THẦN CHÚ G.I - G.O

THẦN CHÚ G.I - G.O

Đa số chúng ta – là người lớn, đều biết tác động tích cực và tiêu cực của phương tiện truyền thông và mạng xã hội (MXH). Nhưng trẻ con thì chưa. Các cô cậu tuổi mới lớn chưa đủ logic, chưa đủ trải nghiệm để lọc ra tri thức từ Mạng xã hội – nơi đang ngập tràn rác rưởi.

Tại một số trường của Châu Âu, người ta đã tổ chức các buổi tập huấn cho trẻ em trong nhà trường, mời các sĩ quan cảnh sát đi cùng, để hướng dẫn trẻ em về hậu quả của rượu và các chất gây nghiện khác, về sự an toàn, về hành vi cư xử trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội.

Không gì gây ấn tượng mạnh hơn với tụi trẻ 10 tuổi, bằng việc các cô chú cảnh sát, với đồng phục cực ngầu, giảng dạy về các hệ luỵ của những hành vi phạm pháp, hoặc vi phạm đạo đức.

Một trong những nguyên tắc họ giảng dạy cho trẻ là “Gi-Go”. Tôi muốn các cha mẹ hãy nhớ từ khoá quan trọng này. Gi-Go (Garbage in – Garbage out) Rác vào thì rác ra.

Nghĩa là chúng ta đưa vào đầu những gì (gồm nghe, xem, đọc, tiếp xúc), thì chúng ta phát ngôn, hành động ra những thứ đó. Đây là những gì họ làm (thử nghiệm) để kiểm chứng giả thuyết này.

Người ta đã thử nghiệm với một nhóm người bằng cách đưa ra các chữ cái R*PE. Và hỏi họ một câu hỏi đơn giản. Chữ cái nào còn thiếu trong từ này? Câu trả lời mà bạn đưa ra, là thể hiện của những gì đang có sẵn trong đầu bạn. Khi thử nghiệm điều này với nhiều nhóm người:

Nhóm thứ nhất nói rằng đó là chữ RIPE (quả chín), và trước đó họ được xem hình ảnh và các bài viết về trái cây, cánh đồng, thiên nhiên.

Nhóm thứ hai nói rằng đó là chữ ROPE (dây thừng), và trước đó họ được tiếp xúc với hình ảnh các buổi cắm trại trong rừng.

Nhóm thứ ba được tiếp xúc với các nội dung bạo lực, tệ nạn, tính dục…và họ đọc ra chữ R.A.P.E (cưỡng bức).

Người ta đã thử nghiệm nhiều lần với nhiều đối tượng và cho ra kết quả tương tự như nhau.

Mong các cha mẹ hãy nhớ giúp tôi câu thần chú: GI-GO (Garbage in, Gabage Out), rác vào thì rác ra. Đó là nguyên lý mà não bộ vận hành. Bạn đọc, nghe, xem, tiếp thu cái gì, thì bạn sẽ thể hiện ra ngoài cái đó.

Có những đưa trẻ 10 tuổi nói vanh vách chuyện vũ trụ, các vì sao, các phát minh trên thế giới, nhưng có những đứa 10 tuổi lại chỉ biết đến các ngôi sao ca nhạc, các loại vũ khí, các games đang hot, các nhân vật kinh dị, ngôi sao nào đang yêu ai… Các cha mẹ thấy có quen không?

Có quá nhiều cha mẹ choáng váng khi đọc được những gì con cái viết trên MXH. Nó không giống chút nào với đứa trẻ ngoan ngoãn mà họ nuôi dạy suốt hơn chục năm qua. Có trẻ có 2 account FB, một để thể hiện là đứa con ngoan của cha mẹ, nhưng một lại chửi nhau, nói bậy, tham gia vào các nhóm “rác rưởi” trên MXH và thể hiện mình “ngầu” so với bạn bè.

Rõ ràng ở VN mình, có một thực tế là gần như chưa có nhà trường nào tổ chức các khoá học cho trẻ về “hành xử đúng trên mạng xã hội”. Việc mời các cô chú công an, những người giám sát pháp luật đến nói với tụi nhỏ về các hệ quả thì càng không. Việc này, phải là nhiệm vụ của cha mẹ. Tụi trẻ còn quá bé để biết rằng: những gì chúng thể hiện trên mạng xã hội là tồn tại vĩnh viễn, không có khả năng tẩy xoá quá khứ. Tụi trẻ còn quá non nớt để biết rằng, những gì chúng tiếp xúc trên Youtube, Facebook, các MXH khác, đang dần hình thành lên nhân cách và tương lai của chúng.

Vậy cha mẹ nên hướng dẫn con những gì?

– Mọi thứ con đưa lên mạng (kể cả share đường link, thả tim, like, comment) đều phản ánh trực tiếp về con. Đăng nhận xét bất cẩn và hình ảnh thiếu suy nghĩ có thể gây tổn hại đến danh tiếng của con.

– Thận trọng với các vấn đề có thể bị coi là tiêu cực hoặc xúc phạm. Chúng ta đang sống trong một xã hội toàn cầu với nhiều niềm tin, hệ thống giá trị và quan điểm chính trị khác nhau. Từ một nhận xét có thể bị hiểu lầm và dễ dàng xúc phạm một người nào đó hoặc cả một nhóm người.

– Cách cư xử tạo nên uy tín và danh tiếng cho con. Mạng ảo không có nghĩa là con ẩn danh và muốn nói gì cũng được. Cách con giao tiếp trên mạng chính là cách con giao tiếp trong thế giới thực.

– Trở thành một công dân số có trách nhiệm. Có nghĩa là cần có thái độ và hành vi lịch sự và tôn trọng trên mạng.

(Cha mẹ hãy tìm thêm “how to behave in social media” để có thêm nhiều gợi ý cụ thể)

Các cha mẹ xin đừng để kệ cho MXH giáo dục con mình nữa, chỉ có cha mẹ mới là người dẫn lối tốt nhất mà thôi!

(Nguồn: sưu tầm tổng hợp)

Life Mentor – Kênh thông tin tin cậy về:

  • Xây dựng tư duy, kỹ năng xã hội cho bạn trẻ tuổi teen
  • Định hướng sự nghiệp thông qua kết nối với các Mentor thành công trong đa dạng lĩnh vực. 

Liên hệ công việc: lifementor2021@gmail.com

← Bài trước Bài sau →