ĐỂ VIỆC HỌC KHÔNG TRỞ THÀNH GÁNH NẶNG

ĐỂ VIỆC HỌC KHÔNG TRỞ THÀNH GÁNH NẶNG

(Stt này mình viết mấy năm trước trên fb cá nhân. Trước nay mình vẫn luôn duy trì cách dạy con như này. Nay Tôm học xong lớp 12 chuyên ngữ ĐHQG, con vừa là 1 trong 5 bạn học sinh thi đỗ đợt đầu trường dự bị ĐH Darmstadt (Đức)
20 năm trước mình cũng dạy con trai lớn như vậy. Nay Gấu anh cũng đã trưởng thành, là kỹ sư cao cấp, sống và làm việc tại Pháp. Xin chia sẻ cùng các bạn. Hy vọng nó có ích )
----
Kết quả học tập của Tôm hùm. Thứ hạng và điểm số chỉ là tương đối, không có ý nghĩa nhiều với mẹ. Lớp này sang lớp kia đã khác, sang trường kia lại càng khác hơn.
Điều đáng kể nhất đối với mẹ là niềm vui của Tôm, là hạnh phúc của con trong sự học.
Mỗi ngày Tôm đều cười tươi chào mẹ khi đi học và cuối ngày cũng cười rất tươi khi trở về nhà.
Với mẹ, thế là đủ.


Việc học đối với Tôm bình thường, nhẹ nhàng như nó vốn thế, không ép buộc, không la mắng, không áp lực. Mẹ cho rằng: con có ít nhất 18-20 năm đầu đời dành cho sự học. Đó là khoảng thời gian đẹp nhất của đời người.
Nếu trong hơn 20 năm ấy, việc học như một gánh nặng, như một nỗi ám ảnh thì thật lãng phí. Tuổi trẻ là món quà mà tạo hóa ban tặng. Niềm vui và hạnh phúc là món quà mà bố mẹ bố mẹ có thể trao tặng cho con.
Nếu trong 20 năm ấy, con có được niềm vui, niềm hạnh phúc trong sự học thì đó là món quà vô giá không thể mua được bằng tiền. Để những ám ảnh về thi cử học hành, để những cơn giận dữ cướp mất những niềm vui của con thì thật là đáng tiếc.


Vậy là mẹ lặng lẽ chuẩn bị “nguyên liệu” để làm “quà tặng” cho con.
Nguyên tắc đầu tiên của mẹ: Phải làm cho con không sợ việc học. Điều này đã được Tôm và anh Gấu xác nhận: “Mẹ là người làm cho chúng con không sợ học.” Vậy làm thế nào để con không sợ học?

1. Cần xác định rõ với con: con không phải là số 1.


Trong gia đình, ngoài ba mẹ và con, còn có anh Gấu, ông bà ngoại, các cô chú, các dì các cậu …. Cho nên, dù yêu con rất nhiều, chiều con rất nhiều nhưng con cần phải biết: con bình thường như bao người khác, con không có đặc quyền đặc lợi gì khác, con có bổn phận và trách nhiệm như tất cả mọi người. Con bình đẳng trong gia đình và ngoài xã hội nên con có nghĩa vụ và bổn phận học tập như bất cứ người nào.

2. Con bình thường như những người khác, nghĩa là con được giáo dục như những đứa trẻ bình thường.


Con không phải siêu nhân nên con phải chăm học và mẹ phải dạy con cẩn thận, từng ly từng tí, phải đặt mình vào lứa tuổi của con để mà hiểu con. Với trẻ con, có những điều tưởng như đơn giản, đương nhiên phải hiểu thì chúng lại vô cùng bỡ ngỡ. Đúng thôi, bố mẹ có tới mấy chục năm sống trên đời, trong não đầy kiến thức và kinh nghiệm, còn não trẻ mới có vài năm học hỏi, làm sao biết nhiều được.
Vậy là mẹ phải kiên trì, tuyệt đối không mắng mỏ, không chê bai, không chì chiết. Giảng mãi mà con vẫn không hiểu thì phải xem cách dạy của mẹ chứ tuyệt nhiên không phải lỗi của con.

3. Không phó mặc việc dạy con cho nhà trường. Nhà trường chỉ dạy con một phần kiến thức. Phần còn lại phải do gia đình bổ sung.


Con là sản phẩm của bố mẹ, của gia đình, phần lớn thời gian con ở cùng gia đình, hà cớ gì lại cho rằng con học kém, con hư là tại nhà trường? Có một điều đáng buồn trong nhiều năm dạy học, mình nhận thấy: trẻ con không được học cách suy nghĩ, cách tư duy, chúng rất thụ động.
Một trong những nguyên nhân là do áp lực từ bố mẹ. Bố mẹ bảo học thì học, bảo chơi thì chơi, bảo gì làm nấy. Lâu dần mọi việc toàn làm theo ý bố mẹ.


Hãy hình dung: trước khi đi làm, mẹ giao cho con khoảng 15-20 bài tập với lời giao hẹn: Con phải làm xong mới được chơi, (mới được đi ngủ). Mình hình dung kiểu này giống như việc đem con đến một bể bơi, bảo con, hãy bơi đi, con phải sang được đến bờ bên kia nhé. (con sang bờ bên kia bằng cách nào, chỉ có con mới biết.) Vậy là mẹ yên tâm ra đi, chắc mẩm con còn phải vật lộn với cả đống bài tập, còn thời gian đâu mà chơi, mà nghịch dại nữa. Mình không thích giao bài cho con kiểu này vì mình thấy lợi ít, hại nhiều.


Khi gặp vấn đề, không có ai giúp đỡ, trẻ trở nên sợ hãi, ghét bỏ thậm chí đối phó để cho xong. Bố mẹ phải GIÚP con học tập. Phải kịp thời ở bên con, là chỗ trợ giúp tin cậy khi con gặp khó khăn chứ không phải để trách cứ “tại sao con lại thế này, tại sao con lại thế kia?” (Nếu biết thì con đã chẳng làm thế). Chính mẹ mới là người phải tự tìm hiểu tại sao con lại làm như thế để mà giúp con không mắc sai lầm nữa.


Cũng chính việc học cùng con là cơ hội tuyệt vời để mẹ dạy con phương pháp học, cách tư duy. Với mẹ, phương pháp học là cực kỳ quan trọng, nó giúp con rất nhiều trong việc "học khôn ngoan mà không gian nan". Nhà trường không thể dạy mọi thứ, chỉ có bố mẹ mới làm được. (Nếu bố mẹ không làm được thì nhờ chuyên gia và chắc chắn nó có lợi rất nhiều so với việc học không có phương pháp). Khi có được phương pháp học và kiến thức cơ bản thì con có thể tự bước đi mà mẹ không cần trợ giúp nhiều nữa.

4.Dạy con về tính nghiêm túc và lòng tự trọng.


Thái độ của bố mẹ với sự học quyết định việc con có nghiêm túc với chuyện học hành hay không.
Thái độ của bố mẹ đối với thầy cô giáo có ảnh hưởng quyết định đến việc con vâng lời thầy cô như thế nào. 

Mẹ Tôm lúc nào cũng kính trọng thầy cô của con, thưa gửi đàng hoàng, không bao giờ xưng hô bằng vai phải lứa, dù thầy cô ít tuổi hơn mình và luôn giữ một khoảng cách cần thiết.
Muốn con biết tự trọng, bố mẹ cần tôn trọng con. Không thể nói về lòng tự trọng trong khi bố mẹ chửi mắng, đánh đập, sỉ nhục con.


5. Dạy con có niềm vui lành mạnh, nhận biết đúng giá trị của mình.

 

Không khen con tùy tiện nhưng luôn chú ý và khuyến khích mỗi cố gắng dù nhỏ nhất của con. Tôm đi học về, mẹ thường không hỏi: “hôm nay con được mấy điểm?”, mà thường hỏi hôm nay ở trường có chuyện gì hay? (Với Tôm "hay" cũng bao gồm cả chuyện dở). 

Nếu hôm ấy, Tôm bị điểm chưa tốt thì cũng bình thường “hôm sau bù con nhé.” Hôm nào Tôm đạt điểm cao hay giải được bài toán khó, con vui vì chiến thắng bài toán, vì kiến thức được nâng cao chứ không vì hoàn thành chỉ tiêu của mẹ.
Mẹ chẳng có chỉ tiêu nào cả, nhưng mẹ luôn có cái để tự Tôm lựa chọn.


Tôn trọng những sở thích của con. Ngoài việc học ở trường, Tôm thoải mái xem tivi, chơi máy tính, vẽ ô tô và tự học lập trình đồ họa. Nhiều hôm đi làm về nghe tiếng gầm rú trên tivi muốn điên cả đầu. Nhưng mà Tôm đang tập nghe tiếng Anh, với lại Tôm bảo, mỗi loại xe có tiếng kêu riêng, nghe tiếng động cơ, có thể biết được rất nhiều thông số kỹ thuật của nó. Người ta phải nghiên cứu rất nhiều về những tiếng máy xe chứ không phải tự nhiên như thế. Tôm đam mê đua xe công thức 1 từ hồi lớp 3. Đến giờ vẫn thế.


Không chỉ là thắng thua hay tốc độ mà con học được rất nhiều bài học nhân sinh với niềm đam mê ấy. Việc Tôm quyết tâm du học Đức cũng là để thực hiện đam mê và mơ ước của mình.


Thế nên .... Mẹ đành ngậm bồ hòn làm ngọt vậy thôi.
Túm lại, bố mẹ phải là người cùng con, giúp con nhiều hơn là khoán chỉ tiêu và yêu cầu con này nọ.
Cứ như vậy, từng ngày từng ngày mẹ đồng hành cùng con. Và nụ cười của con là niềm vui vô giá của mẹ.

-----

Mai Mai - Family Education Mentor

Founder @LifeMentor.vn

Liên hệ công việc: lifementor.vn@gmail.com

Website: https://lifementor.vn

Group FB https://www.facebook.com/groups/lifementor2021

Spotify https://spoti.fi/3zXawQT

Youtube: https://www.youtube.com/channel/UC7_rmsgL-OwgalsEoUwr9aA

Google podcast: https://bit.ly/3JGQcq9

TikTok: https://www.tiktok.com/@maimai_parenting

Các khóa học Life Mentor đang cung cấp: http://khoahoc.lifementor.vn

← Bài trước Bài sau →