Đột nhiên vào một ngày nào đó, đứa trẻ đang tuổi lớn của chúng ta bỗng nhiên im lặng. Đi học về là cúi gằm mặt ăn cơm, rồi vào phòng ngồi tu cả ngày không ló mặt ra, cha mẹ tiếp cận lại còn càu nhàu nhấm nhẳng. Không có một cách nào có thể cạy miệng con nói ra bất cứ điều gì đang diễn ra với con. Cứ như đưa trẻ hồn nhiên lắm mồm mọi khi đột ngột biến mất vậy, thay vào đó là một ông tượng trong nhà. Vậy phải làm thế nào để chúng ta kết nối lại với con? Để con cho phép chúng ta bước vào cuộc sống của chúng?
Trường hợp như trên thường xảy ra với trẻ em khi vào độ tuổi từ 9 đến 15. Trong suốt giai đoạn kỳ lạ, lấp lửng này của cuộc đời, tự nhiên, chúng không còn là những đứa trẻ nữa. Nhưng trẻ đang ở ranh giới mấp mé bước vào tuổi vị thành niên và còn lâu mới trở thành người lớn.
Cùng với tất cả những biến đổi cơ thể rõ ràng mà chúng ta nhìn thấy, có vẻ như con biến thành một người hoàn toàn khác chỉ qua một đêm. Bên trong con, là một thế giới đang cuồn cuộn thay đổi. Một trong những điều khó khăn nhất mà cha mẹ phải đối mặt là con đột ngột ngừng giao tiếp với mình.
Christine Schneider, một nhà trị liệu tâm lý tại California cho rằng, việc này có thể khó khăn với cha mẹ, nhưng lại là điều hoàn toàn bình thường. Chính con cũng cảm thấy khó hiểu, sao mình tự nhiên đang bình thường lại hay cáu bẳn thế nhỉ. Con cũng đang rất khó khăn để tìm ra bản thể của mình, định vị mình là ai trong thế giới này, tính cách của mình nên thế nào, mình nên tìm được chỗ đứng của mình trong cộng đồng thế nào… Cha mẹ nếu không tinh tế, sẽ mắng mỏ, đau khổ vì con thay đổi, hay coi điều đó là không quan trọng, mặc kệ con vì tiếp cận nó mà nó cứ đẩy mình ra. Xin nhắc lại rằng, trẻ cũng đang rất khó khăn tìm hướng đi, cha mẹ cần là người bên cạnh sẵn sàng hỗ trợ về mặt tinh thần trong giai đoạn này.
Nói cách khác, trẻ tuổi teen rất muốn trò chuyện với ai đó hiểu và thương mình, nhưng lại không chắc cha mẹ có thể làm được điều đó, nên chúng vừa đẩy cha mẹ ra xa, nhưng nếu cha mẹ bỏ chúng mà tránh xa, thì chúng lại tổn thương buồn khổ vì bị bỏ rơi, và muốn kéo lại gần.
Vậy nên trong giai đoạn vị thành niên đầy biến động này, con cần sự hướng dẫn và hỗ trợ của cha mẹ hơn bao giờ hết. Đừng nên mong con chủ động, chính cha mẹ phải là người cố gắng thúc đẩy cánh cửa giao tiếp mở ra.
Dưới đây là một số gợi ý dành cho các cha mẹ nhé:
Rời xa màn hình và tập trung ăn uống
Bữa ăn gia đình là thời điểm hiếm hoi cả gia đình quây quần đầy đủ bên nhau. Hãy cùng ngồi ăn, trò chuyện vui vẻ, không có sự can thiệp của thiết bị điện tử. Đây là cơ hội tuyệt vời để cởi mở trò chuyện về những vấn đề khó, như tuổi dậy thì, thay đổi tình bạn, định kiến giới tính và áp lực hòa nhập… Nếu muốn riêng tư hơn, cha mẹ có thể dành không gian trò chuyện 1-1 với con, nhưng phải đều đặn hàng ngày như ăn cơm vậy đó.
Cùng nhau làm bất cứ điều gì con muốn
Bất cứ điều gì con thích: thể thao, thủ công hay bất cứ thứ gì khác – hãy làm cho cha mẹ trở thành một phần của hoạt động đó. Có thể để con rủ thêm một người bạn đi cùng để tăng thêm yếu tố vui nhộn và cha mẹ có cơ hội trò chuyện tương tác với cả hai đứa trẻ mà không tạo cảm giác ngượng ngùng chất vấn con.
“Các gia đình chơi cùng nhau có xu hướng gắn kết tốt hơn và có thể làm việc thông qua cuộc vui chơi mà vẫn giữ được kết nối.”
Sẵn sàng nói chuyện với con qua chat
Có thể cha mẹ không muốn con dành quá nhiều thời gian dán mắt vào màn hình, nhưng chúng ta cũng cần chấp nhận đó là kênh giao tiếp thông dụng nhất của giới trẻ. Và trẻ không giỏi diễn đạt tâm trạng mình qua việc tâm tình trò chuyện, mà thoải mái hơn khi giao tiếp với cha mẹ qua tin nhắn, hãy cứ để điều đó diễn ra tự nhiên.
Vì trẻ có điều gì đó trong đầu mà không biết làm thế nào để trình bày rõ ràng, thì hãy cho trẻ không gian và sự tự do để bắt đầu một cuộc đối thoại qua tin nhắn mà trẻ đang cố né tránh.
Cũng có một số trẻ viết Email hoặc viết thư tay kiểu cũ. Bất kể con lựa chọn kênh giao tiếp nào, cha mẹ hãy cứ chấp nhận. Miễn là giữ một tâm trí cởi mở và không loại trừ bất cứ lựa chọn nào. Schneider giải thích: “Nhiều cha mẹ nhận thấy trẻ teen sẽ cởi mở và trung thực hơn, sẵn sàng tiếp nhận phản hồi hơn nếu được trao đổi qua tin nhắn, thay vì đối mặt trực tiếp.”
Học cách nhận ra khi mọi thứ không ổn
Thật khó để nhận ra ranh giới, khi nào nên cho trẻ không gian riêng và khi nào nên tiếp tục cố gắng. Vì vậy, cha mẹ rất cần HỌC VÀ NHẬN THỨC ĐƯỢC CÁC DẤU HIỆU TRẦM CẢM PHỔ BIẾN bao gồm: tự cô lập bản thân (ngay cả với bạn bè đồng trang lứa), khó ngủ, sự tuyệt vọng, than thở, hoặc cáu giận, bất lực. Nếu con không chịu nói chuyện với cha mẹ, chúng có thể sẵn sàng nói chuyện với người khác: cô hoặc chú, một người bạn lớn tuổi hơn, một cố vấn học đường hoặc một nhà trị liệu.
Schneider nói: “Một số dấu hiệu đáng lo ngại khác như: tụt điểm số, cô lập, thay đổi đột ngột nhóm bạn chơi, sử dụng điện thoại, trò chơi điện tử quá mức.”
Cha mẹ hãy nhớ, đây là những dấu hiệu cho thấy CON ĐANG CẦN ĐƯỢC GIÚP ĐỠ chứ không phải là dấu hiệu con đang hư đốn, đi xuống, tệ hại, và cha mẹ phải nhảy vào chấn chỉnh thái độ, hành vi.
Hãy tận dụng tất cả các mạng lưới hỗ trợ và đưa đến cho trẻ (một cách không chính thức) như sắp xếp để một người anh họ lớn tuổi đưa con đi ăn kem, hay đưa con đến nhà một người lớn tuổi mà con yêu quý… Đừng bao giờ để việc hỗ trợ giống như một hình phạt. Kiểu như “Con mà học hành không cẩn thận, mẹ sẽ cho con đi bác sĩ tâm lý, sẽ cho con nghỉ học.” Việc dọa dẫm chưa bao giờ là một giải pháp đúng, điều đó chỉ khiến sợi dây kết nối cuối cùng giữa con và cha mẹ bị cắt đứt.
Suy nghĩ lại về việc “lắng nghe” của cha mẹ
Việc các bậc cha mẹ phải vật lộn với suy nghĩ về việc con đang lớn lên và rời xa mình, là điều hết sức bình thường. Nhưng phản ứng thiếu thận trọng của cha mẹ có thể dẫn đến trẻ không bao giờ giao tiếp với cha mẹ nữa. Nhiều cha mẹ vẫn đang kỷ luật con mình theo cách không phù hợp với lứa tuổi (đánh đòn khi đã vào tuổi thành niên, bêu rếu với họ hàng, coi nhu cầu của con là sự mè nheo như hồi 5 tuổi…) hoặc liên tục cố gắng “sửa chữa”con, điều này có thể khiến trẻ ngày càng rời xa cha mẹ hơn – Catherine Jackson, tiến sĩ, nhà tâm lý học, người sáng lập của Dr.J’s Holistic Health & Wellness cho biết
.Jackson nói: “Đôi khi, bọn trẻ chỉ muốn ai đó lắng nghe. Không phán xét, kết án, hoặc sửa chữa bất cứ điều gì.”
Nguồn tham khảo: How keep tween talking (The week.com)
—
“Life Mentor – Cha mẹ dẫn lối” là cộng đồng hỗ trợ các cha mẹ có con độ tuổi 10-18 trong hành trình giáo dục con, với các hoạt động chính:
- Kết nối 1-1 với các Mentor thành công trong đa dạng lĩnh vực.
- Định hướng sự nghiệp thông qua hoạt động trải nghiệm đa dạng các ngành nghề trong xã hội.
- Giúp con xây dựng tư duy, kỹ năng xã hội và các bài học về quản trị cuộc sống chưa được dạy trong nhà trường.
Chúng tôi xây dựng dự án Life Mentor để lưu giữ lại những tri thức mà chúng tôi học được từ nhiều nguồn trên thế giới, như một di sản để lại cho các con mình, và nhiều trẻ em Việt Nam.
Life Mentor mong muốn mọi trẻ em đều được thấu hiểu, tôn trọng, định hướng phát triển tiềm năng và sự nghiệp theo đúng năng lực và đam mê. Đội ngũ Mentor sẽ đồng hành trong quá trình phát triển của mỗi bạn nhỏ. Hãy cùng chúng tôi chung tay nhé.
Liên hệ công việc: lifementor2021@gmail.com
Website: https://lifementor.vn
Group FB: https://www.facebook.com/groups/lifementor2021
Spotify: https://spoti.fi/3zXawQT