MỘT SỐ QUY LUẬT TRONG VIỆC GIÁO DỤC CON (PHẦN 1)

MỘT SỐ QUY LUẬT TRONG VIỆC GIÁO DỤC CON (PHẦN 1)

Gần đây, tôi dành nhiều thời gian tư vấn cho một số gia đình về việc giáo dục con cái. Từ những chia sẻ sâu sắc trong nhiều giờ đồng hồ, tôi nhận thấy hầu hết các kết quả không như mong đợi đều do vi phạm một hoặc nhiều trong các "quy luật" mà tôi sẽ đề cập dưới đây.

Bài viết này thầy Nam chia sẻ các quy luật để quý PHHS tham khảo, đồng thời cũng khẳng định một lần nữa "thầy không có phép màu nào để vượt thoát quy luật".

I. GIÁO DỤC LÀ GÌ ?

Có rất nhiều khái niệm khác nhau về giáo dục, trong bài viết này, tôi đưa ra khái niệm để chúng ta làm tiền đề cho các nội dung tiếp theo. (Bạn đọc có thể thấy giống, hoặc khác các khái niệm về giáo dục đã đọc ở đâu đó, tôi không dựa vào khái niệm sẵn có nào nên không có trích dẫn)

GIÁO DỤC là TÁC ĐỘNG CÓ ẢNH HƯỞNG của "Nhà giáo dục" (Cha mẹ, thầy cô, bạn bè...) lên "Đối tượng được giáo dục" (Con, học sinh, bè bạn....) trong một "Môi trường giáo dục nhất định".

* Giải thích

1. Tác động có ảnh hưởng (chia làm 2 loại)

a. Tác động có chủ đích, mục tiêu rõ ràng:

Loại hình tác động này có Nội dung, Phương pháp, Phương tiện cụ thể và thường được tổ chức thành trường, lớp, câu lạc bộ.... Trong một số gia đình, tác động có chủ đích cũng có thể diễn ra dưới hình thức cha mẹ dạy giáo lý hay kỹ năng làm việc cho con.

b. Tác động không có chủ đích:

Loại hình tác động này diễn ra không có mục tiêu cụ thể, thường diễn ra trong các hoạt động như sinh hoạt gia đình, vui chơi, giao tiếp xã hội....

LƯU Ý:

- Nhiều người chỉ chú trọng tác động có chủ đích (kiểu a) mà lơ là tác động kiểu không chủ đích (kiểu b). Điều này dẫn tới họ thường nghĩ "trăm sự nhờ thầy", và khi con có những hành vi bất như ý thì họ lại than "tôi có dạy nó thế đâu, vậy mà...". Các bạn cần nhớ rằng, con học rất nhanh ngay cả khi ta không chủ định dạy.

- Trong tác động kiểu a, tự nó đã luôn đính kèm kiểu b. Vì thế mà, khi ta chủ định dạy nội dung gì cho trẻ, cũng cần quán sát cả thái độ, hành vi của mình. Nhiều người, nhân danh dạy dỗ trẻ mà quát tháo, nổi nóng, vội vã là đã vô tình huân tập cho trẻ nhiều thói xấu.

2. Nhà giáo dục

Thực chất, bất kì ai có giao tiếp mà có gây ảnh hưởng lên người khác (dù có chủ đích hay không) đều là giáo dục họ. Thế nên, người lớn chúng ta đừng nghĩ "trẻ con không biết gì" mà có những lời nói, hành động không sàng lọc trước mặt trẻ. Vậy, chúng ta cần gương mẫu, quán sát thân-khẩu-ý khi xuất hiện trước trẻ em.

3. Đối tượng được giáo dục

Ở đây, tôi chủ yếu nói tới trẻ em, với 2 đặc tính:

- Chúng luôn vận động và biến đổi. Vì trẻ "sáng nắng chiều mưa" nên nhà giáo dục cần tinh tế, linh hoạt, chấp nhận và yêu thương ngay cả khi trẻ "đi xuống". Thường thì, thầy cô hay cha mẹ vui khi trẻ tiến bộ, buồn khi trẻ ngừng tiến bộ hay tụt lùi - như thế là yêu thương chưa đủ.

- Chúng chịu tác động từ rất nhiều phía. Vì trẻ chịu tác động từ rất nhiều phía, thế nên nhà giáo dục đừng đòi hỏi trẻ phải phản hồi, đáp ứng 100% tác động của mình. Hãy thử nghĩ xem, trẻ phải học nhiều môn, môn nào cũng muốn đạt loại giỏi, chưa kể còn kèm thêm thể thao, nghệ thuật...thì trẻ phân thân thế nào?

4. Môi trường giáo dục

Những gì bao quanh trẻ, trẻ tiếp xúc và chịu ảnh hưởng đều thuộc về "Môi trường giáo dục". Môi trường giáo dục trẻ gồm rất nhiều thành phần, nổi bật là:

- Gia đình. Xin hãy coi trọng đặc biệt yếu tố này. Với tôi, giáo dục gia đình có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới trẻ.

- Nhà trường. Hãy tìm hiểu thật kỹ những gì nhà trường mang đến cho trẻ, tùy ngôi trường, tùy đứa trẻ mà có những ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực lên trẻ.

- Xã hội (trong yếu tố này đặc biệt chú ý thành tố truyền thông, mạng xã hội).

- Tự nhiên. Môi trường tự nhiên cũng ảnh hưởng mạnh mẽ lên thân, tâm của trẻ. Xin đặc biệt lưu ý điều này

---

Mai Mai - Family Education Mentor

Founder @LifeMentor.vn

Liên hệ công việc: lifementor.vn@gmail.com

Website: https://lifementor.vn

Group FB https://www.facebook.com/groups/lifementor2021

Spotify https://spoti.fi/3zXawQT

Youtube: https://www.youtube.com/channel/UC7_rmsgL-OwgalsEoUwr9aA

Google podcast: https://bit.ly/3JGQcq9

TikTok: https://www.tiktok.com/@maimai_parenting

Các khóa học Life Mentor đang cung cấp: http://khoahoc.lifementor.vn

 

← Bài trước Bài sau →