III. CÁC QUY LUẬT
1. Luật gieo hạt (Luật nhân quả + luật tập trung)
Gieo gì gặt đó, gieo nhiều gặt nhiều- gieo ít gặt ít, không gieo không gặt.
Với một quỹ thời gian, một thửa đất giới hạn, trong tay có nhiều loại hạt giống như lúa, ngô, đậu tương… Nếu chúng ta dành nhiều diện tích đất, dành nhiều thời gian gieo trồng loại hạt nào, ta sẽ thu được nhiều loại hạt đó - và đương nhiên loại hạt khác phải ít đi, thậm chí không có gì.
Tương tự như vậy, mỗi ngày ta có 24 giờ, có một tấm thân và có nhiều sự lựa chọn làm gì, bao lâu, vào lúc nào. Các PHHS thường than với tôi rằng “Em rất muốn có thời gian dạy con, nhưng em bận phải đi làm kiếm tiền”. Lý do này rất chính đáng, nhưng hãy coi đó là động lực để chuyển hóa bản thân, tối ưu khả năng làm việc để có thêm thời gian, tâm, sức bên con. Nếu dành ít thời gian, tâm, sức cho con thì cũng đừng than con thế này thế kia.
2. Luật bù trừ (hoán đổi)
Nhiều người nói rằng mình phải hy sinh việc nọ, quyền lợi kia để vì con… nghe rất đạo đức, cao cả. Tôi thì cho rằng: Cuộc đời là tiếp nối của những vụ gieo hạt. Mỗi việc chúng ta làm đều là một sự gieo hạt, vì thế mà không có cái gì là mất đi cả, chỉ là buông cái này xuống thì tay nắm được cái kia mà thôi. Và chỉ mỗi người mới có thể hiểu rõ và tự tối ưu bài toán gieo hạt của mình mà thôi. Tôi thì thích nhìn vào đời con, đời cháu của một người để thấy được tầm nhìn chiến lược “gieo hạt” với đời của người đó thế nào.
3. Luật ai ăn người ấy no - yêu thương là không thể ủy nhiệm
Câu chuyện suy ngẫm. Có vị đại gia mua một chú chó nghiệp vụ (Malinois) đã được huấn luyện về nuôi ở nhà vườn ở ngoại ô. Hàng ngày, có người giúp việc chăm sóc chú chó và khu vườn, còn vị đại gia một vài tuần mới ghé thăm. Một ngày nọ, chủ về nhà và phát hiện người giúp việc làm vỡ chiếc bình quý, ông ta quát mắng và đánh người giúp việc. Kết quả là ông bị chú chó mình mua lao vào cắn. Với con chó, người chủ thực sự là người giúp việc, bởi chính người này hàng ngày đã kết nối với con chó, còn vị đại gia kia chỉ là khách mà thôi.
Nói chuyện cho, ngẫm chuyện người. Nhiều vị PH than phiền con kết nối mờ nhạt với cha mẹ, con rất hững hờ, không thăm hỏi cha mẹ….Khi đó họ lại thuê các chuyên gia tâm lí, các nhà trị liệu tác động LÊN CON để tăng cường kết nối với cha mẹ. Tôi cho rằng, ai muốn xây dựng kết nối với con trẻ thì phải tự mình thực hiện, kích thích bên ngoài chỉ là tạm thời. Yêu thương là không thể ủy nhiệm.
4. Luật trồng khó, nhổ dễ - lỗ thủng nhỏ làm thùng mất nước
Trong nhiều năm hỗ trợ tâm lý cho các học trò, tôi nhận thấy rằng, nhiều học trò có trạng thái tâm lý hoặc kết quả học tập không tốt vì những nguyên nhân rất thầm kín. Có trò chán học, chán đời vì cha mẹ mâu thuẫn. Có trò thì chán học, luôn thấy khó chịu bởi cha mẹ cứ luôn so sánh con với em, so sánh con với bạn. Có trò thì căng thẳng suốt cả học kì vì bị bạn cùng lớp đe dọa. Để có một thành quả viên mãn là hội tụ của bao nhiêu thuận duyên, cũng chỉ cần một nghịch duyên là kết quả giảm nhiều, thậm chí tan biến. Vậy nên, tôi khuyến nghị cha mẹ thường xuyên gần gũi, chia sẻ với con để kịp thời phát hiện và chữa lành các vết thương tinh thần cho con.
5. Luật trình tự
Trong cuộc sống, có những việc ta nhất định phải làm theo trình tự mới thuận lợi, mới có thể cho kết quả tốt. Ví dụ, việc xây nhà bao giờ cũng phải theo trình tự: khảo sát địa chất, làm móng, xây tầng 1, xây tầng 2….Không ai có thể xây tầng 2 trước khi làm móng, trước khi có tầng 1.
Trong giáo dục con trẻ, xin đừng nhầm lẫn điều này. Chúng ta quan sát phản ứng tự nhiên của trẻ với môi trường rồi kết luận “trẻ em, độ tuổi này nó thế”. Từ kết luận tưởng chừng rất khoa học, rất nhân văn đó mà dẫn tới những sai lệch trong giáo dục trẻ như
- Cho trẻ hành động tự do, đùa nghịch ngay cả khi ở nhà hàng, thư viện. Vì họ nghĩ “trẻ em nó phải nghịch”.
- Có nhà thì mở tivi, bế trẻ đi rong để bón cơm cho trẻ. Vì họ nghĩ “trẻ em nó thế”, phải thế nó mới ăn.
Thực chất, trẻ em hoàn toàn có thể huân tập để hình thành “Giới” (biết việc gì được làm, không được làm, không nên làm), biết kiên trì và định tĩnh từ nhỏ. Một đứa trẻ biết vui chơi trong giới hạn, có khả năng định tĩnh cao chính là nền móng cho học tập. Lúc con còn nhỏ không vun bồi năng lực này, khi lớn lại dán nhãn “con nhà em nghịch, hiếu động quá”, lại dán nhãn bệnh “tăng động giảm chú ý” cho con thì cha mẹ đã rất là sai.
Một lỗi nữa mọi người hay mắc đó là: Lúc con còn nhỏ, năng lực xử lý logic của não bộ chưa phát triển thì lại cố nhồi nhét, bắt con học toán. Phải rất thận trọng khi cho con học toán, cần định lượng bài học phù hợp với năng lực của từng bé. Ngộ nhận, ép học sớm có thể làm hại trẻ, mà cha mẹ thấy con không học được lại thấy buồn lòng.
6. Luật vừa độc lập vừa chi phối lẫn nhau giữa các mục tiêu giáo dục
Trong các mục tiêu giáo dục mà tôi đã nói ở phần trước. Các mục tiêu giáo dục vừa độc lập, vừa chi phối lẫn nhau. Tôi nhắc ở đây để quý PHHS hiểu rõ quan hệ giữa các mục tiêu trụ cột để thiết kế chương trình học cho con hợp lý.
Ví dụ:
- Mục tiêu 1 (giáo dục thể chất) là bổ trợ cho mục tiêu 4 (học kiến thức phổ thông) và mục tiêu 6 (học kỹ năng nghề).
- Khi quá chú trọng mục tiêu 4, có thể dẫn tới trẻ bị thiếu hụt ở mục tiêu 2,3,5. Nhiều em giải đề thi rất giỏi, nhưng lại lúng túng, mắc kẹt khi xử lý các trạng thái cảm xúc của mình, các em cũng không chủ động quản lí được các mối quan hệ của mình.
IV. LỜI BÀN
Bài viết đã rất là dài, chỉ vì muốn người đọc có cái nhìn tròn vẹn, để thấy được logic giữa các yếu tố mà tôi đành viết dài như vậy. Đọc đến đây, thầy Nam mong quý PHHS quán sát lại “công trình giáo dục” của mình với con. Nếu chúng ta tìm được sai lầm, thiếu sót nào đó của mình, lại tìm được cách khắc phục thì vô cùng đáng quý.
Trong nhiều trường hợp, quý PHHS có thể phát hiện ra những vấn đề bất ổn trong “công trình giáo dục” của mình nhưng chưa biết hướng giải quyết ra sao. Cũng giống như một chủ đầu tư phát hiện ra những dấu hiệu nghiêng, nứt trong căn nhà của mình. Thầy Nam cũng chỉ như Kiến trúc sư, chỉ ra cho PH thấy được: Nguyên nhân (1); các phương án khắc phục (2); kèm điều kiện tương ứng cho các phương án (3). Các điều kiện để thi công trong xây dựng như không gian, thời gian, vật liệu, kinh phí…. Nếu các điều kiện không được đáp ứng thì chủ đầu tư cần tìm KTS khác. Tương tự như vậy, các điều kiện để thầy Nam giúp quý PHHS giải quyết các vấn đề GD của mình là hiểu thấu và nương theo 6 quy luật trên.
------
Mai Mai - Family Education Mentor
Founder @LifeMentor.vn
Liên hệ công việc: lifementor.vn@gmail.com
Website: https://lifementor.vn
Group FB https://www.facebook.com/groups/lifementor2021
Spotify https://spoti.fi/3zXawQT
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UC7_rmsgL-OwgalsEoUwr9aA
Google podcast: https://bit.ly/3JGQcq9
TikTok: https://www.tiktok.com/@maimai_parenting
Các khóa học Life Mentor đang cung cấp: http://khoahoc.lifementor.vn