YÊU THƯƠNG CON CŨNG CÓ CÔNG THỨC (PHẦN 2)

YÊU THƯƠNG CON CŨNG CÓ CÔNG THỨC (PHẦN 2)

NGÀY 2: NÓI CHUYỆN VỚI CON NHIỀU HƠN

Theo mô hình Triple P, một trong những cách kết nối gắn bó với con là trò chuyện. 
Mình xin đăng lại 1 bài viết mình rất thích từ LIFE MENTOR - NGƯỜI DẪN LỐI về việc trò chuyện cùng con. Chỉ đơn giản là NÓI NHIỀU HƠN đã có thể giúp trẻ THÀNH CÔNG HƠN, và GẮN KẾT HƠN. 

 


TRÒ CHUYỆN NHIỀU HƠN ĐỂ THÀNH CÔNG HƠN

Xưa nay chúng ta cứ thấy trẻ em từ những gia đình giàu có, hoặc tri thức thường có thành tích học tập tốt hơn so với trẻ em từ gia đình nghèo khó. Điều này không hề gây sốc vì trẻ em được tạo điều kiện vật chất và thời gian đầu tư cho học tập sẽ có chất lượng giáo dục tốt hơn. 

Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên lại là, các nhà nghiên cứu đã xác định trẻ em có nền tảng gia đình tốt ĐƯỢC TRÒ CHUYỆN, TÔN TRỌNG, PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ CHỈN CHU tốt hơn trong suốt thời thơ ấu. Sự phát triển ngôn ngữ từ khi còn bé là một trong những yếu tố dự báo tốt nhất cho sự thành công ở trường sau này và là một trong những nguồn gốc lớn nhất của SỰ BẤT BÌNH ĐẲNG TRONG GIÁO DỤC. Một sự bất bình đẳng mà hoàn toàn chúng ta có thể thay đổi được. 

KHOẢNG CÁCH 30 TRIỆU TỪ 

Nghiên cứu mới cho thấy các cuộc trò chuyện giữa cha mẹ và con cái RẤT KHÁC NHAU giữa những gia đình có vị thế kinh tế xã hội khác nhau. Điều đó chủ yếu do nền tảng giáo dục và điều kiện sống của chính cha mẹ. 

Trong một thời gian dài, các nhà nghiên cứu tin rằng, số lượng từ vựng mà trẻ có được là do trẻ đi học, có được từ nhà trường, biểu hiện thông qua thành tích học tập môn văn học.

Vào đầu những năm 1990, một nghiên cứu nhỏ đã đưa ra lý thuyết “khoảng cách 30 triệu từ” nổi tiếng hiện nay, theo đó khẳng định rằng, ở độ tuổi lên 3, những đứa trẻ lớn lên trong các hộ gia đình nghèo nghe ít hơn 30 triệu từ so với trẻ từ các gia đình trung lưu. Điều đó có nghĩa là vốn từ vựng của những đứa trẻ này sẽ bị hạn chế, và có thể bất lợi cho việc học hành tại trường, cũng như giao tiếp xã hội.

Theo một nghiên cứu năm 2017 từ MIT, cha mẹ thu nhập thấp hơn có xu hướng trò chuyện qua lại với con cái ít hơn so với những cha mẹ có thu nhập cao. Các gia đình có điều kiện kinh tế tốt cũng ưu tiên việc đọc sách, phát triển ngôn ngữ của con hơn. 

Từ đó, các nhà khoa học của MIT nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nói chuyện nhiều với trẻ nhỏ - điều mà cha mẹ nào cũng có khả năng làm, bất kể tình trạng kinh tế thế nào. Những cuộc trò chuyện tương tác này sẽ giúp ích nhiều cho kỹ năng ngôn ngữ của trẻ. 


ĐÁP ÁN ĐƠN GIẢN CHỈ LÀ: HÃY NÓI DÀI HƠN

Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm bằng cách để cha mẹ và con cái cùng chơi một bộ mạch điện đồ chơi, nhằm khơi gợi trí tò mò và nuôi dưỡng kỹ năng giải quyết vấn đề. Bằng cách kết nối tất cả các mảnh để thắp sáng một bóng đèn.

Đương nhiên, bọn trẻ có rất nhiều câu hỏi dành cho cha mẹ về vật thể mới lạ này. 

• Bố ơi công tắc này hoạt động thế nào?

• Sao cái này lại lắp vào đây ạ?

• Sao màu xanh là cực âm và màu đỏ là cực dương ạ?

• Cái này vặn vào đâu ạ? 

• Sao cái này lại sáng được ạ?...

Hầu hết câu hỏi của trẻ đều giống nhau, đều thể hiện sự tò mò háo hức với đồ chơi mới. Nhưng sự khác biệt rõ nhất chính là ở câu trả lời và phản ứng của cha mẹ.

Một nhóm cha mẹ thì kiên nhẫn giải thích với con kỹ lưỡng từng câu hỏi, dù là câu hỏi đơn giản hay ngốc nghếch nhất, thậm chí khi trẻ hỏi đi hỏi lại vài lần, cha mẹ vẫn kiên nhẫn trả lời lại y hệt. 

“Công tắc kết nối với mạch. Bây giờ, công tắc đang bật, mạch chỗ này kết nối với nhau, nên dòng điện chạy qua đây, và làm cho đèn sáng. Khi con tắt công tắc, miếng kim loại này không chạm vào dây điện nữa, nên mạch không kết nối, vì thế đèn không sáng”. 

Còn một nhóm cha mẹ khác sẽ chỉ đơn giản nói: “Thì cứ bật tắt công tắc này thì đèn sáng thôi.”

(Còn chưa kể ở nhà mà con hỏi lắm thứ còn bị phủ đầu “Hỏi gì mà lắm thế, để im cho mẹ làm việc.”

Nhóm thứ nhất, cung cấp nhiều thông tin hơn cho con, giải thích bằng ngôn ngữ dễ hiểu với trẻ, tạo hứng thú và sự tò mò lớn hơn nữa ở con, thúc đẩy nhiều cuộc trò chuyện qua lại hơn, và rất có lợi cho sự phát triển trí tuệ và ngôn ngữ của trẻ. Các cha mẹ này cũng “nói câu dài hơn” trong cuộc trao đổi với con. Ví dụ, khi đứa trẻ hỏi bố đã đi đâu, thay vì chỉ gọn lỏn “Bố đi chơi rồi”, thì họ sẽ nói 

“Bố đang đi mua hàng ở siêu thị, bố sẽ mua sữa và thức ăn để lát mẹ con mình nấu bữa tối.” Với câu nói dài và nhiều thông tin thế này, con sẽ học được nhiều từ vựng hơn, và khuyến khích trẻ tiếp tục hỏi, và suy nghĩ hơn. 

Nhóm thứ nhất này (thường là các gia đình trung lưu trở lên) sẽ có nhiều khả năng đưa con cái đến các viện bảo tàng, hoạt động văn hóa, thư viện, câu lạc bộ... và cho con tiếp xúc với các môi trường giàu ngôn ngữ khác.

Nhóm thứ hai, sẽ luôn trả lời ngắn, cuộc giao tiếp vụn vặt, đôi khi còn từ chối nói chuyện với con, cho rằng con hỏi lắm, phiền phức. Chỉ đơn giản là vì chính họ cũng không có vốn từ vựng, hay tư duy phong phú để đưa ra cuộc trò chuyện nhiều lời. 

Lý giải cho việc trò chuyện kiệm lời này, nhiều cha mẹ lý giải “trẻ con còn nhỏ, lớn rồi sẽ biết, giải thích sớm quá biết gì”. Họ cho rằng trẻ chưa sẵn sàng cho những ngôn ngữ phức tạp, hoặc kiến thức đó không quan trọng, họ tin rằng con mình không cần biết hoặc không hiểu vào thời điểm này. 

Thế nhưng, nghiên cứu lại chỉ ra rằng, trẻ em nhìn chung luôn khao khát những lời giải thích chất lượng cao, ngay cả khi chúng không nhất thiết phải hiểu tất cả nội dung. Như vậy, sau bài viết này, dù trẻ hỏi những điều lặp đi lặp lại, hay những câu hỏi ngốc nghếch nhất, thì chúng ta cũng cần coi đó là câu hỏi nghiêm túc, và trả lời đầy đủ thông tin nhất có thể nhé. 

Điều thú vị nhất rút ra từ ​​tất cả nghiên cứu này là bất kể cha mẹ đạt đến trình độ học vấn nào, có công việc gì hoặc thu nhập bao nhiêu, cha mẹ đều có thể cải thiện chất lượng giáo dục cho con, bằng cách học ngôn ngữ sớm và cung cấp cho con những tri thức đúng đắn qua các cuộc trò chuyện. 

Chất lượng tương tác của cha mẹ và các cuộc trò chuyện với con có vai trò rất quan trọng. Đó cũng là lý do vì sao cha mẹ cần phải ngày một hoàn thiện mình, nâng cao tri thức của bản thân, để có thể đáp ứng được khát khao tri thức của con. 

Nguồn tham khảo: Parenting advice how to raise high achieving successful kids: Proper language development communication

“Life Mentor – Cha mẹ dẫn lối” là cộng đồng hỗ trợ các cha mẹ có con độ tuổi 10-18 trong hành trình giáo dục con, với các hoạt động chính:

  • Kết nối 1-1 với các Mentor thành công trong đa dạng lĩnh vực.
  • Định hướng sự nghiệp thông qua hoạt động trải nghiệm đa dạng các ngành nghề trong xã hội.
  • Giúp con xây dựng tư duy, kỹ năng xã hội và các bài học về quản trị cuộc sống chưa được dạy trong nhà trường.

Chúng tôi xây dựng dự án Life Mentor để lưu giữ lại những tri thức mà chúng tôi học được từ nhiều nguồn trên thế giới, như một di sản để lại cho các con mình, và nhiều trẻ em Việt Nam. 

Life Mentor mong muốn mọi trẻ em đều được thấu hiểu, tôn trọng, định hướng phát triển tiềm năng và sự nghiệp theo đúng năng lực và đam mê. Đội ngũ Mentor sẽ đồng hành trong quá trình phát triển của mỗi bạn nhỏ. Hãy cùng chúng tôi chung tay nhé.

Liên hệ công việc: lifementor2021@gmail.com

Website: https://lifementor.vn

Group FB: https://www.facebook.com/groups/lifementor2021

Spotify: https://spoti.fi/3zXawQT

← Bài trước Bài sau →