5 MẸO NHANH ĐỂ CHỐNG LẠI VIỆC BẮT NẠT HỌC ĐƯỜNG (PHẦN 1)

5 MẸO NHANH ĐỂ CHỐNG LẠI VIỆC BẮT NẠT HỌC ĐƯỜNG (PHẦN 1)

Có một chuyện mà mọi ngóc ngách trên thế giới đều đang phải đối mặt: BẮT NẠT HỌC ĐƯỜNG, đặc biệt trong bài này chúng tôi sẽ nói về VIỆC BẮT NẠT HỌC ĐƯỜNG GIỮA TỤI CON GÁI. 

Để tôi nói các bạn nghe này, tụi con gái khi bắt nạt còn “dã man” hơn nhiều tụi con trai đấy. Nhiều đồng nghiệp và cha mẹ đã phải công nhận với tôi như vậy, họ cũng đã trải qua thời trung học, và chứng kiến nhiều rồi. Tụi con trai chỉ đánh đấm nhau thôi, chứ tụi con gái khi bắt nạt thì nghĩ ra đủ chiêu trò hành xác nạn nhân. 

Thậm chí người ta còn làm phim về đề tài này rồi đấy. Hãy xem phim Mean Girls và các phim teen girls khác để biết thêm nhé. Mà phim còn có kết thúc có hậu, hãy đọc về các bài viết bạo lực học đường trên báo, để thấy tụi nhỏ có thể làm những điều tàn ác đến thế nào. 

Tôi cho rằng, GIẢI QUYẾT CHUYỆN BẮT NẠT là điều mà người lớn chúng ta phải ra tay, không chỉ để bảo vệ con mình, mà giúp cho cộng đồng của mình đáng sống hơn. Hãy coi đó là trách nhiệm xã hội, nếu không phải là người lớn, thì ai sẽ ngăn chặn điều đó? Trẻ con, hay cụ già? 

Có thể các cha mẹ chưa biết điều này, nhưng việc bắt nạt học được có nhiều cấp độ lắm. 

 

  • Cấp độ nhẹ nhàng nhất là trêu chọc, đùa giỡn, nói đùa khiến bạn khó chịu. 
  • Rồi đến những chuyện trêu chọc ác ý nhằm một mục tiêu khác (ví dụ để bạn nổi giận và ra tay đánh trước, gây nên một cuộc đánh nhau)
  • Nhận xét bằng lời lẽ tục tĩu, cô lập hoặc gây tổn thương (gọi là cà khịa), làm đau bạn. 
  • Trộm cắp hoặc phá hủy tài sản của bạn (VD: xịt lốp, phá xe, lấy cặp, vứt đồ đạc của bạn tung toé…) 


Các cấp độ đi từ nhẹ nhất, ít có hại đến những hành vi thực sự trái pháp luật, mà trẻ không biết (như trộm cắp và hành hung). Đây là mức độ nghiêm trọng của bắt nạt. 

Từ khi có Internet và Mạng xã hội, chúng ta phải đối mặt với một cách thức bắt nạt mới:

 

  • Bắt nạt trực tuyến (cyber bullying). Ở đây ai cũng có thể bắt nạt ai đó. Khả năng bắt nạt online còn cao hơn nhiều offline do tính giấu mặt. 


Trẻ cảm thấy mình “ít bị phát hiện” hơn, nghĩ rằng mình giấu mặt nên hành vi bắt nạt trở nên dễ dàng hơn. Tính lây lan nhanh khủng khiếp của Mạng xã hội sẽ tiếp tay cho việc bắt nạt online, nạn nhân sẽ phải chịu đựng sức ép lớn hơn rất nhiều. Nếu như ngày xưa, khi bị một tin đồn xấu, trẻ chỉ chịu tiếng xấu trong cộng đồng nhỏ (lớp, trường) thì ngày nay, chỉ sau 1 đêm, tin đồn xấu về trẻ có thể đến tai hàng chục triệu người trên cả nước. Sức ép này, một bé gái hơn 10 tuổi khó có thể gánh nổi. 

Hãy sớm nói chuyện với con về đề tài bắt nạt 

Đừng để đến khi chuyện bắt nạt này xảy ra mới nói chuyện. Khi đó, kể cả con bạn là nạn nhân, hay là hung thủ thì cũng đã quá muộn. Bạn không thể nói lý trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng được. 

Hãy cởi mở, chuẩn bị sớm những đề tài “nóng” mà rất có khả năng sẽ xảy ra ở môi trường con bạn đang học tập. 

Hôm nay, tôi sẽ chỉ tập trung nói về trường hợp con bạn là “nạn nhân” của bắt nạt học đường thôi nhé. Tất nhiên, chúng ta không bao giờ muốn việc bắt nạt lại rơi trúng vào con mình. Ngàn lần không. Nhưng cần phải chuẩn bị trước, để khi nó xảy ra, con gái các bạn không hoảng loạn và không tìm được sự giúp đỡ. 

5 mẹo nhanh để chống lại việc bị bắt nạt tại trường

Số 1, hãy giữ kết nối với con. Tôi biết nghe điều này có vẻ lỗi thời (old fashioned) vì ai cũng có thể phát biểu như vậy. Nhưng để tôi giải thích kĩ hơn. Khi trẻ bước vào tuổi vị thành niên, trẻ thường có xu hướng tách rời xa ra đình, và bám dính lấy bạn bè nhiều hơn. Nhưng vấn đề là “bạn bè” trong trường hợp này lại chính là người gây ra những rắc rối (bắt nạt), còn các bạn khác lại không thể cứu con. 

Hãy để con cảm thấy rằng bất cứ lúc nào con cũng có thể kết nối và chia sẻ với cha mẹ. Cha mẹ phải NÓI RA CÂU NÀY. Không chỉ là khiến trẻ CẢM THẤY, mà phải nói ra, “con có thể nói với mẹ bất cứ điều gì. Không chỉ những chủ đề thoải mái, mà bất cứ chủ đề khó nào. Mẹ cam kết với con sẽ không có “vùng cấm” trong các đề tài chúng mình nói với nhau. Cha mẹ luôn ở đây, khi con có khó khăn gì”. 

Mẹo số 2, cha mẹ cần làm quen với cách xã hội tuổi teen vận hành, và những thay đổi về thể chất, tâm lý xảy ra trong thời gian này của cuộc đời. 

Nghe có vẻ hơi ngớ ngẩn khi nói điều này với cha mẹ, vì nhiều cha mẹ cũng rất hiểu sự thay đổi này ở con. Nhưng ở nhiều trường tại Mỹ và Châu Âu, chúng tôi cùng trẻ trải qua một khoá gọi là “chương trình trưởng thành” (maturation program): Nơi tụi nhỏ tìm hiểu về sự phát triển; Cơ thể của họ đang thay đổi như thế nào; Nội tiết tố có thể thay đổi như thế nào (bằng những lý giải khoa học); Tương tác xã hội bắt đầu phát triển và thay đổi như thế nào; Những cảm xúc thay đổi; Mối quan hệ tình bạn, tình yêu…

Nhiều gia đình đã bắt đầu nói với con về các chủ đề này từ sớm, nhưng nhiều cha mẹ vẫn chưa có hệ thống, vẫn “bất ngờ” khi con có những biến đổi "khác thường”, hoặc có biến cố xảy ra thì cha mẹ mới lúng túng. Cha mẹ còn bất ngờ, và đi hỏi tứ tung trên mạng, thì làm sao hiểu và hướng dẫn lại cho con? Tôi mong rằng những chương trình như trên được phổ biến trên toàn thế giới. 

Mẹo số 3, nuôi dưỡng lòng tự trọng và sự tự tin cho trẻ. 

Lần lượt các bài viết trong group Life Mentor về chủ đề Kỹ năng làm cha mẹ sẽ giúp bạn có thêm gợi ý để làm điều này. Đây là một nhiệm vụ lớn, và dài lâu. Đó là một hành trình dài, để trẻ ngấm và dần hình thành một tư duy, tính cách. 

Đây là một khái niệm khó, mà không thể mô tả bằng lời. Tôi nghĩ cách tốt nhất để con hiểu khái niệm này là cha mẹ thể hiện điều đó trong cuộc sống hàng ngày. Hãy lấy bản thân làm ví dụ. Cách bạn ứng xử, cách bạn thể hiện sự trân quý bản thân, cách bạn có lòng tự trọng mạnh mẽ sẽ là những dẫn chứng tốt nhất cho con. 

Khi xảy ra chuyện bắt nạt, ngoài các yếu tố hỗ trợ (từ thầy cô, cha mẹ) thì chính tâm lý kiên cường và sự tự tin mới có thể giúp con vượt qua. Vì vậy, lòng tự trọng phải được dạy từ rất sớm, qua thời gian dài mới trở thành tính cách. 

Mẹo số 4, dạy kỹ năng quyết đoán. 

Nói với con rằng sự quyết đoán là một cách tuyệt vời để tự chăm sóc bản thân. Cha mẹ không thể theo con 24/24, con cần phải là một người quyết đoán, tự bảo vệ bản thân. 

Thông điệp đối với các cô gái trẻ: “hãy là những người can đảm và tử tế”

Can đảm là nói những gì cần phải nói, đúng với giá trị sống của mình. Và hãy tử tế với những người xứng đáng. 

Có một bí mật để tôi nói với các cha mẹ, những kẻ bắt nạt sẽ tránh hai đối tượng này ra: 

 

  • Một là những kẻ mạnh hơn (hoặc có sự bảo trợ mạnh như thầy cô, cha mẹ, có võ, to con, cứng rắn hơn…) → như vậy, kẻ bắt nạt chỉ tập trung vào đối tượng yếu thế. 
  • Hai là, những người mang lại lợi ích. Tôi cực kì thích phim Prison Break, như một ví dụ điển hình về việc kẻ bắt nạt đã phải chịu nhún mình trước người thông minh, quả cảm, và mang lại lợi ích cho họ. Cụ thể trong trường học, đứa trẻ mang lại “lợi ích” cho những kẻ bắt nạt thì nhiều lắm. Có thể là hỗ trợ bạn học, giúp bạn tránh được nhiều rắc rối, khi cả thế giới quay lưng thì ra tay giúp đỡ bạn...Nhiều nhiều lắm trong các phim tuổi teen gợi ý đấy. 


Như vậy đừng rơi vào BẪY CHỐNG LẠI HÀNH VI BẮT NẠT. Cái này tôi phải giải thích kĩ để các cha mẹ hiểu rõ này. 

Cha mẹ có nhiều cách để con bảo vệ bản thân, như: cho đi học võ, rèn luyện thể lực, kết bạn với “kẻ bắt nạt” (tôi không nói đùa đâu, có cha mẹ đã làm vậy rồi đó), dũng cảm đàm phán, kết bạn với những kẻ mạnh…..có rất nhiều cách và mục đích cuối cùng là để con không bị bắt nạt, bảo vệ bản thân khi có “biến”. 

Nhưng việc cố gắng chống lại hành vi bắt nạt là điều không có ý nghĩa. Trừ khi con bạn giỏi võ, có thể đánh nhau với khoảng 5 người khác (trở lên) thì mới nên đánh lại. Bởi vì phần lớn các vụ bắt nạt là do một nhóm kéo đến vây lấy 1 người. Ít khi chỉ 1 cá nhân bắt nạt 1 cá nhân. Tốt nhất là hãy chạy, hoặc dũng cảm lên tiếng, tìm cách thoát khỏi đó càng sớm càng tốt, và tìm kiếm sự giúp đỡ. 

Vì vậy, mẹo số 5 tôi gợi ý là hãy dạy trẻ lựa chọn bạn bè khôn ngoan. 

Đây là một chủ đề lớn xuất hiện trong quá trình nuôi dạy con tích cực. Chúng ta không can thiệp vào việc con kết thân với ai, không thể can thiệp đâu. Không thể cấm con chơi với ai, ép con chơi với ai. Bởi vì điều đó chỉ tạo nên sự phản kháng của con, và sự đối đầu giữa cha mẹ - con cái. Chúng ta phải hết sức thận trọng khi tiếp cận vấn đề này. Đừng có “Mẹ cấm con chơi với bạn A đấy nhé”. Hay “Bạn B không hay ho gì đâu, mẹ không thích con chơi với bạn ấy”. Nói vậy chỉ phản tác dụng thôi, nhất là khi con đã chọn chơi với bạn A, bạn B rồi trước khi cha mẹ lên tiếng. Trẻ sẽ có xu hướng bảo vệ lựa chọn của mình. 

Nhưng chúng ta có thể dạy con các giá trị sống tốt đẹp, và tìm kiếm những giá trị tương tự ở bạn bè. Ai không có các giá trị tốt đẹp thì hãy tránh xa. 

“Con yêu, sau này con sẽ có cơ hội gặp rất nhiều người trong đời. Có những người tích cực sẽ giúp con hoàn thành ước mơ của con, động viên con, có các tiêu chuẩn đạo đức tốt, và giữ cho con an toàn, vì họ yêu quý con. Con cũng cần làm như vậy với họ. Nhưng cũng có những người cố gắng kéo con ra khỏi mục tiêu cuộc đời mình, đem đến cho con những cạm bẫy và trải nghiệm tiêu cực. Mẹ hi vọng con sẽ có những lựa chọn khôn ngoan khi lựa chọn bạn bè cho mình.”

Có nhiều cách các cha mẹ có thể nói với con, nhiều tiêu chuẩn cha mẹ hãy cài cắm vào các câu chuyện với con, nhưng thông điệp luôn nhất quán “con hãy lựa chọn bạn một cách khôn ngoan”. Bởi lẽ, bạn bè tốt sẽ giúp đỡ, và bảo vệ con khi gặp biến cố. 

Nguồn: NOVA Principles và Live On Purpose TV

=====

Life Mentor - Tư vấn giáo dục từ nền tảng gia đình 

← Bài trước Bài sau →