QUYỀN RIÊNG TƯ, GIÁM SÁT VÀ SỰ TIN CẬY DÀNH CHO CON TUỔI TEEN

QUYỀN RIÊNG TƯ, GIÁM SÁT VÀ SỰ TIN CẬY DÀNH CHO CON TUỔI TEEN

Lưu ý quan trọng trong bài:

  • Tuổi teen luôn mong muốn có nhiều quyền riêng tư hơn và giữ nhiều thứ cho riêng mình.
  • Để hỗ trợ và hướng dẫn con tuổi teen, cha mẹ cần theo sát những gì đang xảy ra trong cuộc sống của con.
  • Sự tin tưởng hai chiều là chìa khóa để cân bằng giữa quyền riêng tư của con và mong muốn giám sát của cha mẹ.

 

Sự riêng tư

Khi con dần lớn hơn, khoảng từ 10 tuổi, con bắt đầu cần nhiều không gian và thời gian riêng tư hơn.

 

Con có thể thích ở một mình, từ đó con có cơ hội khám phá những ý tưởng mới, cảm xúc và sở thích mới. Đây cũng là giai đoạn con “định vị” bản thân, tìm hiểu bản thân là người như thế nào hoặc muốn trở thành người như thế nào. Khi những ý tưởng này chưa thành hình, thì đương nhiên con bạn phải giữ các ý nghĩ và thông tin này cho riêng mình chứ. Đó là lý do vì sao các cha mẹ hay than phiền “Dạo này nó cứ thích ở 1 mình, chơi 1 mình, xa cách với cha mẹ, không còn tâm sự với cha mẹ nữa.” Có cha mẹ còn cố tình đưa con ra ngoài, nhét vào các hoạt động con không thích, hoặc thậm chí tệ hơn là dò hỏi, theo dõi, giám sát, bắt quả tang, đọc trộm nhật ký… 

 

Thật sự thì con cần thời gian, không gian riêng, để suy nghĩ và khám phá thế giới nội tâm của mình. Đây là một phần quan trọng để hỗ trợ sự độc lập ngày càng tăng của con, và cũng là 1 phần tất yếu của quá trình trưởng thành. Chỉ cần con không sa đà vào các thú vui có hại, còn việc trẻ tách dần khỏi cha mẹ và thu mình trong không gian riêng là hoàn toàn bình thường các cha mẹ nhé. 

 

Giám sát

Con lớn dần và muốn bứt phá ra khỏi những quy tắc hay sự quản lý của cha mẹ. Tuy nhiên, bộ não của teen vẫn đang phát triển, con đôi khi đưa ra quyết định quá nhanh và không phải lúc nào cũng suy nghĩ thấu đáo về hậu quả của hành vi của mình.

 

Để đảm bảo an toàn cho con, và tránh hậu quả xấu, các con cần cha mẹ giữ mối dây liên hệ chặt chẽ, để cha mẹ có thể hướng dẫn và hỗ trợ khi con cần. 

 

Để tránh hiểu lầm, cha mẹ cần phân biệt sự giám sát kiểu “cảnh sát” kè kè ở bên bắt lỗi, hay khống chế thời khoá biểu của con, con đi đâu làm gì cũng phải báo cáo, ghi chép con tiêu tiền những gì vào sổ. Sự giám sát thông minh chính là, dù cha mẹ không hiện diện, nhưng con luôn có thể liên lạc được, luôn có thể tìm lời khuyên hay những chỉ dẫn khi con gặp tình huống khó. 

 

Lòng tin

Lòng tin là điều tuyệt đối quan trọng đối với trẻ vị thành niên. 

 

Niềm tin đi theo cả hai chiều. 

 

Cha mẹ tin tưởng con sẽ đưa ra quyết định đúng đắn, cư xử phù hợp và con có quyền quyết định thông tin nào con cần hoặc muốn chia sẻ với cha mẹ và những người khác.

 

Ở chiều ngược lại con tin tưởng rằng cha mẹ tôn trọng quyền có sự riêng tư và tiếng nói của con trong các quyết định về cuộc sống của chúng.

 

Khi cha mẹ và con có sự tin tưởng lẫn nhau, hai bên sẽ có giao tiếp tốt hơn. Con sẽ tìm đến cha mẹ khi con cần giúp đỡ, chứ không phải đi tìm sự giúp đỡ ở bên ngoài. 

 

Bao nhiêu riêng tư là phù hợp?

Tuổi teen muốn có nhiều không gian riêng tư và thời gian ở một mình không có nghĩa là con đang giấu giếm gì đó. Nhưng nếu con nằm lì trong phòng nhiều giờ liền, không bao giờ muốn nói chuyện hoặc có vẻ rất thu mình, thì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo trầm cảm, lo lắng, hút thuốc, sử dụng rượu hoặc ma túy hoặc các hoạt động có vấn đề khác. Cũng có thể là do con đang dành quá nhiều thời gian ở một mình trên máy tính hoặc internet.

 

Vậy thì cha mẹ sẽ băn khoăn, dành cho con sự riêng tư đến giới hạn nào là phù hợp? Nếu không chắc chắn, cha mẹ chỉ có thể hỏi con, những điều cha mẹ được quyền biết. Việc con sẵn sàng nói bao nhiêu, lại hoàn toàn phụ thuộc vào sự tin tưởng và kết nối của con với cha mẹ bao nhiêu. 

 

Ví dụ: con muốn đi đến một bữa tiệc vào tối thứ Bảy, cha mẹ hoặc đưa con đến đó, hoặc phải biết con đến đó bằng cách nào, ai đón và ai đưa về. Liệu có rượu bia, chất kích thích hay sự giám sát của người lớn hay không.

 

Nhưng có những thứ riêng tư mà con có quyền không nói cho cha mẹ, ví dụ con đã nói gì, gặp ai, chơi với ai. 

 

Để luyện cho con cái biết tôn trọng quyền riêng tư, cũng như rèn luyện cho chính cha mẹ cách tôn trọng thế giới riêng của con, đây là những gì cha mẹ có thể thực hành mỗi ngày:

  • Gõ cửa trước khi vào phòng của con
  • Để cho con có không gian để nói chuyện với bạn bè của con (buôn chuyện điện thoại, rủ bạn đến nhà chơi, đến chơi nhà bạn, đi gặp gỡ ăn uống trà sữa với bạn cuối tuần…)
  • Hỏi con trước khi nhìn vào giấy tờ của con, hoặc trước khi lấy đồ của con
  • Hỏi con xem con có muốn bố mẹ ở lại khi con gặp bác sĩ hay không.
  • Làm mọi thứ gì tác động đến con đều phải “xin phép” con.
  • Tránh nghe các cuộc điện thoại của con (bao gồm cả xem các tin nhắn, email, các nội dung con trao đổi với người khác) mà không có sự cho phép của con.
  • Tránh đọc các tài liệu, nhật ký…của con
  • Tránh “Kết bạn” với con trên mạng xã hội nếu con không muốn (có thể con sẽ buộc phải “kết bạn” với cha mẹ trên MXH, nhưng tụi nó còn 1 vài tài khoản khác nữa, và đấy mới chính là nơi con thể hiện con người thật của con).
  • Tránh liên tục gọi để kiểm tra con mọi lúc.

 

Ngay từ bé khoảng 3-4 tuổi, mình đã thực hành với con về quyền riêng tư và những quy tắc, ranh giới. Mình gọi đó là “HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG TÔI”. Chính bản thân cha mẹ cũng có những ranh giới mà con  không được vượt qua. Đồng thời, cũng hướng dẫn con cách nói ra những ranh giới chấp nhận được của mình một cách lịch sự để người khác tôn trọng giới hạn của con. Tất cả những điều này đều có thể thay đổi khi con lớn dần lên.

 

Việc giám sát tốt nhất lại không phải là khi sự vụ xảy ra, hoặc khi có hiện tượng bất thường, mà lại dựa trên các tiêu chuẩn gia đình và thói quen hàng ngày, cộng với việc duy trì kết nối với con. Phương pháp giám sát này tưởng đơn giản mà không hề đơn giản. Nhưng là cách bền vững nhất, dựa trên lòng tin, củng cố mối quan hệ từ đó khiến con có nhiều khả năng chia sẻ những gì con đang làm.

 

Life Mentor xin gợi ý một số quy tắc và thói quen của gia đình để các cha mẹ có thể thực hành nhé: 

  • Hãy yêu cầu con gọi điện hoặc nhắn tin để thông báo cho cha mẹ biết con đã về nhà, hoặc con đi đâu. 
  • Bữa tối của gia đình là thời gian quan trọng của cả nhà. Đây là một cơ hội tốt (và gần như duy nhất trong ngày) để mọi người trò chuyện và lập kế hoạch cho cả gia đình. 
  • Trong những năm đầu của tuổi vị thành niên (khoảng 10-12 tuổi), hãy đặt ra một số kỳ vọng về những điều cha mẹ cần biết. Ví dụ: con sẽ đi đâu và sẽ ở cùng với ai. Nếu con có thói quen cung cấp những thông tin này cho cha mẹ từ khi còn nhỏ, thì nhiều khả năng nó trở thành nếp quen và con sẽ tiếp tục chia sẻ thông tin đó khi con lớn hơn.
  • Cha mẹ cần biết chắc chắn con đang đọc, xem trên TV và làm trên internet. Kiểm tra nội dung và chất lượng trước khi đưa con xem. 
  • Giữ kết nối với con bạn liên tục. Ngày nào cũng phải dành thời gian ít nhất 30’ để trò chuyện với con. 
  • Khi con bắt đầu một cuộc trò chuyện, hãy dừng mọi việc đang làm và tích cực lắng nghe con. Điều này gửi thông điệp rằng cha mẹ quan tâm đến những gì đang diễn ra trong cuộc sống của con.
  • Cố gắng để ý xem con đang làm gì và con đang cư xử như thế nào. Điều này có thể giúp cha mẹ dễ dàng phát hiện ra bất kỳ thay đổi nào trong hành vi của con và cho thấy dấu hiệu nếu có sự cố. 
  • Theo dõi tổng quát về tiến độ học, bài tập về nhà và thời hạn (dealine). Nếu cha mẹ có mối quan hệ tốt với trường và giáo viên của con thì sẽ rất dễ dàng.
  • Làm quen với bạn bè của con và cho con một không gian trong nhà của bạn (tạo riêng 1 góc, 1 phòng dành riêng cho “các chàng trai” hoặc “các cô gái” bạn bè của con thường xuyên đến và quậy. Điều này giúp cha mẹ giữ liên lạc với bạn bè và các mối quan hệ của con mình mà không cần phải hỏi liên tục. Liên lạc với cha mẹ của bạn bè của con bạn cũng có thể giúp cha mẹ theo dõi lũ trẻ. 

 

Nếu cha mẹ giám sát quá ít, tuổi teen sẽ thiếu sự hỗ trợ cần thiết để đưa ra các quyết định an toàn về hành vi và các mối quan hệ. Ngược lại, theo dõi quá nhiều có thể gửi đi thông điệp rằng bạn không tin tưởng con mình. Khi cha mẹ giám sát con mình trong một môi trường tin cậy, bạn đang cho con mình những gì con cần để học cách đưa ra quyết định đúng đắn và cư xử có trách nhiệm.

 

Xử lý vi phạm lòng tin

Rất nhiều trường hợp, các bạn nhỏ tuổi teen phá vỡ lòng tin của cha mẹ hoặc thậm chí lạm dụng quyền riêng tư của chúng để làm điều “sai trái”.

 

Đối với vi phạm một lần, cha mẹ có thể rút lại một đặc quyền. Ví dụ, con sẽ bị cắt bớt thời gian xem TV hoặc dùng máy tính. Khi con xây dựng lại lòng tin, cha mẹ có thể cần phải theo dõi con chặt chẽ hơn. 

 

Nếu con vi phạm lòng tin nghiêm trọng hoặc vi phạm liên tục, cha mẹ và con sẽ cần phải xây dựng lại lòng tin theo thời gian. 

 

Một số chiến lược mà cha mẹ có thể phải sử dụng đến như:

  • Cấm các hoạt động xã hội trong một khoảng thời gian
  • Rút lại các đặc quyền như quyền truy cập Mạng xã hội, hoặc vào Internet. 
  • Cắt bớt các khoản thưởng 

 

Nếu cha mẹ không muốn dùng hình thức phạt, thì có thể cho con thương lượng bằng những cách thiết thực khác để lấy lại lòng tin của cha mẹ. Ví dụ: Con chứng minh mình có thể chịu trách nhiệm cho một số việc lớn như chăm sóc em nhỏ, làm hàng tường rào quanh nhà, làm thuê mùa hè ở một quán cafe…

 

Liên tục nói với con, cha mẹ vẫn yêu con mặc dù cha mẹ thất vọng về hành vi của con. Con cần quay trở lại điểm xuất phát và học hỏi từ những sai lầm của mình.

Hãy nhớ rằng sự tin tưởng đến từ hai hướng, và cha mẹ vi phạm cũng phải chịu hậu quả. Nếu cha mẹ bạn vi phạm lòng tin hoặc quyền riêng tư của con, nhất định phải xin lỗi, và có hành động sửa chữa lỗi lầm, cũng như lấy lại lòng tin từ con. Không thể dùng quyền lực làm cha mẹ để không xin lỗi, hoặc xuề xoà bỏ qua, hoặc mong rằng con sẽ quên sớm thôi, mà không có một nỗ lực nào để bù đắp lại lòng tin đã mất. Con cũng sẽ tôn trọng cha mẹ hơn nếu bạn có thể thừa nhận rằng bạn đã vượt quá ranh giới, và sẵn sàng sửa đổi để làm gương.

_____

“Life Mentor – Cha mẹ dẫn lối” là cộng đồng hỗ trợ các cha mẹ có con độ tuổi 10-18 trong hành trình giáo dục con, với các hoạt động chính:

  • Kết nối 1-1 với các Mentor thành công trong đa dạng lĩnh vực.
  • Định hướng sự nghiệp thông qua hoạt động trải nghiệm đa dạng các ngành nghề trong xã hội
  • Giúp con xây dựng tư duy, kỹ năng xã hội và các bài học về quản trị cuộc sống chưa được dạy trong nhà trường.

Chúng tôi xây dựng dự án Life Mentor để lưu giữ lại những tri thức mà chúng tôi học được từ nhiều nguồn trên thế giới, như một di sản để lại cho các con mình, và nhiều trẻ em Việt Nam.

Life Mentor mong muốn mọi trẻ em đều được thấu hiểu, tôn trọng, định hướng phát triển tiềm năng và sự nghiệp theo đúng năng lực và đam mê. Đội ngũ Mentor sẽ đồng hành trong quá trình phát triển của mỗi bạn nhỏ. Hãy cùng chúng tôi chung tay nhé.

Liên hệ công việc: lifementor2021@gmail.com

Website: https://lifementor.vn

Group FB: https://www.facebook.com/groups/lifementor2021

Spotify: https://spoti.fi/3zXawQT


← Bài trước Bài sau →