GIÁO DỤC GIỚI TÍNH CHO TRẺ - TUỔI NÀO DẠY GÌ?

GIÁO DỤC GIỚI TÍNH CHO TRẺ - TUỔI NÀO DẠY GÌ?

Nhiều cha mẹ gửi câu hỏi về cho Life Mentor hỏi về việc giáo dục giới tính cho trẻ con, với muôn vàn băn khoăn, lo lắng.

Tại Life Mentor, chúng tôi luôn nói “Giáo dục giới tính bắt đầu càng sớm càng tốt”, và các thói quen, phẩm chất khác cũng như vậy.

Việc đưa giáo dục giới tính vào từ độ tuổi rất nhỏ (khoảng 1-2 tuổi) và tiếp tục duy trì hoạt động này cho đến khi bé lớn lên là món quà giáo dục tốt nhất mà cha mẹ dành cho các con. Điều này giúp cha mẹ tiếp cận chủ đề này một cách tự nhiên nhất mà không khiến trẻ cảm thấy bị đột ngột, ngại ngùng khi con đã “hiểu biết” ở lứa tuổi teen. Với chúng tôi, 5 tuổi bắt đầu đã là muộn.

Khi nói chuyện với con về tình dục, điều quan trọng là cha mẹ phải giải thích theo cách thức và ngôn từ mà con có thể hiểu, tuỳ thuộc vào độ tuổi và mức độ phát triển nhận thức của con.

Sau đây, Life Mentor xin đưa ra một số gợi ý để các cha mẹ có thể áp dụng dạy với con của mình nhé.

Trẻ ở độ tuổi 13 đến 24 tháng

Trẻ ở độ tuổi này cần nhận biết tên các bộ phận cơ thể. Sử dụng tên chính xác cho các bộ phận cơ thể sẽ cho bé giao tiếp tốt hơn về bất kỳ vấn đề sức khỏe, chấn thương hoặc lạm dụng tình dục. Cha mẹ không cần phải nghĩ ra một hệ thống từ vựng nói lái để gọi các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể trẻ đâu. Nó cũng giúp trẻ hiểu rằng những phần này cũng bình thường như bất kỳ bộ phận nào khác, điều này thúc đẩy sự tự tin và hình ảnh cơ thể tích cực.

Hầu hết trẻ hai tuổi đều biết sự khác biệt giữa nam và nữ, và thường có thể nhận ra nếu một người là nam hay nữ.

Trẻ cần biết rằng cơ thể là riêng tư. Việc trẻ khám phá cơ thể của con là điều bình thường, bao gồm cả việc chạm, kiểm tra bộ phận sinh dục của con, nhưng cha mẹ nên dạy con khi nào và nơi nào thích hợp để làm như vậy.

Trẻ mẫu giáo: 2 - 5 TUỔI

Hầu hết trẻ mẫu giáo đã có thể hiểu rất cơ bản về sinh sản: tinh trùng và trứng tham gia, và em bé phát triển trong tử cung. Tùy thuộc vào mức độ hiểu biết và sự quan tâm của bé, cha mẹ có thể mua sách, kể cho trẻ về câu chuyện con sinh ra thế nào. Không nhất thiết cha mẹ phải giải thích mọi thứ cùng một lúc. Những đứa trẻ ở độ tuổi này thường quan tâm đến việc mang thai và sinh em bé, hơn là hành động tình dục.

Trẻ em ở tuổi này nên hiểu cơ thể là riêng tư và không ai có thể chạm vào cơ thể mà không có sự cho phép của con. Trẻ nên biết là ai được quyền chạm vào cơ thể con theo những mức độ thế nào. Không ai được quyền chạm vào bộ phận sinh dục của bé ngoại trừ cha mẹ hoặc những người chăm sóc sức khỏe. Nếu bé biết cái gì phù hợp và cái gì không, trẻ sẽ có nhiều khả năng nói với cha mẹ nếu con bị lạm dụng tình dục.

Ở tuổi này, trẻ cũng nên học cách hỏi trước khi chạm vào người khác (ví dụ: cho tớ ôm bạn nhé, em bé cho chị thơm má nhé) và nên bắt đầu tìm hiểu về ranh giới(ví dụ: hiểu rằng khi ai đó bước lùi một bước, con nên tôn trọng tín hiệu của người đó về không gian ). Dạy trẻ về sự riêng tư xung quanh các vấn đề cơ thể.

Trẻ em tuổi này cũng nên tìm hiểu thêm về các bộ phận cơ thể và chức năng cơ thể khác.

Trẻ em tuổi đi học: 6 - 8 tuổi

Trẻ ở độ tuổi đi học nên biết về các quy ước xã hội cơ bản về quyền riêng tưnói không với ảnh khoả thân và tôn trọng người khác trong các mối quan hệ. Hầu hết trẻ em đã bắt đầu khám phá cơ thể mình ở độ tuổi này. Cha mẹ có thể giải thích với con việc khám phá cơ thể là bình thường, nhưng cần phải làm ở nơi riêng tư. Đừng lo lắng hay cấm cản trẻ bắt đầu sờ chạm và khám phá những vùng kín trên cơ thể mình.

Tuổi này cha mẹ rất nên dạy trẻ cách sử dụng máy tính và thiết bị di động một cách an toàn. Những đề tài về quyền riêng tư, ảnh/ video khoả thân và hay sự tôn trọng người khác trong tình huống đời thực cũng được áp dụng trong bối cảnh kỹ thuật số. Có rất nhiều quy tắc khi tiếp xúc với người lạ hay chia sẻ ảnh/video online và phải làm gì nếu con gặp phải những điều khiến con thấy bất an, khó chịu, tất cả những điều này cha mẹ phải sớm dạy con.

Trẻ em trước 10 tuổi nên được dạy những điều cơ bản về tuổi dậy thì. Ở VN mình các cha mẹ cho rằng quá sớm, và thường để đến lúc “sát nút” hoặc khi con đã vào tuổi dậy thì rồi mới dạy. Trong khi ở các nước phương Tây, nội dung giáo dục giới tính, dậy thì được đưa vào từ lớp tiểu học.

Trẻ rất nên được giới thiệu sớm về những thay đổi mà trẻ sẽ trải qua, cả về tâm lý và sinh lý. Các bé trai và các cô gái KHÔNG nên có những bài học riêng biệt, vì không chỉ hiểu về bản thân mình, mà trẻ còn nên hiểu về những giới tính khác mình nữa. Trẻ cần biết rằng không chỉ có giới tính nam và nữ (sinh học), mà còn có nhiều giới tính và xu hướng tình dục khác nữa.

Lúc này, cha mẹ cũng cần nhấn mạnh tầm quan trọng của vệ sinh và tự chăm sóc cơ thể ở tuổi dậy thì. Thảo luận sớm những đề tài này sẽ chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng với những thay đổi sẽ xảy ra trong giai đoạn dậy thì và sẽ trấn an con rằng những thay đổi này là bình thường và lành mạnh.

Trẻ đã có thể lờ mờ biết được câu chuyện về sinh sản và vai trò của quan hệ tình dục, điều này giúp duy trì nòi giống loại người trong hệ sinh thái. Nhưng điều thú vị là, có nhiều phương thức sinh sản khác, và vì sao chúng ta cần đến những cách thức sinh sản khác như vậy.

Trước tuổi thiếu niên: 9 - 12 tuổi

Trẻ em cần có một sự hiểu biết cơ bản rằng một số người là dị tính, đồng tính hoặc lưỡng tính, và có một loạt các biểu hiện giới tính khác nhau. Giới tính không được xác định bởi bộ phận sinh dục của một người. Trẻ cũng đã có thể cần biết về vai trò của tình dục là gì trong các mối quan hệ (chứ không phải chỉ trong sinh sản).

Ngoài việc củng cố tất cả những điều trên đã học, trẻ vị thành niên nên được dạy về quan hệ tình dục và tránh thai an toàn. Trẻ nên có thông tin cơ bản về mang thai và nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs). Điều quan trọng là, dậy thì là điều tất yếu, nhưng không có nghĩa là phải hoạt động tình dục giống các bạn đồng trang lứa. Mỗi người đều có lựa chọn của riêng mình, có người lựa chọn sinh hoạt tình dục muộn, có người lựa chọn sớm, có người thậm chí lựa chọn không sinh hoạt tình dục, và vẫn sống bình thường, yên ổn. Sinh hoạt tình dục chỉ khi con sẵn sàng cả về thể chất lẫn tinh thần, không nhất thiết phải có một deadline (thời hạn) nào. Việc bạn bè dò hỏi hay cười chê khi con không yêu ai, hay không có cảm giác tình dục với bạn khác giới (đồng giới) không nên là áp lực khiến con phải cư xử khác đi.

Trẻ trước tuổi vị thành niên nên hiểu điều gì tạo nên mối quan hệ tích cực và điều gì tạo nên mối quan hệ xấu.

Ở độ tuổi này, trẻ nên có kiến ​​thức về an toàn trên internet, bao gồm bắt nạt, tống tiền, tống tình.... Con nên biết những rủi ro của việc chia sẻ ảnh khỏa thân hoặc khiêu dâm của bản thân hoặc bạn bè qua kênh online. Hậu quả của những việc này khủng khiếp và kéo dài mãi mãi.

Trẻ tuổi teen cũng cần biết làm thế nào các phương tiện truyền thông ảnh hưởng đến cách mọi người nhìn cơ thể của mình, định nghĩa về sự xấu đẹp tạo nên định kiến trong xã hội thế nào. Con cần cha mẹ hướng dẫn để có thể suy nghĩ nghiêm túc về cách tình dục được miêu tả trên phương tiện truyền thông, và trong các phim ảnh nóng. Có rất nhiều phim ảnh hoặc video trên mạng không gắn mác 13+ hoặc 18+, làm sao để con phân biệt?

Thanh thiếu niên: 13 - 18 tuổi

Tuổi này các con có sự thay đổi nhanh chóng về cơ thể, và nó thực sự xảy ra chứ không phải là lý thuyết như giai đoạn trước nữa.

Cha mẹ rất cần đồng hành cùng con trong những “lần rắc rối” đầu tiên này. Con sẽ cần thời gian để làm quen với việc mình có kinh nguyệt hay những giấc mơ ướt về đêm. Cha mẹ hãy giải thích những lý thuyết này sớm, và từ 13 tuổi thì hãy coi điều đó là một tin mừng, chứng tỏ con bình thường và khỏe mạnh. Đôi khi còn phải ăn mừng riêng với con ấy chứ (Đừng mang lên facebook khoe um lên là chúc mừng con đã có kinh nguyệt, êu ôi. Cả lớp cả trường con nó biết đấy). Trẻ cũng nên biết nhiều hơn về việc mang thai và các bệnh lây qua đường tình dục (STI) cũng như về các lựa chọn tránh thai khác nhau và cách sử dụng chúng để thực hành tình dục an toàn hơn.

Bên cạnh tình dục an toàn, hãy cùng trẻ học cách nhận biết rượu và ma túy, những yếu tố rất gần gây ra hệ quả tình dục.

Có thể nhiều trẻ đã bước vào giai đoạn yêu đương, con cần tiếp tục tìm hiểu sự khác biệt giữa mối quan hệ lành mạnh và mối quan hệ không lành mạnh. Kể cả những yếu tố như áp lực và bạo lực trong hẹn hò và hiểu ý nghĩa của sự đồng ý trong các mối quan hệ tình dục. Con nhất định phải biết các cách thức, kỹ năng và phương pháp đàm phán và từ chối để kết thúc một mối quan hệ, khi con cảm thấy không an toàn, không lành mạnh, không làm con vui vẻ nữa.

Một lần nữa xin nhắc lại, cha mẹ hãy đưa những bài học này thật sớm, bởi vì đến khi con qua một độ tuổi nhất định, con sẽ không sẵn sàng tiếp thu nữa, cha mẹ mất đi mãi mãi cơ hội trò chuyện với con về chủ đề nhạy cảm và đưa ra những chỉ dẫn cần thiết. Càng nói sớm, sẽ càng có khả năng trẻ sẵn sàng tiếp thu, và tò mò hỏi thêm.

Đừng để đến khi không còn cơ hội trò chuyện, hoặc những điều nguy hiểm xuất hiện, thì sẽ rất khó để khắc phục.

*Nguồn tham khảo: AboutKidsHealth

----

“Life Mentor – Cha mẹ dẫn lối” là cộng đồng hỗ trợ các cha mẹ có con độ tuổi 10-18 trong hành trình giáo dục con, với các hoạt động chính:

  • Kết nối 1-1 với các Mentor thành công trong đa dạng lĩnh vực.

  • Định hướng sự nghiệp thông qua hoạt động trải nghiệm đa dạng các ngành nghề trong xã hội

  • Giúp con xây dựng tư duy, kỹ năng xã hội và các bài học về quản trị cuộc sống chưa được dạy trong nhà trường.

Chúng tôi xây dựng dự án Life Mentor để lưu giữ lại những tri thức mà chúng tôi học được từ nhiều nguồn trên thế giới, như một di sản để lại cho các con mình, và nhiều trẻ em Việt Nam.

Life Mentor mong muốn mọi trẻ em đều được thấu hiểu, tôn trọng, định hướng phát triển tiềm năng và sự nghiệp theo đúng năng lực và đam mê. Đội ngũ Mentor sẽ đồng hành trong quá trình phát triển của mỗi bạn nhỏ. Hãy cùng chúng tôi chung tay nhé.

← Bài trước Bài sau →