay vì cáu gắt, kéo con về, hay nói những lời gây tổn thương với con, thì cha mẹ hãy liên tục chủ động giao tiếp với con (dù bị đáp lại lạnh lùng). Chỉ đơn giản một câu “Mẹ rất vui khi con có nhiều bạn bè, và mẹ cũng muốn có khoảng thời gian vui vẻ bên con” đã là một lời nhắc nhở ấm áp về tình cảm gia đình với con.
5. Chuyển từ nhận xét sang chỉ trích
Trong khi trẻ con thường nhìn cha mẹ như thần tượng, ngưỡng mộ cha mẹ lắm lắm, thì tuổi teen thấy cha mẹ bình thường hơn, thực tế hơn.
Cha mẹ càng giỏi, càng thành công thì càng là cái bóng quá lớn với con. Nếu không khéo léo trong giao tiếp, nếu đặt yêu cầu quá cao, các bạn tuổi teen dễ bị choáng ngợp và thấy nghìn năm cũng không đạt được đến sự “hoàn hảo” như cha mẹ. Vì thế, các con có xu hướng “cắt giảm” tiêu chuẩn của cha mẹ hoàn hảo xuống thành những tiêu chuẩn “bình thường”. Biểu hiện cụ thể là:
Bố mẹ cũng bình thường thôi
Bố mẹ chẳng hiểu gì con hết
Bố mẹ chẳng biết gì về chuyện này đâu.
Bố mẹ cũng bừa bộn mà
Không phải cứ là bố mẹ thì cái gì cũng đúng.
Đây là cách con hạn chế vai trò hình mẫu của người lớn, để mình không phải dập khuôn theo một hình mẫu, một tượng đài lớn nào. Một cách lý giải khác, là con tiếp xúc với xã hội nhiều hơn, gặp nhiều trường hợp giỏi giang thành công hơn, biết nhiều chuyện của lứa tuổi con hơn, con cho rằng bố mẹ không cùng “vùng hiểu biết” với con nữa.
Để tránh đẩy nhau về hai phía ngày càng xa hơn, cha mẹ hãy sẵn sàng công nhận sự thiếu sót của mình. Hãy khiêm tốn và hài hước đặt cái tôi của mình xuống. Sẵn sàng xin lỗi con về bất cứ lời nói hay hành vi gây tổn thương nào cho con.
“Bố mẹ cũng mắc lỗi, bố mẹ xin lỗi con vì đã gây rắc rối cho con. Có nhiều việc con cũng làm tốt hơn bố mẹ đã làm đấy.”
6. Từ tương đồng sang tương phản
Khi con bước vào tuổi teen, nhiều bạn trẻ có xu hướng khác biệt với cha mẹ, để được là chính mình. Không muốn mình trở thành một bản sao của bố hay mẹ.
Cha mẹ thì thở dài
“Con mình vào tuổi teen đã không còn dành thời gian cho mình nữa, không có cùng quan điểm về một vấn đề nữa.”
Con cũng đồng ý với cha mẹ, nhưng với một thái độ rất khác:
“con không thích chơi những trò trẻ con với bố mẹ nữa, con cũng không đồng tình với nhiều quan điểm của bố mẹ.”
Trẻ chuyển sang tìm kiếm sự tương đồng với bạn bè và các mối quan hệ xã hội, chứ không phải sự tương đồng với cha mẹ nữa.
Thỉnh thoảng, cha mẹ thấy con rất hợp tác, “ngoan được mấy ngày” hoặc “tự nhiên mối quan hệ tốt đẹp lại”. Biểu hiện cụ thể là: vân lời bố mẹ, phụ giúp việc nhà, tâm sự với cha mẹ, hành động như thể chăm sóc gia đình, khen ngợi, chia sẻ…
Đó là khi trẻ bấm nút cài đặt trở lại vị thế của một đứa trẻ, và có hàng loạt những hành vi “ngoan ngoãn” của đứa trẻ ngày xưa để làm hài lòng cha mẹ mình.
“Nhằm hoà hợp với bố mẹ, và có được những gì mình muốn, mình sẽ hành động tử tế.”
Đây là một chiến thuật của tuổi teen mà chưa bao giờ lỗi thời. Trẻ biết rõ cha mẹ mong đợi những hành vi thế nào, biết rõ cha mẹ cần con học hành tử tế và điểm số tốt thế nào. Vì thế, “cách tốt nhất để có được những gì mình muốn từ bố mẹ là hành động tử tế để bố mẹ có được tâm trạng tốt cái đã. Lúc đó xin gì cũng được.”
Lúc này, cha mẹ không nên “bóc mẽ” con kiểu như”
Lại chuẩn bị xin gì đúng không?
Sao hôm nay tự nhiên trời đổi gió hay sao mà lại ngoan thế?
Hôm nay lại còn quét nhà cơ đấy.
Gớm, được mấy hôm.
Thấy làm việc nhà là có vẻ bất thường rồi.
Đã dọn nhà thì dọn luôn cái ổ lợn trong phòng con đi.
Thay vào đó, hãy cảm ơn, ghi nhận những hành vi tích cực của con. Để trẻ tiếp tục những hành vi tốt đẹp đó, trân trọng và khen ngợi, đối xử công bằng với con. Vì khi con vào tuổi teen, con vẫn muốn được cha mẹ quan tâm, yêu thương. Nhiều bạn teen hay tị nạnh với em bé hơn, cảm thấy ít được yêu thích hơn em bé vì các em nhỏ vẫn còn khả năng để làm hài lòng cha mẹ.
----
Kiến thức từ sách “Vị thành niên - Viên ngọc quý” (Tiến sĩ Tâm lý học Carl Pickhardt).
Người kể chuyện: Mai Mai - Family Education Mentor
—
Mai Mai - Family Education Mentor
Founder @LifeMentor.vn
Liên hệ công việc: lifementor.vn@gmail.com
Website: https://lifementor.vn
Group FB https://www.facebook.com/groups/lifementor2021
Spotify https://spoti.fi/3zXawQT
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UC7_rmsgL-OwgalsEoUwr9aA
Google podcast: https://bit.ly/3JGQcq9
TikTok: https://www.tiktok.com/@maimai_parenting
Các khóa học Life Mentor đang cung cấp: http://khoahoc.lifementor.vn