LÀM THẾ NÀO ĐỂ NÓI CHUYỆN VỚI TRẺ VỀ NHỮNG HÀNH VI KHÔNG LÀNH MẠNH?

LÀM THẾ NÀO ĐỂ NÓI CHUYỆN VỚI TRẺ VỀ NHỮNG HÀNH VI KHÔNG LÀNH MẠNH?

Khi trẻ bước vào độ tuổi khoảng 12, trẻ sẽ trải qua sự phát triển lớn về tế bào thần kinh, điều này sẽ chi phối hành vi và việc ra quyết định của trẻ.  “Nghĩa là trẻ không suy nghĩ trước khi hành động bởi vì não của trẻ không có dây thần kinh để làm điều đó”, bác sĩ nhi khoa của UNC Health Care, Martha Perry, MD nói.

Và thế là thanh thiếu niên sẽ có nguy cơ tham gia vào các hành vi nguy hiểm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và an toàn.

Nuôi dạy những đứa trẻ thích trải nghiệm sự “rủi ro”

Nuôi một đứa trẻ ham thích mạo hiểm trong nhà thật là hại não. Trẻ bước vào giai đoạn bắt đầu khám phá thế giới và quyết liệt đưa ra quyết định, cha mẹ có thể giúp con bằng cách nào?

Điều đầu tiên, chúng ta phải chấp nhận rằng trẻ đang thử thách các giới hạn, và tìm kiếm rủi ro, nên chúng ta CẦN TẠO CƠ HỘI CHO TRẺ THỰC HIỆN HÀNH VI NÀY MỘT CÁCH AN TOÀN. Một số ví dụ như: tham gia thể thao, chơi các trò mạo hiểm ở công viên giải trí, tham gia biểu diễn ca nhạc, hài kịch hoặc khiêu vũ. 

Điều quan trọng thứ hai mà cha mẹ cần nhận biết là THANH THIẾU NIÊN RẤT NHẠY CẢM trong thời gian này. Đó có thể là một khoảng thời gian rất khó hiểu: đôi khi các con rất có lý trí và đưa ra quyết định phù hợp, nhưng cũng có những lúc, không thể lý giải tại sao con lại đưa ra một lựa chọn “ngốc nghếch” như vậy. 

Tận dụng mọi cơ hội để nói chuyện với trẻ

Chúng ta cần đưa cho các con những thông tin chính xác, không thiên vị, không nên đưa ý kiến cha mẹ, để hòng điều hướng quyết định của trẻ. 

Ví dụ, cha mẹ nói chuyện với teen về vaping (hút thuốc lá điện tử), uống rượu, quan hệ tình dục hoặc sử dụng ma túy, và các chủ đề gây tranh cãi khác, hãy đưa ra những thông tin dữ liệu khoa học (fact), chứ chưa cần đưa ý kiến cha mẹ. Nếu cha mẹ nói về tình dục nhưng hàm ý chê bai, cấm cản thì ngay lập tức, trẻ sẽ đóng sập cánh cửa trái tim mình, và cha mẹ mất cơ hội để con mở lòng trò chuyện. 

Một cách để giúp trẻ định hướng những quyết định này là thường xuyên lôi vấn đề nhạy cảm ra nói. Ví dụ: nếu đang đi chơi cùng con và thấy ai đó đang thực hiện một hành vi nguy hiểm, chẳng hạn như vaping, hãy sử dụng nó như một cơ hội để dạy trẻ. Cha mẹ có thể hỏi, “Con đã nghe nói về vaping, hoặc con đã thấy mọi người vaping chưa?” Sau đó hãy cung cấp thông tin chính xác, phù hợp với lứa tuổi của trẻ, chẳng hạn như vaping có thể nguy hiểm cho phổi của con và gây nghiện. Sau đó, cha mẹ có thể tiếp tục “Con có biết nghiện là gì không?” Rồi dẫn dắt con nói về nhiều điều đó.

Tiến sĩ Perry nói: “Nếu cha mẹ bắt đầu cuộc trò chuyện càng sớm thì trẻ càng có nhiều nhận thức hơn và càng có nhiều cơ hội hơn để tự suy nghĩ về nó. Khi trẻ rơi vào tình huống mọi người xung quanh đều hút thuốc hoặc vaping, chúng sẽ có nhiều kiến thức, tư duy, và trí tuệ hơn để đưa ra lựa chọn lúc đó.”

Nhưng cha mẹ hãy cẩn thận vì có thể cung cấp thông tin sai lệch, điều đó sẽ khiến trẻ mất lòng tin. “Nếu con vape một lần, con sẽ nghiện” hoặc “Nếu con quan hệ tình dục, con sẽ có thai” là thông tin không hoàn toàn chính xác. Cha mẹ tất nhiên muốn con cái tin tưởng vào những gì mình nói phải không nào – Tiến sĩ Perry nói.

Vì vậy, hãy đảm bảo lấy thông tin từ các nguồn đáng tin cậy. Cha mẹ cũng có thể thừa nhận rằng mình không có tất cả kiến thức, dữ liệu, và sẵn cùng con tra cứu. Điều đó khiến khiến việc học tập cùng trở thành một trải nghiệm tuyệt vời.

Phải làm gì với những hành vi rủi ro của trẻ?

Cha mẹ hãy “cố gắng” coi đó là bình thường và đơn giản hoá điều đó. Nếu cha mẹ phát hiện ra con đã có hành vi nguy hiểm, xin đừng lo lắng. Hãy cởi mở, tự nhiên nói chuyện với con, giúp làm cho một tình huống phức tạp trở nên nhẹ nhàng hơn đối với con.

Ví dụ, nếu trẻ tập tành uống rượu, cha mẹ phát hiện ra. Trẻ sẽ cảm thấy bị đánh giá hoặc có thể gặp rắc rối với cha mẹ mình, trẻ sẽ không dám công khai chia sẻ. Sẽ rất khó, nhưng cha mẹ hãy nói: “Cảm ơn con vì đã tin tưởng chia sẻ thông tin cho mẹ. Con hãy kể xem vì sao con lại làm việc đó? Khi lén lút uống rượu, con cảm thấy thế nào?”

“Trẻ em sẽ ngạc nhiên khi nghe cha mẹ nói chuyện với chúng theo cách đó. Điều đó trẻ không hề ngờ đến, vì tụi nhỏ đoán cha mẹ sẽ nổi trận lôi đình. Nhưng việc nói chuyện cùng với con như vậy chính là cách hữu hiệu để cha mẹ có thêm được thông tin và có thể giúp con trong tương lai.” – Tiến sĩ Perry nói. 

Hãy luôn nhớ, không khai thác thông tin để sau này đay nghiến hoặc trừng phạt trẻ. Mà cha mẹ hãy luôn nhắc lại thông điệp “mẹ đang quan tâm là để giúp con đảm bảo an toàn cho con”, và cũng giúp cha mẹ tránh phán xét.

Nếu cha mẹ tức giận, không hài lòng vì hành vi uống rượu của con, hãy tách ra khỏi tình huống, ra chỗ khác để lấy lại bình tĩnh. Và khi quay lại nói chuyện, dù có mắng con, cũng đừng dùng tông giọng chửi bới, chỉ trích, mà hãy chỉ thể hiện thái độ của mình một cách ôn hoà: “Mẹ rất thất vọng vì con đã uống rượu. Nhưng dù sao con đã chọn nói ra với mẹ, nghĩa là con tin tưởng mẹ, và mẹ mong muốn giúp đỡ con.” – Tiến sĩ Perry nói.

Hãy tìm đến bác sĩ y khoa, chuyên gia chứ đừng hỏi kinh nghiệm trên mạng 

Có nhiều dấu hiệu cho thấy teen đang gặp phải những thách thức cần sự trợ giúp của chuyên gia bao gồm: chán ăn và sụt cân, các hành vi thu mình bí mật, giảm hứng thú với thế giới, bị bạn bè cô lập… “Bất cứ khi nào cha mẹ nhận thấy có sự thay đổi lớn như vậy, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia như bác sĩ nhi khoa, bác sĩ tâm lý…” – TS. Perry nói.

Hãy chia sẻ với trẻ lý do cần phải đi thăm khám bác sỹ, để trẻ cảm thấy mình được giúp đỡ chứ không phải bị đánh giá, không phải là một hình trừng phạt.

Hình phạt không bao giờ là cách hiệu quả để thay đổi hành vi về lâu dài. Cha mẹ cần cho trẻ thấy rằng mình quan tâm đến sự an toàn của trẻ và mong muốn hỗ trợ để trẻ có thể an toàn khám phá thế giới.

Nguồn tham khảo: “how to talk to your teen about unhealthy behaviors”, trang Health Talk.

“Life Mentor – Cha mẹ dẫn lối” là cộng đồng hỗ trợ các cha mẹ có con độ tuổi 10-18 trong hành trình giáo dục con, với các hoạt động chính:

  • Kết nối 1-1 với các Mentor thành công trong đa dạng lĩnh vực.
  • Định hướng sự nghiệp thông qua hoạt động trải nghiệm đa dạng các ngành nghề trong xã hội.
  • Giúp con xây dựng tư duy, kỹ năng xã hội và các bài học về quản trị cuộc sống chưa được dạy trong nhà trường.

Chúng tôi xây dựng dự án Life Mentor để lưu giữ lại những tri thức mà chúng tôi học được từ nhiều nguồn trên thế giới, như một di sản để lại cho các con mình, và nhiều trẻ em Việt Nam. 

Life Mentor mong muốn mọi trẻ em đều được thấu hiểu, tôn trọng, định hướng phát triển tiềm năng và sự nghiệp theo đúng năng lực và đam mê. Đội ngũ Mentor sẽ đồng hành trong quá trình phát triển của mỗi bạn nhỏ. Hãy cùng chúng tôi chung tay nhé.

Liên hệ công việc: lifementor2021@gmail.com

Website: https://lifementor.vn

Group FB: https://www.facebook.com/groups/lifementor2021

Spotify: https://spoti.fi/3zXawQT

← Bài trước Bài sau →