Câu hỏi của phụ huynh:
“Chị ơi, bố mẹ và con nên ứng xử như thế nào với các trend thịnh hành như babythree, túi mù,… ạ?”
======
Life Mentor trả lời:
Các xu hướng như babythree, túi mù, nhảy kiểu tiktok, trước kia là Cosplay, Kpop, đọc Manga, anime…. thường phản ánh nhu cầu khẳng định bản thân, tò mò và tìm kiếm sự kết nối của tuổi teen.
Cha mẹ nên làm gì trước các trào lưu đó? Các bạn thử tham khảo tư vấn từ Life Mentor nhé.
======
Tóm tắt nhanh:
Mình học được 1 nguyên tắc này, dùng để suy xét trước mọi quyết định, và để giáo dục con.
Có 4 điều tuyệt đối không:
1. Không hại mình
2. Không hại người
3. Không vi phạm pháp luật
4. Không vi phạm đạo đức
Ngoài 4 điều trên, mình để con tự thoải mái thử nghiệm mọi thứ.
========
Nếu mình áp dụng 4 nguyên tắc trên vào việc trend “túi mù” với babythree….thì sẽ như sau
1. Cùng con nhận định xem trend đó có hại hay vô hại (có nằm trong 4 nhóm trên không? Nếu con quá bé chưa tự quyết được thì mẹ tự tư duy, rồi hướng dẫn lại con).
- Có rất nhiều trend đến rồi lại đi, và cũng chẳng có hậu quả gì to lớn cả. Chỉ tốn tiền một chút thôi. VD: Túi mù là mấy món đồ chơi bất ngờ, cũng chẳng có hại gì. VD: Kiểu tóc kì cục, nhuộm tím hồng. Tốn chút tiền, hỏng chút tóc thôi. Nhưng với nhiều cha mẹ vẫn còn chấp nhận được.
- Nhưng có nhiều trend khá có hại, thậm chí để lại những hệ quả lâu dài. VD: Xăm mình để lại vết xăm vĩnh viễn trên cơ thể, mà không thể thay đổi được. VD: Đọc những truyện Manga, Anime mang tính chất “nặng đô” về tình yêu sẽ tác động lớn đến thế giới quan của trẻ về các mối quan hệ.
2. Nếu vô hại thì để kệ cho con trải nghiệm
- Trẻ con cũng nên có quyền tự quyết, tự do nhất định trong thế giới nhỏ của trẻ.
- Không vi phạm 4 điều trên thì cứ để trẻ thử nghiệm. Bố mẹ đi bên cạnh biết con đang làm gì, và hướng dẫn giúp đỡ thôi. Ví dụ: Con thử nghiệm tự cắt tóc tại nhà. Bố mẹ biết thừa là lởm chởm và xấu như điên. Nhưng nó vô hại, nó chỉ xấu thôi. Và nếu phải ra cửa hàng sửa thì tốn tiền chút thôi. Nhưng không sao hết. Kệ cho con thử.
3. Nếu có hại (vi phạm vào 4 điều trên) thì nhất định không
- Hại mình, ví dụ như: làm đau, cắ..t tay, làm hại bản thân….
- Hại người. Ví dụ như: đánh bạn, lừa lọc bạn, ăn cắp, bắt nạt, hãm hại người khác, lấy đồ đạc của người khác….
- Vi phạm pháp luật. Cứ áp nguyên luật của Việt Nam vào là biết ngay phải tránh điều gì. Nếu không thuộc luật, trước hoặc sau khi con làm gì, cứ đem hành vi đó ra search thư viện pháp luật là ra ngay. Có cả chế tài xử phạt cho con xem luôn.
- Vi phạm đạo đức/ văn hoá. Đây là mảng xám rất khó phân định. Giá trị đạo đức mỗi người khác nhau, mỗi gia đình khác nhau, vùng miền cũng khác nhau. Đây là đoạn mà người ta tranh luận cả trăm năm nay bất phân thắng bại :)) Giới hạn đạo đức của cha mẹ đến đâu, thì dạy con được đến đó. Ví dụ: Một bạn trẻ con đi mua hàng, người bán trả nhầm bạn 50 ngàn (thay vì chỉ 10 ngàn). Một số cha mẹ cho rằng điều này không trung thực, nên dắt con ra để trả lại 40 ngàn. Một số cha mẹ thấy chuyện nhầm này là bình thường, họ nhầm nên mình được hưởng lợi, vì thế không yêu cầu con trả lại. Ranh giới đạo đức này mỗi nhà một kiểu.
======
Tóm lại:
Ứng xử với các trend của của trẻ con đòi hỏi cha mẹ phải là người đồng hành, hướng dẫn và đồng thời tôn trọng sự tự do cá nhân của con.
Từ đó, giúp con có khả năng tự nhận thức và đưa ra những quyết định đúng đắn, giữ vững giá trị cá nhân giữa nhịp sống và văn hóa số ngày càng đa dạng.
======
Life Mentor - Tư vấn giáo dục từ nền tảng gia đình