NHỮNG NGƯỜI THÀNH CÔNG ĐƯỢC NUÔI DẠY NHƯ THẾ NÀO?

NHỮNG NGƯỜI THÀNH CÔNG ĐƯỢC NUÔI DẠY NHƯ THẾ NÀO?

Ai cũng biết rằng mục đích chính của việc giáo dục con cái là nuôi dạy nên những người trưởng thành có đầy đủ kỹ năng, tự chăm sóc bản thân và đóng góp tích cực cho xã hội. 

Thời điểm vàng phải hoàn thành việc rèn nếp cho con là trước khi con 18 tuổi, thời điểm con bước ra khỏi nhà, vào đại học, gia nhập xã hội và thị trường lao động thì cha mẹ sẽ gần như còn rất ít ảnh hưởng đến việc rèn dũa con hàng ngày. 

Tôi vốn có tính tò mò, luôn luôn theo dõi sát những thanh nhiên trẻ có hành vi và đạo đức tốt, tính cách dễ chịu và có những thành công sớm trong cuộc sống. Rồi tôi hay tò mò hỏi xem cha mẹ các em đã rèn luyện các em như thế nào. 

Và dưới đây là 10 biểu hiện về một người trẻ có đầy đủ kỹ năng tốt, là kết quả của những cha mẹ nuôi dạy con xuất sắc:

1. Hiểu được giá trị lao động chăm chỉ

18 năm cuộc đời, có rất nhiều thứ mà chúng ta có thể dạy một đứa trẻ: thể thao, kịch, trường học, âm nhạc, việc nhà và việc làm bán thời gian, các đức tính…. Vấn đề là tài năng chỉ là biểu hiện nhất thời, nếu không tận tâm, tận lực theo đuổi, thì tài năng mãi là tiềm năng chưa nhú. Sự can đảm quyết tâm mới là thứ đưa con người tiến xa hơn. Những người trẻ thành công thường kiên trì đeo đuổi mục tiêu, dù có khó khăn nào xảy đến chăng nữa. 

2. Hòa hợp với người khác

Bài học này thường được dạy từ trường mẫu giáo nhưng bị lãng quên trong những năm mười bảy tuổi. Khi ở độ tuổi thanh thiếu niên, trẻ có xu hướng tách thành các nhóm như: mọt sách, nghệ thuật, kịch, học thuật, thể thao… và các nhóm sở thích khác. Những bạn trong cùng một nhóm sẽ rất gắn kết với nhau, học thêm được nhiều điều từ nhau, điều này thật sự hữu ích. Nhưng giữa các nhóm với nhau lại hay có mâu thuẫn, hoặc không hoà hợp, không thèm nói chuyện. Cha mẹ có lẽ nên củng cố lại triết lý từ trường mẫu giáo cho các con, và cũng là chuẩn bị cho một tương lai rộng lớn hơn, khi mà con người phải hoà hợp với nhau để cùng làm việc. 

3. Tiêu tiền khôn ngoan

Nhiều gia đình bỏ quên mất việc dạy con về tiền bạc, vì cho rằng đó là thứ của thế giới người lớn. Nhưng tiền bạc, tiêu tiền, kiếm tiền, tiết kiệm, đầu tư là một lĩnh vực khó, chúng ta không thể trông đợi một đứa trẻ tự nhiên biết những kiến thức này nếu cha mẹ không dạy. Trẻ con rất nên được tiếp xúc với khái niệm tiền bạc từ khi khoảng 5 tuổi. Dạy con về tiền bạc chính là cha mẹ đã trao cho con một món quà lớn mà trẻ sẽ dùng đến trong suốt cuộc đời về sau. 

4. Làm việc nhà 

Thật đáng tiếc là các trường học ngày nay chỉ có thể tập trung vào dạy các kiến thức học thuật, còn cha mẹ lại quá bận rộn, không thể dành thời gian hướng dẫn trẻ những kĩ năng làm việc nhà hay quản trị gia đình. 

Một đứa trẻ được rèn việc nhà từ sớm, sẽ có những thói quen sống lành mạnh, sạch sẽ, quy củ. Khi đến trung học, trẻ đã có thể tự giặt giũ, dọn dẹp nhà tắm, tự nấu ăn, tạo chế độ ăn uống cân bằng, tự thu dọn, tự làm việc nhà, ủi quần áo, may vá, có khả năng sửa chữa nhỏ, có kỹ năng chăm sóc ô tô, mua quần áo và có thể sống độc lập. Những đứa trẻ không được dạy những bài học này thường có xu hướng lui về nhà để được cha mẹ chăm sóc.

5. Biết quản lý cảm xúc 

Có thể nghe điều này rất bất ngờ, nhưng hầu hết trẻ em đều trải qua ít nhất một cuộc khủng hoảng lớn (tai nạn, chấn thương, lạm dụng, bị bắt nạt, tẩy chay, đánh mất một người bạn, bị hiểu lầm, chứng kiến người thân mất, hoặc chia ly….) trong thời thơ ấu của của mình. 

Cách phụ huynh xử lý những sự cố này quyết định rất nhiều đến việc đứa trẻ học được gì, và quản lý được những cảm xúc mãnh liệt như tức giận, lo lắng, trầm cảm, mặc cảm, xấu hổ và tự ti. Những đứa trẻ được cha mẹ quan tâm về cảm xúc, sẽ rèn được kỹ năng quản lý cảm xúc đúng đắn, ứng xử phù hợp với những khó khăn trong cuộc sống. 

6. Biết cách đặt mục tiêu và hoàn thành mục tiêu

Tôi biết nhiều cha mẹ làm một điều rất đúng đắn, đó là khuyến khích con đặt mục tiêu cá nhân cho năm học tới hoặc một năm mới. Cha mẹ không nên là người đặt ra mục tiêu. Một đứa trẻ đạt được mục tiêu mà chúng tự đặt ra sẽ có được sự hài lòng lớn hơn nhiều. Tuy nhiên, cha mẹ có thể giúp trẻ chia nhỏ mục tiêu từ một năm đến các bước hàng tháng và sau đó là các hành động hàng ngày. Đây sẽ là một thói quen vô giá khi con bước vào cuộc sống sau này. 

7. Có giá trị đạo đức tốt đẹp

Những đứa trẻ hành xử lịch sự và biết điều, thường hiểu rất rõ tầm quan trọng của đạo đức trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Ví dụ: giữ đạo đức ở trường (không gian dối), ở cửa hàng (không ăn cắp), ở nhà (không nói dối), và ở khu phố (không phá hoại tài sản). Để rèn được những giá trị cơ bản này, cha mẹ cần vừa làm gương, vừa tỉ mỉ hướng dẫn từng tí một. 

8. Hiểu rõ và yêu quý lịch sử của gia đình mình

Có thể điều này không phổ biến lắm, vì cuộc sống hiện đại khiến cho sự kết nối các thế hệ trở nên lỏng lẻo hơn. Nhưng nếu cha mẹ dạy được con về sự kết nối này, và hiểu rõ lịch sử gia đình, thì thật quý giá. Đây sẽ là điều vô cùng hữu ích trong việc thiết lập cảm giác thân thuộc. Đối với mỗi gia đình, có những khía cạnh văn hóa hoặc lịch sử khác nhau, gắn với lịch sử, biến cố của xã hội và quốc gia. 

Kể cả gia đình có những góc tối, như ly hôn, có người bệnh tim, trầm cảm, nghiện ngập hoặc rối loạn nhân cách… nếu như trẻ hiểu được và cảm thông, không xấu hổ vì chuyện đó, thì trẻ sẽ rất vững vàng trước dư luận. Tất nhiên, khía cạnh tích cực của một gia đình như lòng dũng cảm, đức tin, sự quyết tâm, kiên trì, cam kết, trung thành và những nghề/ tài năng đặc trưng của gia đình, cũng là một điều rất đáng tự hào để đứa trẻ tin tưởng với sợi dây kết nối của mình. 

9. Sự phát triển về mặt tinh thần

Nếu một đứa trẻ dưới 18 tuổi, có thể nhận ra mình là một phần nhỏ của cuộc sống rộng lớn, mình không phải là trung tâm của vũ trụ, trẻ sẽ học được sự tôn trọng người khác. Tôn trọng và thiếu chính kiến là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Một người có thể tôn trọng ý kiến ​​của người khác mà không cần đồng ý với họ. Cha mẹ hãy là người hướng dẫn đúng đắn để khuyến khích sự phát triển tinh thần lành mạnh cho con cái nhé.

10. Lòng hướng thiện, sự cho đi

Một đứa trẻ có lòng trắc ẩn, sự đồng cảm với người kém may mắn hơn mình quả là điều đáng quý. Hạt giống của sự từ tâm cần phải gieo từ rất sớm, để sau này mới có sự bao dung, thương yêu người yếu thế. Nhiều đứa trẻ từ khi 10 tuổi đã biết san sẻ với bạn, yêu thương cha mẹ, trân trọng thầy cô, tiết kiệm tiền đem đi từ thiện, làm nhiều việc tốt giúp đỡ mọi người, sẽ là điều vô cùng quý giá. 

Nguồn tham khảo: “10 outcomes of successful parenting”, trang psychcentral.com

“Life Mentor – Cha mẹ dẫn lối” là cộng đồng hỗ trợ các cha mẹ có con độ tuổi 10-18 trong hành trình giáo dục con, với các hoạt động chính:

  • Kết nối 1-1 với các Mentor thành công trong đa dạng lĩnh vực.
  • Định hướng sự nghiệp thông qua hoạt động trải nghiệm đa dạng các ngành nghề trong xã hội.
  • Giúp con xây dựng tư duy, kỹ năng xã hội và các bài học về quản trị cuộc sống chưa được dạy trong nhà trường.

Chúng tôi xây dựng dự án Life Mentor để lưu giữ lại những tri thức mà chúng tôi học được từ nhiều nguồn trên thế giới, như một di sản để lại cho các con mình, và nhiều trẻ em Việt Nam. 

Life Mentor mong muốn mọi trẻ em đều được thấu hiểu, tôn trọng, định hướng phát triển tiềm năng và sự nghiệp theo đúng năng lực và đam mê. Đội ngũ Mentor sẽ đồng hành trong quá trình phát triển của mỗi bạn nhỏ. Hãy cùng chúng tôi chung tay nhé.

Liên hệ công việc: lifementor2021@gmail.com

Website: https://lifementor.vn

Group FB: https://www.facebook.com/groups/lifementor2021

Spotify: https://spoti.fi/3zXawQT

← Bài trước Bài sau →