LÀM SAO ĐỂ THUYẾT PHỤC CON LÀM ĐIỀU CON KHÔNG MUỐN? (PHẦN 2)
- Người viết: Life Mentor lúc
- Kỹ năng làm cha mẹ
Thuyết phục con cái làm điều gì chúng không muốn quả là khó khăn với cha mẹ. Vậy có cách nào để thuyết phục trẻ? Đâu là giới hạn có thể đàm phán? Treo thưởng có phải là giải pháp? Và đâu là giới hạn của phần thưởng? Bài viết này chúng tôi sẽ chỉ cho cha mẹ một vài bí quyết.
2. Hãy trò chuyện để hiểu nguyên nhân thực sự
Càng gần gũi và hiểu con, thì con càng có xu hướng chia sẻ với cha mẹ. Các nhà tâm lý học khuyên rằng: chúng ta nên bắt đầu bằng cách nhìn nhận vấn đề từ quan điểm của con trẻ. Điều tối kị nhất là cha mẹ ngay lập tức kết tội con khi thấy con có vấn đề.
Ví dụ:
- Lại nghịch cái gì bẩn mà lấm lem hết thế kia?
- Con lơ là không chịu học nên bị điểm kém chứ gì?
- Con làm gì bạn mà bị bạn trêu?
Chỉ có người lớn chúng ta mới đủ logic để quy hết về “tất cả là do ta.”
Còn trẻ con, chúng cần có cơ hội giải trình xem chuyện gì đã xảy ra. Có thể sau một hồi nói chuyện dài như sớ, thì chúng cũng kết luận được một phần nguyên nhân là do mình, và mình nên cẩn trọng hơn trong lần sau. Tuy nhiên, cái tụi trẻ cần là được nói ra, có người lắng nghe và giúp phân tích tình huống, để điều chỉnh hành vi.
Có thể hôm đó con mệt mỏi sau buổi tập bóng đá, cãi nhau với bạn, điểm kém, oan ức bực mình gì đó, nên con từ chối làm việc nhà, từ chối học bài, từ chối tham gia việc cùng cha mẹ.Vì thế, thay vì đưa ra yêu cầu:
- Con hãy dọn vườn đi cho mẹ. Lát mẹ về là phải xong đấy nhé, thì hãy nói:
- Nếu con cần nghỉ ngơi thì hãy cứ nghỉ một lát, rồi chiều nay con sẽ dọn vườn giúp mẹ nhé.
Hoặc:
- Mẹ cần con dọn vườn giúp mẹ. Con muốn làm chiều nay hay ngày mai?
3. Chấp nhận con làm chưa hoàn hảo
Hầu hết cha mẹ đều đã thành thạo các kĩ năng, và có yêu cầu cao với con khi làm việc gì đó.
Ví dụ:
- Viết đừng có lệch xuống như thế, viết thẳng chữ lên xem nào
- Dọn nhà thì phải gọn chứ, dọn xong mà vẫn bẩn như chưa dọn
- Nấu ăn xong bừa bãi hết cả, để mẹ làm luôn cho xong.
Thật đáng tiếc khi chứng kiến những đứa trẻ trong độ tuổi từ 3 đến 5 mất đi niềm yêu thích làm việc nhà. Lớn hơn nữa, những đứa trẻ 10 tuổi sẽ chống đối, không làm nữa nếu như cha mẹ cứ cằn nhằn chê từng tí một. Mà họ không để ý đến việc tụi nhỏ đã nỗ lực thế nào, và yêu thích làm việc thế nào.
Hãy tập trung vào điều trẻ đã làm được, chúng đã cố gắng gập quần áo, dù gập xong vẫn là một đống lộn xộn. Tập khung khen ngợi nỗ lực và ý thức giúp đỡ cha mẹ, thay vì soi vào kết quả chưa hoàn thiện.
Nếu lũ trẻ thích công việc gì đó, lần sau lại giao việc đó tiếp. Tôi biết có nhiều cha mẹ giao cho con việc rửa bát, sau đó phải lén lút lấy xuống rửa lại từ đầu. Nhưng không sao, việc tụi nhỏ có ý thức giúp rửa bát, đã là rất đáng yêu rồi!
Không ai thích cảm giác bị kiểm soát cả, đặc biệt trẻ nhỏ thì càng không. Trẻ em thích tin rằng những gì chúng đang làm là sự lựa chọn chứ không phải một nghĩa vụ bị giám sát.
4. Duy trì niềm hứng thú
Trong video của VTV “Cha mẹ thay đổi”, tôi có nhớ 1 hình ảnh rất đáng lưu tâm. Người mẹ muốn con học đàn Piano. Nhưng vì lý do nào đó, hôm đó con chống đối và khóc dấm dứt. Con thể hiện rõ ràng là CON KHÔNG MUỐN TẬP.
Còn người mẹ chỉ tập trung vào 1 mục đích duy nhất là con phải tập đàn (dù có bất cứ chuyện gì thì phải duy trì việc tập). Mẹ nói “Tập đi, cái đàn nó có cắn đâu mà không tập. Khóc lóc gì. Có mỗi việc tập đàn mà hôm nào cũng phải nhắc.”
Chúng ta đã thấy điều gì ở đây? Hứng thú đối với trẻ là quan trọng nhất, nó là động lực để trẻ tự làm bất cứ việc gì. Khi đó, cha mẹ chỉ cần bước vào và hướng dẫn cách thức làm đúng. Giống như câu chuyên kinh điển: chúng ta chỉ có thể dắt con ngựa đến sông, chứ không thể bắt nó uống nước.
Tiến sĩ Kennedy-Moore (ĐH Princeton) có viết: “Cảm giác làm chủ tình huống là một cảm giác tuyệt vời. Nó tạo động lực sâu sắc cho trẻ. Điều ngược lại cũng đúng. Khi một đứa trẻ chống đối làm bài tập về nhà, động lực để trẻ chống đối cũng khiến não trẻ đóng lại hoàn toàn, cự tuyệt, không tiếp thu.”
5. Bày tỏ lòng biết ơn
“Mẹ cảm ơn con. Hôm nay con đã giúp mẹ dọn vườn sạch quá.”
“Ra đây mẹ ôm cái nào. Con gái rửa bát giúp mẹ rồi. ”
“Con trai đã lớn rồi đây. Biết giúp bố sửa máy tính rồi đây này.“
Trẻ con luôn muốn làm hài lòng cha mẹ chúng. Cảm giác kết nối và được cha mẹ quan tâm, ghi nhận, được biết ơn là một động lực mạnh mẽ. Đừng kìm giữ giấu giếm lời khen ngợi và biết ơn với con mình. Có thể bạn thấy ngượng mồm, vậy bạn phải thay đổi chứ không nên nghĩ rằng con sẽ tự hiểu.
Nhưng hãy cẩn thận khi khen ngợi. Chắc cha mẹ đã nghe rất nhiều rồi: hãy tập trung vào nỗ lực chứ chứ không phải kết quả. (Không phải là: “con giỏi quá, được 5 điểm 10 cơ à? Hôm nay con giành giải nhất cuộc thi, xịn quá đi”. Rồi khoe khắp nơi là con được giải nhất. Cộng đồng mạng và bà con xóm giềng lại tiếp lửa “thằng bé này giỏi quá, xưa nay cả họ chưa ai được giải nhất đâu. Bà Sáu, bà Sáu, lại coi thằng bé nhà tôi giỏi không này…”)
Hi vọng các các cha mẹ có thể sử dụng những gợi ý này, để đồng hành cùng con, bên con mỗi chặng đường đời.
(Xin cảm ơn (nguồn) NOVA Principles và Live On Purpose TV đã truyền cảm hứng cho Life Mentor viết nên những nội dung này.)
—
Life Mentor – Kênh thông tin tin cậy về:
- Xây dựng tư duy, kỹ năng xã hội cho bạn trẻ tuổi teen
- Định hướng sự nghiệp thông qua kết nối với các Mentor thành công trong đa dạng lĩnh vực.
Liên hệ công việc: lifementor2021@gmail.com