5 MẸO NHANH ĐỂ CHỐNG LẠI VIỆC BẮT NẠT HỌC ĐƯỜNG (PHẦN 2)

5 MẸO NHANH ĐỂ CHỐNG LẠI VIỆC BẮT NẠT HỌC ĐƯỜNG (PHẦN 2)

Mẹo số 3, nuôi dưỡng lòng tự trọng và sự tự tin cho trẻ.

Lần lượt các bài viết trong group Life Mentor về chủ đề Kỹ năng làm cha mẹ sẽ giúp bạn có thêm gợi ý để làm điều này. Đây là một nhiệm vụ lớn, và dài lâu. Đó là một hành trình dài, để trẻ ngấm và dần hình thành một tư duy, tính cách.

Đây là một khái niệm khó, mà không thể mô tả bằng lời. Tôi nghĩ cách tốt nhất để con hiểu khái niệm này là cha mẹ thể hiện điều đó trong cuộc sống hàng ngày. Hãy lấy bản thân làm ví dụ. Cách bạn ứng xử, cách bạn thể hiện sự trân quý bản thân, cách bạn có lòng tự trọng mạnh mẽ sẽ là những dẫn chứng tốt nhất cho con.

Khi xảy ra chuyện bắt nạt, ngoài các yếu tố hỗ trợ (từ thầy cô, cha mẹ) thì chính tâm lý kiên cường và sự tự tin mới có thể giúp con vượt qua. Vì vậy, lòng tự trọng phải được dạy từ rất sớm, qua thời gian dài mới trở thành tính cách.

Mẹo số 4, dạy kỹ năng quyết đoán.

Nói với con rằng sự quyết đoán là một cách tuyệt vời để tự chăm sóc bản thân. Cha mẹ không thể theo con 24/24, con cần phải là một người quyết đoán, tự bảo vệ bản thân.

Thông điệp đối với các cô gái trẻ: “hãy là những người can đảm và tử tế”

Can đảm là nói những gì cần phải nói, đúng với giá trị sống của mình. Và hãy tử tế với những người xứng đáng.

Có một bí mật để tôi nói với các cha mẹ, những kẻ bắt nạt sẽ tránh hai đối tượng này ra:

  • Một là những kẻ mạnh hơn (hoặc có sự bảo trợ mạnh như thầy cô, cha mẹ, có võ, to con, cứng rắn hơn…) → như vậy, kẻ bắt nạt chỉ tập trung vào đối tượng yếu thế.
  • Hai là, những người mang lại lợi ích. Tôi cực kì thích phim Prison Break, như một ví dụ điển hình về việc kẻ bắt nạt đã phải chịu nhún mình trước người thông minh, quả cảm, và mang lại lợi ích cho họ. Cụ thể trong trường học, đứa trẻ mang lại “lợi ích” cho những kẻ bắt nạt thì nhiều lắm. Có thể là hỗ trợ bạn học, giúp bạn tránh được nhiều rắc rối, khi cả thế giới quay lưng thì ra tay giúp đỡ bạn…Nhiều nhiều lắm trong các phim tuổi teen gợi ý đấy.

Như vậy đừng rơi vào BẪY CHỐNG LẠI HÀNH VI BẮT NẠT. Cái này tôi phải giải thích kĩ để các cha mẹ hiểu rõ này.

Cha mẹ có nhiều cách để con bảo vệ bản thân, như: cho đi học võ, rèn luyện thể lực, kết bạn với “kẻ bắt nạt” (tôi không nói đùa đâu, có cha mẹ đã làm vậy rồi đó), dũng cảm đàm phán, kết bạn với những kẻ mạnh…..có rất nhiều cách và mục đích cuối cùng là để con không bị bắt nạt, bảo vệ bản thân khi có “biến”.

Nhưng việc cố gắng chống lại hành vi bắt nạt là điều không có ý nghĩa. Trừ khi con bạn giỏi võ, có thể đánh nhau với khoảng 5 người khác (trở lên) thì mới nên đánh lại. Bởi vì phần lớn các vụ bắt nạt là do một nhóm kéo đến vây lấy 1 người. Ít khi chỉ 1 cá nhân bắt nạt 1 cá nhân. Tốt nhất là hãy chạy, hoặc dũng cảm lên tiếng, tìm cách thoát khỏi đó càng sớm càng tốt, và tìm kiếm sự giúp đỡ.

Vì vậy, mẹo số 5 tôi gợi ý là hãy dạy trẻ lựa chọn bạn bè khôn ngoan.

Đây là một chủ đề lớn xuất hiện trong quá trình nuôi dạy con tích cực. Chúng ta không can thiệp vào việc con kết thân với ai, không thể can thiệp đâu. Không thể cấm con chơi với ai, ép con chơi với ai. Bởi vì điều đó chỉ tạo nên sự phản kháng của con, và sự đối đầu giữa cha mẹ – con cái. Chúng ta phải hết sức thận trọng khi tiếp cận vấn đề này. Đừng có “Mẹ cấm con chơi với bạn A đấy nhé”. Hay “Bạn B không hay ho gì đâu, mẹ không thích con chơi với bạn ấy”. Nói vậy chỉ phản tác dụng thôi, nhất là khi con đã chọn chơi với bạn A, bạn B rồi trước khi cha mẹ lên tiếng. Trẻ sẽ có xu hướng bảo vệ lựa chọn của mình.

Nhưng chúng ta có thể dạy con các giá trị sống tốt đẹp, và tìm kiếm những giá trị tương tự ở bạn bè. Ai không có các giá trị tốt đẹp thì hãy tránh xa.

“Con yêu, sau này con sẽ có cơ hội gặp rất nhiều người trong đời. Có những người tích cực sẽ giúp con hoàn thành ước mơ của con, động viên con, có các tiêu chuẩn đạo đức tốt, và giữ cho con an toàn, vì họ yêu quý con. Con cũng cần làm như vậy với họ. Nhưng cũng có những người cố gắng kéo con ra khỏi mục tiêu cuộc đời mình, đem đến cho con những cạm bẫy và trải nghiệm tiêu cực. Mẹ hi vọng con sẽ có những lựa chọn khôn ngoan khi lựa chọn bạn bè cho mình.”

Có nhiều cách các cha mẹ có thể nói với con, nhiều tiêu chuẩn cha mẹ hãy cài cắm vào các câu chuyện với con, nhưng thông điệp luôn nhất quán “con hãy lựa chọn bạn một cách khôn ngoan”. Bởi lẽ, bạn bè tốt sẽ giúp đỡ, và bảo vệ con khi gặp biến cố.

(Xin cảm ơn (nguồn) NOVA Principles và Live On Purpose TV đã truyền cảm hứng cho Life Mentor viết nên những nội dung này.)

Life Mentor – Kênh thông tin tin cậy về:

  • Xây dựng tư duy, kỹ năng xã hội cho bạn trẻ tuổi teen
  • Định hướng sự nghiệp thông qua kết nối với các Mentor thành công trong đa dạng lĩnh vực. 

Liên hệ công việc: lifementor2021@gmail.com

← Bài trước Bài sau →