NHỮNG ĐIỀU TRẺ TUỔI TEEN CẦN BIẾT VỀ RANH GIỚI (PHẦN 2)
- Người viết: Life Mentor lúc
- Kỹ năng làm cha mẹ
Các cách thiết lập ranh giới
Giống như người lớn, trẻ tuổi teen cũng sẽ gặp phải nhiều tình huống khác nhau trong các mối quan hệ.
Ví dụ:
- Con không thoải mái khi chia sẻ bài tập về nhà nhưng vẫn phải chia sẻ vì trong lớp ai cũng làm thế, nếu không sẽ bị coi là ích kỉ.
- Con không thích buôn chuyện về người khác, nhưng để gia nhập nhóm thì con phải theo các bạn.
- Một người bạn luôn đi vay tiền nhưng không có dấu hiệu muốn trả lại.
- Con cần phải nói lên cảm xúc của mình về tình dục hoặc việc uống rượu khi bị ép.
Đây là tất cả các tình huống mà con cần học cách thiết lập ranh giới.
Vấn đề là, tuổi teen sẽ gặp phải một số tình huống khác nhau trong suốt cuộc đời, thách thức các giá trị và niềm tin, vì vậy việc thiết lập các ranh giới có thể giúp con an toàn và sống đúng với con người thật của mình. Dưới đây #LifeMentor xin gợi ý một số cách thức để thiết lập ranh giới:
- Giúp con của bạn xác định cảm xúc của mình
Học cách nhận biết các cảm giác khác nhau không hề dễ dàng như chúng ta tưởng tượng. Con cần phải dừng lại và suy nghĩ về cảm giác thật của mình, gọi tên được cảm giác này nghĩa là gì (mình đang rất cáu giận, mình đang thấy không an toàn, mình đang nghi ngờ, mình đang cảm thấy bị phản bội.v…v..)
Xác định chính xác cảm giác là bước đầu tiên để thiết lập ranh giới.
- Dạy con bạn tin tưởng vào trực giác của mình
Hãy cho con biết rằng con nên tin tưởng vào trực giác của mình. Nếu có điều gì đó không ổn về một tình huống, hãy dùng phán đoán, trực giác của bản thân. Con không cần tỏ ra lo sợ hay quá nhạy cảm về bất kể người khác nói gì. Vấn đề là con cần sống đúng với con người của mình – không phải những gì người khác mong đợi ở con.
- Giúp trẻ xác định các hành vi không được chấp nhận
Đôi khi teen cần giúp đỡ để xác định một mối quan hệ lành mạnh trông như thế nào. Đặc biệt với những đứa trẻ lớn lên trong hoàn cảnh các mối quan hệ xung quanh đều không lành mạnh. Ví dụ: gia đình bất hoà, thao túng, người lớn bắt nạt trẻ con…v…v… Trẻ sẽ định nghĩa nhầm các mối quan hệ độc hại đấy mới là mối quan hệ bình thường của một gia đình.
Trẻ cần được chứng kiến, cảm nhận và chỉ ra cho thấy thế nào là một mối quan hệ lành mạnh. Hãy thường xuyên nói chuyện với con về thế nào mới là một tình bạn lành mạnh, hay một mối quan hệ hẹn hò trong sáng, hay sự tôn trọng trông như thế nào. Cha mẹ hãy thật cụ thể, chỉ cho con thấy các dẫn chứng, và gọi tên mối quan hệ đó.
Ví dụ: Con hãy nhìn em Lan và em Minh nhà hàng xóm nhé. Con có thấy hai em rất yêu thương nhau không? Lúc nào cũng chơi với nhau hoà bình, muốn lấy đồ chơi thì xin phép nhau, có lỗi thì ngay lập tức xin lỗi, bảo vệ nhau khi có người bắt nạt anh em mình. Mẹ thấy đấy là mối quan hệ anh em rất thân thiết và bao bọc nhau.
Cũng có nhiều tình huống, teen chấp nhận những hành vi không lành mạnh ở người khác (ví dụ: bị người lớn thao túng, bị bạn bè đàn áp…mà vẫn không phản kháng), nhưng khi trẻ làm vậy có nghĩa là con đang làm tổn hại đến giá trị bản thân. Chúng ta hãy nhắc con, mọi người đều xứng đáng được đối xử tử tế và tôn trọng. Nếu ai đó đối xử không tốt với mình, mình có thể cần đặt ra một số giới hạn với người đó.
- Đưa ra những từ khóa (keywords) để phân biệt các tình huống cho con
Việc thiết lập ranh giới là một việc khó và cần phải luyện tập rất nhiều. Điều này đòi hỏi trẻ phải suy nghĩ và đưa ra quyết định. Cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ một số câu cơ bản giúp con trong những tình huống khó này.
Ví dụ: “Để tớ nghĩ đã nhé, tớ sẽ báo lại sau”, “Không, cảm ơn. Tớ thấy không thoải mái về điều đó” hoặc “Để tớ nói chuyện với bố mẹ và trả lời ngày mai nhé.”
Những câu này giúp trẻ có thể đưa ra trong lúc “dầu sôi lửa bỏng” sẽ giúp con không bị cuốn vào sự hỗn loạn hoặc chịu áp lực từ bạn bè.
- Cho phép thực hành ở nhà
Việc xác lập ranh giới với một người khác không phải là điều dễ dàng – ngay cả đối với người lớn. Nên tốt nhất, cha mẹ hãy giúp con thực hành trong môi trường an toàn ở nhà với những người mà trẻ biết là sẽ yêu thương chúng vô điều kiện.
Hãy cho phép con nói “không” với mọi thứ và thiết lập ranh giới cá nhân. Điều này có nghĩa là cho các thành viên trong gia đình biết rằng ai trong nhà cũng cần không gian riêng.
Khuyến khích con phát triển tính tự chủ và độc lập ở nhà bằng cách để con nói lên ý kiến của mình và đưa ra quyết định.
- Giải thích rằng tình bạn có giới hạn
Có một cái bẫy rất lớn, mà ngay cả người lớn chúng ta cũng tin, rằng tuổi teen chỉ quan trọng bạn bè, chúng không còn nghe cha mẹ nữa. Điều này khiến cha mẹ tự nguyện rút lui khỏi vai trò định hướng, nhường vai trò này cho bạn bè tuổi teen tự định hướng, dẫn dắt nhau.
Hãy nhấn mạnh với con rằng mọi mối quan hệ, kể cả tình bạn đều khác nhau và đều có giới hạn nhất định. Là một người bạn tốt, không nhất thiết phải đánh mất mình chỉ để làm bạn hài lòng. Đó là tình bạn thao túng. Trên thực tế, quan điểm hoặc niềm tin khác nhau là điều hết sức bình thường và khiến các mối quan hệ trở nên thú vị.
- Giải thích rủi ro của việc không thiết lập ranh giới
Đôi khi, teen để yên, không nói gì, hoặc chấp nhận khi bạn bè hoặc người yêu vượt qua ranh giới. Ví dụ: bạn bè đến nhà và tự nhiên lấy mỹ phẩm ra dùng, lấy quần áo trong tủ của mình ra mặc, rồi mượn về. Nhiều bạn teen không thoải mái nhưng không dám nói ra sợ tổn thương tình bạn.
Tuy nhiên, nếu không thiết lập ranh giới, tình bạn này có nhiều nguy cơ mâu thuẫn xung đột hơn đó. Ngay cả khi không có hậu quả nghiêm trọng xảy ra, thì việc xâm phạm vào ranh giới của nhau có thể dẫn đến oán giận và làm hỏng tình bạn.
Kết luận
Học được về ranh giới giúp con bảo vệ bản thân khỏi những tổn thương, khó chịu và những phiền hà. Ở chiều ngược lại, con cũng cần học được cách tôn trọng ranh giới của người khác. Trên thực tế, các mối quan hệ lành mạnh được xây dựng dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và giao tiếp liên tục. TÔN TRỌNG là cảnh giới cao nhất của mọi mối quan hệ. Hãy giúp con hiểu rằng tôn trọng ranh giới của người khác cũng quan trọng như yêu cầu người khác tôn trọng ranh giới của mình.
Đôi khi ranh giới là điều khó hiểu đối với những người trẻ tuổi. Mặc dù con có thể lờ mờ nhận ra người khác đang can thiệp quá sâu vào cuộc sống của mình, và mình không thích điều đó. Dẫn đến nhiều khi con phản kháng gay gắt nếu như cha mẹ vào phòng mà không xin phép, đọc trộm tin nhắn, em trai lấy đồ dùng của mình mà không hỏi, bạn bè can thiệp quá sâu…. Thực ra là vì trẻ đang chưa gọi tên được ranh giới của mình, chưa biết giải thích nghiêm khắc và lịch sự rằng: “Đây là giới hạn chịu đựng của tôi, và vui lòng đừng xâm phạm”.
Đôi khi trẻ hiểu được khái niệm và tầm quan trọng của việc thiết lập ranh giới với người khác, nhưng lại không biết những ranh giới đó trông như thế nào trong cuộc sống thực. Do đó, điều quan trọng là cần giải thích với trẻ về điều gì tạo nên ranh giới lành mạnh và điều gì là không lành mạnh. Cha mẹ thậm chí có thể còn muốn chỉ ra nơi mà trẻ đang thiếu ranh giới.
Ranh giới lành mạnh
Ranh giới lành mạnh giúp con an toàn về mặt tình cảm và thể chất mà không phải cố gắng kiểm soát hoặc thao túng người khác. Nó giúp con thể hiện mong muốn và nhu cầu mà không vi phạm quyền và nhu cầu của người khác. Dưới đây là một số ví dụ:
- Trong một mối quan hệ lãng mạn, con có thể tự do nói lên mong đợi của mình với người yêu, con muốn việc thân mật hay tình dục phải đảm bảo sự đồng thuận trong mọi tương tác, không có áp lực phải làm hài lòng người yêu mà chính con cảm thấy khó chịu.
- Con có thể lịch sự yêu cầu ai đó không trêu chọc, hay nói về chủ đề nhạy cảm, riêng tư của con.
- Con có thể nói với một người bạn rằng con không thoải mái khi uống rượu và yêu cầu bạn không ép, chấp nhận quyết định đó của con.
- Khi có một người bạn thường xuyên hỏi vay tiền mà không trả lại, con có thể thẳng thắn nêu quan điểm rằng sẽ không thể cho bạn vay thêm tiền nữa cho đến khi họ trả được số tiền nợ.
- Con có thể lịch sự đề nghị người khác rằng con muốn ở một mình và yêu cầu người khác tôn trọng bằng cách ra khỏi phòng con, hoặc bước vào là phải gõ cửa.
- Con có thể yêu cầu bạn bè, người thân tôn trọng thời gian của con bằng cách không gọi điện hoặc nhắn tin liên tục vào khung thời gian nhất định.
Ranh giới không lành mạnh hoặc Thiếu ranh giới
Đôi khi teen đưa ra những ranh giới quá xa, hoặc không thể dựng lên ranh giới. Cả hai tình huống đều có thể có vấn đề.
Dưới đây là một số ví dụ:
- Con đẩy mọi người ra khỏi cuộc sống của mình hoàn toàn và không tin tưởng bất cứ ai.
- Con quá thiếu chính kiến, luôn nghĩ rằng ý kiến của người khác là quan trọng, và con hành động, phản hồi, cư xử theo để chiều lòng người khác.
- Con quá nhân nhượng với bạn bè hoặc người yêu ngay cả khi điều đó làm con khó chịu.
- Con mong muốn gia nhập một nhóm, cộng đồng, nên con lựa chọn đi ngược lại các giá trị hoặc niềm tin của mình để làm hài lòng nhóm.
- Cho phép một người bạn đưa ra quyết định thay cho mình hoặc chỉ đạo cuộc sống của mình mà không bao giờ đứng lên tự hỏi về hành vi này.
- Dành nhiều thời gian với bạn bè hoặc người yêu, dù những người này đối xử tệ hoặc thiếu tôn trọng con.
Học cách thiết lập ranh giới là điều mà mọi người trẻ cần biết cách làm. Tốt nhất, cha mẹ nên nói chuyện với con về cách thiết lập ranh giới trước khi mọi thứ trong mối quan hệ bạn bè hoặc hẹn hò trở nên quá rắc rối.
Ranh giới lành mạnh là một phần của việc nâng cao giá trị bản thân, xây dựng lòng tự tôn.
Những đứa trẻ có ý thức mạnh về giá trị bản thân sẽ biết mình là ai, mình đánh giá cao điều gì và mình muốn được đối xử như thế nào. Khi ai đó vượt qua ranh giới theo một cách nào đó (ví dụ: lợi dụng, bắt giữ hoặc ép con làm điều mà con không muốn) thì trẻ sẽ biết cách nhận ra rằng có điều gì đó không ổn trong mối quan hệ.
Để chuẩn bị tốt nhất cho những tình huống này, cha mẹ cùng con thiết lập ranh giới (hoặc đôi khi gọi là tiêu chuẩn sống). Làm như vậy, cha mẹ sẽ giúp con xây dựng được nền tảng cho các mối quan hệ lành mạnh sẽ tiếp tục đi cùng con cho đến khi trưởng thành.
Nguồn tham khảo: What Teens Need to Know About Boundaries (https://www.verywellfamily.com/)
—
“Life Mentor – Cha mẹ dẫn lối” là cộng đồng hỗ trợ các cha mẹ có con độ tuổi 10-18 trong hành trình giáo dục con, với các hoạt động chính:
- Kết nối 1-1 với các Mentor thành công trong đa dạng lĩnh vực.
- Định hướng sự nghiệp thông qua hoạt động trải nghiệm đa dạng các ngành nghề trong xã hội.
- Giúp con xây dựng tư duy, kỹ năng xã hội và các bài học về quản trị cuộc sống chưa được dạy trong nhà trường.
Chúng tôi xây dựng dự án Life Mentor để lưu giữ lại những tri thức mà chúng tôi học được từ nhiều nguồn trên thế giới, như một di sản để lại cho các con mình, và nhiều trẻ em Việt Nam.
Life Mentor mong muốn mọi trẻ em đều được thấu hiểu, tôn trọng, định hướng phát triển tiềm năng và sự nghiệp theo đúng năng lực và đam mê. Đội ngũ Mentor sẽ đồng hành trong quá trình phát triển của mỗi bạn nhỏ. Hãy cùng chúng tôi chung tay nhé.
Liên hệ công việc: lifementor2021@gmail.com
Website: https://lifementor.vn
Group FB: https://www.facebook.com/groups/lifementor2021
Spotify: https://spoti.fi/3zXawQT