Những điều về con mà tôi không bao giờ đăng lên mạng xã hội

Những điều về con mà tôi không bao giờ đăng lên mạng xã hội

Nhân dịp toàn dân khoe trẻ con trên toàn cõi mạng, tôi lại “đá xéo” chuyện bảo vệ quyền riêng tư của trẻ con một phát.

Tôi làm về giáo dục và phát triển con người đến nay đã 16 năm.

Tôi đã được đào tạo 7749 lần về môn võ công “bảo vệ quyền trẻ em”, nên những điều tôi nói sau đây không phải là tự nghĩ ra. Có nghiên cứu và khuyến cáo đầy đủ từ các tổ chức lớn các bác ạ.

Là cha mẹ, ai chẳng hạnh phúc khi con có một khoảnh khắc dễ thương, ai chẳng tự hào khi con đạt thành tích, hay đơn giản chỉ là con có biểu cảm ngộ nghĩnh thì phải lưu giữ lại.

Nhưng mà các bác ạ, trước khi đăng ảnh/ thông tin của con lên Mạng xã hội, hãy dừng lại 5 giây và cân nhắc bài này của tôi nhé.

Con cũng là một con người riêng biệt và có quyền được kiểm soát hình ảnh và danh tính của chính mình.

====

NHỮNG ĐIỀU VỀ CON MÀ TÔI KHÔNG BAO GIỜ ĐĂNG LÊN MẠNG XÃ HỘI

1. Hình ảnh con trong trạng thái tổn thương

Những lúc con khóc lóc, ăn vạ, mặt mũi tèm lem, vừa thất bại, vừa vồ ếch...

Cha mẹ gọi đó là “kỷ niệm tuổi thơ”, rồi cười vì nó thú vị, sau đó cha mẹ mang lên MXH để người khác “hoà chung niềm vui” cười cợt cùng. Nhưng với trẻ, đó là vết xước danh dự kéo dài đến tuổi trưởng thành. Lớn tướng rồi mà bị người khác lôi ra chia sẻ, chế giễu hoặc ghi nhớ. Đặc biệt các bạn cùng lớp mà biết, đem mấy ảnh đấy ra cười chế giễu thì con độn thổ vì xấu hổ mất thôi.

Các bác có thấy khi đăng ảnh bản thân lên mạng, chúng ta kiểm tra đi kiểm tra lại xem mình xinh không, chỉnh thêm chút sáng, filter chút cho da mặt bớt mụn… thế thì đứa trẻ cũng vậy. Khi con sốt, mệt mỏi, khóc mếu, nằm vạ vật trên giường, con cũng không muốn hình ảnh đó được người khác nhìn thấy đâu.

2. Kết quả học tập, bệnh án, hồ sơ cá nhân…

Cứ cuối năm học là trên MXH xôn xao khoe bảng điểm của con, giấy khen, thậm chí là bản kiểm điểm. Rồi những hồ sơ cá nhân khác như bệnh án, kết quả Ielts, hồ sơ nhập học, giấy báo trúng tuyển…Rồi gì nữa? Thẻ căn cước công dân, hộ chiếu của con lần đầu được đi nước ngoài, bằng lái xe của đứa con vừa 18 tuổi….Bạn đang cung cấp cho những kẻ lừa đảo tất cả những gì chúng cần để đánh cắp danh tính thành công.

Khi bị lừa đảo gọi điện thì lại thắc mắc là đứa nào bán thông tin của con mình?

3. Thông tin định danh: tên trường, lịch sinh hoạt, địa điểm sống

Rất nhiều gia đình đăng ảnh trong buổi tổng kết ở trường, đầy đủ ảnh mặt con, logo của trường, mà cũng chẳng cần soi logo, ngay sau lưng là tấm áp phích to đùng “Lễ tổng kết trường ABC”.

Không chỉ tên trường, chỉ chưa đầy 1 phút, người thường cũng có thể dò ra con đang học lớp nào, cô giáo chủ nhiệm nào, giờ học và các lớp học thêm của con vào thứ mấy, ở đâu. Và tất nhiên rất dễ tìm ra con đang sống ở khu nào, thậm chí thói quen sinh hoạt của con.

Đó là những dữ liệu dễ bị kẻ xấu lợi dụng để tiếp cận, theo dõi hoặc lừa đảo đó các bác.

4. Hành vi chưa đúng hoặc lỗi sai của con

Rất nhiều cha mẹ nghĩ rằng mình đang “chia sẻ hành trình giáo dục con”. Nhưng mà phải đăng ảnh đứa con đang ăn vụng, nói dối, điểm kém, bị phạt, khóc lóc, lăn ra đất ăn vạ …. mới chịu cơ. Public humiliation (bị bêu xấu công khai) là một nỗi đau lớn nhất mà một đứa trẻ phải chịu. Giống như bị bêu xấu trước toàn trường ấy, hoặc bị đám bạn tẩy chay, tất cả tụi học sinh khác đều biết con mắc lỗi ấy. Cảm giác đó tệ hại lắm các bác ạ.

Trẻ sẽ học được gì? Không phải cách sửa sai, mà là nỗi sợ bị nhục mạ.

5. Trẻ trong trạng thái bán khỏa thân hoặc riêng tư thân thể

Trẻ dưới 2 tuổi với hai cái mông tròn căng thật là dễ thương, ai mà chả yêu. Thế là các cha mẹ ra sức đưa hình ảnh trẻ baby không mặc đồ, tắm bồn, hoặc bé trai “khoe hàng”… tưởng như vô hại, nhưng thực tế là mồi ngon cho những kẻ xấu.

Các bác sẽ không biết người lạ nào đang nhìn vào thân thể của con, và có những ý đồ gì đâu. Không đáng để mạo hiểm để những bức ảnh đó lọt vào tay kẻ xấu. Hầu hết các mạng xã hội đều áp dụng kiểm duyệt nếu có hình ảnh trẻ con khoả thân, nhưng là cha mẹ thì cần phải bảo vệ con hơn cả quy định của các nền tảng nhé.

Ở một số quốc gia, đăng ảnh trẻ không mặc đồ là hành vi phạm pháp luật, kể cả là cha mẹ.

6. Những biểu cảm hoặc trạng thái bị bóp méo qua hiệu ứng/ứng dụng

Dùng filter bóp mặt, méo tiếng, biến hình hài hước... lên gương mặt của con, có thể gây cười cho người lớn, nhưng lại làm tổn hại sự hình thành hình ảnh bản thân ở trẻ. Trẻ dễ thấy mình buồn cười, kỳ cục, hoặc chỉ có giá trị khi bị đem ra “làm trò”.

7. Phàn nàn về giáo viên, huấn luyện viên, trường lớp của con

Khi con gặp vấn đề với giáo viên, bạn không hài lòng về trường lớp của con, hãy đến tận nơi, gặp và thảo luận. Đề nghị thay đổi. Đa phần trường tư, trường quốc tế sẽ sẵn sàng lắng nghe phản hồi từ phụ huynh.

Mà cũng phải luyện cho quen với việc đàm phán, thoả thuận, lên tiếng bảo vệ những giá trị đúng đắn đi. Hơn 30 tuổi đầu rồi mà có chuyện gì không dám đối mặt giải quyết, lại cứ đem lên mạng tìm sự ủng hộ của các nick khác. Rồi vấn đề vẫn nằm chình ình ở đấy, có được giải quyết đâu? Hành động này của cha mẹ sẽ dạy cho con được gì? Im lặng với bất công rồi đi xì xào nói xấu à?

Nếu bạn vẫn nhất định muốn đăng ảnh/ thông tin con lên, hãy chú ý những điều sau:

  • Chỉ chọn ảnh con trong trạng thái vui vẻ, xinh đẹp nhất
  • Giữ các chi tiết và mô tả ở mức tối thiểu.
  • Che các thông tin cá nhân đi
  • Nếu cẩn thận nữa thì giấu mặt con đi
  • Tránh mọi tình huống mà con đang trong trạng thái xấu xí, tổn thương, thua kém…

Ai cũng yêu con của mình và sẽ làm bất cứ điều gì để giữ cho con an toàn và hạnh phúc. Mạng XH và internet mang lại cảm giác an toàn giả tạo vì chúng ta chia sẻ thông tin này khi ngồi tại nhà mà. Ngồi nhà an toàn thế này, làm gì có nguy cơ nào chứ.

Nhưng cứ tưởng tượng, nó tệ hại tương tự như việc con bạn bị đứng trước toàn trường, đọc bản kiểm điểm trước hàng nghìn học sinh ấy. Với con, bố mẹ là nơi chốn an toàn, là cả bầu trời tin tưởng. Vì vậy, hãy giữ lòng tin ấy, đừng để con không có chỗ bấu víu niềm tin nhé.

=====

Lifementor.vn - Tư vấn giáo dục từ gia đình

(Làm cha mẹ, Homeschooling, kỹ năng sống, hướng nghiệp, du học Châu Âu)

Xin mời bạn tham gia:

Nhóm tư vấn https://

homeschoolinglifementor.my.canva.site/tuvan

Lộ trình 500+ tài liệu homeschooling cho con 6-18 tuổi https://homeschoolinglifementor.my.canva.site/lotrinh

Các khoá học https://lifementor.vn/collections/khoa-hoc-1

Truyền nghề tư vấn giáo dục từ gia đình https://homeschoolinglifementor.my.canva.site/lifementor360

Các kiến thức đảm bảo có bản quyền từ các tổ chức quốc tế, dựa trên nghiên cứu khoa học, có trích nguồn đầy đủ.

Xin mời các bạn lên thuyền nha!

← Bài trước Bài sau →