GIÚP CON HAM ĐỌC SÁCH (PHẦN 2)

GIÚP CON HAM ĐỌC SÁCH (PHẦN 2)

Tác giả: Chị Nguyễn Ánh Tuyết

Tôi muốn chia sẻ một vài kinh nghiệm nhỏ của bản thân trong việc giúp con thích đọc sách và đọc hiệu quả.

Tôi nghĩ, bạn đọc nhiều chưa hẳn đã học giỏi nhưng chắc chắn sẽ hiểu biết, làm chủ ngôn từ, tăng khả năng tự học, giàu lý tưởng…

Khoa học cho thấy, tập cho con trẻ đọc sách càng sớm càng dễ hình thành thói quen. Tôi nghĩ, để con yêu sách thì cần kích thích sự hiếu kỳ của trẻ mà không cần phải hô hào hay ép buộc.

Tôi cố ý để những cuốn sách phù hợp ở những nơi mà các bạn hay để mắt (trong WC, trên bàn học…), rồi ít ngày sau tôi “giả vờ” nói rất say mê về nội dung cuốn sách ấy (nhưng không nói hết), thế là các bạn ấy thốt lên “con biết mẹ đọc nó ở đâu rồi” và nháo nhào đi tìm cuốn đó để đọc và ngay lập tức thích thú. “Hãy đặt xung quanh con bạn những cuốn sách hay ngay từ khi con bé. Hãy biến các chuyến đi đến hiệu sách thành “chốn vui chơi” thường xuyên của cả gia đình. Hãy biến sách thành món quà/phần thưởng qúy giá với con khi đạt được thành tích nào đó….”

Đồng thời, hướng dẫn con cách lên kế hoạch, mục tiêu để đọc sách theo chuyên đề, thời gian hoàn thành; ghi chép lại một số dữ liệu, sự kiện cần nhớ…Nếu có kế hoạch tốt, chỉ cần mỗi tháng con đọc được 2 cuốn, một năm 24 cuốn, 5 năm (hết cấp I) đã có gần 100 cuốn giá trị là rất ổn rồi, phải không các bạn?

Tạo cơ hội để con có dịp ôn lại, trao đổi và “phô diễn” kiến thức, giúp con hào hứng và nhớ lâu

VD: Khi đi trên xe về quê, đường khá xa, các con thường sốt ruột, cả nhà nói chuyện về cuốn sách hay mảng kiến thức nào đó, thế là cuốn hút quên cả thời gian; hoặc lúc đi bộ, lúc tắm gội…Qua đó,. con có dịp được trao đổi, ghi nhớ lâu, đồng thời tạo khả năng xâu chuỗi sự kiện, vấn đề được dễ dàng.

Tôi nhận thấy, đây là những dịp tốt nhất để nói chuyện về kiến thức một cách rất hứng thú, thực tế mà không hề nhàm chán. Đồng thời, khuyến khích con chia sẻ cùng bạn bè hay những người có cùng sở thích đọc, có cùng “gu” đọc để gia tăng sự chia sẻ, kết nối, bang giao, tạo cảm hứng cho con thêm yêu việc đọc sách và thấy có nhiều lý do chính đáng trong việc đọc sách.

Còn một vấn đề nữa là các bạn nhỏ thường bị mê truyện tranh. Tôi nghĩ, điều này thật dễ hiểu vì trẻ con đương nhiên là thích đọc truyện tranh, xem phim hoạt hình, cho dù chúng có được nghe hàng trăm lần về tác hại của nó. Chẳng thế mà bao nhiêu năm qua những đứa trẻ trên toàn thế giới vẫn háo hức đón chờ cuốn truyện tranh Manga, Comic; điều đó đủ để khẳng định dòng truyện tranh có sức hấp dẫn riêng.

Để lôi kéo các con từ truyện tranh sang truyện chữ thì sau khi nói về tác hại của truyện tranh toi thường “mồi” các bạn ấy.

VD: Với bộ Thần thoại Hy Lạp, tôi cho các con đọc vài cuốn đầu tiên bằng truyện tranh, khi đã “say mồi”, tôi động viên các con đọc truyện chữ, được một số trang là thích ngay và kết luận rằng “truyện chữ hay hơn nhiều, vì nó đầy đủ, chi tiết”. Lúc này thì con đã hiểu, tin vào sự chỉ dẫn của mẹ và không còn phụ thuộc vào truyện tranh nữa.Tuy nhiên, tôi không quá khắt khe, thỉnh thoảng để các con sung sướng với truyện tranh một chút cũng không sao nhỉ? Hơn nữa, cũng có một số bộ sách mà tôi thấy ở tuổi các con nếu đọc truyện tranh sẽ tiếp nhận hơn tính hàn lâm kiểu sách bộ, ví dụ như những* cuốn tìm hiểu về các danh nhân, nhà bác học…* của Nhà xuất bản Kim Đồng luôn được trẻ em yêu thích đón đọc.

Ngoài sách văn học, cũng cần giúp các con đọc sách ở các lĩnh vực khác nhau hay sách ngoại văn để tăng dần hàm lượng kiến thức.

Đó là các cuốn từ điển để tra cứu: *Từ điển Tiếng Việt/Từ điển Chính tả/ Từ điển Đồng nghĩa – Trái nghĩa/ Từ điển Đồng âm/ Từ điển Hán – Việt/ Sổ tay ngữ pháp TV/ Bách khoa tri thức trẻ em;…

Những cuốn sách gợi mở sự hiểu biết ở các lĩnh vực khác nhau: Tìm hiểu về các ngày lễ tết (Tết Hàn thực, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Thu, Tết Nguyên đán…); Tìm hiểu về đồng tiền; Tìm hiểu về màu sắc; Những phát minh khoa học; Kỳ quan thế giới cổ đại; Tìm hiểu về ý nghĩa của các biểu tượng; Tìm hiểu về động vật, thực vật; Tìm hiểu về Đội TNTP; Tìm hiểu về Hà Nội; Tìm hiểu về biển đảo; Tìm hiểu về các nhân vật anh hùng nhỏ tuổi…; Nếu con có vốn ngoại ngữ và muốn phát triển ngoại ngữ nhanh thì có thể đọc thêm nhiều cuốn sách bản gốc bằng tiếng Anh, hoặc các ngôn ngữ khác.

Rèn được con ham đọc, đọc tự giác, tốc độ và biết chọn lọc thì dù vướng bận với học hành thi cử, thời gian biểu dù bận rộn con vẫn luôn biết cách sắp xếp khoa học để có thể đọc sách thường xuyên, đều đặn.

Ví dụ như khi con gái tôi đang học lớp 6, cháu đã đọc được gần 200 cuốn sách hay (không kể những cuốn truyện tranh có nội dung tốt mà các bạn nhỏ đều thích đọc). Tôi nghĩ, đây là “khối tài sản” rất có giá trị với bất cứ ai trong chúng ta, không riêng gì một bạn nhỏ ở tuổi 12. Mỗi khi các con đọc được một cuốn sách mới, tôi đều cùng con tỉ mỉ ghi lại vài điều về cuốn sách đó trong cuốn sổ đẹp đẽ. Thậm chí, chụp lại ảnh những seri sách viết về cùng chủ đề mà con đã đọc trong thời gian qua. Những việc làm này thể hiện sự trân trọng thành quả của con, con như được khích lệ đối với việc tích cực mở rộng kiến thức cho bản thân mình.

Tôi tin rằng, cứ đọc đi, đọc đủ lượng, ngấm dần, rồi con sẽ viết tốt, viết hay. Đó là điều dễ thấy, không văn mẫu nào có thể làm thay!

Khi mua sách, nên dành thời gian chọn lựa những cuốn sách được biên tập tốt, trình bày đẹp, giấy nhẹ, màu giấy có tác dụng chống lóa,….

Ngày nay, nhiều bạn trẻ có thói quen dọc sách ebooks vì khá tiện dụng nhưng có lẽ mình thuộc tuýp “người cũ” nên vẫn mê sách giấy truyền thống. Cái cảm giác được cầm trên tay cuốn sách mà mình đã phải mong chờ; rồi hà hít mùi giấy còn thơm mới; rồi nắn nót viết vào trang đầu của cuốn sách vài chữ như một lời chào, một cái bắt tay, một cái ôm tới người bạn thân quý… nó làm mình thích thú cực luôn.

Và trên tất cả, muốn con yêu sách thì trước hết cha mẹ phải là người yêu sách. Nếu đứa trẻ không hoặc ít khi nhìn thấy cha mẹ đọc sách thì chúng sẽ thiếu đi một “gương” gần nhất, cho dù chúng ta có hàng tá lý do chính đáng để bào chữa cho việc đó, các bà mẹ nhỉ?

Life Mentor – Kênh thông tin tin cậy về:

  • Xây dựng tư duy, kỹ năng xã hội cho bạn trẻ tuổi teen
  • Định hướng sự nghiệp thông qua kết nối với các Mentor thành công trong đa dạng lĩnh vực. 

Liên hệ công việc: lifementor2021@gmail.com

← Bài trước Bài sau →