PHỎNG VẤN MENTOR NGHIÊM XUÂN HOÀNG – CHUYÊN GIA LĨNH VỰC ĐIỆN VÀ NĂNG LƯỢNG (PHẦN 1)

PHỎNG VẤN MENTOR NGHIÊM XUÂN HOÀNG – CHUYÊN GIA LĨNH VỰC ĐIỆN VÀ NĂNG LƯỢNG (PHẦN 1)

[Xem profile Mentor Nghiêm Xuân Hoàng tại đây https://bit.ly/3v6tY92 ]

STEM là một xu hướng nóng của giáo dục hiện nay. Vậy trẻ theo đuổi STEM sẽ có những chân trời nghề nghiệp như thế nào? Hãy cùng Life Mentor trò chuyện với Mentor Nghiêm Xuân Hoàng để khám phá những ngóc ngách siêu thú vị của hướng đi này, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng nhé. Nào chúng ta hãy cùng bắt đầu!

1. Xin chào Hoàng. Bạn có thể giới thiệu một chút về mình được không?

Xin chào các anh chị và các bạn phụ huynh, và xin chào các em, các cháu học sinh quan tâm đến dự án Life Mentor. Mình là Nghiêm Xuân Hoàng, hiện đang công tác tại quỹ đầu tư Saigon Asset Management. Mình phụ trách tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào các dự án năng lượng, trong đó có năng lượng hóa thạch sử dụng LNG, hoặc các dự án năng lượng tái tạo. Nền tảng của mình là Kĩ sư điện và điện tử viễn thông, và mình có một thời gian học tập tại Australia.

Mình nhận lời mời của Life Mentor và tham gia chia sẻ cùng dự án là vì mình vừa muốn hỗ trợ các bạn nhỏ hiểu thêm về những công việc liên quan đến kỹ thuật, hay bây giờ gọi là STEM, và đồng thời học hỏi xem nhu cầu của các bạn nhỏ hiện nay thế nào để bản thân mình có định hướng tốt hơn cho các con của mình ở nhà.

2. Bạn đến với Công việc hiện nay như thế nào? Bạn có thể kể về hành trình đến với nghề nghiệp được không?

Gia đình mình có cả bố và mẹ là kĩ sư, từ nhỏ mình đã rất tò mò về thế giới xung quanh nên việc mình mày mò tháo các đồ trong nhà, hoặc đặt ra rất nhiều câu hỏi khác nhau về thế giới để bố mẹ và ông bà trả lời là một điều hoàn toàn bình thường. Mình không thực sự có định hướng rõ ràng cho đến khi vào cấp 2 chuyên Toán của THCS Ngô Sĩ Liên. Đến thời điểm đó, xung quanh mình toàn các bạn học toán, lý, hóa nên mình cũng cố học để không thua các bạn quá xa. Lên cấp 3 mình học ở Ams, lớp Lý 2, và cũng bắt đầu suy nghĩ xem mình muốn làm gì sau này. Sau một thời gian suy nghĩ thì mình thấy mình muốn làm robot, nên mình đăng ký thi vào Đại học Bách Khoa Hà Nội. Cũng may là mình thi đỗ, và sau đó có cơ hội đi học ở đại học Tasmania, Australia.

Mình học không xuất sắc, nhưng không phải là kém. Nói thật là mình không nhớ quá nhiều về việc học ở cấp 3, nhưng mình nhớ rất rõ những hoạt động khác ngoài giờ học như cùng các bạn chuẩn bị hội chợ, lên kế hoạch cho cuộc thi Miss Ams, đi bán truyện và bán áo cho các em học sinh lớp dưới. Bây giờ nghĩ lại mình thấy tất cả những trải nghiệm đó đã góp phần làm nên mình ở thời điểm hiện tại, và mình may mắn được gia đình và nhà trường ủng hộ thực hiện những trải nghiệm đó, mặc dù có nhiều trải nghiệm thất bại. Ví dụ mình bán áo đồng phục cho các lớp khác rất đẹp nhưng đến khi làm cho lớp mình thì xấu đến mức các bạn mặc đúng một lần để chụp ảnh.

Trong quá trình học đai học thì mình nhận ra làm kĩ sư có thể phát triển theo nhiều hướng khác nhau, không nhất thiết phải đi giám sát công trường, hay đi thiết kế. Và sau đó mình quyết tâm đi theo hướng Quản lý dự án và đăng ký học Thạc sĩ về Quản lý dự án.Sau khi về nước mình có một thời gian làm ở văn phòng trên Hà Nội, nhưng việc văn phòng không hợp với mình nên mình xin đi làm ở dự án xa nhà, và phải xuống Thái Bình 6 ngày 1 tuần trong suốt 4 năm để làm dự án. Đây là giai đoạn mình trưởng thành lên rất nhiều.

3. Bạn cảm thấy tự hào nhất điều gì trong hành trình trưởng thành của mình?

Mình không phải mẫu người học giỏi xuất sắc để giành học bổng, giải thưởng, hay vinh danh. Nhưng nếu có một điểm làm mình thấy tự hào là hiện nay ngoài công việc chính, mình có thể sắp xếp thời gian để hướng dẫn sinh viên, đỡ đầu cho các em bé trong làng SOS, tham gia các hoạt động xã hội khác.Những việc mình làm tuy nhỏ nhưng mình biết mỗi một việc đó sẽ dần dần tạo ra những thay đổi tích cực cho xã hội và cho đất nước.

4. Bạn theo đuổi ngành kỹ thuật, vậy bạn có thể giải thích thêm, STEM/STEAM gồm những môn gì? Khác gì so với Khối A, khối B mà chúng ta đã từng biết đến?

STEAM là viết tắt của Science, Technology, Engineering, Arts, and Maths. Về cá nhân mình thì mình thấy STEAM là một tên gọi cho một loạt các bộ môn, và STEAM rất rộng, gần như bao trùm toàn bộ thế giới chúng ta đang sống.

Khối A, khối B là một phần của STEAM, nhưng được chia nhỏ ra để phù hợp với nhu cầu tuyển sinh của các ngành trong trường đại học của Việt Nam. Vậy nên sự giống nhau giữa các định nghĩa trên là việc tập trung vào các môn khoa học, còn sự khác nhau là mục đích sử dụng những định nghĩa đó.

Mình nghĩ STEAM là một cái tên hay khi nó góp phần tăng sự chú ý của phụ huynh, nhà trường, xã hội vào các môn khoa học. Tuy nhiên đây không phải là khái niệm gì mới, và nó cũng không bỏ qua bất kì ngành nghề nào. Ví dụ nếu bạn làm kế toán hay ngân hàng thì bạn cũng phải học các môn liên quan đến STEAM để sử dụng máy tính, để hiểu được các con số và các phương pháp tính toán; hoặc khi bạn học nhạc thì bạn cũng cần biết toán để hiểu nốt nào là nốt đơn, nốt đôi, giữ phách ra sao.

5. Bạn có lời khuyên nào cho các cha mẹ khi con thể hiện năng khiếu STEM không?

Với các con của mình, mình cố gắng tạo cho các con trí tò mò và khuyến khích các con đặt câu hỏi. Câu hỏi nào mình không trả lời được thì sẽ cùng nhau đi tìm câu trả lời trong sách, hoặc trên Internet.

Bên cạnh đó, mình cũng khuyến khích các con thực làm. Nghĩa là nếu có thí nghiệm hay đồ thủ công nào các con tự làm được thì mình khuyến khích các con làm và không ngại hỗ trợ các con dọn dẹp khi thí nghiệm đó không thành công.

6. Vậy còn lời khuyên cho các bạn trẻ dưới 18 tuổi? Họ phải chuẩn bị những gì để đi theo ngành khoa học kĩ thuật?

Kĩ năng quan trọng nhất của ngành khoa học kĩ thuật không phải là kĩ năng đưa ra câu trả lời, mà là kĩ năng tìm ra chỗ có câu trả lời. Vì vậy mình mong muốn các bạn giữ được trí tò mò, luôn tìm cách đặt câu hỏi phản biện, và luyện tập kĩ năng tìm câu trả lời. Kĩ năng tìm câu trả lời có một phần là kĩ năng làm việc nhóm để sử dụng trí tuệ và thông tin của tập thể để tìm ra câu trả lời.

Tất nhiên các bạn cũng nên dành một phần không nhỏ thời gian để học toán, và các ngôn ngữ khác. Mình nghĩ ở thời đại hiện nay, biết tiếng mẹ đẻ và thuần thục tiếng Anh là bình thường, các bạn nên học thêm một thứ tiếng khác. Mình sẽ khuyên các bạn học tiếng Hoa, hoặc tiếng Tây Ban Nha vì số người dùng những thứ tiếng này rất đông; tuy nhiên học tiếng gì cũng có cái thú vị riêng. Gần đây cá nhân mình thấy tiếng Latin rất hay và mình cũng tò mò muốn học thử qua Duolingo.

(Còn tiếp)

“Life Mentor – Cha mẹ dẫn lối” là cộng đồng hỗ trợ các cha mẹ có con độ tuổi 10-18 trong hành trình giáo dục con, với các hoạt động chính:

  • Kết nối 1-1 với các Mentor thành công trong đa dạng lĩnh vực.
  • Định hướng sự nghiệp thông qua hoạt động trải nghiệm đa dạng các ngành nghề trong xã hội.
  • Giúp con xây dựng tư duy, kỹ năng xã hội và các bài học về quản trị cuộc sống chưa được dạy trong nhà trường.

Chúng tôi xây dựng dự án Life Mentor để lưu giữ lại những tri thức mà chúng tôi học được từ nhiều nguồn trên thế giới, như một di sản để lại cho các con mình, và nhiều trẻ em Việt Nam. 

Life Mentor mong muốn mọi trẻ em đều được thấu hiểu, tôn trọng, định hướng phát triển tiềm năng và sự nghiệp theo đúng năng lực và đam mê. Đội ngũ Mentor sẽ đồng hành trong quá trình phát triển của mỗi bạn nhỏ. Hãy cùng chúng tôi chung tay nhé.

Liên hệ công việc: lifementor2021@gmail.com

Website: https://lifementor.vn

Group FB: https://www.facebook.com/groups/lifementor2021

Spotify: https://spoti.fi/3zXawQT

 

← Bài trước Bài sau →