THẾ NÀO MỚI THỰC SỰ LÀ TẬP TRUNG

THẾ NÀO MỚI THỰC SỰ LÀ TẬP TRUNG

Những câu hỏi chị nhận được, phải có đến 80% liên quan đến sự tập trung của con, đặc biệt trong học tập.

Tóm lại:

  • Giáo viên mong muốn con ngồi im, tập trung để học bài cho hiệu quả.

  • Cha mẹ lo lắng, áp lực ngang, nên tìm mọi cách để “huấn luyện” cho con tập trung. Khi được hỏi về: mục đích tập trung để làm gì? Đa số các cha mẹ đi đến: nhằm đáp ứng việc học trên trường, nói đúng hơn là đáp ứng yêu cầu của giáo viên và cách tổ chức dạy học “công nghiệp” của nhà trường.

    Vì thế, chị đánh liều bê nguyên 1 bài trong nhóm Tư vấn ra đây để giúp em. Có thể em không đồng ý, hoặc không áp dụng được vì con em vẫn phải tuân thủ nghi thức cứng tại nhà trường, nhưng sự thật vẫn là sự thật. Mời em tham khảo nhé.

    ——

    Mình sẽ nói với các bạn 1 điều, mà khắp cõi mạng không ai “dám” nói, về chuyện để con tập trung.

    Hàng ngày mình nhận được cả chục câu hỏi về chuyện “làm sao để con em tập trung học”. Tất nhiên mình bày đủ cách cho họ, nhưng có một điều mình chưa bao giờ nói.

    Đó là: các bạn hiểu tập trung học theo cách sai rồi.

    Thực ra các bạn ấy đang mong muốn: có cách nào ép con tuân theo lệnh của cô giáo, ngồi im, và lắng nghe thụ động trong lớp không? Đó không phải là tập trung học.

    Để mình nói cho các bạn vì sao (tất nhiên là mình không bịa kiến thức này. Mình đọc 7749 tài liệu về chuyện học tập của trẻ con, năng lực bộ não, sự tập trung, và học tập hiệu quả rồi, đây là bài tổng kết thôi).

    ———

    TẬP TRUNG THỰC SỰ LÀ NHƯ THẾ NÀO?

    • Mình quan sát những đứa trẻ thực sự học giỏi, say mê học, hiểu biết vượt tầm lứa tuổi, thích tò mò nghiên cứu thì tụi nó sẽ rất hay chìm đắm vào điều gì đó. Chìm đắm nghĩa là tiếng ồn ào, tiếng nhạc, tiếng xe cộ, tụi trẻ con khác quậy bên cạnh không nghe thấy gì luôn. Tất cả đều là noise (nhiễu) với tụi nó. (Ví dụ điển hình là anh Elon Musk, anh đắm chìm vào những cuốn sách và kiên thức siêu hình từ nhỏ)

    • Chìm đắm nghĩa là đứa trẻ quên hết thời gian, không gian xung quanh, mọi thứ xung quanh không còn gì quan trọng. Đứa trẻ sẽ quyết tâm thực hiện hoạt động chỉ bởi lợi ích tự thân khi làm việc đó.

    • Nếu bạn đã có những lúc chìm đắm trong dòng chảy, bạn sẽ thấy một cảm giác viên mãn kì lạ. Điều này bạn hay gặp khi bạn xem một bộ phim dài tập liền tù tì xuyên mấy tiếng, hoặc đọc một cuốn sách/ tiểu thuyết khiến bạn cuốn hút hàng nhiều giờ. Bạn cũng quên hết thế giới xung quanh, bạn chìm đắm với các nhân vật, bạn như sống trong thế giới tưởng tượng đó. Và khi kết thúc, bạn thấy tiếc nuối. Bạn phải bước về thế giới thực tại rồi. Cảm giác này cũng giống những bạn chơi game triền miên, được phong lên làm nguyên soái, sống trong thế giới tưởng tượng đó, đến lúc về thực tại cứ thấy sai sai :))))))

    • Trẻ con cũng vậy, đó có thể là lúc tụi nó đọc sách, chơi trò tưởng tượng, đào đất, làm thí nghiệm, vặn một cái ốc vào cái máy cũ…có thể là bất cứ thứ gì.

    • Đây gọi là trạng thái Flow (dòng chảy) được nhắc đến trong cuốn sách Flow: The Psychology of Optimal Experience của Mihaly Csikszentmihalyi. Tên Tiếng Việt là Dòng chảy. Một cuốn sách tâm lý học tuyệt vời mà ai cũng nên đọc.

    • Nếu bạn chưa thấy con mình có những khoảnh khắc như vậy, thì bạn đã không cho con đủ thời gian hoặc đủ trải nghiệm để chìm đắm vào những gì con thích rồi. Đứa trẻ nào cũng say mê đặc biệt điều gì đó. Nếu bạn muốn làm thí nghiệm, bạn hãy để kệ con tự làm điều con thích, không ngăn cản, không cắt ngắn, không thúc giục, không nhảy vào can thiệp gì hết, không giục con nhanh lên, không bảo con ngừng chơi một tí ra ăn rồi chơi tiếp. Bạn sẽ ngạc nhiên con có thể TẬP TRUNG lâu đến vậy cho một nhiệm vụ.

    • Bản thân mình thấy hai đứa trẻ nhà mình thường xuyên trong trạng thái flow khi tụi nó: đọc sách và chơi trò tưởng tượng. Cả thế giới xung quanh chỉ là muỗi vo ve, mẹ đứng bên cạnh nói, tụi nó cũng không nghe thấy luôn.

      ———

      LỚP HỌC CÓ PHẢI LÀ NƠI GIÚP TRẺ TẬP TRUNG KHÔNG?

      • Trả lời nhanh cho vuông là không.

      • Vì mỗi tiết học khoảng 45 phút, giữ trật tự, mắng mỏ, phạt, gào thét học sinh, mở sách vở mất khoảng 10 phút. 35 phút còn lại chia nhỏ ra cô nói, trò đáp, học sinh nói chuyện, bạn bên cạnh chọc, bạn dưới phát biểu, bạn trên mách cô… Toàn bộ khoảng thời gian đó bị chẻ nhỏ ra thành từng block 3 phút. Hãy gọi đây là hoạt động tương tác, không phải hoạt động tập trung.

      • Khi nó là hoạt động tương tác, nó phải vui, phải thúc đẩy trẻ được tham gia tương tác (không phải cô nói 1 chiều, hoặc 1 bạn nói và 40 bạn làm việc riêng, 20 bạn theo đuổi những ý nghĩ vẩn vơ).

      • Xin khẳng định luôn, hoạt động trên lớp học không thể thúc đẩy TẬP TRUNG (theo nghĩa hiểu dòng chảy như trên). Chỉ có hoạt động tự học 1 mình, hoặc làm việc theo nhóm nhỏ, hoặc 1 thầy 1 trò mới tạo điều kiện thuận lợi cho sự TẬP TRUNG. Vì thế, đừng đòi hỏi trẻ tập trung trong lớp. Thật ra chúng ta đang đòi hỏi trẻ ngồi im tuân thủ mệnh lệnh của người có thẩm quyền.

      • Vậy để hoạt động học tập trên lớp CÓ TÁC DỤNG, thì phải đầy màu sắc, phải vui, phải có tương tác với tất cả các bạn, bạn nào cũng được chạm tới.

      • Đây là lý do vì sao trường học phương Tây sẽ cho trẻ con ĐỌC rất nhiều. Danh sách đọc của các bạn cấp 1 trung bình 1 năm phải đến 300 cuốn. Bạn nào chăm chỉ tự đọc thì đến 1000 cuốn. Các trường ĐH đều cho cả núi sách để sinh viên ĐỌC TRƯỚC LÝ THUYẾT. (Tự đọc trước mới là lúc tập trung). Sau đó thì, giờ học trên lớp hoàn toàn để tương tác, hỏi đáp, thực hành, sờ chạm hiện vật, chất vấn, đào sâu….Vì thế, hoạt động trên lớp không phải để TẬP TRUNG, mà là để Explore (khai phá), thúc đẩy tò mò nhiều hơn. Đừng bắt con tập trung trên lớp nữa.

        ——

        (Đến đây thì chị biết đã làm em thất vọng rồi. Chị đã không chỉ ra cho em cách khiến con tập trung trên lớp. Nhưng chị đã gợi ý cho em cách để con tập trung vào điều con thực sự say mê.

        Các nhà khoa học, tâm lý học đều phản đối việc bắt trẻ ngồi im tại chỗ, khoanh tay, nhìn lên bảng, không ngọ nguậy, xong gọi đó là tập trung. Trẻ con không được lập trình để ngồi im như quân đội. Nên chị sẽ nợ em 1 bài sau, để hỗ trợ con học vui vẻ hiệu quả hơn. Bởi vì, cuối cùng thì điều em mong muốn chắc chắn là: CON HỌC TẬP HIỆU QUẢ chứ không phải CON NGỒI IM TUÂN THỦ TRÊN LỚP).

        ← Bài trước Bài sau →