Phân tích tâm lý nhân vật (Phương Hiệp Văn): Ẩn ức nào cho kẻ nghèo hèn?

Phân tích tâm lý nhân vật (Phương Hiệp Văn): Ẩn ức nào cho kẻ nghèo hèn?

(VĂN VỞ PHÂN TÍCH NHÂN VẬT DỰA TRÊN BỘ MÔN TÂM LÝ HỌC GIA ĐÌNH)
Nhân dịp #ĐuTrendHoaHồng mình xin viết bài bình luận và phân tích nhân vật + kèm theo kiến thức môn Tâm lý học gia đình mà mình đang theo học để phục vụ các bạn.

Trong series này mình sẽ chỉ bình luận về nền giáo dục trong mỗi gia đình đã tạo ra những con người thế nào, và những ẩn dụ tâm lý đằng sau các tình huống. Kèm theo topping những lưu ý mà cha mẹ có thể học và sửa khi giáo dục con cái từ bộ phim này.

Mặc dù mình giỏi chuyện tình yêu quá cơ, nhưng mình nhất định không bình luận về tình yêu. Vào bài thôi.
——

1. "lấy nghèo khó nuôi con trai"

 
Anh Phương Hiệp Văn, hãy gọi anh là anh Văn, có xuất phát điểm cực kì thấp.

Bố anh mất từ khi anh còn nhỏ. Một mình mẹ anh làm hai công việc nuôi anh đến tận đại học.

Anh Văn là người có ý chí tuyệt vời, học rất giỏi, nhiều nỗ lực để thoát khỏi nền tảng nghèo khó của bản thân. Anh được học bổng đại học, được tuyển thẳng vào cao học.

Tuổi trẻ tài cao, anh đi làm được làm giám đốc dự án. Khi ra khởi nghiệp, anh liên tiếp thành công, và đến lúc sáp nhập, bán công ty anh có được một đống tiền to mà vợ anh, anh trai vợ, và cả nhà vợ “cả đời làm cũng không kiếm được”.

Anh có lý tưởng lớn, ước mơ to. Những tháng ngày cùng nhau xây dựng sự nghiệp của đôi bạn trẻ thật là đẹp. Tuyệt vời. Một hình tượng khởi nghiệp thành công rất đáng ca ngợi và cần đưa lên báo Dân Trí.
….
cho đến khi cô Hoa Hồng yêu anh. Yêu anh vào là thấm đòn ngay.
——
Anh Văn là một ví dụ điển hình cho câu các cụ hay nói “Dùng nghèo khó nuôi con trai, dùng giàu sang nuôi con gái”. Các bác hãy theo dõi kĩ, để xem lấy nghèo khó nuôi con trai sẽ ra tác phẩm thế nào nhé.
——
Hãy nhìn vào gia đình anh Văn.

Mẹ anh là người vùng quê nào đó xa xôi, gần Triều Tiên, nói tiếng Triều (có thể gọi là dân tộc thiểu số).

Bà là trưởng ban tổ chức các giải đấu đánh bạc ở quê. Rất là tay chơi.

Mẹ anh thương anh nhất quả đất, lúc nào cũng không cho anh làm, sợ anh bẩn quần áo, sợ anh vất vả “đàn ông ai lại làm những việc này”. Bà lo anh phải làm việc, kiếm tiền, nuôi vợ vất vả. Bà giành hết việc để làm, thấy con trai giúp vợ là bà khó chịu.

Bà chiều con như thế, mà anh Phương lớn lên không bị hư hỏng, biết nấu ăn, biết làm việc nhà, chăm chỉ lao động, nỗ lực phấn đấu, là bà đã rất thành công. 10 điểm cho bà, để trừ dần về sau.

Nếu chỉ hai mẹ con ở với nhau, thì hạnh phích đến trọn đời.

——
Nhưng anh Văn đã có một bước đi sai lầm, đó là đem mẹ anh lên Thượng Hải, nhốt chung vào một cái lồng bé tí tẹo với vợ anh. Để cho gia đình vợ, và khán giả thấy được quá nhiều điểm xấu xí ở bà. Bao nhiêu năm bà vẫn sống vui vẻ tốt đẹp ở quê, tất cả các tính xấu của bà đều vẫn yên ổn ở cái làng ấy. Đáng lẽ, anh nên để bà ở quê tiếp tục làm trưởng ban tổ chức Tour de Scam là chuẩn nhất.

Tội anh Văn rất to, anh biết không?
——
Rồi, giờ mới tới công chuyện. Những tính “xấu” của bà Phương đã di truyền lại cho anh Văn thế nào? Để dẫn tới anh phản bội đồng nghiệp, rạn nứt hôn nhân như vậy?

Nếu như đoạn 1, chúng ta đã thấy “dùng nghèo khó nuôi con trai” đã tạo nên một đứa trẻ kiên cường, một thanh niên hiếu học, và một trung niên thành đạt, thì đoạn sau này, tôi sẽ lôi những side effect (tác dụng phụ) của nghèo khó nuôi con trai ra cho các bạn xem.
——

Ám ảnh tiền bạc

Bà Phương xuất hiện có 3-4 tập mà tần suất bà khắc nghiệt với đồng tiền phải đến 90% số phân cảnh.

- Anh Văn đã rất chu đáo đưa một phong bì dày ụ trong ngày “ăn hỏi” để mẹ anh đưa lì xì cho con dâu, nhưng bà khó chịu ra mặt, không muốn đưa và phải thuyết phục chán chê, bà thở hắt ra bà mới chịu.

- Anh Văn mua đồ ăn ngon thì mẹ anh kêu tốn tiền. Vợ anh mua mấy bông hoa thì bà bảo “Hoa này ở quê trên núi nhiều lắm, ở đây lại còn phải bỏ tiền mua hoa nữa.” rồi vừa đi vừa lẩm bẩm “lại tiêu tiền lung tung rồi”. Sau đó bà cố tình nói to “Hôm nay giá thực phẩm lại tăng rồi, vợ con mua mấy bông hoa bằng mẹ mua thức ăn cả tuần, con nói xem con kiếm được bao nhiêu tiền mà lại hoa với cỏ chứ” (mắt liếc liếc nhìn con dâu)

- Anh Văn nói “lúc con mở công ty tiền Hoa Hồng đã đưa cho con để đầu tư, con định cuối năm chia lãi sẽ trả lại cô ấy” thì bị mẹ cản ngay “Đừng ngốc vậy con trai, tiền đó không thể để rơi vào tay đàn bà được. Hàng ngày nó trang điểm xinh đẹp, rồi ra ngoài dạo phố ăn uống, tiền đó không thể đưa cho nó được”. …

- Mẹ anh liên tục nói cạnh khoé “một mình con trả nợ mua nhà”, “một mình con đi làm, mua sắm ít thôi” “Chuyện con kiếm được bao nhiêu tiền đừng nói với vợ con nghe chưa?”. (vừa nói mắt vừa liếc vào con dâu).

Và rồi, hầu hết những lỗi khó chịu nhất của anh Văn mà cả cô Hồng và khán giả đều “ghét” lại liên quan đến chuyện anh ứng xử với tiền.

- “Em làm thuê cho người ta thì được mấy đồng, tiền anh kiếm cho em chưa đủ tiêu sao? Em thà ở nhà chăm con và chăm sóc sức khoẻ còn hơn.”

 
- “Nuôi em nuôi con anh đã bao giờ phàn nàn đâu. Anh có trách nhiệm tất cả tiền anh kiếm được đều để cho cái nhà này. Anh nói có gì sai à?”

- >> Mọi thứ để khẳng định giá trị của anh đều được anh quy ra tiền, kiếm được bao nhiêu thì vị thế của anh nâng lên bấy nhiêu. Anh không hiểu vợ đòi đi làm là vì sao, chả vì tiền thì vì cái gì? Khi đủ tiền tiêu rồi thì đi làm chi nữa? Ở nhà tiêu tiền đi. Nhận thức của anh Văn và của cô Hồng hoàn toàn lệch sóng nhau chỗ này. Đến mức cô Hồng không bao giờ buồn giải thích.

- Gả cô Hồng vào nhà này là nhầm rồi. Một người suốt ngày đọc sách, ngắm hoa, xem tranh với một người tính toán mấy quả dưa chuột đắt lên mấy đồng, mấy bông hoa bằng bữa ăn cả tuần, thì không thể nào hoà hợp sống chung được. Tiểu thư cành vàng lá ngọc phải được gả cho nhà có điều kiện kinh tế, được chăm sóc và chiều chuộng, nâng níu như bông hoa, chứ sao lại gả vào nhà thiếu tiền thế này.

——

Lòng tự trọng cao, đi kèm lòng tự ti cũng rất cao 

- Khi được cô Hoa Hồng gợi ý kết hôn, anh bảo “giờ anh không có việc, không có tiền, anh mà lấy em có phải anh là tên vô lại không?” Anh nói đúng đấy, anh phải có đủ điều kiện kinh tế đàng hoàng, tự thân hạnh phúc mới có thể đem lại hạnh phúc cho người khác. Đáng khen cho lòng tự trọng của anh.

- Yêu cô gái cành vàng lá ngọc cũng là động lực để anh cố gắng đạt được thành công. Ban đầu chỉ là để “ngày nào anh cũng đưa em đi ăn nhà hàng với những món ngon”, nhưng sau đó là vì vợ, vì con, vì khẳng định vị thế của mình trong xã hội và cuối cùng là để đỡ mất mặt với với nhà vợ. Động lực phấn đấu này đã giúp anh đạt được nhiều thành tựu. Đáng khen cho anh.

- Lúc nghèo khó anh khá là đàng hoàng chính trực (trong công việc thôi, còn trong tình cảm thì tôi cho anh điểm liệt). Khi Tiểu Chu, đệ tử của anh làm sai, bị đối tác đổ lỗi, anh đã dũng cảm đứng lên gánh trách nhiệm và bị nghỉ việc. Từ đó dẫn đến chuyện anh khởi nghiệp công ty mới.

- Sự tự ti bắt đầu lộ dần ra khi trong bữa ăn với mẹ cô Hồng, anh cúi mặt thú nhận “Tôi coi cô là bạn. Tôi không lừa cô” (Anh nói dối chồng lên nói dối nhé, anh double lừa luôn đó). “Tôi cũng không có ý định yêu đương. Yêu đương với tôi mà nói, là điều xa xỉ, là gánh nặng. Tôi không có thời gian, cũng không có điều kiện vật chất….tôi không có tư cách nghĩ đến chuyện yêu đương.” Anh chàng nào đến tán con tôi mà cúi mặt thú nhận sự hèn kém của mình như tội phạm vậy, tôi dắt con tôi đi thẳng.

- Khi trò chuyện với chị Tô, anh Văn thú nhận “em luôn nghĩ rằng em không xứng với cô ấy”. Đến cuối phim, khi cuộc hôn nhân đã tro tàn nguội lạnh, anh vẫn hỏi “có phải ngày xưa em yêu anh là vì em đang trong tình trạng tồi tệ thất tình không”. Dù anh có công ty triệu tỉ, có nhà đẹp, làm sếp trăm người, anh vẫn không thoát khỏi cái bóng tự ti của xuất thân kém cỏi.

- Đến khi cô Tô hỏi vì sao cậu lại quyết định cầu hôn lúc này (vào thời điểm anh Đống về Thượng Hải gặp cô Hoa Hồng), thì anh Văn nói “Em sợ mất cô ấy. Xung quanh cô ấy đầy rẫy những người có điều kiện tốt hơn em.” Nỗi sợ hãi cứ đeo đẳng anh từ những ngày đầu gặp gỡ cho đến tận 20 năm sau khi đã ngoài 40 tuổi.

- Đến tận lúc chụp ảnh cưới, anh vẫn không tự tin, vẫn hỏi đi hỏi lại cô Hồng là có chắc chắn muốn chụp ảnh không. Tôi mà là anh, tôi mới là người trấn an cô người yêu, rằng lấy anh mới là xịn, anh Đống tuổi gì, chứ lại để cô người yêu trấn an anh về việc kết hôn.

- Chị Tô đã nói “Nếu con bé đã chọn cậu thì cậu không có đối thủ cạnh tranh”, “Sự tự ti là con dao hai lưỡi, nó có thể khích lệ người ta tiến bộ, cũng có thể khiến người ta nhạy cảm, yếu đuối, mất cân bằng tâm lý. Đừng để nó khống chế” nhưng anh không nghe cơ. Anh không chịu tận dụng lợi thế đó mà vun đắp hạnh phúc, anh lại để sự nhỏ nhen dẫn đường. Quá nhọ cho anh.

- Nhờ có gặp anh Đống, mà anh Văn đã có một đối tượng cụ thể, gương mặt cụ thể để nhắm đến, một kẻ để anh Văn ghét suốt đời. “Sự tự ti đã ăn sâu vào xương vào tuỷ cậu ta. Cậu ta không có sự an toàn như em”, cô Tô nói.

- Anh quá nhạy cảm với những tiểu tiết bé tí. Anh đã bị lép vế ngay từ bước đầu đến nhà cô Hồng. Đến lúc tranh luận về bức xạ với giáo sư Vật Lý đại học Thanh Hoa, anh càng thấy bị coi thường. Anh không nuốt trôi cục tức này. Suốt ngày vợ anh phải chạy theo trấn an anh. Bao nhiêu thành tựu của anh, bao nhiêu tiền anh kiếm được vẫn chưa giúp được anh qua được cái hố tự ti sâu hoắm. Anh vẫn thấy “đi học đại học bao nhiêu năm vẫn không hiểu về ion bức xạ” là một vết dao cứa trong lòng. Anh còn bao nhiêu điểm tốt đẹp khác mà anh không lôi ra để mà tự tin hơn. Tội nghiệp anh.

- Bố vợ anh Văn nói “thể diện là đương nhiên, nhưng không phải năng lực cạnh tranh cốt lõi” cũng khiến anh chạnh lòng, làm cho không khí lúng túng. Anh cả đời trăn trở “anh không biết rốt cuộc anh phải làm gì bố mẹ em mới xem trọng anh”. Khổ thân anh, cả đời chạy theo những mục tiêu bên ngoài, để được sự công nhận, chứ không nhìn vào bên trong mình.

- “Đằng nào cô ấy cũng coi thường tôi. Những người đã từng ăn món Pháp, cũng từng ăn món vỉa hè, không phải là họ thích ăn, mà là họ có thể ăn”, anh Văn tâm sự bên lon bia với bạn.

- Suốt những năm tháng theo đuổi cô Hoa Hồng, anh cứ cun cút chạy theo, săn đón, luồn cúi, dúm dó, hấp tấp. Anh Chấn Hoa còn nói “Cậu ta đứng cạnh em, rất giống với người giúp việc của em”. Cái tư thế đó, tôi mà có con gái, không bao giờ tôi gả cho anh.

(Chỗ này tôi khuyến mại anh vài lời tư vấn)
- Tôi xin mời anh đọc cuốn sách “12 quy luật cuộc đời - Thần dược nào cho cuộc sống của chúng ta” của Jordan Peterson để anh hiểu rõ là:

- “Nếu có một phong thái thảm hại, nó sẽ khiến bạn ít hạnh phúc, u buồn và lo lắng nhiều hơn, có khả năng chùn bước hơn khi phải đứng lên bảo vệ chính mình. Từ đó, nó làm giảm chất lượng cuộc sống, tiếp cận với các nguồn tài nguyên chất lượng cao nhất và có được một người bạn đời đáng ao ước.”

- Làm thế nào để thoát khỏi thảm cảnh trên? HÃY HIÊN NGANG lên anh ơi.
——

Lươn lẹo để trục lợi cho bản thân, kệ mẹ ảnh hưởng đến người khác

Rất nhiều các quyết định của anh đều làm lợi cho bản thân anh mà del thèm quan tâm nó ảnh hưởng đến người khác như thế nào.

- Anh tự quyết định chuyển tiền mặt trả cho cô Hoa Hồng, và đổi bằng cổ phần chuyển sang tên anh. Sự độc đoán của anh cao đến mức anh bạn founder làm cùng đã bỏ anh đi khi anh quyết định bán công ty mà không coi trọng tiếng nói và quyền lợi của đồng đội. “Nếu trong tay Hoàng Diệc Mai cô ấy sẽ không bao giờ làm cái trò trục lợi này như cậu”

- Anh ra sức giữ mẹ anh ở lại để giám sát vợ, nhưng đến lúc vợ chuẩn bị chứng chỉ tư vấn tâm lý để đi làm thì anh lại nói dối trơn mồm là mẹ anh sức khoẻ không tốt và muốn về quê. Mục đích để vợ anh ở nhà trông con. Vẫn thói quen cũ, anh tự quyết trước rồi nói với từng người để thuyết phục sau bằng những lý lẽ dẻo quẹo của anh. Anh thật quả quyết như một quả đấm thép, thật là có dáng lãnh đạo.

- Lần nào quyết định cũng chỉ có lợi cho mục đích của anh, còn những người khác đều thiệt thòi và bực bội. Ngay cả mẹ anh cũng bực mình vì bị đuổi về .

- Tiết mục xin nghỉ việc hộ vợ của anh thật là đỉnh cao. Tư duy của anh rất nhanh nhạy đấy. Anh làm IT hơi phí, phải đi làm về hình sự mới hợp. Mỗi lần cô Hồng nói “anh không bàn với em gì cả” anh đều lấp liếm “việc này em không phải bận tâm” với “anh làm vậy chỉ là vì lo cho em”… Gia trưởng kiểu này ai địch nổi ảnh.

- Lấy anh chồng thế này, suốt ngày lo sợ bị đâm sau lưng, bị lừa vào tròng, gây ra những sự kiện lớn ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác nhưng anh chỉ xin lỗi vì mọi sự đã rồi. Sợ anh phát khiếp.
——

Trọng nam khinh nữ / gia trưởng/ không tôn trọng người thân 

- Mẹ anh Văn không thích con gái, bà liên tục giục giã đẻ con trai. Bà là người chăm chỉ làm việc, làm hết mọi việc nhà, chăm sóc anh từ tấm bé. Điều này tạo nên một hình mẫu quen thuộc khiến anh cho rằng phụ nữ phải làm việc nhà và chăm sóc gia đình mới là đúng.

- Tiếp đến là lọ hoa bị đem ra trồng tỏi, rồi xung đột về không gian sống, quyển sách của chị Hồng bị đem lót nồi.

- Chịu đựng nhau được mấy ngày, thì bắt đầu chửi vào mặt nhau “Đây là nhà con trai tôi, tôi và nó nói với nhau mấy tiếng giọng quê thì đã làm sao? Ngày ngày tôi hầu hạ cô mà cũng sai à?”
 
- Khi đẻ con gái, mẹ anh phát biểu: “Rầm rộ cả lên, vất vả mãi mà lại ra con gái”. “Mỗi đứa con gái thôi, không cần nuôi nấng tốn kém thế đâu, một hộp sữa bao nhiêu tiền?”, “Chỉ là đứa con gái thôi, sớm muộn cũng gả cho người ta, sao phải tốn kém mời thầy đặt cái tên.”

Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến thái độ của anh Văn. Dù anh rất yêu bé Sơ, nhưng anh cũng liên tục giục vợ anh đẻ con (trai) mà không quan tâm đến cảm giác của cô.

- “Em có hơi sức đi làm mà không có hơi sức sinh con trai”. Tư tưởng của anh thật là tiến bộ đó.

 
- Anh Văn quyết định “mua nhà to cho 4 người chúng ta ở”, vì “mẹ anh sau này chắc chắn đến ở cùng chúng ta” mà cũng chẳng hỏi vợ anh một câu. Anh định bán nhà ở quê đi, và mẹ anh sẽ lên chăm con cho em. Nhìn thái độ của anh là biết ngay anh cũng chẳng đọc được nỗi buồn của vợ anh rồi.

- Sau đó lần lượt là màn căng thẳng nhất, anh liên tục tìm mọi cách để nhốt cô ở nhà, không cho đi làm việc. Nhưng thay vì thảo luận, để có được sự đồng thuận thì anh liên tục can thiệp, đến tận nơi, dàn cảnh nói dối để vợ anh mất việc đến 2 lần.

- Anh đã hỏi cô Hoa Hồng để mời mẹ anh đến, cô không đồng ý, nhưng anh vẫn cứ mời. Chỗ này anh không hơn anh Đống là mấy, hai anh đều không coi trọng cô Hoa Hồng như nhau. Đều tự quyết định cuộc đời họ mà không cho họ có ý kiến. Hai anh về làm bạn với nhau hợp quá.

- Cao trào là lúc anh từ chối công việc của vợ lần 2, cài định vị vào máy điện thoại vợ, và chất vấn vợ về việc về Bắc Kinh gặp ai, thắc mắc về cái móng tay của vợ, nghi hoặc về việc vợ anh suốt ngày về Bắc Kinh, dò hỏi con về việc mẹ đi đâu làm gì, đi với ai, buộc tội vợ gài con nói dối để giấu giếm anh.

- “Công việc đó của em vốn không phải biên chế chính thức, với chút tiền mỗi tháng em kiếm được, anh cũng chẳng hi vọng em có thể cùng anh trả nợ.” Đau thật là đau, cô Hoa Hồng không ngờ đời mình dẫm phải 2 bãi cức, à quên bãi cơm, giống nhau rồi. Đều cùng yêu cô, thương cô, nhưng đều quyết định hộ đời cô, rồi cùng không coi trọng công việc, thu nhập, và giá trị của cô. Đau thật là đau.
——

Thiếu chính trực, nói dối như lươn 

 
Có một dấu hiệu cờ đỏ (red flag) to đùng mà cô Hoa Hồng không nhận ra, và nhiều khán giả (trong các tập đầu) cũng không nhận ra. Là anh Văn đã dùng nhiều “thủ đoạn” để làm lợi cho mình và gây bất lợi cho người khác.

- Anh theo dõi cô Hoa Hồng nhiều ngày tháng, lên kế hoạch bài bản đầy đủ, từ việc mua lại vé xem triển lãm nghệ thuật, từ đến làm phục vụ tại nhà hàng nơi cô làm, thuê phòng tầng trên rồi trang trí lại theo màu sắc tranh của Giorgio Morandi mà cô Hồng yêu thích. Mua đồ đạc để sẵn vào cái phòng gác mái tối tăm chật hẹp để cô Hồng đến là ưng ngay. Từ việc chuyển ra khỏi kí túc xá chỉ để có chỗ chăm con mèo cho cô. Công nhận là anh cũng kì công theo đuổi người yêu thật.

- Anh bảo “Tôi không ở trong trường, tôi thuê trọ ở ngoài” trong khi anh đang ở ký túc xá.

- Vào phòng mới, cô Hoa Hồng thắc mắc là sao không có đồ đạc, anh bảo “phòng này trước bị dột, chuyển tạm đồ gia dụng đi rồi”,

- Cô Hoa Hồng hỏi tại sao anh có ảnh của tôi, anh bảo “tôi đi xem triển lãm, tôi lấy trộm ảnh về, vì tôi sợ họ xâm phạm quyền riêng tư của cô, tôi vốn định đưa lại cho cô nhưng chưa kịp đưa mà để đây”. Công nhận đầu óc anh thông minh nhanh nhạy thật, nghĩ nhanh như điện xẹt.

Người ta gọi đó là si tình, tôi gọi đó là không chính trực.

- Ai thấy anh si tình thì khen anh một câu an ủi đi, chứ tôi chuẩn bị mắng anh đây này. Các bác có thấy anh Văn nói dối rất trơn mồm không. Người thường chắc là khó nghĩ ra nổi từng ấy câu nói dối, lớp này chồng lớp kia, thiết kế bài bản lời nói dối như vậy. Chịu chết rồi đấy. Anh được luyện từ bé mà.

- Bố cô Hồng nhận xét “Hào hoa phong nhã, khiêm tốn hiếu học. Cái gì cũng tốt. Nhưng tốt đến mức không chân thực. Câu nào nói cũng đón ý, nhưng không biết trong lòng cậu ta nghĩ thế nào.” Các cụ nhìn người ít khi sai lắm, “phụ nữ các người không hiểu đàn ông. Đàn ông rất biết cách giả vờ đó.”

Si tình ư? Con tôi mà hẹn hò 1 anh thế này, tôi bảo chạy lẹ. Quá nhiều dấu hiệu cờ đỏ.

Cô Hồng đã phải thốt lên khi phát hiện ra bị gài vào lưới tình: “Phương Hiệp Văn, anh quá đáng sợ đấy. Ngày nào đó anh có bán em đi em cũng không biết.” Cô nói đúng rồi đấy, cô ngây thơ suốt gần chục năm trời trong cuộc hôn nhân mà không nhận ra. Cô Hồng vì yêu mà mờ mắt rồi, nói “lòng người khó lường” mà vẫn vì anh chàng si tình mà lấy.

Tất nhiên là anh bao biện: “Anh dùng tí kiến thức của đám IT để tính toán con đường đến gần em bằng thuật toán, khó tránh được một vài thủ thuật nhỏ. Miễn sao đích đến là chính đáng, thì quá trình chạy chương trình không quan trọng.”

Chi tiết này rất quan trọng nhé các bác, nó giải thích toàn bộ những hành vi thao túng của anh về sau. Anh tự cho mục đích của mình là chính đáng, nên anh đek thèm quan tâm các thủ đoạn trong quá trình, và những tổn thương anh gây ra cho người khác.

Giá trị sống của một người thường nhất quán trước sau, chứ ít khi có chuyện chinh trực ở nơi này, gian dối ở nơi khác, tốt bụng ở nơi này, nham hiểm ở nơi khác. Đó là lý do vì sao các cụ nói “Cách bạn làm 1 việc là cách bạn làm mọi việc”.

- Anh ăn nói bất nhất. Khi yêu thì anh khen cái váy hoa hồng vàng hở vai là đẹp. Kết hôn rồi anh nói vợ mặc cái váy đi phỏng vấn không được, phải thay sang quần. Khi yêu anh nói “Nếu Hoa Hồng muốn về Bắc Kinh, cháu nhất định sẽ ủng hộ cô ấy, cháu sẽ cùng đi với cô ấy.” Sau khi cưới, anh đóng một cái chuồng nhốt vợ vào, và cằn nhằn “Nhà em là ở Thượng Hải, không hiểu ở Bắc Kinh có cái gì mà em suốt ngày đòi về” .

- Khi còn yêu, anh mang hết thẻ tài khoản ngân hàng, giấy tờ con dấu công ty, bao nhiêu tài sản và tính mạng ra dâng cho cô Hồng để cầu hôn cô. Hứa là sau này mua nhà mua xe đều đứng tên cô. Vậy mà sau đó, anh chuyển trả lại tiền mặt để lấy lại cổ phần của cô trong công ty. Sau kết hôn, cô không có nổi đủ tiền để mua bức tranh của đứa trẻ con ở ngoài phố. Cô Hồng cũng phải than phiền là ghét cái cách mỗi lần anh đưa tiền cho cô tiêu là rất khó chịu.

- Anh còn nói dối trắng trợn là “ông giám đốc của em mừng ra mặt” khi anh xin cho em nghỉ.

Anh nói dối liên mồm mà mặt không biến sắc. Vậy mà cô Hồng hết lần này đến lần khác tha cho anh. Có phải cô bị Gaslighting* rồi không?
——

Uẩn ức của kẻ hèn kém bị đè nén 

 
Phi vụ đánh người ở nhà hàng thể hiện rõ hai nền giáo dục khác nhau tạo nên 2 con người với 2 nhân cách khác nhau.

Phân đoạn này rất đắt, các bạn xem lại nhé. Cô Hồng đã dũng cảm lên tiếng bảo vệ kẻ yếu thế. Khi người vợ (khách hàng) bị chồng đánh, cô nói “Cô à, có cần tôi báo cảnh sát giúp không?” sau đó là “Khách ăn trong nhà hàng chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ an toàn cho cô ấy.” Tiếp theo, dù bị ép cũng nhất quyết không chịu xin lỗi kẻ côn đồ.

Những đứa trẻ được nuôi dạy tốt, có đạo đức và lòng tự trọng, sẽ biết bảo vệ người yếu thế, không bao giờ chấp nhận bất công, không xin lỗi với điều mà chúng cho là sai trái.

Anh Văn thì rất khác nhé.

Anh đứng ở vị trí của người làm công tại nhà hàng, liên tục xin lỗi, còn xin lỗi hộ cô Hoa Hồng. Tôi ngờ là lý do không phải anh được đào tạo làm dịch vụ chuyên nghiệp nên khách hàng luôn đúng đâu, vì sau đó anh táng cho thượng đế trọng thương mà. Mà tôi tự kết luận, lý do là đã quá quen thuộc với sự chấp nhận bất công và sỉ nhục. Nhục một tí nhưng giữ được quyền lợi thì vẫn nhục được. Cho đến khi, anh thấy crush của mình bị xô ngã, anh ra tay rất tàn bạo.

Những uẩn ức tâm lý của anh bị dồn nén, nay được xả ra dữ dội quá. RIP anh khách thợ đấm.

 
——

Rình rập, nghe lén, suy diễn, nói xấu, nghi ngờ người khác.

 
Anh Văn là phiên bản sao y bản chính của mẹ anh, ở version trí thức hơn. Khi trí thức mà kết hợp với xấu tính thì nhiều chuyện đen tối lắm. Mặc dù anh hay nhắc “Mẹ, đừng làm thế này. Mẹ, không phải thế đâu. Mẹ, không phải lo lắng quá...” nhưng hoá ra anh cũng copy y hệt như vậy.

- Tất cả những khác biệt và rạn nứt của anh Văn - chị Hồng bắt đầu bộc lộ ra ngày càng rõ rệt từ khi mẹ anh Văn xuất hiện. Đầu tiên là việc hai mẹ con chỉ nói Tiếng Triều, nói xấu con dâu và ông bà thông gia công khai bằng tiếng Triều trước mặt. Các bác đã làm việc với người có ngôn ngữ khác sẽ thấy rõ, việc nói tiếng khác, nói xấu họ, trước mặt họ, kèm theo cử chỉ và ánh mắt lấm lét là một điều vô cùng thô thiển bất lịch sự. Đến lúc không chịu đựng nổi, cô Hoa Hồng gào lên…

- Mẹ anh rất thích đứng nép nép tầng dưới hóng lên nghe trộm tầng trên xem người ta nói xấu mình cái gì. Sau đó, bà suốt ngày rình rập, nghe lén, chạy theo để giám sát vợ anh. Google giải thích, nguyên nhân của hiện tượng này thường là do: thiếu lòng tự trọng, quá quan tâm đến việc người khác nghĩ gì về mình, trải nghiệm cá nhân luôn phê phán nói xấu người khác nên cũng cảnh giác với mọi người.

- Con dâu làm việc ở đâu thì mẹ chồng chạy theo đến đó để (giả vờ) làu dọn. Bà giả vờ kém quá nên rất là lộ liễu, ai mà chả nhận ra mà lén lút nhìn, lượn qua lượn lại. Năng khiếu đóng kịch của bà kém quá. Cô Hồng đi ra ngoài thì bà nhanh nhanh chóng chóng đi theo. May mà đuổi theo không kịp.

- Chính anh Văn cũng ngán ngẩm vì mẹ anh suốt ngày nói xấu, ca cẩm về vợ, anh liên tục phải bảo vệ vợ trước những giông bão này.

- Phi vụ gặp 2 nhà thông gia lúc cô Hoa Hồng sắp sinh mới đầy kịch tính. Cứ nói hở 1 câu ra là bà Phương lại phải lôi anh Văn vào phòng để hỏi “thế họ nói thế là ý làm sao? Muốn đuổi mẹ đi hả? Nó khóc thế có phải ý là nói chúng ta đã bạc đãi nó không?” Từng câu từng chữ nói ra đều bị suy diễn thành những ẩn ý xấu. “Hai con lấy nhau lâu vậy rồi mà họ không có qua, con vừa mua nhà một cái là lập tức họ tới ngay. Tại sao chứ. Tiền mua nhà to là do con kiếm, sao có thể để cho họ ở được.” “Giáo sư đại học, chúng ta tính toán sao bằng người ta được”. Thái độ thù địch của bà khiến cả hai bên lúng túng. Đến việc cười to tiếng cũng bị nói “Mẹ tưởng nó không biết cười cơ, mẹ ở đây lâu như thế, nào có thấy nó cười. Bố mẹ nó vừa đến, mặt mày rạng rỡ như hoa nở”.

- Bố mẹ cô Hồng hỏi “khẩu vị của nó thế nào?” mẹ anh Văn lẩm bẩm “Mỗi bữa đều ba bốn món, ăn hết sạch” lại phải nhờ vào sự nhanh mồm nhanh miệng của anh Văn chữa cháy cho. “Nó đã mách lẻo với bố mẹ nó, nên bố mẹ nó mới đến đây để kiểm tra” “Cái dáng vẻ đó cứ như cán bộ lãnh đạo của chúng ta vậy”.

- Anh Văn đẹp trai của chúng ta cũng luôn lo lắng, rình rập cô Hồng và gia đình cô, luôn nghi ngờ họ nói dối mình (Nghi ngờ cô Hoa Hồng đã gặp ai ở Bắc Kinh mà về đòi li hôn mình. Kiểm tra camera ở nhà hàng xem cô đã gặp ai rồi vội tỏ tình để chốt đơn. Chi tiết kiểm tra camera này anh đạo diễn chơi cao tay quá, khó thế mà cũng nghĩ ra được. Nếu cô Hồng mà biết chuyện này chưa chắc đã nhận lời kết hôn với anh.)

——
 

Thù lâu nhớ dai 

 
- Anh ghét bỏ anh Đống đến mức độ loại ngay một ứng viên đi nước ngoài về mà không thèm phỏng vấn tiếp. Anh kì thị với những cái nhà nhỏ như chuồng chim ở Paris, anh kỳ thị những người có dính đến yếu tố nước ngoài.

- Anh Văn liên tục mời người nhà cô Hồng đến công ty thăm, mời đến nhà mới mua (dự án) để khẳng định mình đã tạo dựng được sự nghiệp và kiếm được tiền. “Thứ người khác có thể mang lại cho cô ấy, em cũng có thể. Thứ người khác không thể mang lại cho cô ấy, em sẽ làm được”

- Anh đã có một bước đi rất táo bạo, là đến gặp người yêu cũ của cô Hồng để gửi kẹo cưới. Màn này có 5 phút thôi nhưng đạo diễn cao tay quá. Anh Văn rất tự tin “khi gặp nhau lần trước, chúng tôi chưa đăng ký” làm anh Đống sốc tại trận luôn. Cũng tự tin rằng “cô ấy đã chọn tôi thì tôi không có đối thủ cạnh tranh nữa.” Nhưng mà, anh lại bị anh Đống cho một đòn chí tử “Hoàng Diệc Mai từng ăn, từng thấy, biết cái gì là tốt. Kém chút cũng có thể vui vẻ chấp nhận, vì cô ấy có lòng bao dung rất lớn. Không có nghĩa là cô ấy không có tiêu chuẩn phán đoán của mình.” Cú đâm này đau quá, làm cho bao nhiêu sự tự tin của anh Văn lụi tàn như cỏ rác. “Chỉ cần cô ấy sống tốt, tôi sẽ không có suy nghĩ không yên phận”. Một lời dặn dò cảnh báo của anh Đống đến xóc cả óc.

- Tiếp theo là màn vứt món ăn cạnh thùng rác, rồi nhặt lại, và khuất đằng sau là món kẹo cưới, cũng rất nhiều ẩn dụ. Anh Đống EQ thấp như vậy mà nói ra được những câu đắt giá quá. Cảm ơn anh biên kịch nha. Anh đã cho chúng tôi xem một trận đấu mãn nhãn.

- Anh Đống không xuất hiện trước mặt anh Văn nữa, nhưng đeo bám cuộc đời anh Văn đến tận hơn cuối đời, chắc phải mời hai anh về ở với nhau mới là hợp lý. Động một cái là anh Văn lại nhắc đến “đừng tưởng mấy người đi nước ngoài về là hay” rồi “mấy cái chuồng chim ở Paris”, “bóng bẩy, ăn mặc đẹp, ăn uống đồ Tây nhưng cả đời phải đi thuê nhà”.
——
Mẹ cô Hồng đã đúc kết 1 câu rất là triết lý “Môi trường gia đình có ảnh hưởng rất lớn với mỗi người…có người vẫn dừng lại ở con người được định hình từ tấm bé, nhưng cũng có những người thay đổi triệt để…”. Anh Văn của chúng ta, dù có giàu có giỏi đến đâu thì anh vẫn là một đứa trẻ ích kỷ và nghèo hèn.

Anh nhận đóng vai này công nhận anh bản lĩnh. Đọc kịch bản đã biết là khán giả sẽ chửi anh không lối thoát. Tôi nể sự dũng cảm của anh quá.
——
(*) Trong tâm lý học, hiện tượng gaslighting (hiểu đơn giản là các thủ thuật thao túng tâm lý). Cô Hoa Hồng học thạc sĩ tâm lý mà bị kiểm soát thao túng mà không nhận ra, vẫn còn bênh vực anh Văn và đổ tại “chắc là do hormoon nên mới bị vậy”. Khi bị gaslighting bạn có thể tin tưởng vào những điều dối trá, mất chính kiến của mình và bị người khác thao túng. Họ liên tục nói dối, chối bỏ hành vi sai trái của họ và khiến bạn nghi ngờ bản thân, họ dùng những gì bạn trân trọng để chống lại bạn, họ khiến bạn không còn chính kiến, họ liên tục thao túng bạn, họ dùng lời mật ngọt để xoa dịu bạn để chiếm được sự tin tưởng và phục tùng của bạn, họ khiến bạn cảm thấy hoang mang mập mờ, họ liên tục đổ lỗi lý do người khác, họ khiến bạn nghĩ mình không tỉnh táo, họ nghi ngờ người khác.

Cô Hồng cứ tưởng cô không được làm việc, không được tự do là vì làm mẹ. Không phải đâu, hoá ra làm mẹ chỉ là cái cớ. Lý do chính là anh Văn liên tục dùng cái cớ đó để ngăn cản sự phát triển của cô và nuôi nhốt cô trong cái chuồng.
← Bài trước Bài sau →