
NẾU CON 10 TUỔI MÀ CHƯA HỌC NHỮNG KỸ NĂNG XÃ HỘI NÀY, THÌ CHA MẸ CẦN DẠY KHẨN CẤP
- Người viết: Life Mentor lúc
- Kỹ năng làm cha mẹ
Rất nhiều đứa trẻ 10 tuổi đi học về nhà, mặt buồn như lá héo “Chẳng có bạn nào chơi với con cả”, thì đó không phải là dấu hiệu tốt đâu các cha mẹ nhé.
Ngay cả ở thái cực ngược lại, con có nhiều bạn đến chơi nhà, nhưng lại cư xử như một kẻ độc tài “Cậu phải làm cái này, nếu không thì đừng hòng chơi với bọn tớ nữa”.
Cha mẹ cần nhanh nhận ra các “tín hiệu sớm” trong các mối quan hệ của con, để điều chỉnh hành vi cho con. Chắc chắn bạn không muốn con có những mối quan hệ thất bại sau này. Trước hết, bạn hãy nhớ, mình đang nuôi dạy một con người tử tế cho xã hội, chứ không phải hơn thua chút lợi thiệt với đứa trẻ hàng xóm.
Cha mẹ hãy giúp con phát triển kỹ năng SEL (cảm xúc xã hội), không chỉ để kết bạn, mà còn để giữ tình bạn, phát triển các mối quan hệ xã hội, và tránh xa những người không xứng đáng.
====
Tại sao tuổi 10 lại là một ngã rẽ quan trọng mà không ai cảnh báo?
======
Chẳng có trường lớp nào dạy rằng: khi đứa trẻ bắt đầu vào tuổi teen, tình bạn bắt đầu trở nên... phức tạp.
Đây là độ tuổi mà trẻ em:
- Bắt đầu tự suy diễn hành động của bạn khác có ý đồ gì với mình
- Để ý đến giọng điệu, sự mỉa mai, ngôn ngữ cơ thể của người khác với mình
- Bắt đầu trải nghiệm sự kì thị, xa lánh, loại trừ, cạnh tranh, và chơi riêng theo nhóm
Khi đó, trẻ sẽ phải “chọn phe”.
Hoặc trẻ phải hùa vào 1 nhóm để kì thị bạn kia. Hoặc là trẻ phải đứng về phe yếu thế. Trẻ gần như không có cơ hội “làm bạn với cả hai phe” hoặc “đứng 1 mình không theo phe nào”.
Và đó là lý do tại sao 7 kỹ năng xã hội này nhất định trẻ phải được dạy sớm.
====
1. Hiểu các tín hiệu xã hội
“Cậu có thấy khuôn mặt nó không? Cái mặt đấy là khinh thường nhóm mình đấy.”
“Hôm trước tớ mặc cái váy hồng, ngay hôm sau, nó cũng mặc váy hồng. Ai chả biết váy đấy đắt tiền hơn.”
Tất cả những tín hiệu nhỏ trong giao tiếp đó, tạo nên những mạng lưới chằng chịt các tương tác xã hội của các con ở độ tuổi này. Trẻ bắt đầu quan sát hành vi của người khác, từ đó suy luận người kia muốn “bắn tín hiệu” gì với mình, và có phản ứng.
Trẻ em tuổi lên 10 cần học cách đọc:
- Biểu cảm khuôn mặt
- Ngôn ngữ cơ thể
- Giọng điệu
Từ đó, giúp trẻ biết:
- Khi nào nên tham gia vào một nhóm
- Khi nào nên lùi lại để cho ai đó không gian
- Khi nào không nên đùa cợt ….
====
2. Cách bắt đầu và duy trì cuộc trò chuyện
“Cậu có muốn chơi không?” là câu hỏi của mấy đứa nhỏ đi nhà trẻ.
Đến 10 tuổi, trẻ em nên biết cách:
- Đặt câu hỏi tiếp theo
- Duy trì cuộc nói chuyện được ít nhất 5 phút
- Thể hiện sự quan tâm thực sự đến chủ đề của người kia
Hãy dạy con điều này:
- Thực hành "quy tắc 3 giây" trước khi tham gia: Trước khi con bước đến một nhóm, con nên lắng nghe ít nhất 3 giây. Những đứa trẻ khác đang nói gì? Các bạn có đang chơi trò gì không?
- Lắng nghe trước. Sau đó, hãy nói điều gì đó phù hợp với những gì họ đang nói: Khi con hiểu được ý chính mà các bạn đang nói, con có thể hùa vào câu chuyện. Nếu nhóm đang nói về bóng đá, đừng nhảy vào với "Đoán xem hôm qua tớ vừa ăn gì?”
=====
3. Làm gì khi bị từ chối hoặc loại trừ khỏi nhóm
Bởi vì chắc chắn đứa trẻ nào cũng sẽ trải qua cảm giác bị nhóm bỏ rơi. Và cảm giác đó rất là rất đau đớn.
Hãy dạy con:
- Con có thể buồn, nhưng đừng mắc kẹt trong đó
- Không phải cứ các bạn từ chối con có nghĩa là bạn ghét con
- Con hãy tiến về phía trước mà không cần cầu xin tình cảm, không cần làm hài lòng mọi người, cũng không cần khép mình lại hoàn toàn.
======
4. Giải quyết các mâu thuẫn trong tình bạn
Trẻ cần học được:
- Biết cách thể hiện sự khó chịu mà không tấn công bạn
- Khi nào nên thỏa hiệp, khi nào giữ vững ranh giới của mình
- Khi nào nên xin lỗi
- Khi nào nên bỏ đi
Hãy dạy con nói “Tớ không thích điều đó, nhưng tớ vẫn muốn làm bạn với cậu. Tớ mong cậu tôn trọng ranh giới của tớ”.
=====
5. Đồng cảm & ghi nhận quan điểm của người khác
Đồng cảm không chỉ là tử tế, mà còn là hiểu người khác đang có trải nghiệm thế nào.
Hãy dạy con:
- Chậm lại và tưởng tượng cảm xúc, suy nghĩ của người khác
- Hỏi bạn: “Tớ muốn nghe lý do, vì sao cậu lại hành động như vậy”
- Khi một người bạn có hành vi xấu, có thể bạn ấy đã có một lý do nào đó, bạn ấy không hẳn là người bạn tồi tệ
=====
6. Nói quyết đoán nhưng không gây hấn
Các cha mẹ có biết, có một sự khác biệt rất lớn giữa quyết đoán và thô lỗ không?
Quyết đoán là:
“Tớ không thích điều đó, làm ơn dừng lại đi”,
“Tớ thấy điều này không đúng, tớ không làm đâu”
"Tớ hiểu cậu thích thế, nhưng tớ không thoải mái. Tớ sẽ không tham gia đâu."
"Tớ cần không gian riêng lúc này, mình nói chuyện sau nhé."
"Tớ quý cậu, nhưng cách nói chuyện kiểu đó làm tớ thấy buồn. Mong cậu dừng lại."
Còn thô lỗ là:
“Mày bị ngu à, sao lại làm thế?”
“Cút đi, đừng có đụng vào tao nữa!”
“Biến đi, đồ phiền phức!”
“Tao không rảnh chơi với mấy đứa như mày.”
“Tránh xa tao ra, đồ dở hơi!”
=====
7. Nhận biết bạn bè thật và bạn bè giả
Không phải tất cả tình bạn đều là tình bạn thuần tuý. Đứa trẻ nào cũng sẽ trải qua thôi, khi đó trẻ cần phân biệt điều này:
- Bạn bè thật đối xử với con một cách tôn trọng
- Bạn bè thật không thao túng, trêu chọc hoặc khiến con cảm thấy lép vế, phụ thuộc
- Bạn bè thật không cần đến hối lộ, tặng quà, nhượng bộ mới chơi cùng mình
=====
Cha mẹ chắc chắn không thể ngăn chặn những drama của xã hội. Khi gửi con đến trường là cha mẹ đã phải chấp nhận việc con sẽ tiếp xúc với các mối quan hệ khó khăn.
Công việc của cha mẹ là cung cấp cho con các công cụ để đối mặt bằng sự tự tin, sự đồng cảm và ranh giới lành mạnh.
Khi tình bạn bắt đầu phức tạp, mà chắc chắn điều này sẽ đến sớm thôi, con sẽ không sụp đổ. Bởi vì cha mẹ đã dạy rồi mà.
====
Life Mentor - Tư vấn giáo dục từ nền tảng gia đình