LÀM SAO ĐỂ CÓ MỘT ĐỨA TRẺ

LÀM SAO ĐỂ CÓ MỘT ĐỨA TRẺ "MÁT TÍNH" NHƯ KEM?

Trẻ con khoảng 2-6 tuổi chưa biết quản lý cảm xúc, chưa biết thể hiện thái độ của mình bằng ngôn từ. Vì thế ở tuổi này trẻ thường hay cáu kỉnh, đập đồ chơi, đôi khi đánh người lớn….

Tuổi teen (khoảng 12-18) cũng như vậy. Con có quá nhiều cảm xúc phức tạp, nhưng chưa biết gọi tên những cảm xúc phức tạp, không diễn đạt được mình muốn gì (vì bị hormon điều khiển) vì thế hay cáu bẳn, ghét cả thế giới. Tụi nhỏ dễ nản chí, không thèm xử lý vấn đề, chui vào vỏ ốc của mình. Có những đứa trẻ “làm quá lên” những chuyện bé tí. Con có thể la hét ầm ĩ, hung dữ ghét bỏ cha mẹ chỉ vì mẹ quét dọn phòng và vứt bỏ một món đồ yêu quý nào đó của con.

Tụi trẻ con khi ngoan ngoãn hiền lành thì như thiên thần vậy. Nhưng lớn dần lên, chúng bắt đầu có chính kiến riêng, và cáu kỉnh với tần suất nhiều hơn. Chúng ta nên hiểu, đấy mới là SỰ PHÁT TRIỂN BÌNH THƯỜNG của trẻ.

Khi cơn giận của con đang ảnh hưởng đến các mối quan hệ và chất lượng cuộc sống, đó là lúc cha mẹ cần thể hiện vai trò là người dẫn dắt, hướng dẫn con.

Cha mẹ đừng “cáu ngược” với con, đừng mắng, đừng phạt, đừng ghét bỏ con, cũng không dán nhãn là con hư, hay con thay đổi, hay con khó tính. Cha mẹ cần biết rằng trẻ đang rất khó khăn vật lộn với cơn tức giận của mình. Và tụi nó cần sự giúp đỡ.

Cũng đừng rút lui, từ bỏ vai trò “dạy” và “dỗ” của mình. Nhiều cha mẹ thở dài “em không thể dạy được nó nữa rồi” hoặc “tuổi này nó nghe bạn bè chứ nó nghe gì mình”, hoặc “nhờ cô uốn nắn nó giúp chị, chứ ở nhà chị bảo nó không nghe”. Và thế là, họ từ bỏ vai trò quan trọng nhất trong cuộc đời đứa trẻ, vai trò người dẫn lối cho con qua giông bão.

Hãy mạnh mẽ như bà Minh U70 nhà tôi. Ngày xưa lúc quá mệt mỏi với việc dạy mấy đứa con ngông cuồng tuổi dậy thì, bà thở hắt ra “Đừng tưởng mẹ sẽ từ bỏ việc giáo dục mấy đứa nhé.” (Thực ra bà Minh chỉ nên nghĩ trong đầu thôi, chứ nói ra tụi nó lại ghi nhớ rồi bây giờ cười ahihi).

Đây là những gì mình đã làm với hai tiểu thơ U5 và U7, để có được ngày hai cô “mát tính như kem”:

Khi con cáu kỉnh, mẹ nói “An An, con nói nhẹ nhàng lịch sự mẹ mới hiểu được. Con bảo Mẹ ơi”

“Mẹ ơi” (nhắc lại)

“Mẹ giúp An ạ”

“Mẹ giúp An ạ” (nhắc lại)

“Con không lắp được cái tàu bay này, mẹ lắp giúp con ạ”

“Mẹ lắp giúp con ạ” (nhắc lại)

“Đúng rồi. An An nói nhẹ nhàng lịch sự như vậy mẹ mới hiểu. Mẹ sẽ giúp con nhé.”

—--

Cha mẹ cần chú ý, khi con cáu bẳn, không phải là lúc tranh luận hơn thua. Nhường con quá để con lấn lướt và “bắt nạt” người lớn cũng không tốt. Mà gay gắt phạt con, bắt con xin lỗi hay mắng mỏ, chứng tỏ con sai cũng không phải là ý kiến hay.

Điều quan trọng là cha mẹ nhận ra, đây là cơ hội giáo dục, tình huống giáo dục để dạy con kỹ năng giao tiếp xã hội, và những kỹ năng cần thiết để đối phó với cảm xúc của mình một cách lành mạnh. Mai này con bước ra cuộc sống, con còn gặp nhiều tình huống oan khuất hơn, oái oăm hơn. Nào là đồng nghiệp không ưa, sếp chèn ép, bạn bè nói xấu, người lạ bắt nạt…Trong những tình huống ấy, nếu con đã được rèn luyện trước việc kiểm soát cảm xúc, đàm phán lợi ích hai bên, bình tĩnh xử lý vấn đề, thì công lớn thuộc về sự rèn luyện ngày hôm nay của cha mẹ đấy.

Cha mẹ hãy hướng dẫn con cách điều tiết cảm xúc, xử lý vấn đề bằng tư duy lý trí, chứ đừng để con cáu nhặng xị lên với bất cứ vấn đề nào và tự lý giải nó là “để con thể hiện cảm xúc tự nhiên” nhé. 

Phần tiếp theo của bài viết, các chuyên gia tâm lý cũng đưa ra một số gợi ý để các cha mẹ ứng xử khi con cáu kỉnh. Mời các bạn cùng thực hành với Life Mentor nhé. 

  1. Cùng con gọi tên cảm xúc

Dưới 6 tuổi, mình hay cho tụi nhỏ đọc các quyển sách cụ thể về cảm xúc. Series 10 cuốn rất hay “When I’m feeling…” (Mad/ Angry/ Happy/Jealous…) là một bộ sách rất hay mô tả chú thỏ con thể hiện tâm trạng thế nào, và cách chú thỏ cân bằng cảm xúc thế nào. Nhờ đó, trẻ nhận diện được cảm xúc, gọi tên được tâm trạng của mình. Đa phần trẻ cáu kỉnh nhặng xị là do không biết phải thể hiện điều đó thế nào, người đối diện không hiểu tâm trạng trẻ và mọi thứ bị đẩy lên cao trào trở thành một cuộc xung đột. Trẻ gọi tên tâm trạng của mình cũng giúp cha mẹ rất nhiều, vì nhanh chóng biết được vì sao con cáu, có thể giúp con giải quyết được vấn đề. 

Trong quá trình sống cùng nhau, có rất nhiều xung đột giữa hai con, giữa cha mẹ và con cái, giữa các con với bạn bè…Mình hay ngồi xuống ngang tầm với con, ôm con, và thì thầm nói nhỏ chỉ hai mẹ con nghe thấy (tuyệt đối không lý luận dạy đạo lý to tiếng khiến người khác nghe thấy, bao giờ những chuyện “mất mặt” con thế này thì giải quyết riêng vẫn hiệu quả hơn). 

Ví dụ “An An, con đang cáu giận à?”. Gật đầu. “Vì sao con cáu giận, nói cho mẹ nghe.” “Vy Vy trêu con”. “Ồ, Vy Vy trêu con à. Chắc là con đang rất giận nhỉ. Con thấy không thoải mái ở đây và ở đây đúng không? (chỉ vào đầu, vào tim)”. Gật đầu. “Vì sao Vy Vy trêu con?”....

Cứ như vậy, thủ thỉ một lúc là cô ta hết nóng. Rồi nói thêm lúc nữa là quên luôn lý do ban đầu. Rồi đưa ra 2 giải pháp cho cô ta chọn. Thế là xong, hoà bình lập lại luôn. 

Sau một thời gian thì mình thấy hai bạn có thể tự giải quyết được xung đột. Ví dụ như:

“Vy Vy không trêu An. An đang rất giận đây này.” Rồi tự nói chuyện với nhau 1 lúc là hết bài. Hay “Con tặng món quà này cho bạn, bạn sẽ rớt nước mắt vì vui sướng” (cry tears of joy). Khiếp, sợ ngôn từ của hai cô quá cơ. 

Từ ngữ cha mẹ sử dụng để mô tả cảm xúc phải tăng mức độ phức tạp dần lên theo độ tuổi của con nhé. Từ 7 tuổi, chúng ta có thể sử dụng nhiều cung bậc cảm xúc phức tạp hơn. Ví dụ, hồi hộp, thất vọng, ghê sợ, lo lắng và cô đơn…Đừng lo trẻ không hiểu và quá khó. Với trẻ từ mới nào chả là mới như nhau. Cách dùng chính xác ngôn ngữ với mức độ phức tạp tăng dần sẽ giúp trẻ sử dụng ngôn ngữ sinh động và linh hoạt hơn (rất tốt cho môn Văn và kỹ năng giao tiếp của trẻ), đồng thời cũng giúp trẻ thể hiện bản thân chính xác hơn. Các cha mẹ hãy search “Bánh xe cảm xúc”, xem hình và sử dụng hết những từ ngữ này nhé. Bản tiếng Việt số lượng từ còn ít (tương ứng với số cảm xúc mô tả rất ít), chứ bản Tiếng Anh thì dài ngoằng và rất nhiều từ để mô tả chi tiết từng cảm xúc. 

2. Tạo một thước đo mức độ cảm xúc

Bài này áp dụng với trẻ nhỏ nhỏ dưới 8 tuổi thôi. Còn từ 9 tuổi lớn rồi, nó sẽ cười vào trò này đấy. Nhiệt kế làm bằng giấy hay nhựa cũng được. Viết số từ 1-10, tô màu từ nhạt sang đậm.Có thể vẽ mặt từ cười tít mắt đến cáu kỉnh phun khói hai bên tai. Nhiệt kế thể hiện cơn giận của con đang ở mức nào. Rồi dán lên tường. Đôi khi quen bài rồi thì không cần dán lên mà chỉ cần hỏi con. 

Khi con giận, có thể hỏi “Thế con giận ở mức độ nào?”Số 0 à con, tức là chẳng giận tí nào. Hay là số 5 giận vừa vừa. Hay là con tận số 10 nghĩa là cơn giận to đùng, lớn nhất từ ​​trước đến nay?".

Cách này vừa giúp con diễn đạt được mức độ cảm xúc của mình, vừa gây xao lãng cho con quên bớt đi cơn cáu bẳn. Con có thể nghỉ ngơi, uống miếng trà, ăn miếng bánh, hoặc cần 1 cái ôm để giảm cơn giận từ số 7 thành số 3. Cần 1 lời xin lỗi hoặc một ít thủ thỉ để giảm cơn giận từ số 3 về số 1. Cuối cùng, số 0 là tính mát như kem luôn. 

3. Tạo điều kiện cho con giải tỏa cảm xúc theo nhiều cách

Mỗi bạn nhỏ có những nhu cầu giải tỏa cảm xúc khác nhau. Và cha mẹ cần tạo điều kiện để con thể hiện và giải tỏa những cảm xúc này. 

Có bạn thì cần không gian riêng, vào phòng đóng cửa lại tránh xa mọi người. Có bạn thì muốn mở nhạc to, có bạn thì cần ôm ấp, có bạn cần phải ra vườn hét lên. Các bạn teen teen thì cần gọi điện cho bạn bè, hoặc đi dạo 1 mình. Có bạn lại muốn đấm vào gối, có bạn ôm thú bông khóc một mình. Đây là những cách giải tỏa cảm xúc lành mạnh và hoàn toàn bình thường. Cha mẹ cần để yên cho trẻ xử lý cảm xúc theo cách của mình. 

Lúc bình tĩnh, chỉ cần trò chuyện với con để đảm bảo rằng con hoàn toàn có quyền nóng giận, và quyền giải tỏa cảm xúc tiêu cực của mình, nhưng hãy đừng làm hại hoặc tổn thương, làm phiền ai. Cha mẹ sẽ luôn sẵn sàng lắng nghe khi con muốn nói chuyện. 

Thực ra trẻ cũng chẳng thích thú gì thích cảm giác tức giận hoặc những lúc khó ở đâu. Chẳng qua trẻ phản ứng thái quá là vì trẻ chưa có khả năng quản lý cảm xúc của bản thân, không giỏi “nuốt giận” hoặc giấu cảm xúc như người lớn chúng ta mà thôi. 

Nhiệm vụ của cha mẹ là giúp con học cách phản ứng thích hợp với cơn nóng giận, và những cảm xúc tiêu cực khác. Vì những cảm xúc tiêu cực này sẽ có tác động đến chất lượng cuộc sống, đời sống tinh thần của con ở nhà và ở trường. Trẻ cần giúp đỡ hơn là những lời giáo huấn đấy các cha mẹ ạ.

---

“Life Mentor – Cha mẹ dẫn lối” là cộng đồng hỗ trợ các cha mẹ có con độ tuổi 10-18 trong hành trình giáo dục con, với các hoạt động chính:

  • Kết nối 1-1 với các Mentor thành công trong đa dạng lĩnh vực.
  • Định hướng sự nghiệp thông qua hoạt động trải nghiệm đa dạng các ngành nghề trong xã hội.
  • Giúp con xây dựng tư duy, kỹ năng xã hội và các bài học về quản trị cuộc sống chưa được dạy trong nhà trường.

Chúng tôi xây dựng dự án Life Mentor để lưu giữ lại những tri thức mà chúng tôi học được từ nhiều nguồn trên thế giới, như một di sản để lại cho các con mình, và nhiều trẻ em Việt Nam. 

Life Mentor mong muốn mọi trẻ em đều được thấu hiểu, tôn trọng, định hướng phát triển tiềm năng và sự nghiệp theo đúng năng lực và đam mê. Đội ngũ Mentor sẽ đồng hành trong quá trình phát triển của mỗi bạn nhỏ. Hãy cùng chúng tôi chung tay nhé.

Liên hệ công việc: lifementor2021@gmail.com

Website: https://lifementor.vn

Group FB: https://www.facebook.com/groups/lifementor2021

Spotify: https://spoti.fi/3zXawQT

← Bài trước Bài sau →