GIÚP CON QUẢN LÝ ÁP LỰC TỪ BẠN BÈ

GIÚP CON QUẢN LÝ ÁP LỰC TỪ BẠN BÈ

Một ngày, khi đứa trẻ của bạn về nhà, đòi một cái iPhone, ăn mặc theo kiểu kì quái, hay cư xử lố lăng, và chúng nói rằng: “Ở trường con, bạn nào cũng làm thế…. Bạn nào cũng có, con cũng phải có như vậy”...

…thì đó là lúc cha mẹ nên tận dụng tình huống để hướng dẫn con một bài học quan trọng.

Tất nhiên mỗi cha mẹ cho phép con một giới hạn khác nhau. Có những cha mẹ rất bình thường với việc con xỏ khuyên khắp cơ thể, xăm hình ở những chỗ lộ rõ… Có những cha mẹ hãnh diện khi con biết uống rượu, hút thuốc, và khen đó là biết ngoại giao… Nhưng có những cha mẹ old-school (cổ điển) hơn, sẽ giới hạn con cái chặt chẽ hơn…

Ở đây, chúng tôi không nói về điều gì nên và không nên làm, nó hoàn toàn phụ thuộc vào tiêu chuẩn mỗi gia đình.

Một bài học đạo đức quan trọng cần đề cập đến, đó là: Hãy dạy con quản lý áp lực từ bạn bè, hướng dẫn cho con có tư duy và quyết định độc lập, không phụ thuộc vào đám đông.

Khi con bước vào tuổi teen, đời sống xã hội của trẻ bắt đầu phát triển. Trẻ sẽ bắt đầu phải đối mặt với áp lực tiêu cực từ bạn bè, chẳng hạn như hút thuốc, ma túy và rượu. Thanh thiếu niên rất thích gây ấn tượng, chúng cần sự ngưỡng mộ của bạn bè và hòa nhập với đám đông. Cha mẹ cần chuẩn bị cho trẻ bãn lĩnh dũng cảm chống lại áp lực của bạn bè. Trường hợp lý tưởng nhất, là trẻ có thể tự cân bằng giữa việc là chính mình và hòa nhập với nhóm bạn bè.

Dưới đây là một số ý tưởng Life mentor gợi ý cho cha mẹ để giúp trẻ:

  • Xây dựng lòng tự trọng và sự tự tin của con

Cha mẹ có thể khuyến khích con thử những điều mới. Con được thử và sai, được tiếp tục cố gắng, được động viên khi gặp khó khăn, được khen ngợi khi nỗ lực về đích. Nghĩa là con cần phải có được cảm giác: CON ỔN KHI ĐỨNG 1 MÌNH, CON CÓ THỂ ĐỘC LẬP LÀM ĐƯỢC MÀ KHÔNG CẦN SỰ CÔNG NHẬN ĐỂ HOÀ NHẬP. Hướng dẫn con bình tĩnh và giải thích với bạn bè rằng: “Tớ không bận tâm đến những gì người khác làm. Tớ cũng không cần làm giống các cậu. Tớ có cách sống của tớ.”

  • Hãy duy trì đối thoại

Việc duy trì kết nối với con có thể giúp con cảm thấy thoải mái hơn khi nói chuyện với cha mẹ khi gặp áp lực. Khi con bị đám bạn ép làm điều con không mong muốn (ví dụ cùng hội bạn đi ăn trộm), con băn khoăn liệu có nên tham gia hay không, con có cần phải làm như vậy mới được nhóm công nhận hay không. Khi đó, con có thể dễ dàng tâm sự với cha mẹ và có điểm tựa khi tâm trí con đang lung lay.

  • Đề xuất cách từ chối

“Khi bạn bè đề nghị con hút thuốc, con hoàn toàn có thể chỉ đơn giản nói: “Tớ không hút”. Con không nợ ai một lời giải thích cho quyết định của con cả.” Nhưng đôi khi con cũng muốn giữ mối quan hệ, giữ thể diện cho bạn và mình, vậy thì cha mẹ có thể hướng dẫn con những cách từ chối phù hợp. Có thể là: “Tớ không thích mắc bệnh phổi như mấy ông già” hoặc “Không, tớ không thích người tớ dính đầy mùi thuốc”.

  • Có cửa lui

Nếu con đang ở trong một tình huống rủi ro, cha mẹ cần chuẩn bị trước để con có thể nhắn tin hoặc gọi điện cho cha mẹ để hỗ trợ. Đôi khi hai mẹ con có thể có mật mã riêng với nhau: “Mẹ ơi, xe con bị bỏng” = có nghĩa là con đang trong tình huống khẩn cấp, mẹ hãy cứu con.

  • Khuyến khích con có các mối quan hệ xã hội rộng

Chị bạn mình có một cô con gái bước vào tuổi teen. Tất cả các cô bạn khác cùng lớp đều thích các nhóm nhạc Hàn Quốc. Con không thích, con thấy họ cũng là người bình thường, không có gì phải cuồng say yêu đắm đuối như thế. Con không quan tâm, nên không có chủ đề để nói chuyện cùng đám bạn, và vì thế dần dần không được dung nạp vào nhóm nữa.

Với những cô bé tuổi teen, việc bị loại ra khỏi nhóm là điều rất bất hạnh. Nhiều bạn đã phải thay đổi sở thích bản thân mình để được chấp nhận vào nhóm.

Nhưng trường hợp của hai mẹ con này rất thú vị, chị đã sớm đưa con tham gia vào nhiều hoạt động xã hội, và nhiều lớp học ngoại khoá, các câu lạc bộ…. Các mối quan hệ ngoài nhà trường cũng rất quan trọng, vì con sẽ không phải đặt cược 100% vào tình bạn tại trường học. Nếu tình bạn gặp trục trặc, con vẫn có nhiều lựa chọn và các mối quan hệ khác để cân bằng.

Trong cuốn tiểu thuyết kinh điển, To Kill a Mockingbird (giết con chim nhại), Scout nói một câu rất tục tĩu về chủng tộc, khi bố Atticus chất vấn, Scout nói: “Ở trường con, ai cũng nói thế”. Và bố trả lời: “Vậy thì từ bây giờ sẽ là tất cả mọi người trừ đi một”. Đó là cách một phụ huynh mạnh mẽ có thể ngăn chặn những hành vi không phù hợp, thậm chí nguy hiểm ở con cái. Việc bản lĩnh có được quan điểm riêng của mình, và có thể chống lại những điều bất công, sẽ không phải tự nhiên mà có, mà phải học để có được.

(Nguồn tham khảo: Unicef, Learning Lift Off, Rasingchildren.net.au)

Life Mentor – Kênh thông tin tin cậy về:

  • Xây dựng tư duy, kỹ năng xã hội cho bạn trẻ tuổi teen
  • Định hướng sự nghiệp thông qua kết nối với các Mentor thành công trong đa dạng lĩnh vực. 

Liên hệ công việc: lifementor2021@gmail.com

← Bài trước Bài sau →