Ở phương tây người ta gọi là family rules (quy tắc gia đình), còn ở VN có một từ rất hay, thật sự rất hay mà tôi không thể nghĩ đến từ ngữ nào thay thế tốt hơn: Nếp Nhà.
Mỗi gia đình sẽ có những quy tắc khác nhau. Các quy tắc trong gia đình có thể do cha ông truyền lại, có thể do niềm tin và giá trị của cha mẹ mà thành, cũng có thể tuỳ hoàn cảnh của gia đình, cũng như giai đoạn trưởng thành và nhu cầu của con. Không có gia đình nào giống gia đình nào, vì thế các quy tắc cũng rất khác nhau.
Tại sao nếp nhà lại quan trọng?
Nếp nhà sẽ giúp cho con cái học được hành vi nào được và không được chấp nhận trong gia đình. Còn người lớn thì nhất quán trong việc cư xử đối với con cái, đặc biệt với tuổi thanh thiếu niên muốn bứt phá ra ngoài các quy tắc.
Các quy tắc chắc chắn có thể giúp mọi người trong gia đình hòa thuận hơn, giúp cho cuộc sống gia đình trở nên tích cực và yên bình hơn đấy. Không tin ư? Bạn hãy xem những ví dụ này đây.
Nhiều gia đình không có nguyên tắc nào hết. Không được viết thành văn bản, hoặc truyền dạy đến con cái thông qua sinh hoạt hàng ngày. Nay thế này, mai thế khác, không theo một quy chuẩn nào cả. Nay bố vui vẻ thì con nói bậy cũng cười xoà bỏ qua, mai bố cáu kỉnh thì đập cho con tơi tả vì dám nói bậy.
Có gia đình thấy trẻ nói bậy còn cười khanh khách khen “thằng này láu cá”.Có gia đình thì không đề ra quy tắc nào hết, nhưng khi con phạm lỗi thì đánh chửi vì không chấp nhận hành vi ấy. Cứ loạn cả lên. Là vì nhà dột từ nóc đó.
Có gia đình thì con cái hành động phải nhìn cảm xúc của bố mẹ ngày hôm đó. Bố trúng được đơn hàng, vui quá thì con điểm kém vẫn bảo không sao. Nhưng hôm nào bị mất đơn hàng thì 7 điểm vẫn bị chửi là “ngu nhất thiên hạ”.—Nếp nhà chính là những chỉ dẫn hành vi cho trẻ theo hướng tích cực. Quy tắc cần phải ngắn gọn, dễ hiểu với trẻ em, phải nói lên chính xác hành vi cha mẹ mong đợi ở con.
Ví dụ:
- Con cần phải nói cảm ơn khi ai đó giúp đỡ mình
- Vào 7h -9h tối, cha mẹ phải tập trung làm việc, con phải học bài, vậy chúng ta sẽ không chơi đùa làm ồn.
- Cất dọn đồ đạc vào chỗ cũ sau khi sử dụng
- Không lên xe hơi với người có uống rượu hoặc dùng chất kích thích….
Một danh sách gồm các quy tắc dành cho mọi người trong gia đình sẽ là những định hướng tốt cho trẻ nhỏ thực hiện theo. Tránh tình trạng cha mẹ không đưa ra hướng dẫn, hoặc ranh giới, nhưng con phạm lỗi thì cứ gào thét vào mặt con để bắt lỗi:
- Đừng có nói với anh bằng cái kiểu đó.
- Sao con cứ làm ồn ầm ĩ lên thế nhỉ
- Con làm bừa bãi hết cả nhà, dọn ngay đi.
- Mẹ không cho con đi chơi với đám bạn suốt ngày uống rượu thế đâu nhé….
Đây là sai lầm mà chúng ta thấy rất rất nhiều, nhan nhản ở các gia đình VN này. Kể cả nông thôn hay thành phố. Gia đình không có quy tắc, hoặc không dạy trước cho trẻ, nhưng khi trẻ phạm lỗi, là tóm gọn ngay, mắng nó là hư, rồi phạt nó ngay tắp lự.
Có rất nhiều các nguyên tắc mà cha mẹ phải đề ra cho con, để định hướng con đi, để tạo ra các giới hạn hành vi mà con không nên vượt qua, và để con hiểu thế nào là những nguyên tắc hành vi tốt trong xã hội. Nếu không phải là cha mẹ, thì ai có thể làm tốt hơn việc đó? Nếu cha mẹ từ bỏ vai trò dẫn dắt con đi, thì ngoài xã hội sẽ có rất nhiều “anh tài hảo hán” sẵn sàng giang tay ra đón con, khi đó, con đi theo hướng nào không thể kiểm soát được nữa rồi.
—
Life Mentor – Kênh thông tin tin cậy về:
- Xây dựng tư duy, kỹ năng xã hội cho bạn trẻ tuổi teen
- Định hướng sự nghiệp thông qua kết nối với các Mentor thành công trong đa dạng lĩnh vực.
Liên hệ công việc: lifementor2021@gmail.com