Mối quan hệ gia đình bền chặt giúp giảm rất nhiều hành vi rủi ro
Các bạn nhỏ bước vào tuổi teen, tự nhiên có vẻ xa lánh, muốn độc lập khỏi cha mẹ, nhưng trong sâu thẳm các bạn ấy luôn muốn được tham gia vào công việc gia đình và muốn biết rằng cha mẹ vẫn yêu thương và chăm sóc mình. Giống như là: trẻ vừa muốn bứt ra khỏi sự kiểm soát, nhưng nếu cha mẹ mặc kệ không kiểm soát hay quan tâm nữa, trẻ lại cảm thấy bị bỏ rơi. Đây là một trò “kéo co” vừa khó, vừa cần nhiều sự nhẫn nại, tinh tế mà cha mẹ nào cũng sẽ gặp phải.
Các nhà tâm lý học khẳng định, mối quan hệ chặt chẽ với con trong những năm thiếu niên sẽ giúp giảm nguy cơ trẻ tham gia vào các hành vi nguy hiểm. Mà nguy hiểm nhất là việc dễ dàng sử dụng ma túy và rượu.
Giáo sư, tiến sĩ Richard Catalano, Giám đốc Nhóm Nghiên cứu Phát triển Xã hội tại Đại học Washington cho biết: “Sự ràng buộc là điều mà tất cả đều cần trong cuộc đời này, và đặc biệt quan trọng trong độ tuổi vị thành niên. Những đứa trẻ gắn bó với cha mẹ thường có niềm tin lành mạnh và tiêu chuẩn rõ ràng – đặc biệt là về việc sử dụng ma túy hoặc rượu. Trẻ sẽ ít có khả năng tham gia vào những hành vi nguy hiểm (như hoạt động tình dục nguy hiểm, phạm tội, thử ma túy, rượu, hoặc bỏ học.)”
Trao quyền cho con
Trẻ nhỏ dưới 10 tuổi nên được khuyến khích làm việc nhà. Nhưng nhiều cha mẹ vẫn áp dụng giao việc nhà (giao cho nấu cơm, dọn phòng, cọ toilet…) cho tuổi teen, tưởng như một cách gắn kết con với gia đình. Không, tuổi teen cần thử thách khó hơn, đòi hỏi mức độ tham gia và trách nhiệm cao hơn, từ đó trẻ thấy oai hơn và được tin tưởng hơn. Trẻ cần cơ hội để giúp gia đình ra quyết định. Ví dụ đơn giản như nhờ con lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ sắp tới hoặc yêu cầu con giúp nghiên cứu một quyết định mua hàng cho gia đình, chẳng hạn như mua TV mới hoặc đăng ký gói Internet.
Dạy con các kỹ năng
Đôi khi cha mẹ trao cho con cơ hội và trách nhiệm mới, mà quên mất cung cấp những kỹ năng để thực hiện trách nhiệm đó. Ví dụ, cha mẹ nhờ con chuẩn bị một chuyến đi cho cả gia đình vào kì nghỉ hè, nhưng chỉ giao đề bài, rồi khi con đưa ra lựa chọn là đi Hải Dương thì lại thấy nó không phù hợp, gạt đi và tự làm một kế hoạch đi Đà Nẵng mới. Tệ hơn nữa, khi cha mẹ chê bai lựa chọn của con rồi LẦN SAU KHÔNG CHO CON CHUẨN BỊ CHUYẾN ĐI NỮA.
Điều cha mẹ đáng lẽ cần phải làm, là ngồi cùng con để giải thích và đưa ra các tiêu chí cần thiết cho một chuyến đi. Để không đi sai hướng (mà mình muốn) thì có thể dẫn dắt: “Mẹ nghĩ lần trước nhà mình đi rừng rồi, lần này con hãy giúp mẹ chọn đi biển nhé, có thể Đà Nẵng, Nha Trang, hoặc Vũng Tàu…”, rồi tiếp tục dẫn dắt để con chọn nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch, đưa ra các tiêu chí rõ ràng để con chọn giúp (ví dụ: nhà mình thường ở khách sạn 3 sao trở lên, bố thì muốn ở cách biển khoảng 3km….). Điều này sẽ giúp con lựa chọn đúng tiêu chí của cả gia đình, con được chủ động, tự quyết, và cực kì hữu ích trong việc rèn khả năng tổ chức của con.
Công nhận nỗ lực của con
Sau khi con bạn hoàn thành một nhiệm vụ, hoặc ít nhất con đã thực sự cố gắng, cha mẹ nhớ ghi nhận nỗ lực của con theo cách phù hợp với nhu cầu của chúng. Ví dụ, đừng cố ôm hôn một cậu bé tuổi teen, nếu như con ngại và cứ muốn đẩy ra, con không còn là em bé 5 tuổi và con không muốn ôm hôn nữa. Thay vào đó, có thể đập tay, vỗ vai và khen ngợi, cảm ơn con. Sự công nhận sẽ giúp con có thêm động lực để trẻ tích cực hơn trong lần sau.
Luôn tham gia vào các hoạt động của con
Con bước vào tuổi teen đầy bỡ ngỡ, thì chính cha mẹ cũng bỡ ngỡ với vai trò cha mẹ teen (lần đầu tiên). Cha mẹ cần phải học từ đầu cách tôn trọng sự độc lập của con, nhưng sự độc lập đó cũng cần có giới hạn.
Không phải tôn trọng con là thả cho trẻ muốn làm gì thì làm. “Trách nhiệm của mẹ là giữ con con an toàn, nên dù rất muốn tôn trọng mọi quyết định của con, mẹ vẫn cần con cùng đồng ý với mục tiêu này. Đây là những tiêu chí để đảm bảo sự an toàn của con …”. Và cùng con viết một “bản thỏa thuận” những điều được làm và không được làm. Ví dụ như, con cần phải cho mẹ biết con đang ở đâu (đặc biệt sau giờ học), bạn bè của con là ai và con đang làm gì. Cha mẹ hứa sẽ không can thiệp, trừ khi các hoạt động đó gây nguy hiểm cho con.
Có quá nhiều cha mẹ mắc sai lầm ở đây. Họ đóng vai “cảnh sát”, soi những biểu hiện sai trái của con mỗi ngày và tuýt còi. Nhưng lại không thảo luận trước với con về tiêu chí, hoặc những gì được làm và không được làm. Khiến trẻ lúng túng, không hiểu được làm gì và không được làm gì. Tại sao mình làm gì cũng bị cấm vậy. Và cuối cùng dẫn đến lén lút giấu giếm cha mẹ.
CHÚ Ý NHỮNG DẤU HIỆU CẢNH BÁO SỚM
Nếu con bạn bắt đầu từ chối nói về cuộc sống của mình hoặc cha mẹ nghi ngờ có điều gì đó không ổn, hãy để ý những việc sau:
– Chú ý hơn đến con khi ở nhà. Trước khi đi ngủ, hãy kiểm tra xem con có dấu hiệu gì của việc sử dụng ma túy hoặc rượu hay không.
– Hãy để ý đến việc ngủ quên, ví dụ 12h sáng hôm sau mới dậy, trong khi hàng ngày 8h đã dậy (đó là biểu hiện của teen lần đầu tiên thử nghiệm với ma túy và rượu).
– Khi trẻ ra ngoài, cần đảm bảo con đến đúng nơi đó. Gọi điện hỏi con, hoặc hỏi những người đi cùng.
– Đặt ra các quy tắc khi con đi tiệc tùng. Xem tiệc tổ chức ở đâu, có người lớn ở đó không, có an toàn về cháy nổ hay tai nạn không. Gọi điện cho con nếu thấy giọng khác lạ, hay nói những điều thiếu kiểm soát thì có vẻ con đã dùng ma túy hay chất có cồn rồi đó.
– Làm bạn với bạn con, cha mẹ của bạn con. Cùng thảo luận với họ những lo lắng của cha mẹ nếu như con có bất kỳ hành vi bất thường nào.
– Khiến trẻ bận rộn sau giờ học. Đăng ký cho con tham gia một số hoạt động như chương trình âm nhạc, đội thể thao hay bất cứ thứ gì – do người lớn dẫn dắt. Sau đó theo dõi để chắc chắn rằng con sẽ tham gia.
Quan trọng là, cha mẹ cần có thỏa thuận thống nhất trước với con, rằng cha mẹ sẽ kiểm tra những điều trên là để đảm bảo con an toàn. Con tự tin về việc mình không phạm vào những điều cấm kỵ, sẽ rất sẵn sàng để cha mẹ kiểm tra. Nhưng cha mẹ hãy rất tinh tế, thường xuyên thỏa thuận với con về ranh giới riêng tư nào con chấp nhận, giới hạn nào không nên xâm phạm nhé!
—
“Life Mentor – Cha mẹ dẫn lối” là cộng đồng hỗ trợ các cha mẹ có con độ tuổi 10-18 trong hành trình giáo dục con, với các hoạt động chính:
- Kết nối 1-1 với các Mentor thành công trong đa dạng lĩnh vực.
- Định hướng sự nghiệp thông qua hoạt động trải nghiệm đa dạng các ngành nghề trong xã hội.
- Giúp con xây dựng tư duy, kỹ năng xã hội và các bài học về quản trị cuộc sống chưa được dạy trong nhà trường.
Chúng tôi xây dựng dự án Life Mentor để lưu giữ lại những tri thức mà chúng tôi học được từ nhiều nguồn trên thế giới, như một di sản để lại cho các con mình, và nhiều trẻ em Việt Nam.
Life Mentor mong muốn mọi trẻ em đều được thấu hiểu, tôn trọng, định hướng phát triển tiềm năng và sự nghiệp theo đúng năng lực và đam mê. Đội ngũ Mentor sẽ đồng hành trong quá trình phát triển của mỗi bạn nhỏ. Hãy cùng chúng tôi chung tay nhé.
Liên hệ công việc: lifementor2021@gmail.com
Website: https://lifementor.vn
Group FB: https://www.facebook.com/groups/lifementor2021
Spotify: https://spoti.fi/3zXawQT