ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP CHO CON TỪ CẤP 2

ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP CHO CON TỪ CẤP 2

ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP CHO CON TỪ CẤP 2

Khi Lily bước vào tuổi 12 và Sofia lên 9 tuổi. Hai bạn bắt đầu tò mò về lựa chọn nghề nghiệp cho mình sau này. Thường hai chị em gái gần gần tuổi nhau và thường hay bị ảnh hưởng lẫn nhau. Chị đang quan tâm đến vấn đề gì thì cô em cũng muốn tìm hiểu như chị.

Một trong những quyển sách mà các bạn thường lấy ra xem nhiều nhất và luôn sẵn sàng ở kệ là "Bách khoa toàn thư về nghề nghiệp" trong đó có 400 nghề nghiệp trải dài trên nhiều lĩnh vực. Những trang đầu của quyển sách giúp trẻ suy nghĩ về nghề nghiệp và suy nghĩ về bản thân. Đây là cách kích hoạt để tụi nhỏ bắt đầu nhen nhóm những ý tưởng, tìm hiểu về các nghề nghiệp mà mình sẽ chọn trong tương lai dựa vào sở thích và thế mạnh của mình.

Từ những nhu cầu của các con, mình thường trao đổi với các con về nghề nghiệp. Lily vốn dĩ thích được ăn ngon, mặc đẹp và ở nhà đẹp nên bạn í bắt đầu muốn biết nghề gì sẽ kiếm ra nhiều tiền. Bạn nghe từ các cuộc nói chuyện của các bác chia sẻ về nghề y và luật sư sẽ có lương rất cao ở Canada, thế là bạn cứ xoay quanh suy nghĩ làm thế nào để học được ngành y khoa. Bạn giở quyển sách về nghề nghiệp đó để xem những yêu cầu về phẩm chất và năng lực, những thuận lợi và khó khăn trong nghề rồi bắt đầu suy ngẫm về nghề này. Bạn tự xét mình là người sợ máu nên chắc chắn bạn không chọn làm những gì liên quan đến mổ xẻ. Sau khi loại trừ các ngành liên quan đến ngành y thì bạn tìm ra là nha sĩ và bác sĩ mắt hay bác sĩ gia đình sẽ không có tiếp xúc với máu me thiệt nhiều. Bạn tự vạch ra mình cần trao dồi thêm những môn học gì mà sách nói. Lắm lúc bạn thích kinh doanh 1 quán cà phê nhỏ có bán bánh ngọt và được trang trí đẹp đẹp nhưng sau khi trao đổi với ba về những thuận lợi và khó khăn của việc kinh doanh thì bạn đổi ý là đi làm kiếm tiền trước và sau đó đầu tư kinh doanh làm quán nhỏ như một nghề tay trái để thỏa sở thích được trang trí này nọ của mình.

Sofia thì có nhu cầu đơn giản hơn và bạn vẫn suy ngẫm về nghề của mình. Có lúc bạn muốn làm nghề như chị Lily, có lúc bạn muốn là nhà thiết kế quần áo và có lúc bạn muốn làm cô giáo, có lúc bạn muốn trở thành bác sĩ nhi. Lý do muốn trở thành bác sĩ nhi được hình thành sau lần bạn cùng mẹ dẫn Louis đi khám sức khỏe định kỳ thì bạn thấy các bác sĩ nhi nhẹ nhàng và được chăm sóc, gặp gỡ các em bé hàng ngày. Đôi lúc những người lớn xung quanh trẻ cũng ảnh hưởng đến các nghề nghiệp mà trẻ mơ ước để đi theo nghề ấy như thế khi trẻ lớn lên bởi những ấn tượng tốt về người lớn mà trẻ tiếp xúc. Sau khi gặp cô bác sĩ nhi xong, Sofia về nhà mở quyển bách khoa nghề nghiệp ra và lật ra trang mô tả về bác sĩ nhi và đọc. Bạn chạy ào xuống lầu và nói rằng con thấy mức lương của bác sĩ nhi cũng được đánh giá 5 sao.

Từ ngày đó bạn miên man suy nghĩ về nghề này và tìm hiểu trên các kênh youtube mà người ta chia sẻ những trải nghiệm về nghề nghiệp. Một ngày nọ, bạn phát biểu rằng bạn coi đâu đó nói bác sĩ phải làm việc trong môi trường đầy áp lực và không được ngủ nhiều, thường xuyên đối diện với stress. Bạn sẽ suy nghĩ thêm bạn có thể đối diện với các khó khăn đó hay không hiii.
Trong quá trình đồng hành cùng con trong việc lựa chọn nghề nghiệp, tụi mình luôn lưu ý việc tạo động lực cho con hơn là tạo áp lực cho con. Tụi mình dành thời gian vốn dĩ rất ít ỏi để thảo luận, giải thích các thắc mắc và định hướng nghề nghiệp dựa trên các thế mạnh của con.

Thật sự, mình nhận thấy không cần chờ đến khi trẻ vào Đại học rồi mới bắt đầu định hướng mà giúp con chuẩn bị các kiến thức và kỹ năng khi con còn nhỏ và lúc con thật sự sẵn sàng.
Tạo điều kiện cho con trải nghiệm thực tế về công việc con muốn làm cũng không kém phần quan trọng. Đôi lúc những va chạm thực tế, được bắt tay vào làm sẽ giúp trẻ nhận ra công việc đó có thực sự phù hợp với năng lực của mình và mình thực sự yêu thích công việc ấy hay không.

Ở Canada, tụi nhỏ được phép đi làm thêm để có kinh nghiệm từ rất sớm. Theo quy định ở tỉnh bang mình ở, trẻ từ 13 tuổi đã được phép đi làm và lãnh lương theo công sức của mình. Nhiều gia đình đã xin cho con làm các công việc liên quan đến nghề mà chúng muốn chọn như phụ bếp trong một nhà hàng nếu chúng quan tâm đến nghề đầu bếp, nhân viên bán hàng nếu chúng quan tâm đến nghề kinh doanh hay phụ giúp trong các phòng khám nếu chúng quan tâm đến ngành y. Lily vạch ra kế hoạch là từ mùa hè năm sau cứ mỗi hè là bạn sẽ xin đi phụ việc cho phòng khám nha, phòng khám mắt để bạn xem bạn sẽ thích ngành nào hơn.

Cả xã hội chung tay hỗ trợ các bạn nhỏ trong việc tạo điều kiện cho các bạn thực tập và lãnh lương đàng hoàng, ít nhất là trả theo lương tối thiểu chứ không có việc ép lương hay tận dụng công sức của tụi nhỏ. Cứ vào các kỳ nghỉ hè mình thấy có vài bạn học sinh đến Day Care để chơi cùng các em, phụ các cô chăm sóc các em và Giáo viên hướng dẫn các bạn tận tình để các bạn làm được việc hỗ trợ mình. Trong một lần đi khám mắt và mình chia sẻ định hướng nghề nghiệp của Lily và bác sĩ vui vẻ nói rằng cứ cho Lily đến phòng khám của bác để phụ việc và bác hướng dẫn thêm cho. Bác chỉ tay về bạn nhỏ chắc cỡ học sinh cấp 3 đang chuẩn bị các dụng cụ, sắp xếp hồ sơ và bác nói bạn này đã phụ việc cho bác hơn 1 năm rồi và bạn ấy định thi vào khoa y của trường Đại học Waterloo ở tỉnh Ontario.

Ở trường của Lily hay tổ chức các ngày hội kinh doanh. Các học sinh chọn món đồ độc, lạ hay đồ tự làm để mang vào bán. Học sinh tính toán giá tiền gốc mua món hàng ấy hoặc mua các nguyên vật liệu và rồi nâng giá lên để bán có lợi nhuận. Đây là hoạt động khởi nghiệp nhỏ cho các bạn nhỏ và cũng là bài học về việc quản lý dòng tiền đầu tiên. Sau hoạt động này, Lily cũng mang về vài món đồ mà bạn í mua của bạn và tiền còn dư lại thì 1 phần trả tiền gốc mà ba Cường cho mượn còn 1 phần bạn bỏ ống heo.

Nhà đông con mà ở xứ không có tiền thuê giúp việc nên các bạn í có vô số việc để làm. Đối với việc nhà thì các bạn không được trả lương vì đây là trách nhiệm của mỗi thành viên khi sống trong gia đình. Nhưng các bạn được trả lương khi "babysit" Louis vào những giờ rảnh rỗi hay cuối tuần bởi các bạn phải cắt bớt giờ chơi hay giải trí để đi làm. Dù đây là công việc trong gia đình nhưng vì có lãnh lương nên mẹ cũng đòi hỏi làm việc nghiêm túc. Nếu không tuân thủ quy định và trách nhiệm trong làm việc thì nguy cơ mất việc sẽ xảy ra. Hàng tháng tiền lương được tính toán và chuyển khoản vào tài khoản của các bạn nên các bạn quý đồng tiền mình làm ra lắm. Chính vì kiếm tiền không dễ nên các bạn rất cân nhắc trong chi tiêu và chỉ mua những thứ mình thật sự cần.

Định hướng nghề nghiệp cho con được khởi đầu, ươm mầm từ trong gia đình, nhà trường và sau đó kết nối các trợ giúp từ xã hội thì khi trẻ chính thức lựa chọn nghề nghiệp sẽ đỡ hoang man và lúng túng bởi con đã hiểu bản thân mình và đủ trải nghiệm trong nghề.

-----

“Life Mentor – Cha mẹ dẫn lối” cung cấp khoá học, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ cha mẹ có con độ tuổi 6-18 trong hành trình giáo dục con, với các hoạt động chính:

(1) Kết nối 1-1 với các Mentor thành công trong đa dạng các lĩnh vực, giúp con hướng nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn, và rút ngắn con đường đến thành công;

(2) Tổ chức các khoá đồng hành cùng cha mẹ, hỗ trợ cha mẹ 80% trong việc cung cấp cho các con tư duy, kỹ năng, bộ phẩm chất, và các bài học quản trị cuộc sống chưa được dạy trong nhà trường.

(3) Hỗ trợ xây dựng lộ trình phát triển của mỗi cá nhân, theo mục đích của mỗi gia đình, và ước vọng thật sự của con. Với đích đến là hạnh phúc của riêng con theo thế giới quan của riêng con.

(4) Tư vấn cách cư xử, giải quyết các tình huống xảy ra hàng ngày với con để duy trì mối quan hệ lành mạnh giữa cha mẹ - con cái.

Chúng tôi xây dựng dự án Life Mentor để lưu giữ lại những tri thức mà chúng tôi học được từ nhiều nguồn chính thống, khoa học trên thế giới, và đúc kết được từ nhiều Mentor xuất sắc, thành công trong đa dạng các lĩnh vực. Đây như là một di sản chúng tôi để lại cho các con mình, và nhiều trẻ em Việt Nam.

Life Mentor mong muốn mọi trẻ em đều được thấu hiểu, tôn trọng, định hướng phát triển tiềm năng và sự nghiệp theo đúng năng lực và đam mê. Đội ngũ Mentor sẽ đồng hành trong quá trình phát triển của mỗi bạn.

Liên hệ công việc: lifementor.vn@gmail.com

Website: https://lifementor.vn

Group FB https://www.facebook.com/groups/lifementor2021

Spotify https://spoti.fi/3zXawQT

Youtube: https://www.youtube.com/channel/UC7_rmsgL-OwgalsEoUwr9aA

Google podcast: https://bit.ly/3JGQcq9

TikTok: https://www.tiktok.com/@maimai_parenting

Các khoá học Life Mentor đang cung cấp: http://khoahoc.lifementor.vn

← Bài trước Bài sau →