THỰC HÀNH GIÁO DỤC NHÂN CÁCH CHO TRẺ - CÁCH LÀM DỄ NHƯ ĂN KẸO

THỰC HÀNH GIÁO DỤC NHÂN CÁCH CHO TRẺ - CÁCH LÀM DỄ NHƯ ĂN KẸO

Sau gần 10 năm nuôi dạy trẻ con, mình đã đúc kết được một công thức rất dễ làm, nhưng cần kiên trì lặp đi lặp lại nhiều năm. Sau khoảng 5 năm liên tục thì sẽ thành công.

Nghe thật dài hơi hết hồn đúng không? Nhưng đừng lo, hãy đọc đến cuối để thấy dễ ơi là dễ.

-----

BƯỚC 1: Mình mua bộ sách 10 cuốn của Dolphin Press về các phẩm chất cho trẻ (ảnh minh hoạ). Ngoài hiệu sách hoặc trên mạng có bán. Bản song ngữ nên các con có thể đọc bằng TA hay TV đều được.

Trên thị trường có rất nhiều bộ sách, nhưng đọc mãi cho đến bộ này mình mới thấy áp dụng dễ dàng và hiệu quả cho các con. Lý do là:

  • Bộ sách này nêu rất cụ thể nhiều tình huống của trẻ em hàng ngày, và “dán nhãn” hành động đó là tử tế, trung thực, yêu thương, khiêm nhường… Rất straight to the point (đi thẳng vào vấn đề), chứ không kể một câu chuyện dài và trẻ phải tự rút ra kết luận, tự liên hệ đến từng tình huống của mình.

  • Ví dụ: “Biết ơn là khi mình để ý thấy mẹ làm nhiều việc cho mình, và mình nói cảm ơn” hoặc “Yêu thương là khi mình nhìn thấy bà buồn, mình sẽ đến nói: Cháu đến ngồi bên bà được không?” hoặc “Kiên trì là khi mình thử cố gắng thêm một lần nữa….”

  • Trẻ con dễ tìm thấy mình trong các tình huống này, và sách còn hướng dẫn các câu nói cụ thể luôn.

  • Nhiều lúc các con hỏi “Mẹ ơi, trách nhiệm là gì? Lịch sự là gì”, chúng ta không biết giải thích thế nào. Quá khó. Nhưng bộ sách này giải thích rất giản dị và dễ hiểu cho trẻ con.

Sau khi cùng con đọc thật nhiều cuốn này, ví dụ liên tục trong vòng 3-6 tháng, nhớ hết rồi, chuyển sang bước 2.

BƯỚC 2: Dán nhãn hành vi tốt của con với các KEYWORD về nhân cách này.

  • Quan sát con hàng ngày, và liên tục phát hiện ra các hành vi tốt của con và khen.

  • Cách khen hiệu quả nhất là KHEN MÔ TẢ (Kiến thức từ khoá học Everyday Parenting: The ABCs of Child Rearing - Làm cha mẹ mỗi ngày: Kiến thức ABC về nuôi dạy trẻ con). Khen mô tả là quan sát thấy gì thì mô tả lại như vậy, càng cụ thể chi tiết càng tốt.

  • Ví dụ: “Vivi giúp mẹ nấu cơm hôm nay, mẹ vui lắm. Mẹ thấy Vivi vo gạo sạch quá này, con còn cắt rau, nhặt hết lá nữa. Hôm nay chắc là bữa ăn ngon lắm đây.”

  • Nếu khen khó quá thì hãy cảm ơn. “Mẹ cảm ơn Vivi đã giúp mẹ dọn nhà nhé. Con dọn hết đồ chơi vào thùng rồi. Con còn gập khăn để gọn gàng trên sofa nữa.”

  • Nghĩa là tránh khen chung chung, khen con ngoan quá, giỏi quá. Mà hãy khen càng chi tiết cụ thể càng tốt. Điều này sẽ khiến con tiếp tục lặp lại hành vi tốt, để được cảm ơn/ khen ngợi. Được cha mẹ công nhận là điều mọi trẻ em đều mong muốn.

  • Đừng lo sợ con “ưa nịnh”. Bạn đang cảm ơn đúng với những gì đang diễn ra, không phải nịnh con những điều không có thật. Và việc con thích khen / cảm ơn là hoàn toàn bình thường. Khi con tiếp tục hành vi tốt, các tương tác tích cực tiếp tục được nhân rộng lên.

  • Phớt lờ các hành vi xấu, nếu không quá nghiêm trọng. Không để ý đến sẽ khiến con thấy làm những hành vi xấu không gây hiệu ứng gì với cha mẹ, nên trẻ sẽ bỏ và không làm nữa.

THẾ CÒN DÁN NHÃN HÀNH VI TỐT LÀ NHƯ THẾ NÀO?

  • Nếu mình điều chỉnh lời khen bên trên một chút, bạn sẽ thấy mình dán nhãn hành vi tốt thế nào nhé.

  • “Vivi giúp mẹ nấu cơm hôm nay, mẹ vui lắm. Mẹ thấy Vivi vo gạo sạch quá này, con còn cắt rau, nhặt hết lá nữa. Con biết đó gọi là gì không? Là TỐT BỤNG đấy”

  • “Mẹ cảm ơn Vivi đã giúp mẹ dọn nhà nhé. Con dọn hết đồ chơi vào thùng rồi. Con còn gập khăn để gọn gàng trên sofa nữa. Giống trong sách mình đọc nhỉ. Đó gọi là TRÁCH NHIỆM đấy.”

  • Mỗi việc làm tốt của con đều gắn nhãn bằng các từ mô tả phẩm chất mà đã được học trong sách. Dần dần, con sẽ hình thành một ngân hàng tình huống. Và con biết được hành động này được xếp vào nhóm tính cách nào. Rồi con tiếp tục suy ra được những tình huống khác tương tự sẽ được gọi là tính cách gì.

  • Ví dụ, hôm trước Vivi bảo “Mẹ ơi, hôm qua đi chơi con đã thể hiện sự TỐT BỤNG đấy (I showed my kindness). Con đang chơi cầu trượt, nhưng mà có một em bé chạy đến, con quyết định là đợi, nhường em bé chơi trước. Con rất KIÊN NHẪN CHỜ ĐỢI. Đến khi em trượt xong con mới chơi.” Trẻ hoàn toàn có khả năng liên hệ tình huống tương tự, và gọi tên được các phẩm chất đó.

BƯỚC 3: 5 PHÚT GIỜ VÀNG BUỔI TỐI

  • Mỗi ngày chỉ 5 phút thôi, vào lúc tắt đèn ôm nhau đi ngủ. Nếu gia đình nào con ngủ riêng, thì hãy trò chuyện với con 5 phút trước khi tạm biệt tắt đèn cho con đi ngủ.

  • Đây là lúc trò chuyện về thang giá trị (kiến thức từ khoá học HỌC LÀM CHA MẸ HIỆU QUẢ - TS. Thomas Gordon).

  • Chúng ta hay có thói quen “giảng đạo lý” vào lúc xung đột với con. Hoặc lúc con gặp tình huống căng thẳng. Chúng ta sẽ nói “Mẹ đã nói với con bao lần rồi, con phải có trách nhiệm với công việc gia đình chứ.” hoặc “Con có biết bà đã làm bao nhiêu việc cho con không, con không học được chút biết ơn nào hết.” hoặc “Kiên trì thêm chút nữa xem nào. Không thể làm một tí mà chưa được đã nản. Con có biết, người thành công người ta làm cả trăm lần nghìn lần, mới đến được thành công hay không.”…

  • Nghe rất quen thuộc đúng không? Vì chúng ta luôn luôn giảng đạo lý vào lúc tình huống gay cấn. Lúc này con đang rất chống đối, hoặc stress. Đạo lý hay đến mấy cũng không vào đầu đâu. Nên sau đó, chúng ta hay thấy con lặp lại lỗi cũ, và chúng ta lại giảng đạo lý, và con thì vẫn tiếp tục lặp lại lỗi. Vòng luẩn quẩn đó khiến cho chúng ta than phiền “em nói bao nhiêu lần mà con không sửa được.”

  • Chúng ta quên mất những thời điểm vui vẻ, yên bình, con tâm trạng tốt, tình cảm gắn kết mới là những lúc giảng đạo lý đi vào lòng người. Đó mới là những lúc trao đổi về giá trị sống với con. Hãy chủ động tận dụng, hoặc tạo ra thời điểm đó. Mình lựa chọn 5 phút giờ vàng buổi tối.

  • Một số gia đình chọn viết nhật ký việc tốt của con, cuối tuần mang sổ ra đọc cho nhau nghe, khen nhau. Một số gia đình chọn viết note, viết thư gửi nhau…Cách nào cũng được, cứ hiệu quả là được.

  • Vậy làm gì trong 5 phút giờ vàng buổi tối? Trò chuyện và nhắc lại TOÀN BỘ những hành động tốt của con (đã được khen/ cảm ơn ngay và luôn trong ngày rồi). Nay nhắc lại và tiếp tục dán nhãn hành vi tốt.

  • Ví dụ: “Kiên trì là khi Vivi đã chờ đợi mẹ gội đầu xong rồi mẹ mới giúp con.”

  • Ví dụ: “ĐÁNG TIN CẬY là khi mẹ nhờ con mang túi cam cho bác. Con mang đến tận nơi, đưa cho bác, con còn đưa hai tay và chúc bác ngon miệng. Mẹ rất tự hào về Vivi” (Các bạn nghe sến súa không? Nhưng đúng là hàng ngày mình nói với con những lời ái ngữ như vậy thật đấy. Vừa rèn luyện cho con dùng ngôn ngữ phong phú, vừa rèn nhân cách cho con luôn).

BƯỚC 4: MỞ RỘNG THÀNH BỘ PHẨM CHẤT.

  • Bộ sách mình nêu ở bước 1 chỉ gồm 10 cuốn sách thôi, với 10 tính cách chính. Khi con đã thành thục rồi, mình tự tìm thêm các nhóm tính cách tích cực khác nữa, tạo thành 1 bộ gồm khoảng 30 keyword quan trọng.

  • Tiếp tục quy trình như trên (bước 1-2-3) với các keyword mới.

  • Nếu không có sách thì tìm video, hoặc tự bịa ra chuyện để gắn với tính cách đó. Dùng đúng cấu trúc viết của cuốn sách để nói cho con nghe.

  • Ví dụ: “Đoàn kết là khi An và Vi chơi với nhau cả buổi và rất vui vẻ hợp tác, không chọng choẹ nhau.”

  • Ví dụ: “Chân thành là khi Vivi thấy bạn Hanna được điểm A, con đã chúc mừng và ôm bạn.”

  • Cứ như vậy, mỗi ngày 5 -10 phút, nói được khoảng 10-20 câu. Vừa tăng tình cảm gắn kết mẹ - con, vừa liên tục nhắc nhở con về những hành vi tốt, gắn nó với các phẩm chất tích cực. Và vì con yêu thương mẹ, con muốn mẹ ghi nhận, nên con sẽ tiếp tục các thói quen và hành vi tốt.

Về cơ bản, kết quả rất đáng hài lòng.

Chúc các bạn thực hành thành công nha.

——

Mai Mai - Family Education Mentor

Founder @LifeMentor.vn

← Bài trước Bài sau →