GIÁO DỤC TRẺ VỀ SỰ TRUNG THỰC: NHỮNG ĐIỀU NÊN VÀ KHÔNG NÊN (P2)

GIÁO DỤC TRẺ VỀ SỰ TRUNG THỰC: NHỮNG ĐIỀU NÊN VÀ KHÔNG NÊN (P2)

So với những điều NÊN làm khi giáo dục trẻ về sự trung thực, mình thấy những điều KHÔNG NÊN sau đây có tầm quan trọng không kém. Vấn đề ở đây là các bậc phụ huynh lại thường mắc phải chính những cái KHÔNG NÊN này và khiến mọi chuyện rắc rối hơn rất nhiều.

1. ĐỪNG KHIẾN TRẺ PHẢI NÓI DỐI

Khi phụ huynh nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ trẻ nói dối, đừng vội hỏi hoặc quy kết bằng câu hỏi, điều này khiến trẻ chủ động nói dối để tránh rắc rối. Khi vấn đề rắc rối xảy ra, phụ huynh cũng không nên tập trung vào việc nói dối mà tập trung vào xử lý hậu quả. VD: nếu bố mẹ thấy đồ ăn vương vãi, đừng hỏi “ai đã làm đổ đồ ăn” mà thay vào đó yêu cầu tất cả các con phải tập trung xử lý hậu quả, đây là cách để các con hiểu rằng không có kết quả tốt đẹp nào từ việc chối bỏ trách nhiệm.

2. NÓI CHUYỆN CHỨ ĐỪNG THUYẾT GIẢNG

Việc trao đổi cởi mở giữa bố mẹ và con cái mang lại hiệu quả hơn rất nhiều những bài giảng một chiều không hồi kết. khi sự việc xảy ra, hãy chờ đợi một thời điểm mà mọi người cùng bình tĩnh, ngồi lại cùng nhau trao đổi tìm hiểu lý do, hậu quả và những kinh nghiệm rút ra từ sự việc, không quên nhắc trẻ về giá trị của sự trung thực và cách tránh nói dối trong những trường hợp tương tự.

3. ĐỪNG PHẢN ỨNG THÁI QUÁ

Những hình thức kỷ luật nghiêm khắc thậm chí là đau đớn chỉ khiến trẻ học cách nói dối nhanh hơn và thành thục hơn. Phụ huynh vẫn nên có những hình thức kỷ luật khi trẻ nói nhưng cũng cần bình tĩnh và nhớ rằng mục tiêu lớn nhất không phải là loại bỏ sự nói dối mà là dạy về sự trung thực. Phụ huynh nên giải thích cặn kẽ từng trường hợp trẻ nói dối, cho trẻ lựa chọn hình thức kỷ luật và bài học rút ra sau mỗi lần trẻ nói dối. Luôn giữ giọng nói bình tĩnh và kiên định, tránh gào thét giận dữ khiến trẻ sợ hãi và thay vì tập trung vào lỗi lầm của mình, trẻ sẽ chỉ nghĩ tới sự giận dữ thái quá thiếu tình yêu thương của cha mẹ.

4. ĐỪNG GIÚP NHỮNG LỜI NÓI DỐI ĐẠT ĐƯỢC MỤC ĐÍCH

Trẻ đều có lý do khi nói dối, và nếu trẻ đạt được mục đích của mình, trẻ sẽ coi việc nói dối như một biện pháp hiệu quả về sau. Vậy nên nếu bạn xác định được trẻ nói đối, hãy tìm hiểu xem trẻ muốn đạt mục đích gì, làm ngơ mục đích đó để trẻ thấy rằng nói dối không hiệu quả và trẻ sẽ phải tìm cách khác để đạt mục đích. Như đã liệt kê ở đầu bài, trẻ thường có 3 Lý do chính để nói dối: 1. Tránh bị rắc rối/ 2.tránh làm tổn thương người khác/ 3.khiến hình ảnh của mình tốt đẹp hơn. Với các lý do này, tùy trường hợp cha mẹ nên giải thích cho trẻ hiểu rằng việc nói dối của trẻ không thể mang lại hiệu quả, trẻ vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm cho việc làm sai, hướng dẫn trẻ cách nói thật một cách khéo léo không làm tổn thường người khác và rằng việc nói dối sẽ chỉ che dấu đi những điều tốt đẹp có thật của chính bản thân trẻ mà thôi.

5. ĐỪNG KỂ NHỮNG CÂU TRUYỆN TIÊU CỰC VỀ VIỆC NÓI DỐI

Có rất nhiều những câu truyện kể về những hậu quả tiêu cực khi nói dối tuy nhiên phụ huynh không nên nêu bật những hành vi xấu xa từ các câu truyện vì việc này có thể khiến cho trẻ tự đặt những câu hỏi như “làm thế nào để làm việc xấu mà vẫn thoát tội? làm thế nào để câu nói dối không bị lộ?”. Trẻ cần những ví dụ về việc cử xử trung thực trong những tình huống mà nói dối sẽ dễ dàng hơn, làm thế nào để trung thực, việc trung thực sẽ có kết quả thế nào. Hãy kể những câu chuyện về lòng trung thực đã mang lại kết quả tốt đẹp như thế nào, thay vì những truyện có kết cục xấu vì nói dối. theo một nghiên cứu của nhà tâm lý học Kang Lee của trường đại học Toronto, những trẻ nghe truyện với kết thúc tích cực khi nói thật sẽ có xu hướng trung thực hơn những trẻ được nghe những truyện tiêu cực về việc nói dối.

Một lần nữa cần nhắc lại rằng việc giáo dục trẻ về sự trung thực là một việc lâu dài và vất vả nhưng nếu thành công, nhất định sẽ cho quả ngọt. Mình hi vọng những chia sẻ trên đây về những điều NÊN và KHÔNG NÊN khi dạy trẻ trung thực sẽ đồng hành cùng với quý phụ huynh trên hành trình này.

----

Mai Mai  - Family Education Mentor

Founder @LifeMentor.vn


 

Nguồn tham khảo:

1. Ma, F., Heyman, G. D., Jing, C., Fu, Y., Compton, B. J., Xu, F., & Lee, K. (2018). Promoting honesty in young children through observational learning. Journal of Experimental Child Psychology, 167, 234-245.

2. https://www.greatschools.org/.../12-tips-raising.../...

3. https://www.allprodad.com/10-ways-to-teach-your-children.../

← Bài trước Bài sau →