5 CÂU HỎI THẦN KÌ - CHUẨN BỊ CHO CON TRÁNH NHỮNG LỰA CHỌN HỒ ĐỒ

5 CÂU HỎI THẦN KÌ - CHUẨN BỊ CHO CON TRÁNH NHỮNG LỰA CHỌN HỒ ĐỒ

Con càng lớn, xa rời vòng tay cha mẹ, chúng ta càng không thể ở bên con 24/24 được. Vậy làm thế nào để đứa con dại dột có thể tự tư duy, tự đưa ra những quyết định đúng, hay ít nhất là quyết định không tổn hại đến bản thân và gây hậu quả nghiêm trọng?

Từ nhiều nghiên cứu, chúng tôi đưa ra hai Nguyên tắc quan trọng, giúp trẻ vị thành niên nhận ra tầm quan trọng của việc suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra lựa chọn hoặc quyết định. Trẻ cần chậm lại một bước, để “Cân nhắc tình huống” (nguyên tắc 1), và nghĩ về “Nguyên nhân & Kết quả” (nguyên tắc 2) của lựa chọn. Điều này cho trẻ cơ hội để đưa ra quyết định tốt nhất có thể. Nói cách khác, “Hãy suy nghĩ kỹ trước khi con làm”.

Nhiều trẻ tuổi teen đến giai đoạn “nổi loạn”, muốn thể hiện mình là người lớn, nhưng khoa học đã chứng minh các vùng não kiểm soát việc ra quyết định không phát triển đầy đủ cho đến khi trưởng thành. Kinh nghiệm chưa có, tâm hồn non nớt, thật khó để bảo trẻ phải “trầm tĩnh” suy nghĩ cẩn thận như người lớn.

Tin vui là cha mẹ có thể giúp teen rèn luyện cách đưa ra quyết định đúng đắn

Nhiều cha mẹ nói “Cứ để chúng lựa chọn sai lầm, để gánh hậu quả, rồi chúng sẽ hiểu ra.” Đây cũng là một cách làm hay để trẻ tăng dần khả năng tự chủ và rèn luyện khả năng ra quyết định độc lập. Điều đó rất quan trọng để teen trở thành những người trưởng thành tự tin với các liên kết xã hội tốt.

Chắc chắn lựa chọn sai lầm là một phần của việc trở thành người lớn, đó là điều cần thiết.

Nhưng các cha mẹ nói thật lòng đi, ai chả muốn bảo vệ con cái khỏi những quyết định sai lầm nghiêm trọng hoặc bất hợp pháp. (Làm gì có ai để kệ tụi nhỏ phạm pháp như ăn cắp, dùng ma tuý, gây án… để chúng gánh hậu quả, rồi chúng sẽ học được bài học). Bởi vì hậu quả quá đắng, và bài học không thể nhấn nút undo được. Đây là điều cha mẹ nhất định phải làm, không ai thay thế nổi.

Tin vui đây, hóa ra lại có công thức mì ăn liền giúp cha mẹ khuyến khích teen đưa ra quyết định tốt hơn

Ví dụ: Trong bữa tiệc cuối năm, các bạn teen được cha mẹ cho đi chơi qua đêm, và trong buổi đó, có một số bạn lôi rượu và chất kích thích ra mời mọc nhau.

Lúc này, teen sẽ hoàn toàn có quyền quyết định dùng hay không, mà không có người lớn bên cạnh để tham vấn. Ước gì chúng ta có thể chuẩn bị trước cho con nội lực mạnh mẽ, để đưa ra những lựa chọn sáng suốt.

Vậy cha mẹ hãy cùng con rèn luyện “cách ra quyết định thông minh” từ sớm. Bằng cách sử dụng 5 câu hỏi thần kì này, với hầu hết các tình huống hàng ngày, để trẻ luyện tư duy lựa chọn nhé.

Câu hỏi số 1: Quyết định này có vi phạm bất kỳ nguyên tắc đạo đức nào không?

Có những điều hiển nhiên đúng, hiển nhiên sai, trẻ rất dễ nhận diện. Ví dụ:

Làm đau ai đó → sai

Ăn cắp → sai

Bắt nạt bạn yếu thế hơn → sai

Nhưng cũng có những điều nằm ở khoảng xám, tức là có thể đúng, có thể sai, hoặc trẻ chưa đủ trải nghiệm để biết ở mức độ nào là chấp nhận được. Ví dụ:

Uống đến say mềm trong bữa tiệc bạn bè → Vui xoã một chút, hay vi phạm nguyên tắc của cha mẹ?

Xăm tên người yêu to đùng lên những chỗ lộ dễ thấy → tình yêu rực cháy, hay là quyết định ngớ ngẩn mà không tính trước tương lai?

Lựa chọn trang phục có vấn đề nghiêm trọng, hở hang quá, hở hang đến mức độ nào là chấp nhận được?

Dù sao thì, việc đặt ra câu hỏi này sẽ lọc được một phần lớn những tình huống vi phạm đạo đức mà trẻ không nên làm.

Câu hỏi số 2. Ai sẽ bị ảnh hưởng bởi sự lựa chọn của con? 

Câu hỏi này giúp trẻ đồng cảm, kết nối với mọi người, biết đứng vào vị trí của người khác để thấu hiểu.

Trẻ cần hiểu rằng, sống trong cộng đồng, thì hành vi của mình có thể ảnh hưởng đến những người khác.

Ví dụ: Vì lợi ích của mình, mà con nói xấu bạn, bắt nạt bạn, bè phái cô lập bạn. Điều đó ảnh hưởng như thế nào? Có rất nhiều điều mà trẻ có thể chọn không làm khi nhận ra nó sẽ ảnh hưởng đến ai.

Câu hỏi số 3: Điều gì sẽ xảy ra nếu con làm điều này?

Đây là một cách hiệu quả để khiến trẻ suy nghĩ về nguyên nhân và kết quả. Nhờ đó trẻ có thể bắt đầu kết nối hành vi của mình với một số kết quả đang xảy ra trong cuộc sống. Cân nhắc kĩ lưỡng không chỉ tốt cho trẻ với những quyết định tại thời điểm đó, mà cha mẹ đang trao một tư duy cực kì quý giá, giúp con thuận lợi hơn rất nhiều trong cuộc sống và công việc sau này.

Câu hỏi số 4:

Trước khi vào câu hỏi số 4, tôi muốn kể cho quý vị nghe, một câu nói mà huấn luyện viên đội bóng thời niên thiếu đã dạy mà khiến tôi nhớ mãi đến sau này, đó là: “Các chàng trai, đừng bao giờ làm bất cứ điều gì có thể làm xấu mặt gia đình bạn hoặc đội bóng của mình”.

Tôi cũng mong các cha mẹ nhớ đến thần chú này để hướng dẫn hành vi cho con cái.

Con có làm điều này không nếu một người mà con thực sự tôn trọng biết về nó?

Ví dụ như huấn luyện viên của con, bố mẹ, bạn trai/ bạn gái của con, người thầy của con, một người mà con kính trọng, hoặc một người bạn tốt của con. Con liệu có làm điều này nếu một người mà con thực sự tôn trọng biết về nó không?

Ví dụ: Vì lợi ích của bản thân, mà con chơi xấu bạn bè, liệu con có tự hào nói điều đó với người mà con rất tôn trọng không?

Trong rất nhiều trường hợp, suy nghĩ này có thể làm thay đổi quyết định của trẻ.

Câu hỏi thứ 5: Điều này có làm cho con tốt đẹp hơn không?

Hướng thiện là điều mà bất cứ ai, kể cả những đứa trẻ đều mong muốn trở thành. Chẳng có ai lại mong muốn mình trở thành người xấu xa và bị xa lánh cả. Đó là bản chất tự nhiên của những đứa trẻ.

Vậy con hãy hỏi bản thân mình, liệu con có cảm thấy mình tốt đẹp hơn không khi con “nói dối, lừa bố mẹ để đạt được mục đích của con”? Con có cách nào khác để đề xuất mong muốn của mình mà không phải lừa lọc không?

Chúc các con và các cha mẹ, luôn có những quyết định sáng suốt nhé.

Life Mentor – Kênh thông tin tin cậy về:

  • Xây dựng tư duy, kỹ năng xã hội cho bạn trẻ tuổi teen
  • Định hướng sự nghiệp thông qua kết nối với các Mentor thành công trong đa dạng lĩnh vực. 

Liên hệ công việc: lifementor2021@gmail.com

← Bài trước Bài sau →