MỘT SỐ CÁCH XỬ LÝ KHI CON CÓ HÀNH VI TRỘM CẮP

MỘT SỐ CÁCH XỬ LÝ KHI CON CÓ HÀNH VI TRỘM CẮP

Khi con bạn mang về nhà một món đồ đáng ngờ từ trường mà con nói là quà được tặng, hay khi bạn đã bắt quả tang con lấy một thứ gì đó từ một cửa hàng, cha mẹ sẽ thường làm gì?

Không ít cha mẹ la mắng, phạt hoặc đánh đòn, bắt con đem trả và xin lỗi nhưng làm ầm ĩ lên, làm xấu mặt con. Có một số cha mẹ lại coi chuyện đó không có gì quan trọng, bỏ qua, hoặc nhắc nhở nhẹ vài câu. 

Rõ ràng, cách giải quyết vấn đề của cha mẹ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quan điểm của trẻ về việc ăn cắp, và dẫn đến khả năng con sẽ tái phạm hành vi đó hay không.

Dưới đây là một số chiến lược kỷ luật Life Mentor gợi ý, giúp cha mẹ có thể ngăn chặn hoặc xử lý hành vi trộm cắp của trẻ nhé!

NHẤN MẠNH SỰ TRUNG THỰC

Cha mẹ rất nên thường xuyên trò chuyện với con về tính trung thực. Điều đó có thể giúp ngăn chặn việc con nói dối và ăn cắp. Hãy nói cho con biết ý nghĩa khi con nói sự thật và khen ngợi con thật nhiều, cảm ơn con khi con thành thật.

DẠY CON TÔN TRỌNG TÀI SẢN CỦA NGƯỜI KHÁC

Từ bé, cha mẹ hãy giúp trẻ hiểu quyền sở hữu bằng cách khiến con có trách nhiệm với đồ đạc của mình. Ví dụ, hướng dẫn con đối xử thận trọng với đồ chơi, cất gọn gàng cẩn thận. Tạo ra quy tắc rằng bất cứ ai cầm đến đồ chơi nào của con cũng phải “xin phép” con. 

Điều này bản thân mình đã thực hiện từ khi con còn rất nhỏ:

  • Mẹ cởi áo con nhé
  • Mẹ mượn đồ chơi nhé
  • Cho mẹ mượn quyển sách của con nào
  • Mẹ thơm vào má 1 miếng nhé…

Bất cứ việc gì làm với con, hay đồ đạc của con mình cũng phải xin phép. Sau này, thật ngạc nhiên, bất cứ thứ gì của bố mẹ, con đều hỏi trước khi động vào. Đi siêu thị, trước khi lấy món gì đều hỏi xin phép. 

Thật khó để người lớn phải “làm quen lại” với việc xin phép một em bé 2 tuổi, nhưng điều đó thực sự quan trọng. Tạo ra các quy tắc về tôn trọng tài sản của người khác, sẽ giúp cho con tránh được những thói quen xấu, và tạo nên một bạn nhỏ rất lịch sự văn minh. 

TRẢ LẠI HÀNG HÓA KHI BỊ ĐÁNH CẮP 

Nếu cha mẹ bắt gặp con mình với những món đồ ăn cắp, hãy kiên quyết yêu cầu con nhanh chóng trả lại món đồ đã lấy trộm và xin lỗi nạn nhân. Cha mẹ có thể giúp con viết thư xin lỗi hoặc đi cùng con đến cửa hàng để trả lại đồ bị đánh cắp. Nhưng đừng làm ầm ĩ lên để cố tình làm mất mặt con. 

NÓI VỀ NHỮNG HẬU QUẢ 

Phạt, hay lấy đi quyền lợi cũng có thể là một cách hợp lý. Trẻ có thể phải làm thêm việc nhà, hoặc bên ngoài để kiếm tiền, trả lại cho món đồ đã đánh cắp. 

CÙNG NHAU GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ 

Cha mẹ hãy cùng con đưa ra giải pháp khắc phục hậu quả. Cha mẹ có thể giúp trẻ loại bỏ những cám dỗ trong một thời gian.

Ví dụ: không cho phép trẻ 13 tuổi đi chơi với bạn bè tại các cửa hàng. Chắc chắn cha mẹ cần phải dạy con khả năng tự kiểm soát bản thân trước con được tự do ra ngoài vui chơi như vậy. 

KHI NÀO CHA MẸ CẦN SỰ TRỢ GIÚP CHUYÊN NGHIỆP 

Trộm cắp có thể dẫn đến hậu quả pháp lý, mất đi niềm tin và tình cảm đối với một đứa trẻ, thậm chí còn bị đuổi khỏi trường, hoặc bị buộc tội hình sự.

Nếu cha mẹ đã xử lý nhiều lần nội bộ mà vẫn không hạn chế được hành vi của con, thì có lẽ phải cần đến sự trợ giúp của chuyên gia.

Một chuyên gia về tâm lý, hoặc bác sĩ có thể sẽ giúp xác định nguyên nhân dẫn đến hành vi của con. Đôi khi, trẻ có thể có vấn đề về sức khỏe tâm thần, vấn đề về rối loạn hành vi lại là nguyên nhân. Khi đó, trẻ cần được điều trị y tế, chứ không thể chỉ bằng những lời răn dạy. 

(còn tiếp)

Nguồn tham khảo: What to do when your child steals (Verywellfamily.com)

 

← Bài trước Bài sau →