ĐỘNG LỰC HỌC TẬP VÀ LÀM VIỆC ĐẾN TỪ ĐÂU?

ĐỘNG LỰC HỌC TẬP VÀ LÀM VIỆC ĐẾN TỪ ĐÂU?

 

Các cha mẹ thường hay than phiền là con không chịu học, không chịu làm việc nhà, thờ ơ với mọi thứ, không chịu nỗ lực. Các cha mẹ bế tắc trong việc thúc đẩy con hãy vươn lên, nỗ lực cố gắng để đạt thành tựu. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể dắt con ngựa đến dòng suối, chứ không thể dí đầu con ngựa bắt uống nước được. Người ta chỉ làm khi người ta muốn làm. Bài hôm nay, Life Mentor sẽ cùng trò chuyện với các cha mẹ về vấn đề ĐỘNG LỰC.

Nhìn hình minh hoạ chúng ta sẽ thấy, động lực đến từ bên ngoài (extrinsic) và dần dần phát triển cho đến khi trở thành động cơ bên trong (intrinsic).

Ở giai đoạn 1: Động lực học tập, làm việc đến từ bên ngoài, và cần phải có công cụ (Instrumental) để giữ vững động lực cho trẻ.

Chúng ta có thể tạo động lực bằng cách:

  • Trao phần thưởng, quà, hiện vật, giấy khen, bằng khen khi con đạt thành tích.
  • Trong các buổi học hàng ngày cũng phải treo thưởng để con làm bài tập.
  • Tránh các hệ quả tiêu cực (không chê, không phê bình, không kỷ luật, không trừng phạt con)
  • Trẻ ở giai đoạn này mang tư duy đóng. Cha mẹ cũng đừng sa lầy vào tư duy đóng này giống con, và gán mác cho con là lười, học dốt, không chịu hợp tác, hư… nhé.

Nhà nào mà có trẻ ở giai đoạn này thì eo ôi đau khổ. Từ những việc nhỏ nhất cũng phải treo thưởng, thuyết phục, giám sát. Cha mẹ phải liên tục thúc giục, nghĩ ra việc cho con, vừa như cảnh sát, vừa như trợ lý cá nhân của con. Chắc hẳn đứa trẻ nào cũng trải qua giai đoạn này.

Cái chúng ta cần là tìm một cách thức tiếp cận khác để con hứng thú với học tập, làm việc, và đẩy nhanh đến giai đoạn sau.

Giai đoạn 2: Giai đoạn động lực có tính xã hội. Đó là khi:

  • Con muốn thuộc về một nhóm, một cộng đồng nào đó. Có thể là con muốn giống thần tượng, giống với nhóm bạn mà con đang chơi cùng, muốn giống các anh chị mà con ngưỡng mộ, muốn giống các bạn học giỏi trong đội tuyển nhà trường.
  • Con muốn tìm kiếm sự đồng tình, ủng hộ của giáo viên. Ngoài giáo viên, sự ủng hộ của những người quan trọng với con cũng rất cần thiết. Ví dụ sự công nhận, ủng hộ của cha mẹ, bạn gái, sự nể phục của bạn thân.
  • Con muốn so sánh thể hiện với bạn bè.

Cha mẹ nắm bắt được điều này, sẽ biết “sử dụng” những động lực này để khuyến khích con vươn lên, hoàn thiện mình, gây ấn tượng với những người con cho là quan trọng. Vì thế, thần tượng ai đó không phải là điều quá tệ, thích bạn gái ở lớp cũng không hẳn “sút kém học tập”, thể hiện với bạn bè không hẳn là “tinh vi”. Biết tận dụng động lực này, cha mẹ lại mừng quá, vì con vừa có thành tích học tập, làm việc tốt, lại vừa kết nối về phe với con.

Giai đoạn 3: Ở mức độ cao hơn là giai đoạn con tự đặt mục tiêu thành tích cao. Khi đó, con sẽ tự nỗ lực để đạt được một mục tiêu lớn nào đó trong từng chặng đường của cuộc sống.

  • Con khát khao đạt được thành tích học tập tốt tại trường. Bằng điểm số, bằng các cuộc thi, bằng những thành tích trong và ngoài nhà trường.
  • Kết quả thường được thể hiện bằng các con số đo đếm được, bằng thứ hạng
  • Lúc này, con phát triển tư duy tăng trưởng, tư duy mở, sáng tạo, kỹ năng đặt mục tiêu, sắp xếp thời gian…

Nếu con của chúng ta đang ở giai đoạn này, hẳn cha mẹ sẽ mừng lắm lắm. Vì gần như không phải thúc giục, không phải rèn rũa mỗi ngày mà chỉ cần đưa ra lời khuyên hoặc dẫn dắt con đi theo con đường đúng. Con sẽ tự nỗ lực để đạt được những mục tiêu lớn trong đời.

Giai đoạn 4: Động lực học tập và làm việc đã không đến từ bên ngoài, mà đã là động lực bên trong, động lực tự thân rồi. Con sẽ không học tập, hay làm việc vì buộc phải làm nữa, mà đó là nhu cầu tự bản thân, là đam mê, có cấm cũng không được. Biểu hiện lúc này sẽ là:

  • Con yêu thích học tập, làm việc chỉ đơn giản vì mê kiến thức, mê việc làm đó.
  • Con hạnh phúc vì học được kiến thức và kỹ năng mới.

Cha mẹ nào cũng mong con mình ở giai đoạn 4 này, con say mê học chỉ vì thích học, mà không vì bất cứ một yếu tố ngoại cảnh nào. Sự đánh giá của nhà trường, hay của thế giới bên ngoài không còn quan trọng nữa. Tuy nhiên, giai đoạn này cũng khiến nhiều cha mẹ lo lắng, nếu như con say mê học và làm gì đó đi ngược lại mong muốn của cha mẹ, hay không ăn khớp gì với thời cuộc cả. Ví dụ con say mê sưu tầm các loại côn trùng, mà nó không phục vụ cho việc học hay việc làm hiện tại của con. Điều này có thể khiến các cha mẹ lo lắng.

Tuy nhiên, hiểu con, ủng hộ con, định hướng đúng cho con, gắn kết niềm say mê “ngược dòng” của con với những điều thiết thực trong cuộc sống là điều các cha mẹ cần phải làm để con đạt đến ước mơ của mình một cách đúng đắn.

Khi chưa nắm rõ mô hình tạo động lực này, sai lầm của chúng ta là trao thưởng, treo giải quá nhiều khiến con phải có giải mới chịu học, chịu làm (giai đoạn 1). Sau đó cấm cản tình yêu học trò, phản đối con mê thần tượng (giai đoạn 2). Rồi đặt mục tiêu hộ con, ép con vào mục tiêu của cha mẹ, mục tiêu không trùng với đam mê của con, khiến con học cho có và chỉ để trả điểm cho cha mẹ (giai đoạn 3). Và cuối cùng là không truyền được cho con niềm vui học được tri thức mới, mà chỉ học vì những động lực bên ngoài (giai đoạn 4).

Điều quan trọng là cha mẹ hiểu rõ, con đang ở trong giai đoạn nào, và có những điều chỉnh thích hợp. Hãy hỏi han, trò chuyện nhiều với con. Đừng mặc định, quy kết rằng con chỉ mê thần tượng, chỉ mê yêu đương, lo con bỏ bê học hành. Nhưng hoá ra thần tượng, hay crush tại trường lại là một động lực tốt để con cố gắng. Với một số đứa trẻ, niềm say mê giành các giải thưởng, đạt được thành tích và tôn vinh lại là động lực giúp con cố gắng.

Hiểu con đang ở giai đoạn nào, và hiểu con thích nguồn động lực nào là điều rất quan trọng, để tránh máy móc. Lúc nào cũng chỉ treo thưởng bằng quà, hiện vật, hay tặng thưởng không đúng mục tiêu của con. Nếu trẻ đọc sách vì niềm say mê hứng thú của sách, mà lại tặng thưởng 10 nghìn mỗi lần con đọc 1 cuốn sách thì đúng là phá hoại niềm hứng thú của con rồi. Nếu con cố gắng đạt học sinh giỏi thành phố vì gây ấn tượng với bạn gái, mà cha mẹ lại cấm cản và bắt con “tập trung vào học” thì đi ngược lại với động lực của con luôn, lúc ấy thì học để làm gì chứ, tình yêu bị hai gia đình ngăn cấm mất rồi :))

Hi vọng cha mẹ có thể làm gương trong việc “học tập chỉ vì niềm hạnh phúc được học, làm việc vì niềm vui được làm”, truyền cảm hứng cho con và ủng hộ con theo đuổi những kiến thức mà con say mê. Với cha mẹ có thể kiến thức đó “vô bổ” nhưng với con lại là một chân trời kiến thức mới.

Giờ thì chúng ta hiểu vì sao không nên thưởng tiền/ treo giải cho con khi đọc sách, học bài, và làm việc nhà chưa nào?

“Life Mentor – Cha mẹ dẫn lối” là cộng đồng hỗ trợ các cha mẹ có con độ tuổi 10-18 trong hành trình giáo dục con, với các hoạt động chính:

  • Kết nối 1-1 với các Mentor thành công trong đa dạng lĩnh vực.
  • Định hướng sự nghiệp thông qua hoạt động trải nghiệm đa dạng các ngành nghề trong xã hội.
  • Giúp con xây dựng tư duy, kỹ năng xã hội và các bài học về quản trị cuộc sống chưa được dạy trong nhà trường.

Chúng tôi xây dựng dự án Life Mentor để lưu giữ lại những tri thức mà chúng tôi học được từ nhiều nguồn trên thế giới, như một di sản để lại cho các con mình, và nhiều trẻ em Việt Nam. 

Life Mentor mong muốn mọi trẻ em đều được thấu hiểu, tôn trọng, định hướng phát triển tiềm năng và sự nghiệp theo đúng năng lực và đam mê. Đội ngũ Mentor sẽ đồng hành trong quá trình phát triển của mỗi bạn nhỏ. Hãy cùng chúng tôi chung tay nhé.

Liên hệ công việc: lifementor2021@gmail.com

Website: https://lifementor.vn

Group FB: https://www.facebook.com/groups/lifementor2021

Spotify: https://spoti.fi/3zXawQT

← Bài trước Bài sau →