KHEN NGỢI, KHUYẾN KHÍCH VÀ PHẦN THƯỞNG

KHEN NGỢI, KHUYẾN KHÍCH VÀ PHẦN THƯỞNG

Những điểm lưu ý trong bài:

  • Khen ngợi là cách tốt nhất để gửi thông điệp “Cha mẹ thích cách con vừa cư xử”
  • Cách khen ngợi tốt nhất là mô mô tả kĩ hành vi mà cha mẹ đang khen.
  • Khen ngợi hướng vào nỗ lực, ví dụ, ngay khi nhìn thấy con đang cố gắng.
  • Khen ngợi và khuyến khích là dành cho mọi lứa tuổi (kể cả chồng/ vợ hay các cụ trong nhà)
  • Phần thưởng củng cố hành vi tốt, nhưng tốt nhất không nên lạm dụng quá

Cấp độ 1: Khen ngợi là gì và nên khen thế nào?

Chúng ta vẫn thường thấy các cha mẹ khen con, đặc biệt khi con đạt thành tích tốt hoặc cư xử tốt. Ví dụ: “Con làm tốt lắm”, “Bức tranh con vẽ đẹp quá”.

Mọi đứa trẻ đều cần được khen ngợi và công nhận, vì khen ngợi nuôi dưỡng sự tự tin và ý thức về bản thân của con.

Khi cha mẹ khen con, đặc biệt dùng những “ái ngữ”, kèm theo ôm hôn, cha mẹ đang chỉ cho con cách suy nghĩ và nói tích cực về bản thân. Đồng thời bạn cũng đang giúp con học cách nhận biết khi nào con làm tốt và cảm thấy tự hào về bản thân. Con cũng học được cách công nhận sự thành công ở người khác, thành tâm chia sẻ niềm vui của bạn bè khi bạn làm điều gì đó tốt.

Khen ngợi không chỉ dành cho trẻ con dưới 10 tuổi đâu nhé. Ở độ tuổi nào con cũng cần sự ghi nhận và khen ngợi, chỉ là cách nói khác nhau thôi. Cha mẹ có thể khen đứa trẻ 5 tuổi biết chia sẻ đồ chơi với bạn hoặc rời khỏi công viên khi được yêu cầu đi về. Còn với một đứa trẻ ở tuổi vị thành niên, khi con về nhà đúng giờ đã thỏa thuận, giữ đúng lời hứa, cha mẹ có thể nói “mẹ rất mừng vì con biết giữ lời hứa” hay “Giữ lời hứa thế là rất tốt nhé, cố gắng phát huy nhé.”

Vậy Khen ngợi mô tả là gì? Đó là khi cha mẹ nói cụ thể và chính xác điều mà cha mẹ đang để ý đến và đưa ra lời khen. Ví dụ: “Mẹ rất thích nhìn thấy con sắp xếp mọi thứ trong phòng thật gọn gàng.” Điều này giúp con hiểu chính xác con làm tốt điều gì, và lần sau hãy cứ lặp lại những điều làm tốt đó. Lời khen mô tả cụ thể có tác dụng hơn rất nhiều so với một lời khen chung chung như “Hôm nay con ngoan quá.”

—-

Cấp độ 2: Khuyến khích = khen ngợi nỗ lực

Khuyến khích là khen ngợi nỗ lực, hay khen ngợi hành trình. Khuyến khích con sẽ thể thúc đẩy con cố gắng tốt hơn trong tương lai. Ví dụ “Con đang lắp robot đấy à? Xịn quá nhỉ, cái tay bắt đầu di chuyển được rồi kìa.”

Khuyến khích cũng có thể áp dụng trước khi con bắt đầu làm điều gì đó. Ví dụ: “Mẹ biết con đang lo lắng về bài kiểm tra, nhưng con đã học rất chăm chỉ cả tuần qua. Bất kể đề thi có khó thế nào, con đã làm hết sức mình rồi, mẹ tự hào về con”. Tiểu thơ U7 nhà mình rất hay nhắc mẹ “Mẹ, mẹ nói là mẹ tự hào về con đi.”. Trẻ con luôn luôn cần cha mẹ ghi nhận, khuyến khích các bác ạ. Có đứa trẻ thì nói ra, có đứa trẻ thì im lặng mà thôi.

Một số trẻ, đặc biệt là những trẻ kém tự tin, sẽ cần được khuyến khích nhiều hơn những trẻ khác. Khi sự khen ngợi tập trung vào nỗ lực, và quá trình, trẻ sẽ có xu hướng cố gắng nhiều hơn, và lạc quan khi đối mặt với thử thách.

—-

Cấp độ 3: Phần thưởng: nên dùng ở mức độ nào?

Phần thưởng là một cách nói “Con làm tốt lắm” sau khi con đã làm một điều gì đó tốt hoặc cư xử tốt. Phần thưởng có thể là món quà, một bất ngờ, một quyền lợi nào đó. Ví dụ: khi con dọn dẹp phòng gọn gàng, bạn có thể để con mình chọn món cho bữa tối.

Tốt nhất là đừng lạm dụng phần thưởng. Nếu cha mẹ phải sử dụng quá nhiều phần thưởng thì con mới có hành vi tốt, cha mẹ cần xem xét lại thông điệp mình muốn truyền tải đến con. Hãy thử những chiến lược khác để khuyến khích hành vi của con. Hãy xem nhiệm vụ cha mẹ đưa cho con có quá khó không, khó đến mức sức con không làm được nên con nản, và cha mẹ phải trao thưởng con mới động vào làm?

Như Life Mentor đã nhắc đến nhiều lần trong các bài viết và podcast, hãy thận trọng sử dụng phần thưởng, đặc biệt là việc trả công (hay thưởng tiền) cho con khi con học, con đọc sách hay làm việc nhà. Cha mẹ hãy tìm đọc lại để nắm rõ hơn nhé.

—–

Cách sử dụng lời khen ngợi, động viên và phần thưởng để thay đổi hành vi

Khi được khen, hoặc khuyến khích, trẻ thường lặp lại hành vi. Vì thế xin đừng làm trẻ hiểu lầm bằng những lời “khen ngược”. Ví dụ:

  • A thằng này khá nhỉ, cũng biết uống rượu cơ đấy.
  • Nó khôn lắm cô ạ, cầm tiền mừng tuổi giấu tiệt đi không cho ai động vào.
  • Giỏi nhỉ, lại còn cãi mẹ cơ đấy.

Trẻ (đặc biệt dưới 10 tuổi) không đủ khả năng “phiên dịch” những lời khen ngược như vậy có ý nghĩa gì đâu. Trẻ sẽ tưởng đấy là khen thật và tiếp tục hành vi sai đấy.

Vậy thì, lời tư vấn của Life Mentor ở đây là, để thay đổi hành vi xấu của trẻ thành hành vi tốt, chúng ta không cần làm cảnh sát bắt lỗi, mắng mỏ hay trách phạt. Mà có thể dùng lời khen, khuyến khích và phần thưởng để thay đổi hành vi của trẻ.

Bước đầu tiên là phải thường xuyên để ý những hành vi tích cực của con. Ngay khi cha mẹ nhìn thấy con có hành vi tốt, phải lập tức nhảy vào khen ngay. Hãy dùng từ ngữ mô tả và nói cho con chính xác những gì bạn thích. Ví dụ: “An, mẹ rất thích khi con đợi đến lượt chơi”. Hoặc “Con đang rất chăm chỉ luyện tập, mẹ nghĩ rằng sắp tới con sẽ có cơ thể săn chắc và mặc đồ rất đẹp đấy. “

Thường thì chúng ta hay mắc bệnh “cha mẹ cảnh sát”, hay bắt lỗi, vì nhìn ra lỗi dễ hơn nhìn ra hành vi tốt. Nhưng hãy cố gắng để ý hơn, tìm ra những thời điểm mà con hành xử tốt, tích cực và ngay lập tức khen ngợi. Con sẽ cảm thấy được ghi nhận và tiếp tục duy trì cư xử tốt.

Một số mẹo hay khi sử dụng lời khen, động viên và phần thưởng

  • Ngay khi cha mẹ cảm thấy hài lòng về con, hãy nói ra lời khen ngay. Không nên tiết kiệm lời khen. Lời khen mang tính mô tả chỉ có lợi chứ không có hại, Không sợ con tự kiêu vì được khen nhiều quá đâu.
  • Tìm những cách phi ngôn ngữ để khen ngợi hoặc khuyến khích con. Như giơ ngón tay cái, mỉm cười nhìn con, đập tay high five, ôm con… là những cách hiệu quả để cho con thấy rằng bạn rất ấn tượng về hành vi hoặc nỗ lực của con.
  • Gây ngạc nhiên cho trẻ bằng phần thưởng cho hành vi tốt. Ví dụ: “Cảm ơn con vì đã dọn dẹp đồ chơi – chúng ta hãy đi đến công viên để ăn mừng nhé”.
  • Tìm kiếm những thay đổi nhỏ và thành công. Thay vì đợi đến khi con bạn hoàn thành điều gì đó hoàn hảo mới đưa ra lời khen, hãy cố gắng khen ngợi bất kỳ nỗ lực hoặc cải thiện nào.
  • Cố gắng khen ngợi nhiều hơn là chỉ trích. Mỗi lần trẻ bị phê bình chỉ trích, phải cần 6 lần khen ngợi để cân bằng lại nhé.
  • Khen ngợi con về những điểm mạnh của con và khuyến khích con bạn phát huy những sở thích của bản thân. Điều này sẽ giúp con xây dựng được cảm giác tự hào và tự tin.
  • Sử dụng lời khen và phần thưởng theo những cách phù hợp với lứa tuổi. Ví dụ, tuổi teen có thể không muốn được khen ngợi công khai vì con lớn và bắt đầu ngại đám đông. Còn trẻ 5 tuổi lại thích được lôi cả nhà ra nghe lời khen về con.

Khen ngợi mô tả có vẻ khó. Nhưng khi bạn đã thực hiện quen rồi, nó lại trở nên bình thường, thân thuộc, và vô cùng hiệu quả. Cách làm này thực sự phù hợp với mọi lứa tuổi từ 1-100 luôn.

“Life Mentor – Cha mẹ dẫn lối” là cộng đồng hỗ trợ các cha mẹ có con độ tuổi 10-18 trong hành trình giáo dục con, với các hoạt động chính:

  • Kết nối 1-1 với các Mentor thành công trong đa dạng lĩnh vực.
  • Định hướng sự nghiệp thông qua hoạt động trải nghiệm đa dạng các ngành nghề trong xã hội.
  • Giúp con xây dựng tư duy, kỹ năng xã hội và các bài học về quản trị cuộc sống chưa được dạy trong nhà trường.

Chúng tôi xây dựng dự án Life Mentor để lưu giữ lại những tri thức mà chúng tôi học được từ nhiều nguồn trên thế giới, như một di sản để lại cho các con mình, và nhiều trẻ em Việt Nam. 

Life Mentor mong muốn mọi trẻ em đều được thấu hiểu, tôn trọng, định hướng phát triển tiềm năng và sự nghiệp theo đúng năng lực và đam mê. Đội ngũ Mentor sẽ đồng hành trong quá trình phát triển của mỗi bạn nhỏ. Hãy cùng chúng tôi chung tay nhé.

Liên hệ công việc: lifementor2021@gmail.com

Website: https://lifementor.vn

Group FB: https://www.facebook.com/groups/lifementor2021

Spotify: https://spoti.fi/3zXawQT

← Bài trước Bài sau →