Mình đã thành công dạy cho bạn An An và Vi Vi bài học “Luôn quay lại nhìn”
Nghĩa là trước khi rời khỏi chỗ, luôn ngoảnh lại nhìn chỗ mình vừa ngồi. Điều này có 2 tác dụng rất lớn:
- Không bao giờ quên đồ đạc, và không bao giờ mất đồ
- Dọn dẹp sạch, trả lại nguyên trạng trước khi đi.
Thành công tức là hai bạn đã hợp tác và tuân thủ, chứ các bạn vẫn quên. Mẹ vẫn nhắc đi nhắc lại 1000 lần cho đến khi 2 bạn hiểu và thực hành như một lối sống.
“Luôn quay lại nhìn” có một phiên bản khác là “Dọn xong mới là làm xong” mà mẹ anh Phan Phan cũng đã dày công dạy anh mấy năm qua.
Nghĩa là phải dọn dẹp hết, gọn gàng mới được gọi là hoàn thành xong công việc. Điều này giúp các con có trách nhiệm với công việc của mình, sống có nề nếp, sạch sẽ gọn gàng. Tránh bị các “người lớn” chê là “giới trẻ” bây giờ ăn ở thiếu trách nhiệm :))
Nay mình nâng cấp lên một phiên bản cao hơn, đó là “Luôn quay lại cảm ơn”.
Đó là việc khi tiếp xúc với ai đó, hoàn thành việc thì luôn quay lại cảm ơn. Hai bạn có thể sử dụng linh động nhiều phiên bản như sau:
- Cảm ơn chú ạ (bằng Tiếng Việt)
- Cảm ơn và xin chào tạm biệt (Thank you and good bye)
- Chúc một ngày vui vẻ nhé (have a nice day)
- Cảm ơn. Đó là một chuyến đi rất xịn. (Thank you. That’s a great trip)
- Cảm ơn cô. Cô có con chó đáng yêu quá (Thank you. Your dog is amazing).
Mẹ thật là hài lòng vì hai bạn thực hành rất dẻo mồm. Đi đâu, gặp ai cũng chào hỏi cảm ơn giòn tan, lắm lúc làm người kia lúng túng không biết đáp lời thế nào với hai bạn. Thế hệ của mẹ và trước đó ít được thực hành những ái ngữ như vậy. Nghe lời cảm ơn, lời khen là cứ lúng túng không biết phải trả lời sao.
Cách làm cũng đơn giản thôi.
Ví dụ: khi đang ngồi taxi, mẹ thì thầm vào tai 2 bạn “Lát nữa lúc xuống xe, con nói cảm ơn và chào chú nhé.” Hai bạn gật gật đầu, thực hành ngay. Nhắc thế khoảng 5 lần thì con thuộc bài. Con quên làm thì lại nhắc x 1000 lần.
Từ những thứ nhỏ nhất cũng phải liên tục hướng dẫn. Làm mẹ nhàn xù cả đầu mà.