DẠY TRẺ LÀM QUEN VỚI THẤT BẠI

DẠY TRẺ LÀM QUEN VỚI THẤT BẠI

Có thể cha mẹ đã nghe đâu đó rằng, để đi đến thành công thì phải trải qua nhiều thất bại.

Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ, giáo viên, và hệ thống giáo dục thường vô tình gửi thông điệp đến những đứa trẻ rằng thất bại là kẻ thù. Biểu hiện rõ nhất là:

  • Hệ thống giáo dục chỉ cho thi 1 lần kì thi lớn nhất, trượt là không có cơ hội lần 2
  • Giáo viên và trường lớp nhìn vào những bạn thi trượt, thi lại như những kẻ loser, thất bại.
  • Thi ĐH chọn sai ngành nghề, không có cơ hội bẻ lái chọn ngành khác, mà phải thi lại tự đầu, dẫn đến nhiều bạn trẻ học đến năm 3 mới thấy không phù hợp với ngành nghề, nhưng không dám bỏ làm lại từ đầu vì tiếc mấy năm đã học.
  • Ở nhà thì cha mẹ (cũng do quy định của hệ thống) mà tạo áp lực cho con vì chỉ có 1 kì thi duy nhất (vào cấp 2, cấp 3 trường điểm, đại học…).

Cách đây 10-20 năm, cứ sau mỗi đợt thì đại học, báo chí lại liên tiếp đưa tin về các vụ tự tử do …thi trượt đại học. Rồi áp lực học không qua được kì thi nhiều trẻ chán nản, trầm cảm, thất vọng…

Với một số trẻ, những thông điệp Thất bại = kẻ thù khiến chúng phải làm việc chăm chỉ hơn, để tránh thất bại. Với những trẻ khác, trẻ có thể không bao giờ dám thử bất cứ điều gì mới hoặc thử thách vì họ sợ thất bại.

Hôm nay tôi sẽ chỉ cho cha mẹ một bí kíp. Có thể là điều mới lạ các cha mẹ chưa từng nghe. Vì thế cha mẹ sẽ phản đối bằng đủ các lý lẽ. Nhưng tôi chả quan tâm đâu.

  1. Định nghĩa lại thất bại.

Cùng con thừa nhận giá trị của thất bại bằng cách thay đổi góc nhìn.

  • May quá, nhờ điểm kém này mình mới biết là mình còn hổng kiến thức, phải học lại hệ thống từ đầu thôi.
  • Trượt học bổng này, mình mới thấy, hồ sơ của mình còn hạn chế. Giờ có hai cách, mình hạ tiêu chuẩn, tìm học bổng ít hơn, hoặc quyết tâm năm sau chinh phục lại.
  • Tỏ tình với bạn gái thất bại, giúp mình hiểu thêm, rằng mình không ngầu như mình tưởng, cần phải “đọc tín hiệu” từ đối phương tốt hơn, kẻo lần sau lại bẽ bàng…
  • Tình yêu học trò tan vỡ. Đây là điều đương nhiên phải xảy ra vì mình chưa đủ năng lực để duy trì tham vọng bản thân với tình yêu….

Làm gì có ai mà cả đời làm gì cũng thành công? Chắc chỉ có ăn sẵn, được người khác làm hộ, hoặc chẳng bao giờ động vào việc gì thì mới không có cơ hội để thất bại thôi.

Trong cuốn sách “Làm thế nào để nuôi dạy con thành công” của Esther Wojcicki, một bà mẹ nổi tiếng thung lũng Silicon vì có ba cô con gái siêu sao, làm CEO của 3 công ty lớn, có một chi tiết mà tôi cực kì thích.

Wojcicki là một giáo viên dạy văn và viết báo tại trường trung học. Cách tiếp cận của bà với các bài thi là: cho tụi nhỏ làm bài thi thoải mái, vào bất cứ thời điểm nào trong kì. Nếu tụi nhỏ thấy chưa hài lòng với điểm số, vẫn muốn bài thi tốt hơn thì có thể làm lại. Điểm số cuối cùng sẽ là điểm cao nhất mà chúng đạt được.

Quan điểm của bà là rèn luyện cho tụi nhỏ làm quen với thất bại. Thất bại không phải là điều gì ghê gớm có thể chặn đứng đường đi của một người. Ai cũng có thể sai lầm, ai cũng có cơ hội làm lại. Ở đây, bà dùng việc học tập là phương tiện để rèn luyện tư duy và tính cách cho tụi nhỏ. Nó ngược lại với tất cả hiểu biết của chúng ta về hệ thống giáo dục, là kết quả học tập là thước đo cho thành công.

Để trẻ làm quen với thất bại là việc bình thường, giống như tiêm vaccine miễn dịch cho trẻ vậy, chúng ta sẽ không ngờ được chúng ta đang xây dựng bản lĩnh vững vàng cho con thế nào đâu.

Báo chí và cộng đồng đang đi theo 2 thái cực là 1) hãy “đừng tạo áp lực cho trẻ, để trẻ sống vui vẻ, hạnh phúc với hiện tại”, và 2) là tạo quá nhiều áp lực cho con, vì cuộc sống vô cùng khắc nghiệt, cạnh tranh là điều đương nhiên.

Còn tại Life mentor, chúng tôi xui các bạn hãy “tập cho trẻ làm quen với thất bại”. Vì sớm muộn gì sau này ra cuộc đời trẻ cũng phải đối mặt với nhiều áp lực và chắc chắn sẽ gặp thất bại. Cái cha mẹ có thể làm tốt nhất là tạo điều kiện cho trẻ vấp ngã, từ nhỏ đến lớn, một cách CÓ CHỦ ĐÍCH.

Vì sao các cuộc thi kém quan trọng, khi chúng ta thi trượt lại không cảm thấy nó là điều gì tệ hại? Ví dụ: Thi gameshow Ai là triệu phú, trượt thì ai ai cũng vui. Ví dụ: thi biểu diễn văn nghệ, thi hát tại trường, bài thi 1 tiết, 15’ trong lớp, điểm kém vẫn thấy không nặng nề lắm?

Còn những cuộc thi to, ví dụ thi Đại học nếu không thành công, thì chúng ta thấy trời đất sụp đổ. Là vì, chúng ta coi cuộc thi đó quá quan trọng, nó quyết định cả cuộc đời ta. HÃY ĐỪNG ĐỂ NÓ Ở VỊ TRÍ QUAN TRỌNG NHƯ THẾ NỮA. Hãy chuẩn bị nhiều phương án, nhiều lựa chọn. Khi chúng ta làm hồ sơ du học vào các trường ĐH trên TG, chúng ta gửi đến 20-30 bộ hồ sơ. Nhà trường chọn chúng ta (nhận vào, trao học bổng), sau đó chúng ta chọn trường (trường nào hay nhất, offer hào phóng nhất) thì chúng ta mới vào. Đó mới là bản chất của giáo dục nhân văn.

Vậy cùng 1 công chuẩn bị, chúng ta phải được nhắm đến nhiều cơ hội. Khi trượt một vài trường, chúng ta còn có nhiều trường khác nữa. Điều này giúp giảm tâm lý chỉ 1 hồng tâm duy nhất.

Nếu có trượt hết tất cả, thì chúng ta vẫn sống bình thường, và tiếp tục chinh phục vào năm sau.

Điều này giúp con có những khoảng lùi hợp lý, những khoảnh khắc để tự dạy bản thân cần phải hoàn thiện. Kiên trì như vậy, theo thời gian, con bạn sẽ ngừng nhìn nhận thất bại một cách tiêu cực và sẽ chỉ tìm kiếm bài học, và rèn luyện bản thân ngày một tốt hơn mà thôi.

(Hết phần 1, còn tiếp)

“Life Mentor – Cha mẹ dẫn lối” là cộng đồng hỗ trợ các cha mẹ có con độ tuổi 10-18 trong hành trình giáo dục con, với các hoạt động chính:

  • Kết nối 1-1 với các Mentor thành công trong đa dạng lĩnh vực.
  • Định hướng sự nghiệp thông qua hoạt động trải nghiệm đa dạng các ngành nghề trong xã hội.
  • Giúp con xây dựng tư duy, kỹ năng xã hội và các bài học về quản trị cuộc sống chưa được dạy trong nhà trường.

Chúng tôi mong muốn mọi trẻ em đều được thấu hiểu, tôn trọng, định hướng phát triển tiềm năng và sự nghiệp theo đúng năng lực và đam mê. Đội ngũ Mentor sẽ đồng hành trong quá trình phát triển của mỗi bạn nhỏ. Hãy cùng chúng tôi chung tay nhé.

Liên hệ công việc: lifementor2021@gmail.com

Website: https://lifementor.vn

Group FB https://www.facebook.com/groups/lifementor2021

Spotify https://spoti.fi/3zXawQT

← Bài trước Bài sau →