Ban đầu tôi đã định không chia sẻ chuyện này vì nếu không khéo sẽ thành kể lể ấm ức nhưng rồi nghĩ đi nghĩ lại thì câu chuyện này có thể sẽ hữu ích cho một số ai đó đang tập làm cha mẹ như mình.
Vả lại, tôi nghĩ, nếu viết nó ra và chia sẻ thì biết đâu phụ huynh liên quan có thể đọc được và có những cảm xúc không hay nếu không đồng tình với quan điểm giáo dục con với mình. Nhưng tôi tin, họ sẽ hiểu và đồng cảm với mình vì đều yêu thương các con như mình.
Chính vì những lý do này mà ban đầu tôi đã băn khoăn mãi nhưng rồi quyết định viết ra theo cách nào đó trung tính và vui vẻ nhất có thể để các phụ huynh cùng bàn luận và chia sẻ kinh nghiệm với nhau.
Chẳng là thế này.
Cuối tuần, con trai tôi mời mấy bạn ở trường về nhà chơi và ngủ lại. Đây là sinh hoạt bình thường của các cháu nhiều năm nay, trừ hai năm đại dịch vừa qua, các cháu không có dịp tụ tập. Và vì thế mà các cháu càng muốn gặp và vui chơi với nhau.
Mỗi khi có lịch sinh hoạt vui chơi với nhau như thế, các cháu đều xin phép cha mẹ trước từ rất lâu và trình bày rõ định làm gì và thời gian bao lâu, một cách rất đàng hoàng, chững chạc.
Thông thường thì các cháu tụ tập xem phim với nhau, chơi trò gì đó, bật nhạc lên cùng nghe, tám chuyện, mua đồ về nấu nướng thi xem đồ ai ngon nhất, lấy dụng cụ thể thao ra nghịch hoặc lôi nhau ra cắt tóc cho nhau v.v. đủ thứ trò nhưng nhìn chung là lành mạnh và tử tế.
Muốn nghe nhạc khuya, các cháu cũng hỏi ý kiến người lớn hẳn hoi. Phải nói rằng các cháu đàng hoàng, lịch sự và tử tế gấp tỷ lần mình. Mà đấy là tôi tự thấy mình cũng thuộc dạng ngoan hiền đấy.
Hôm nay có một bạn mới, hình như vừa chuyển vào trường con trai tôi, chưa quen tham gia các hoạt động với các bạn kiểu này, nên con trai nhờ tôi gọi điện cho mẹ bạn ấy để nói chuyện. Chắc để mẹ bạn ấy biết cha mẹ bạn của con và sẽ yên tâm cho con tới nhà tôi chơi.
Con trai nói với tôi rằng “Mẹ bạn ấy muốn nói chuyện với bố”. Ok, no problem. Tôi chiều con đến mức sẵn sàng gọi điện cho người lạ để bán hàng hòng kiếm tiền nuôi con ăn học còn được nữa là gọi điện xin phép bố mẹ bạn cho con chơi vui với nhau. Ok, fine.
Lẽ ra, tôi chả cần gọi điện vì bạn ấy muốn đến nhà tôi chơi với các bạn thì tự xin phép và đó là chuyện riêng của bạn ấy với bố mẹ. Còn nếu bố mẹ bạn ấy quan tâm và lo lắng thì tự chủ động xin số điện thoại để gọi cho tôi chứ tôi không phải gọi.
Tôi chỉ chịu trách nhiệm khi bạn ấy đã ở trong nhà mình. Nhưng thôi, không sao, chiều các cháu cũng vui mà, kể cả cần phải xin phép bố mẹ bạn của con giúp các con. Thế là tôi gọi điện.
Mẹ bạn ấy là một người vui vẻ, xởi lởi khi được nghe giọng và cách nói qua điện thoại. Tôi tự giới thiệu rằng mình là “Bố của A, được cháu cho số điện thoại của bạn và nói mình gọi cho bạn vì bạn muốn trao đổi với mình về việc các cháu đến nhà A chơi. Bạn là mẹ cháu B phải không ạ?”
Ban đầu tôi xưng “mình” với mẹ của bạn ấy vì tôi thấy mình thường lớn tuổi hơn bố mẹ bạn bè của các con tôi vì vợ chồng tôi lập gia đình và sinh con muộn.
Mẹ bạn ấy nói rằng muốn hỏi tôi xem các cháu tổ chức gì, có phải tổ chức sinh nhật không và hỏi xem các cháu ngủ lại như thế nào. Tôi bảo các bạn ấy sẽ tự thu xếp vì đã tụ tập ở nhà nhau thế này quen rồi, không chỉ bạn bè người Việt mà cả bạn bè quốc tế, lúc nhà bạn này, lúc nhà bạn khác. Các cháu cũng lớn rồi mà. Các cháu đều đã 14 tuổi.
Thế rồi chị cũng nói ra lo lắng của chị. Chị muốn tôi “giám sát” và “kiểm soát” các cháu. Tôi tếu táo bảo rằng “Các cháu lớn rồi, không kiểm soát bố mẹ thì thôi chứ bố mẹ kiểm soát sao được các cháu”.
Còn “giám sát” thì không, vì nhà mình không có thói quen giám sát các con. Ngay cả muốn vào phòng các con thì bố mẹ cũng gõ cửa và xin phép các con đàng hoàng, các cháu làm gì là việc riêng của các cháu vì các cháu lớn rồi. Mà bé thì cũng thế thôi, bọn mình luôn tôn trọng quyền riêng tư của các con.
Vì thật ra thì khi còn bé, trẻ ngoan ngoãn và tử tế gấp tỷ lần người lớn, thật luôn. Các bố mẹ cứ quan sát và ngẫm mà xem. Người lớn không nên nghĩ trẻ con cũng hư hỏng và lếu láo như mình. Nhất là giờ đây các cháu được dạy dỗ cẩn thận và được giáo dục trong môi trường tử tế hơn mình trước kia nhiều. Điều này là thực tế.
Rồi chị hỏi tôi rằng đến tối các cháu có ngủ riêng không. Đến đây thì tôi thấy hơi kỳ cục vì lo lắng này không cần thiết và nếu “có gì đó” thì lo lắng cũng chẳng giải quyết được gì.
Tôi lại tếu táo bảo rằng ở nhà các cháu có phòng riêng nhưng không đủ phòng cho tất cả các cháu nên các cháu sẽ ngủ chung phòng. Vả lại toàn bạn trai với nhau chứ không có bạn gái, tôi lại đùa.
Cuối cùng, chị nói ra băn khoăn của mình rằng tất nhiên ngủ cùng phòng nhưng phải ngủ riêng. Tôi bảo tất nhiên không ngủ chung hết trên giường mà các cháu sẽ ngủ dưới sàn nhà vì giường không đủ chỗ. Tôi tiếp tục tếu táo.
Chị cười hào sảng bảo “Tất nhiên rồi nhưng không nên nằm chung”. Tôi thấy hơi buồn cười và nói rằng các cháu sẽ ngủ chung chứ không ngủ riêng nhưng tất nhiên sẽ không ôm ấp nhau. Tôi lại đùa tếu.
Tôi còn vui vẻ nói thêm rằng thời sinh viên thì bạn bè tôi đều ngủ cùng nhau những lúc làm bài tập lớn và đồ án là chuyện thường, có gì đâu.
Tóm lại, ý là chị ấy sợ các cháu có vấn đề gì về giới. Thật ra thì nếu có sợ, cũng chả giải quyết được gì nếu các cháu có xu hướng đồng giới. Cha mẹ lo lắng cho con, âu cũng là lẽ thường, nhưng thương yêu con thì cũng nên tin tưởng chúng ạ.
Tôi bắt đầu thấy không thoải mái lắm nhưng vẫn cố gắng nói sao cho vui vẻ và dễ nghe vì... chiều con là chính. Vì kiếm sống để nuôi con mà mình chiều khách hàng còn được nữa là chiều phụ huynh của bạn con.
Tôi khẳng định với chị ấy rằng tôi hoàn toàn tin tưởng con trai mình và bạn bè của con. Thực lòng tôi còn tin con trai tôi hơn tin tưởng chính bản thân mình vì tôi thấy có khi nó còn chín chắn và tử tế hơn cả mình. Thật.
Tôi nói rằng nếu chị không tin tưởng con mình thì có thể đến nhà tôi để xem các cháu chơi với nhau như thế nào. Suýt nữa thì tôi nói rằng nếu chị không tin tưởng con mình thì đừng cho con đến nhà tôi chơi với bạn. Nhưng thôi, ai lại nói thế.
Nhiều năm tu luyện qua hoạt động kinh doanh, luôn tụng niệm rằng “Không được đánh sếp và không được đánh khách hàng” đã giúp tôi calm down được phần nào, tự kiềm chế tốt hơn nên không nói ra câu ấy.
Đến đây thì chị nói “Có khi bạn…” Tôi đoán ngay là chị định nói rằng có khi chị ấy lớn tuổi hơn mình, vậy nên tôi chủ động hỏi rằng “Xin lỗi chị bao nhiêu tuổi ạ?”.
Chị bảo chị năm nhăm tuổi rồi. Tôi bảo “Vậy chị hơn em năm tuổi”, rồi tôi chuyển sang gọi chị và xưng em ngay. Rất ngoan luôn.
Để đấu dịu cho xong chuyện và được việc của con trai nhờ, tôi không lôi thôi tếu táo nữa mà nói trấn an một cách nghiêm túc rằng “Chị cứ yên tâm, các cháu vẫn chơi và ngủ ở nhà nhau, cả các bạn Việt Nam và nước khác, các cháu chơi ngoan và rất có ý thức ạ”.
Chị ấy lại hỏi tôi rằng “Đây chắc là con đầu của em à”. Tôi trả lời rằng “Vâng, cháu lớn của vợ chồng em ạ”. Tôi đáp lời mà lòng hơi phật ý.
Chị chia sẻ rằng chị có hai con gái lớn tướng rồi, đều trên mười tám tuổi cả, chị biết. Ý chị là chị có nhiều kinh nghiệm nuôi dạy con hơn mình. Tôi biết.
Tôi hơi tự ái tí ti nhưng nghĩ bụng rằng nuôi con lâu hơn chưa chắc đã nhiều kinh nghiệm hơn và tuổi đời không quan trọng bằng tuổi kiếp.
Nói ra thì bảo tinh vi, con nhà vi tính, chứ sống lâu bao nhiêu kiếp rồi mới quan trọng chứ sống hơn nhau vài chục năm thật ra chả nghĩa lý gì ạ. Và thực tế thì chị còn kém tuổi người yêu đầu của mình khá nhiều, nếu lấy tuổi đời làm thước đo trải nghiệm.
Đùa thôi, các bậc phụ huynh nên cho các con mình hiểu và cảm thấy rằng gia đình và nhà của các cháu là nơi an toàn và riêng tư nhất, là nơi mà các cháu có thể tự do làm bất cứ thứ gì mà các cháu muốn nếu lương tâm cho phép, pháp luật không cấm và cha mẹ đồng ý.
Nhà và gia đình phải là nơi nương náu và trú ẩn cuối cùng của các cháu trên cõi đời này.
Các cháu tụ tập vui chơi và sinh hoạt giao lưu bạn bè ở nhà chả an toàn và lành mạnh gấp tỷ lần khuất mắt trông coi ở một nơi nào đấy xa lạ, vừa rủi ro về thân thể, về pháp lý và cả về tâm lý.
Chả thế mà cha mẹ ở các nước Bắc u như Hà Lan và Thuỵ Điển luôn khuyến khích các cháu tụ tập vui chơi ở nhà và đến tuổi quan hệ yêu đương nam nữ thì nơi an toàn và thân mật nhất chính là phòng riêng của bọn trẻ.
Có một kết quả tổng hợp điều tra xã hội học quốc tế cho biết rằng những đứa trẻ “vào đời” ngay chính trong phòng riêng của mình sau này lớn lên sẽ là những người trưởng thành dễ có hạnh phúc gia đình nhất.
Ngôi nhà cha mẹ và gia đình nên là nơi an toàn và là chốn riêng tư nhất cho trẻ. Cha mẹ nên luôn khẳng định với các con điều này bằng mọi cách, mà trước nhất là cần tôn trọng và tin tưởng các con mình, một cách tuyệt đối.
Chúng còn trong sáng, ngoan ngoãn và tử tế gấp tỷ lần người lớn.
_____
“Life Mentor – Cha mẹ dẫn lối” - dịch vụ tư vấn, hỗ trợ các cha mẹ có con độ tuổi 10-18 trong hành trình giáo dục con, với các hoạt động chính:
- Kết nối 1-1 với các Mentor thành công trong đa dạng các lĩnh vực, giúp con hướng nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn, và rút ngắn con đường đến thành công;
- Tổ chức các khóa đồng hành cùng cha mẹ, hỗ trợ cha mẹ 80% trong việc cung cấp cho các con tư duy, kỹ năng, các bài học quản trị cuộc sống chưa được dạy trong nhà trường.
- Hỗ trợ xây dựng lộ trình phát triển của mỗi cá nhân theo từng mục đích của mỗi gia đình, và mỗi giai đoạn cuộc đời.
- Tư vấn cách cư xử, giải quyết các tình huống xảy ra hàng ngày với con để duy trì mối quan hệ lành mạnh giữa cha mẹ - con cái.
Chúng tôi xây dựng dự án Life Mentor để lưu giữ lại những tri thức mà chúng tôi học được từ nhiều nguồn trên thế giới, như một di sản để lại cho các con mình, và nhiều trẻ em Việt Nam.
Life Mentor mong muốn mọi trẻ em đều được thấu hiểu, tôn trọng, định hướng phát triển tiềm năng và sự nghiệp theo đúng năng lực và đam mê. Đội ngũ Mentor sẽ đồng hành trong quá trình phát triển của mỗi bạn nhỏ. Hãy cùng chúng tôi chung tay nhé.