LÀM SAO ĐỂ THUYẾT PHỤC CON LÀM ĐIỀU CON KHÔNG MUỐN? (PHẦN 1)

LÀM SAO ĐỂ THUYẾT PHỤC CON LÀM ĐIỀU CON KHÔNG MUỐN? (PHẦN 1)

Thuyết phục con cái làm điều gì chúng không muốn quả là khó khăn với cha mẹ. Vậy có cách nào để thuyết phục trẻ? Đâu là giới hạn có thể đàm phán? Treo thưởng có phải là giải pháp? và đâu là giới hạn của phần thưởng? Bài viết này chúng tôi sẽ chỉ cho cha mẹ một vài bí quyết.

1.Phần thưởng như thế nào là đủ?

Đôi khi, phần thưởng sẽ thúc đẩy hành động (trong ngắn hạn). Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học cho thấy, khi con người trở nên phụ thuộc vào phần thưởng, sẽ mất đi động lực, ngừng sáng tạo.

Ví dụ: Cha mẹ thưởng cho con tiền/đồ chơi khi con đạt điểm cao. Sau một thời gian, trẻ không còn thấy niềm hạnh phúc của việc tìm ra tri thức mới nữa.

Dopamine (còn gọi là hormone hạnh phúc khi được thưởng, đạt thành tựu) trong não đòi hỏi ở mức độ ngày càng cao hơn mới đạt được niềm vui (tức là phần thưởng phải ngày một nhiều hơn, xịn hơn). Nếu Dopamine chỉ đạt tương đương hoặc thấp hơn sẽ khiến con người mất động lực phấn đấu. Cha mẹ nào nhiều tiền, leo thang được cùng với dopamine trong não trẻ thì có thể đi theo con đường này!

Trong một bài viết trước đây chúng tôi đã nêu rõ “Động lực tự thân là thứ mạnh mẽ nhất giúp chúng ta đạt được mục tiêu”. Tất cả các động lực bên ngoài sẽ sớm hết tác dụng, và trẻ tiếp tục chờ đợi các tác động bên ngoài mới có động lực làm việc tiếp.

Một ví dụ khác: Cha mẹ muốn con làm việc nhà, nhưng con lười biếng không làm. Cha mẹ tạo động lực con bằng cách “trả công làm việc nhà”.

Lúc này, Dopamine – thứ hormone kiểm soát động lực, lại hoạt động theo cơ chế tương tự như trên. Còn trả tiền thì còn làm việc, không trả tiền, hoặc ít tiền quá sẽ khiến trẻ không hứng thú việc nhà nữa. Nếu cha mẹ muốn dạy con cách dùng tiền mua sức lao động, (nhiều cha mẹ nghĩ như vậy phết đấy nhá) thì cứ trả tiền cho con. Còn nếu cha mẹ muốn dạy con về các kĩ năng lao động, để phục vụ bản thân và phục vụ gia đình, thì có lẽ đây chưa hẳn đã là một cách hiệu quả và phù hợp nhất.

Điều này cũng đúng ngay cả khi trẻ thích một hoạt động thú vị. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford đã làm nghiên cứu và phát hiện ra rằng, với những đứa trẻ thích vẽ bằng bút lông, mà lại được trả tiền để vẽ, chúng sẽ thôi vẽ khi không được trả tiền. Nói cách khác, phần thưởng đã phần nào dập tắt niềm đam mê của chúng.

Tất nhiên, một số trường hợp bạn có thể “hối lộ” trẻ để đạt được mục đích ngắn hạn, ví dụ:

  • Con lên cơn thịnh nộ trong máy bay, mà bạn không muốn con làm phiền người khác.
  • Khi bạn có việc gấp phải về mà con giãy giụa kêu la trong siêu thị, bạn phải hối lộ nhanh để còn về cho kịp.

Còn nếu bạn chi tiền để con dọn dẹp phòng ngăn nắp, hoặc đi ngủ đúng giờ, hoặc rửa bát, hoặc quét nhà, hoặc đọc sách… bạn đang truyền đạt thông điệp gì cho con? Bạn đang xây dựng đức tính gì cho con? Đáng tiếc, trẻ sẽ không thấy được niềm vui khi giúp đỡ cha mẹ, đóng góp công sức cho gia đình, không thấy được việc lao động chân tay chính là rèn luyện kĩ năng và tầm nhìn bao quát cho cuộc sống độc lập của con sau này. Trẻ cũng sẽ không thấy niềm hạnh phúc khi học được một tri thức mới. Hoàn toàn việc học, lao động của trẻ phụ thuộc vào các động lực từ bên ngoài.

Thường các cha mẹ biện hộ cho việc “hối lộ” của mình, bởi vì nó “hiệu quả ngay tức thì”. Lý do thì nhiều lắm:

  • Con sẽ học được rằng lao động để kiếm được tiền. (Thật sao, con cái sẽ kiếm tiền từ cha mẹ ư? Nếu vậy, cha mẹ hãy dũng cảm cho con sang nhà hàng xóm làm giúp việc theo giờ, đó cũng là cách kiếm tiền từ lao động đấy 🙂 Họ sẽ là những chủ lao động khắc nghiệt nhất cho con bạn rèn luyện)
  • Con tỏ ra hào hứng và dọn dẹp sạch sẽ ngay (tất nhiên rồi, hiệu quả tức thì mà, dopamine đang cao mà)
  • Mình trả tiền cho con 10.000đ để đọc sách mỗi ngày, rồi dần dần bé quen, mình sẽ bỏ không trả tiền nữa (Vậy bạn cũng nhận thấy hối lộ là sai sai, nhưng bạn vẫn làm và sửa sau phải không?)
  • …. và rất nhiều lý do khác.

Nhưng một lần nói chuyện, một phụ huynh tên H.V đã chia sẻ rằng:

  • Đúng là tụi nó có nghe lời thật, nhưng thường mè nheo, hoặc “trả giá” mãi rồi mới đi làm. Lắm lúc vì một việc nhỏ, mà đàm phán giá và các điều khoản chán chê mới xong, rồi một ngày có bao nhiêu là việc nhỏ, phải đưa ra bao nhiêu các mức giá và các loại luật. Để tránh sao cho chúng dùng tiểu xảo lách luật, cha mẹ lại phải có các điều kiện để ràng buộc chúng không lách luật. Mệt mỏi phết.
  • Thật sao? Cậu phải đưa ra các điều khoản ràng buộc kín kẽ như luật đó hả?
  • Uh đúng. Lắm lúc nhìn các bạn nhỏ tự giác làm việc cần làm, mà mình cũng chưa biết làm sao để con mình tự giác. Với chồng mình, tụi nhỏ cư xử khác lắm. Anh ấy muốn các công việc này phải trở thành thói quen, và điều đương nhiên trẻ phải làm. Đó là bài học cuộc sống. Anh ấy yêu cầu, tụi nhỏ làm ngay, vì anh ấy có “UY”
  • Mình e rằng anh ấy đúng đấy….

(còn tiếp)

Life Mentor – Kênh thông tin tin cậy về:

  • Xây dựng tư duy, kỹ năng xã hội cho bạn trẻ tuổi teen
  • Định hướng sự nghiệp thông qua kết nối với các Mentor thành công trong đa dạng lĩnh vực. 

Liên hệ công việc: lifementor2021@gmail.com

 

← Bài trước Bài sau →