NÓI CHUYỆN VỚI TRẺ LÀ MỘT VIỆC QUAN TRỌNG PHẢI LÀM MỖI NGÀY

NÓI CHUYỆN VỚI TRẺ LÀ MỘT VIỆC QUAN TRỌNG PHẢI LÀM MỖI NGÀY

Mọi cuộc trò chuyện, từ chuyện thường ngày đến những điều khó nói, đều là cơ hội để cha mẹ giáo dục con mình. Cha mẹ cần phải thấy NÓI CHUYỆN VỚI CON LÀ MỘT NHIỆM VỤ QUAN TRỌNG PHẢI LÀM. Nhiều cha mẹ lúng túng không biết nên bắt đầu tiếp cận các chủ đề khó nói ra sao. Trong bài viết này, LIFE MENTOR sẽ tóm tắt một số mẹo quan trọng, để cầm tay chỉ việc cho các bố mẹ nhé. 

Nói chuyện sớm, thường xuyên

Có nhiều cha mẹ có thể dành cả tiếng đồng hồ ngồi bên cạnh em bé 2 tuổi, và lải nhải tâm sự với bé, nhưng thực ra là nói một mình. Một nỗ lực không thể tin nổi. Vậy mà họ vẫn làm được từ ngày này qua ngày khác. Việc nói chuyện với con từ sớm sẽ giúp bộ não trẻ phát triển, tạo ra sự gắn bó bền chặt hơn với cha mẹ, hoặc người nuôi dưỡng. Những em bé này lớn lên, có sự gắn kết rất chặt chẽ với cha mẹ, và khả năng ngôn ngữ vượt trội. 

Khi trẻ bước vào tuổi vị thành niên, thói quen trò chuyện này, cùng với sự gắn bó được xây dựng từ nhỏ sẽ giúp con trẻ dễ dàng chia sẻ, tâm tình với cha mẹ hơn. Giữa cha mẹ và con sẽ không có chủ đề cấm kỵ. 

Bình tĩnh. Đừng làm mọi thứ kịch tính

Nếu cha mẹ không thể bình tĩnh, thì cũng đừng mong con của mình cũng vậy. Nếu con gây ra một biến cố nhỏ, mà cha mẹ đã la hét hoặc phản ứng thái quá, thì trẻ sẽ chặn hoàn toàn cuộc trò chuyện. Và những biến cố lớn hơn trẻ sẽ không bao giờ kể cho cha mẹ nghe nữa. Cha mẹ hãy lắng nghe và rèn luyện sự bình tĩnh, không phản ứng trừ khi điều đó ảnh hưởng đến sự an toàn của con. 

Lựa chọn từ ngữ và giọng điệu phù hợp

Tránh sử dụng giọng điệu tiêu cực hoặc những từ mang tính buộc tội, chẳng hạn như “Tại sao con không thể hòa nhập với mọi người?” “Con đi đâu mà giờ này mới về?”. Thay vào đó, hãy gọi tên cảm xúc của chính mình cho con hiểu. Ví dụ, “Mẹ cảm thấy không được tôn trọng khi con về nhà muộn mà không báo, vì mẹ đã nói với con rằng việc đúng giờ quan trọng như thế nào”. Con sẽ bớt phòng thủ hơn (có thể là thấy hối lỗi hơn vì gây ra cảm giác tệ hại cho mẹ), nếu con hiểu nguyên nhân sâu xa đằng sau. 

Lắng nghe và đồng cảm

Lắng nghe sẽ hiệu quả hơn là liên tục đưa ra các đề xuất và giải pháp. Đôi khi việc nghe cũng cần phải luyện tập. Để giao tiếp cởi mở và trung thực nhất, hãy chịu khó “khóa mồm” lại, không giảng giải, chỉ tập trung nghe trẻ nói thôi, đưa ra các câu hỏi để khuyến khích trẻ nói hết. “Con cảm thấy thế nào khi bạn quay lưng với con”, “Con có hỏi bạn vì sao bạn làm vậy với con không?”… Sau đó, hãy thể hiện sự đồng cảm “Mẹ hiểu mối quan hệ với bạn bè không phải lúc nào cũng dễ dàng”. Dù sao thì, ngày xưa chúng ta cũng đã từng là một thiếu niên mà. (Cách nói chuyện này, mình thấy rất nhiều trong các phim tuổi teen, hoặc phim sitcom gia đình US UK, các cha mẹ rất nên xem để tham khảo). 

Nói chuyện với trẻ, nhưng không phải nói về chúng 

Trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên muốn có sự chấp thuận của cha mẹ. Cố gắng không thuyết giảng, phán xét, đặc biệt là về các chủ đề nhạy cảm. Nếu trẻ cảm thấy mình đang bị đánh giá hoặc bị nói xấu, chúng có thể kết thúc cuộc trò chuyện ngay lập tức. Cha mẹ cố gắng không đưa đạo lý vào, hoặc không đưa lời khuyên, không đưa ý kiến của mình khi chưa được hỏi đến. Tập cách giảm bớt quản lý vi mô, trao quyền dần dần, thể hiện sự tin tưởng ở những quyết định của trẻ, từ việc nhỏ đến việc to. Ví dụ, bắt đầu cho phép trẻ mời bạn bè về nhà, và tự chuẩn bị nhà cửa, đồ ăn để phục vụ bạn bè. 

Chọn môi trường trò chuyện phù hợp

Cha mẹ hãy tinh tế nhận ra thời điểm nào con thoải mái chia sẻ nhất, dễ dàng kết nối nhất. Ví dụ buổi tối trước khi đi ngủ, hay vào những ngày đầu học kỳ khi áp lực học chưa căng thẳng. Con có thoải mái hơn khi có chút âm nhạc, hoặc giữa thiên nhiên không?

Có nên nói chuyện trực tiếp?

Cha mẹ đừng nghiêm trọng hóa một buổi nói chuyện. Không nhất thiết cứ phải ngồi ở bàn ghế, đối diện với con cái, khiến cho trẻ cảm giác như bị chất vấn. Một số thanh thiếu niên khi nói về một số chủ đề nhạy cảm thường nhất định không nhìn thẳng vào mắt cha mẹ. Vậy thì, cha mẹ hãy thử trò chuyện trong các hoạt động “cạnh nhau” như gấp quần áo, nấu ăn và thậm chí chơi thể thao xem sao. 

Chỉ một người tại một thời điểm

Trẻ con sợ nhất là “họp gia đình” để nói về các vấn đề nhạy cảm. Nhưng đôi khi cha mẹ vẫn hay mắc sai lầm này, “Để bố gọi điện cho mẹ về để họp khẩn về vấn đề của con”. Mặc dù các bậc cha mẹ thường muốn giải quyết mọi việc như một gia đình, có đủ cả cha lẫn mẹ, nhưng đôi khi cha mẹ làm quá lên, khiến trẻ sợ hãi và muốn tránh né. Vì câu chuyện là riêng tư, hãy đảm bảo cuộc nói chuyện 1-1, không bị làm phiền, không bị tiếng TV, tiếng trẻ con chí chóe bên cạnh, và đặc biệt, không có tận hai cảnh sát ngồi chất vấn con. 

Luôn luôn hiện diện

Luôn lắng nghe, hiện diện khi trẻ nói chuyện với mình. Bỏ qua điện thoại thông minh, đóng máy tính và tránh những phiền nhiễu khác. Hãy dành cho chúng sự chú ý tuyệt đối. Hãy cho trẻ biết con đang là trung tâm trong cuộc trò chuyện này.

Đặt câu hỏi một cách tế nhị

Nếu cha mẹ lo cho sự an toàn của trẻ, hãy thử hỏi gián tiếp một chút. “Con đi cùng những ai đến bữa tiệc?” sẽ hiệu quả hơn là, “Có ma túy trong bữa tiệc không?”. Tránh chơi trò thám tử, theo dõi con, lắp camera giám sát, hoặc dùng giọng điệu buộc tội. Nếu muốn nói về một điều tế nhị, như dùng ma túy, hãy bắt đầu “cạy miệng” con bằng những câu hỏi mở, ví dụ “Con nghĩ gì về việc các bạn bằng tuổi đã bắt đầu dùng chất gây nghiện?” sẽ dễ dàng tâm tình với con hơn. 

Sẵn sàng công khai khiếm khuyết của cha mẹ 

Trẻ em bây giờ đã quá chán nản với hình tượng cha mẹ không tì vết, tụi nó không còn tin đâu. Vì thế, cha mẹ hãy sẵn sàng thể hiện rằng mình cũng đã từng mắc sai lầm, đó có thể là cách xây dựng lòng tin với con. Nhưng cũng hãy thận trọng với những gì bạn chọn để nói. Nếu cha mẹ đã từng ở trong một tình huống mạo hiểm không an toàn hoặc trái đạo đức (ví dụ ăn trộm, vi phạm pháp luật…) thì không hẳn là nên giấu giếm, nhưng hãy chuẩn bị chia sẻ bài học xương máu mà bạn đã học được và nói rằng “Mọi người ai cũng mắc sai lầm, cha mẹ đã từng mắc sai lầm đó, và đang nỗ lực lựa chọn cách sống an toàn và có đạo đức.”

Chia nhỏ cuộc trò chuyện 

Đôi khi không thể giải quyết một vấn đề trong một buổi trò chuyện được. Ví dụ, con đang gặp trục trặc tình cảm với bạn gái tại trường. Việc này diễn ra trong thời gian dài, và không thể chỉ một cuộc trò chuyện có thể giải quyết được. Hãy chia nhỏ thành nhiều lần, nhiều dịp tâm sự khác nhau. Đôi khi lại nhắn tin trò chuyện với con “Việc con chia sẻ về bạn gái có ý nghĩa rất lớn với mẹ, điều đó có nghĩa là con tin tưởng mẹ. Ba mẹ sẽ luôn ở đây bất cứ khi nào con muốn nói chuyện.”

Chủ động tìm đến con

Đừng đợi trẻ tìm đến mình khi có rắc rối. Cha mẹ nên chủ động tìm đến con để trò chuyện. Teen nếu có khả năng giao tiếp cởi mở với bạn bè, và người lớn xung quanh sẽ có cảm giác tốt hơn về bản thân, có nhiều khả năng tránh áp lực từ bạn bè và xây dựng được lòng tin ở bản thân, và có thể xử lý tốt mọi trường hợp xảy ra trong cuộc sống.

Tham khảo: Tips Important Conversations (Parentandteen.com)

“Life Mentor – Cha mẹ dẫn lối” là cộng đồng hỗ trợ các cha mẹ có con độ tuổi 10-18 trong hành trình giáo dục con, với các hoạt động chính:

  • Kết nối 1-1 với các Mentor thành công trong đa dạng lĩnh vực.
  • Định hướng sự nghiệp thông qua hoạt động trải nghiệm đa dạng các ngành nghề trong xã hội.
  • Giúp con xây dựng tư duy, kỹ năng xã hội và các bài học về quản trị cuộc sống chưa được dạy trong nhà trường.

Chúng tôi xây dựng dự án Life Mentor để lưu giữ lại những tri thức mà chúng tôi học được từ nhiều nguồn trên thế giới, như một di sản để lại cho các con mình, và nhiều trẻ em Việt Nam. 

Life Mentor mong muốn mọi trẻ em đều được thấu hiểu, tôn trọng, định hướng phát triển tiềm năng và sự nghiệp theo đúng năng lực và đam mê. Đội ngũ Mentor sẽ đồng hành trong quá trình phát triển của mỗi bạn nhỏ. Hãy cùng chúng tôi chung tay nhé.

Liên hệ công việc: lifementor2021@gmail.com

Website: https://lifementor.vn

Group FB: https://www.facebook.com/groups/lifementor2021

Spotify: https://spoti.fi/3zXawQT

← Bài trước Bài sau →