GIVE ATTENTION - HÃY CHÚ Ý NHIỀU ĐẾN CON (PHẦN 1)

GIVE ATTENTION - HÃY CHÚ Ý NHIỀU ĐẾN CON (PHẦN 1)

 

Xin chào các bạn, hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu một ô màu xanh lá trong kim tự tháp Triple P nhé. 

(Dành cho các cha mẹ chưa biết, Triple P - Chương trình cha mẹ tích cực là chương trình thiết kế để hỗ trợ cha mẹ nuôi dạy con cái nhằm khắc phục các vấn đề về hành vi và cảm xúc ở trẻ em và thanh thiếu niên.  

Triple P có 17 chiến lược nuôi dạy con cái giúp cải thiện các vấn đề về hành vi của con, đồng thời tập trung vào việc phát triển các mối quan hệ, thái độ và hành vi tích cực.

Triple P được Liên Hiệp Quốc (United Nations) xếp hạng 1 trong 4 chương trình hiệu quả nhất thế giới theo bằng chứng khoa học.)  

Chủ đề hôm nay sẽ là “Give Attention = Hãy chú ý nhiều đến con.”

Nói chuyện chú ý quan tâm đến con thì dễ quá, hôm nay chúng ta sẽ nói về chủ đề ngược lại “Phớt lờ trẻ cũng là bạo hành” nhé. 

—-

Hồi mình còn làm trong trường Quốc tế, mình được tiếp xúc với tài liệu đào tạo về Bạo hành trẻ em, và các dấu hiệu nhận biết bạo hành trẻ em.

Trong đó, ngạc nhiên thay, phớt lờ hay bỏ bê trẻ cũng là một hình thức bạo hành. 

Nếu vậy, thì đến có quá nhiều người lớn chúng ta vô tình vướng vào tội bạo hành trẻ em rồi. 

Các dấu hiệu cảnh báo về phớt lờ và bỏ bê trẻ em không phải lúc nào cũng rõ ràng, nó sẽ mơ hồ như làn sương mờ ấy. Nhưng chúng ta, những người làm cha mẹ chắc chắn phải học cách nhận ra các dấu hiệu của hình thức bạo hành này , và sửa lỗi, vì điều đó có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong cuộc sống của một đứa trẻ đấy. 

Phớt lờ và bỏ bê trẻ em là gì?

Lạm dụng trẻ em không chỉ biểu hiện ở những vết bầm tím, ở vết thương trên da, mà nó còn không để lại dấu vết nào, không có cách nào người khác biết được. Nó chỉ thể hiện ra bên ngoài của một đứa trẻ tràn ngập tổn thương. 

Nhiều cha mẹ (và người chăm sóc) mắc phải lỗi: bỏ qua nhu cầu của trẻ, đặt trẻ vào những tình huống nguy hiểm, không có người giám sát, để trẻ tiếp xúc với tình huống tình dục hoặc khiến trẻ cảm thấy mình vô dụng hoặc ngu ngốc. Đó cũng là những hình thức lạm dụng do bỏ bê trẻ. Điều này có thể để lại những vết sẹo lâu dài trong tâm hồn của trẻ. 

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu những lầm tưởng  hoang đường và sự thật về vấn đề bạo hành trẻ em nhé:

Lầm tưởng 1: Chỉ bạo lực mới là lạm dụng.

Sự thật: Bạo hành thân thể chỉ là một trong nhiều kiểu bạo hành trẻ em. Việc bỏ bê trẻ, hoặc không dành tình cảm cho trẻ cũng có thể gây ra nhiều thiệt hại. Không có vết bầm tím, không có mắng nhiếc, không bạo lực, vì thế không có dấu hiệu nào bên ngoài cơ thể hết. Có những đứa trẻ viết nhật ký “Mẹ không thương mình, chỉ thương em bé. Bố mắng mỏ và bỏ bê không quan tâm đến mình.” Nếu trẻ không nói ra, chúng ta sẽ không biết trẻ bị tổn thương thế nào. 

Lầm tưởng 2: Chỉ có người xấu mới lạm dụng con cái. 

Sự thật: Không phải tất cả cha mẹ hoặc người trông coi trẻ đều là người xấu, và cố ý làm hại con. Nhiều người không hề biết mình đang làm tổn thương trẻ, và họ coi đó là chuyện bình thường. Nhiều người lớn cũng đã từng là nạn nhân bị bạo hành “lạnh” khi còn bé và không biết cách nào khác để làm cha mẹ sao cho đúng. Có người lớn còn đang phải vật lộn với vấn đề sức khỏe tinh thần hoặc nghiện chất kích thích, thì họ không thể để tâm đến con cái được. Việc bỏ bê và phớt lờ con là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện chưa có chính sách tước bỏ quyền làm cha mẹ của những người không có đủ năng lực chăm sóc và nuôi dạy trẻ. 

Lầm tưởng 3: Bạo hành không xảy ra trong các gia đình có điều kiện "tốt".

Sự thật: Lạm dụng và bỏ bê không chỉ xảy ra ở những gia đình nghèo hoặc những khu dân cư chất lượng sống thấp. Những hành vi bạo hành này vượt qua mọi ranh giới chủng tộc, kinh tế và văn hóa. Đôi khi, những gia đình tưởng như có tất cả từ bên ngoài lại đang che giấu một câu chuyện khác đằng sau những cánh cửa đóng kín.

ẢNH HƯỞNG CỦA VIỆC PHỚT LỜ VÀ BỎ BÊ TRẺ EM

Mọi sự lạm dụng và bỏ bê trẻ đều để lại vết sẹo lâu dài. Đặc biệt những nỗi đau tình cảm và nỗi cô đơn khi bị cha mẹ bỏ quên có ảnh hưởng lâu dài trong suốt cuộc đời, làm tổn hại đến ý thức của trẻ về bản thân, các mối quan hệ trong tương lai và khả năng thành công ở trường cũng như trong cuộc đời sau này..

Vậy bị phớt lờ và bỏ bê có thể tạo ra những hệ quả thế nào?

Trẻ thiếu sự tin tưởng và khó khăn trong các mối quan hệ. Nếu con không thể tin tưởng cha mẹ của mình, thì con có thể tin tưởng ai? Từ đó, con rất khó học cách tin tưởng mọi người hoặc nhận ra ai là người đáng tin cậy. Điều này có thể dẫn đến khó duy trì mối quan hệ khi trưởng thành. Nó cũng có thể dẫn đến các mối quan hệ không lành mạnh khi con lớn lên, vì con không biết thế nào là một mối quan hệ tốt.

 

Cảm giác mình “vô giá trị”. Nếu lúc nhỏ con bị nói đi nói lại nhiều lần rằng con ngu ngốc hoặc không ngoan, thì rất khó để vượt qua những cảm xúc “vô giá trị” này. Tương tự với việc con bị phớt lờ, hoặc không được lắng nghe. Khi lớn lên, những đứa trẻ bị bạo hành kiểu này có thể bỏ bê học hành hoặc kiếm việc làm lương thấp vì chúng không tin rằng mình đáng giá. 

 

Khó điều chỉnh cảm xúc. Trẻ em bị phớt lờ thường không có nơi để thể hiện cảm xúc một cách an toàn. Vì thế, khi cảm xúc bị dồn nén, nó sẽ bộc phát theo những cách không mong muốn. Những người này khi trưởng thành thường bị tổn thương do phải vật lộn với sự lo lắng, trầm cảm hoặc tức giận không rõ nguyên nhân. Họ có thể tìm đến rượu hoặc ma túy để giảm bớt cảm giác đau đớn.

 

NHẬN BIẾT HÌNH THỨC  BẠO HÀNH BỎ RƠI TRẺ 

Hành vi ngược đãi có nhiều hình thức khác nhau, nhưng mẫu số chung là đều ảnh hưởng về mặt tinh thần đối với đứa trẻ. Cho dù hành vi ngược đãi là một cái tát, một lời nhận xét gay gắt, im lặng cứng rắn hay phạt không cho con ăn tối, thì kết quả cuối cùng là đứa trẻ cảm thấy không an toàn, không được chăm sóc và cô đơn.

Những dấu hiệu cảnh báo trẻ đang bị bỏ rơi

Đứa trẻ có thể:

  • Mặc quần áo không vừa vặn, bẩn thỉu hoặc không phù hợp với thời tiết.
  • Thường xuyên có tình trạng vệ sinh kém (chưa tắm, chải tóc và chưa gội sạch, có mùi cơ thể đáng chú ý).
  • Có bệnh tật và chấn thương thể chất không được điều trị.
  • Thường xuyên không được giám sát hoặc bị bỏ mặc một mình hoặc được phép chơi trong những tình huống không an toàn.
  • Thường xuyên đi học muộn hoặc vắng mặt.

Bạn mình ở Châu Âu hay kể lại là trẻ con được cả xã hội chú ý chăm sóc rất cẩn thận. Nhà trường nếu thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường về tâm lý, dấu vết trên cơ thể sẽ thường ngay lập tức kiểm tra với gia đình, có cả sự tham gia của cảnh sát. Nếu cha mẹ bạo hành thể chất với con, hoặc bạo hành không thể hiện ở thể chất, cũng rất dễ bị tước quyền làm cha mẹ. 

Những dấu hiệu nguy cơ của lạm dụng và bỏ rơi trẻ em

Mặc dù lạm dụng và bỏ bê trẻ xảy ra ở tất cả các loại gia đình, nhưng nguy cơ cao hơn trong một số tình huống nhất định. Những tình huống phổ biến nhất thường là: bạo lực gia đình, cha mẹ sử dụng chất gây nghiện, chất kích thích, cha mẹ có bệnh về tâm lý hoặc bệnh tinh thần cần được điều trị, cha mẹ bị căng thẳng, thiếu sự hỗ trợ, cha mẹ có mối quan hệ bất an với những người xung quanh, cha mẹ gặp vấn đề về tài chính…nhưng ở đây, chúng tôi muốn nói đến những người thiếu kỹ năng làm cha mẹ, đó có thể là bất cứ ai trong số chúng ta. 

Một số người chăm sóc chưa bao giờ học được các kỹ năng cần thiết để nuôi dạy con cái tốt. Ví dụ, cha mẹ tuổi teen có con quá sớm dưới 18 tuổi có thể vẫn mải chơi, không thích chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, không biết cách nuôi dạy con. Hoặc những bậc cha mẹ từng là nạn nhân của lạm dụng trẻ em có thể chỉ biết cách nuôi dạy con cái theo cách họ đã được nuôi dạy. Bạo hành nối tiếp bạo hành. 

Việc nuôi dạy con cái thật sự đòi hỏi nhiều thời gian và sự kiên trì rất lớn. Vì thế, đó là một hành trình dài bất tận mà chúng ta không thể đảo ngược. Điều duy nhất chúng ta có thể, là làm một người cha, người mẹ tốt hơn mỗi ngày. 

Nguồn tham khảo: https://www.helpguide.org/articles/abuse/child-abuse-and-neglect.htm

--------

“Life Mentor – Cha mẹ dẫn lối” là cộng đồng hỗ trợ các cha mẹ có con độ tuổi 10-18 trong hành trình giáo dục con, với các hoạt động chính:

  • Kết nối 1-1 với các Mentor thành công trong đa dạng lĩnh vực.
  • Định hướng sự nghiệp thông qua hoạt động trải nghiệm đa dạng các ngành nghề trong xã hội
  • Giúp con xây dựng tư duy, kỹ năng xã hội và các bài học về quản trị cuộc sống chưa được dạy trong nhà trường. 

Chúng tôi xây dựng dự án Life Mentor để lưu giữ lại những tri thức mà chúng tôi học được từ nhiều nguồn trên thế giới, như một di sản để lại cho các con mình, và nhiều trẻ em Việt Nam.

Life Mentor mong muốn mọi trẻ em đều được thấu hiểu, tôn trọng, định hướng phát triển tiềm năng và sự nghiệp theo đúng năng lực và đam mê. Đội ngũ Mentor sẽ đồng hành trong quá trình phát triển của mỗi bạn nhỏ. Hãy cùng chúng tôi chung tay nhé.

Liên hệ công việc: lifementor2021@gmail.com

Website: https://lifementor.vn

Group FB: https://www.facebook.com/groups/lifementor2021

Spotify: https://spoti.fi/3zXawQT

← Bài trước Bài sau →