“Ước mơ của mẹ là gì hả mẹ?”
Mình chưa từng bao giờ hỏi mẹ câu đó. Từ khi mình biết nhận thức, thì lúc nào hình ảnh của mẹ cũng là trong bếp, đi làm, chăm chút con cái, lao động, đọc sách, nghiên cứu…Giống như cô giáo thì phải luôn luôn ở trên lớp, chứ không thể ở phòng tập yoga. Bác sỹ thì nhất định phải ở bệnh viện, chứ không thể ở bể bơi.
Mẹ, trong mắt con, sẽ luôn là hình ảnh lao động, chăm chút gia đình, chăm sóc mấy bố con. Và tất nhiên chúng ta, chắc chưa bao giờ thủ thỉ “Mẹ, ước mơ của mẹ là gì hả mẹ?”
Nếu có, chắc mẹ cũng chỉ nói mong ước của mẹ tại thời điểm đó:
- Mẹ mong con học giỏi, thành công và hạnh phúc.
- Mẹ mong gia đình mình êm ấm
- Mẹ mong có công việc tốt, thu nhập tăng lên, để cho con được học hành tốt nhất…
Có phải tất cả những ước mơ của mẹ đều gắn với con, với gia đình? Hay mẹ đã quên ước mơ thời thiếu nữ?
—-
Mẹ Minh nhà mình năm nay đã U70. Mẹ là nhà nghiên cứu khoa học, nhưng lại văn hay chữ tốt, làm thơ, viết báo, viết sách, chắp bút, bình luận…đủ cả. Đến cả viết cáo phó, viết gia phả người ta cũng nhờ mẹ. Với chị em mình, mẹ đã sống một cuộc đời rực rỡ đáng sống. Vậy là 4 chị em xúm vào xui mẹ viết “Hồi ký nội bộ”. Tức là một cuốn nhật ký cuộc đời, chỉ để cho con cháu đọc, để hiểu một cuộc đời vất vả vượt qua bao khó khăn mong được đi học, và để lưu truyền lại một di sản nhỏ xinh của mẹ.
“Con thích nghe mẹ kể chuyện ngày xưa mẹ đi học thế nào. Vì mẹ có một niềm khao khát vươn lên vô cùng mạnh mẽ. Khó khăn của mẹ khi mẹ học thời cấp 1-2-3 như thế nào? Ăn 1 bát cháo đói thế nào rồi lại đi học tiếp? Ông ngoại thường ngăn cản mẹ không cho mẹ đi học như thế nào? Thời kỳ mẹ không được Đại học là do vì sao? Vì sao mà mẹ phải nghỉ ở nhà làm hợp tác xã? Sau mấy năm mới được đi học? Lúc nào mẹ rảnh thì mẹ viết kể con nghe nhé! Mỗi lần con đi học con lại nghĩ đến mẹ, rằng mẹ đã phải trải qua những khó khăn vất vả như thế nào để vươn lên, thế là con lại có thêm động lực để học tốt.” – chị gái mình xui.
Thế là mẹ Minh viết.
Mẹ hiện ra trong mấy chục trang hồi ký thật là khác với những gì bọn mình biết về mẹ.
Ồ, hoá ra mẹ cũng đã từng là cô bé 5 tuổi lí lắc đến trường.
“Một đêm mưa bão, cây cối nghiêng ngả, quả xanh rụng tơi bời…, sáng ra trời trong xanh, tôi đi học qua gốc cây thị cổ thụ ở làng, liền nhặt mấy quả thị xanh cho vào cặp sách để chơi chuyền.”
“Hôm tôi bước vào lớp 1, cả nhà chuẩn bị cho tôi như một sự kiện trọng đại: mẹ chuẩn bị cho tôi sách vở, chỉ một quyển vở mỏng, một cái bút có ngòi, một cái bút chì đen, một lọ mực…Ông nội khoác cho tôi một cái áo tơi lá, đội lên đầu tôi một cái nón lá con con. Tôi lui cui lội ra ngõ, theo sau tôi là ánh mắt sáng ngời của ông nội và mẹ. Đi bộ, tự đi học, không có ai đưa đón như bây giờ đâu.”
Ồ hoá ra mẹ cũng là một kẻ yếu thế ở trường bị bọn con trai bắt nạt, và bọn con gái tẩy chay, chắc do khác lạ quá :)) Mỗi lần đi học về, mẹ – là cô bé 8 tuổi – phải lẽo đẽo theo sau bọn con trai trong làng vì sợ bọn trẻ con khác bắt nạt.
“Bọn con trai đi cùng nhau, không bỏ rơi nhưng không chơi với tôi, cả khi đi học và về, tôi đều lẽo đẽo theo sau chúng khoảng 30-40 mét, nếu có đứa nào làng khác bắt nạt, chúng lập tức xúm vào bênh tôi, nhưng sau đó lại giữ khoảng cách lừng lững như cũ.”
Và mẹ cũng chập chững bước vào học ngoại ngữ Tiếng Nga khi 11 tuổi.
“Bắt đầu từ đây tôi được học tiếng Nga, một môn lạ lẫm với một cô bé nhỏ tuổi như tôi, nhưng nó mới thú vị và tuyệt vời làm sao! Tôi như lạc vào một khoảng trời mới với những ngày đến trường có chương trình học do nhiều thầy cô dạy và môn ngoại ngữ tuyệt diệu.”
Những năm cấp 2, mẹ bắt đầu bước vào giai đoạn vất vả. Không còn được vô tư lí lắc trẻ con nữa rồi, đằng sau mẹ là một đàn em lóc nhóc, lớn lên cùng cái nghèo, bao bọc nhau trong một tổ ấm mà cái xác xơ đói rét luôn rình rập, nhường nhau ăn và không bỏ học.
13 tuổi, mẹ bước vào cấp 3 (hệ 10 năm ngày xưa), và cũng đứng trước nguy cơ phải nghỉ học vì nhà nghèo. Những năm 67-68, Mỹ ném bom miền Bắc ác liệt, thanh niên cứ lớn lên là ra trận, còn con gái nghỉ học làm nông nghiệp, phục vụ chiến tranh. Mới 13 tuổi, mẹ đã phải nghĩ cách tự trồng thêm khoai, tự bắt tôm cá, kiếm thêm thức ăn, để ít nhất không ăn vào phần của bố mẹ và các em.
“Cái nghèo đói đi song song cùng tôi những ngày tôi đi học, và song song với sự phát triển nhận thức của tôi. Có hôm đi học tôi mang theo 1 cái bao tải để lúc về lê 2 chân sệt sệt sát ven đường, được 1 quãng dừng lại là vơ được một ôm lá xà cừ, hết 2 km đường về đến nhà cũng vừa đầy một tải lá, mang về góp vào chất đốt hàng ngày.”
Mẹ cũng đã từng là một cô gái mới lớn, trẻ trung xinh đẹp, có nhiều ước mơ và khát vọng, ham đọc sách và ham hiểu biết. Hoàn cảnh gia đình nghèo khó, đã không biết bao lần khiến mẹ nghĩ đến chuyện bỏ học.
“Đến giữa lớp 9, tôi nhận thấy con nhà nghèo mà tham học lên cao là sử dụng một cách xa xỉ công sức của bố mẹ, mặc dù niềm khát học đã một lần bị tổn thương do suýt nữa bị nghỉ học hồi hết cấp 2. Thời đó được học cấp 3 là niềm mơ ước của bao trẻ nhà quê. Mỗi khi sắp đến kỳ đóng tiền học tôi lo lắng bồn chồn không biết mẹ có vay chạy được tiền cho tôi không, bố mẹ đã méo mặt vì lo cho các em bữa đói bữa no rồi mà tôi còn làm khổ. Tôi cảm thấy có lỗi và sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi tự quyết định lên văn phòng nhà trường xin rút học bạ, bỏ dở việc học hành.”
Mẹ 15 tuổi, còn quá nhỏ bé so với trách nhiệm lớn lao là trở thành một lao động chính trong gia đình, kiếm ăn nuôi bản thân, chăm sóc mẹ ốm đau, nuôi 5 đứa em phía sau.
“Tốt nghiệp phổ thông năm 1971, tôi càng ý thức mạnh mẽ hơn rằng mình không nên đi học nữa, đừng lạm dụng công sức của bố mẹ, và nên biết thương đến các em. Mặc nhiên tôi không dám nghĩ đến việc thi đại học, nên chẳng ôn thi làm gì. Tôi gần như an phận gái quê, sẽ chân lấm tay bùn gắn với ruộng đồng, mặc dù lửa học trong tôi còn âm ỉ cháy.”
Rồi mẹ thi đỗ Đại học, nhưng vì lý do nào đó địa phương không cho đi học. Trải qua 4 năm làm xã viên hợp tác xã, lao động ruộng đồng,
“một hôm, tôi ngạc nhiên nhận được một gói bưu phẩm, khi dở ra thì thấy một bộ sách giáo khoa của 3 môn Toán, Hóa, Sinh và một bức thư do bạn Tuyết Mai lớp trưởng viết rằng: thầy Phú Mỹ bảo các bạn thu gom và gửi về cho tôi ôn thi. Tôi cảm động, ngồi khóc một mình cho hoàn cảnh trớ trêu, nhưng lại vui mừng vì khi móng chân tôi đã nhuộm vàng màu bùn, con người tôi đã nhuốm màu thôn nữ, thì Thầy và các bạn vẫn nhớ đến tôi, vẫn động viên tôi đi học.”
Rồi mẹ lại ôn thi, khi mà 12h mọi người đều đi ngủ hết, thì mẹ chong đèn ngồi ôn thi đến gần sáng. Và rồi cũng đỗ đại học. Mẹ cũng có một thời sinh viên trẻ trung sôi nổi đầy sức sống. Mẹ kể về những người bạn học trở về từ chiến trường, những kỳ thực tập trên nông trường Bò Mộc Châu, những buổi nghiên cứu trong phòng Lab của ĐH Nông Nghiệp, những buổi đi thực địa lấy mẫu xét nghiệm…
Từ một cô bé nông thôn nghèo xơ nghèo xác, đến mức phải mấy lần suýt bỏ học. Đã phải nghỉ ở nhà làm cô nông dân trong suốt 4 năm, rồi vẫn đi thi đại học, và cuối cùng trở thành tiến sỹ khoa học với nhiều công trình nghiên cứu quốc tế. Hành trình mẹ đi vừa dài bất tận, vừa chông gai thử thách, vừa xứng đáng và có quá nhiều câu chuyện để kể.
Mẹ chưa bao giờ nói ước mơ của mẹ là gì. Nhưng khi đọc hồi ký của mẹ, mình lờ mờ nhận ra, trải qua những hoàn cảnh khắc nghiệt như thế, có lẽ ước mơ lớn nhất sẽ là không đánh mất ý chí và nghị lực, để không bao giờ gục ngã trước hoàn cảnh, để chạm tới ước mơ được học hành.
Vậy thì hôm nay, các bạn ạ, chúng ta hãy gọi điện về cho cha mẹ đi, tỉ tê nói chuyện với cha mẹ về những chuyện ngày xưa, và hãy hỏi “Ước mơ ngày trẻ của mẹ là gì?” đi. Bởi vì mẹ của chúng ta, chắc chắn cũng đã từng có ước mơ đẹp thời thiếu nữ.
—-
Life Mentor – Cha mẹ dẫn lối:
Giúp cha mẹ xây dựng tư duy, kỹ năng xã hội cho bạn trẻ tuổi teen
Định hướng sự nghiệp thông qua trải nghiệm đa dạng nghề và kết nối với các Mentor thành công.
Liên hệ công việc: lifementor2021@gmail.com