LÀM GÌ KHI PHÁT HIỆN TRẺ NÓI DỐI?

LÀM GÌ KHI PHÁT HIỆN TRẺ NÓI DỐI?

Bố mẹ luôn muốn con lúc nào cũng thật thà, nhưng thực tế là trẻ nào mà chẳng nói dối, không lúc này thì lúc khác. Thật ra, nói dối là một phần tự nhiên trong sự phát triển của trẻ và trong hầu hết các trường hợp, trẻ đang phát triển tư duy nên mới sinh ra nói dối. 

Tại sao trẻ em nói dối?

Điều chúng ta cần chú ý là, cần phải xem xét trẻ đang ở độ tuổi nào, hoàn cảnh và lý do nói dối, tần suất nói dối. Ví dụ, nhiều trẻ nhỏ dưới 6 tuổi chưa thể phân biệt rõ ràng giữa tưởng tượng và thực tế, và “lời nói dối” của chúng thực sự có thể chỉ là một biểu hiện của trí tưởng tượng mà thôi. Ví dụ: “Hôm qua con nhìn thấy ông mặt trời thổi bay mất cái mũ của con.” hay “Bạn voi tè dầm trên giường con” hay “Mẹ ơi, bố bảo cho con thêm 2 cái kẹo”. Đó đơn giản là trí tưởng tượng của trẻ.

Như vậy, một đứa trẻ 4 tuổi hoàn toàn có khả năng cố tình nói dối để tránh gặp rắc rối hoặc đạt được điều gì đó mà chúng muốn. Một số nguyên nhân phổ biến của việc nói dối ở trẻ em trong độ tuổi đi học bao gồm:

  • Trẻ quá giàu trí tưởng tượng
  • Trẻ Sợ bị trừng phạt
  • Khoe khoang với bạn bè để nâng cao vị thế và gây ấn tượng với bạn
  • Tránh điều gì đó mà chúng không muốn làm (chẳng hạn như dọn dẹp đồ chơi)
  • Mong muốn không làm bố mẹ thất vọng khi kỳ vọng quá cao ở chúng
  • Cảm thấy không vui với điều gì đó trong cuộc sống, và nói dối để lấp liếm
  • Cố gắng thu hút sự chú ý

Vậy cần làm gì khi trẻ nói dối?

Dưới đây #LifeMentor xin đưa ra một số gợi ý hữu ích khi cha mẹ đối mặt với việc trẻ nói dối:

  • Tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ

Nếu con chỉ đơn giản là sử dụng trí tưởng tượng của mình, hãy giúp con phân biệt giữa thực tế và hư cấu mà không ngăn cản khả năng sáng tạo của con. Ví dụ: “À, ông mặt trời không thổi được đâu con ạ. Đấy là gió thổi bay mất mũ của con đấy.”

Mặt khác, nếu trẻ bịa ra một người bạn tưởng tượng đã làm vỡ cái bình hoa mà trẻ không nên chạm vào, trước tiên hãy trấn an con rằng con sẽ không gặp rắc rối nếu con nói thật những gì đã xảy ra. Sau đó, giải thích rằng “mẹ hiểu đôi khi nói là người khác làm vỡ bình hoa thì có thể dễ dàng hơn, nhằm tránh được lỗi lầm, nhưng con cần nói sự thật. Bởi vì nói thật mới khiến bố mẹ tin tưởng con, mọi người yêu quý con.” 

  • Làm cho trẻ cảm thấy thoải mái khi nói chuyện

Thông thường, nếu con làm gì sai mà cha mẹ cáu um lên, mắng mỏ, thì gần như trăm phần trăm trẻ sẽ sợ phát khiếp khi làm sai, và gần như không bao giờ dám tiết lộ sự thật với cha mẹ. Trẻ lo lắng cha mẹ sẽ tức giận và cố gắng giấu giếm sự thật bằng mọi giá. 

Điều quan trọng là cha mẹ hãy giúp trẻ cảm thấy yên tâm, an toàn và được hỗ trợ, thì trẻ mới dám nói hết mọi chuyện mà không đánh mất tình cảm và sự yêu thương từ cha mẹ.

“Nếu con nói sự thật, mẹ hứa sẽ không tức giận. Con thừa nhận, và nói ra sự thật quan trọng với mẹ hơn bất cứ điều gì khác. Cái bình bị vỡ, không quan trọng bằng tính cách ngay thẳng của con.” Sau đó, lắng nghe một cách bình tĩnh và giải quyết hậu quả cùng con. Việc cùng giải quyết hậu quả quan trọng hơn nhiều việc tìm ai đó để đổ lỗi. 

Sau khi con nói ra sự thật, hãy khen ngợi và cảm ơn con.“Mẹ biết là nói ra sự thật khá khó khăn, mẹ cảm ơn con đã thành thật với mẹ. Giờ thì mẹ con mình cùng nghĩ cách giải quyết nhé.” 

  • Nói cho về những hậu quả

Khi trẻ nói dối, điều quan trọng là phải có hậu quả, thay vì trừng phạt. Hai điều này nghe rất giống nhau, nhưng hóa ra lại rất khác. Sự trừng phạt xuất phát từ sự tức giận trong khi hậu quả tập trung vào việc sửa chữa hành vi sai trái. 

Ví dụ, nếu con nói dối là đã làm việc nhà, trong khi con chưa làm, thay vì mắng mỏ hoặc phạt con không được ra ngoài 1 tuần, cha mẹ có thể nói với con: “Mẹ nhìn là biết con chưa làm việc nhà. Mẹ luôn muốn con trung thực, vì nói dối là một tính cách không hay ho gì. Bây giờ việc con cần làm là khắc phục hậu quả. Con có lựa chọn là tối nay không được đi chơi, làm hết việc nhà con đã hứa, hoặc là dành cả ngày Chủ Nhật làm bù những việc con chưa làm”. 

  • Nói rõ ràng về những kỳ vọng

Nhiều cha mẹ chưa bao giờ giải thích với con thế nào là nói dối, thế nào là nói thật. Chưa bao giờ nói lên mong muốn con trung thực. Mà chỉ đóng vai cảnh sát bắt tại trận mỗi khi con nói dối. Hãy cho con biết rằng nói sự thật cũng quan trọng như những hành vi tốt khác, chẳng hạn như nói chuyện với cha mẹ bằng thái độ tôn trọng, không cãi lại, không gây gổ với anh chị em mình.

  • Cẩn thận hành vi của cha mẹ

Chính cha mẹ hãy là những người thật thà. Nếu bạn “lỡ” quen nói dối rồi thì tự nhủ rằng, mình nói dối như vậy thì con sẽ học theo thói xấu, chính mình phải từ bỏ thói quen xấu, mới dạy được con thói quen tốt. Ví dụ, nếu hàng xóm đến nhờ nuôi hộ con mèo khi họ đi du lịch, bạn nói với hàng xóm rằng người nhà bị ốm, phải về chăm, không ở lại đây để trông hộ con mèo. Nhưng sự thật là bạn không thích con mèo đó, nhưng bạn không dũng cảm nói rõ, lại lấy lý do. Thì con sẽ hiểu rằng cha mẹ nói dối được thì mình cũng nói dối được. 

  • Nhắc con về hậu quả của lời nói dối

Trên đời này uy tín và lòng tin vô cùng quan trọng. Nếu con nói dối, con có thể làm mất uy tín, mất niềm tin từ người khác. Con tưởng tượng xem con cảm thấy thế nào nếu bạn con nói dối con, hay cha mẹ nói dối con? Lần sau con sẽ không dám tin tưởng lời nói của họ nữa. 

Nếu trẻ nói dối nhiều lần và thường xuyên, nó sẽ trở thành một thói quen khó bỏ. Việc sửa lại thành người ngay thẳng sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức, cũng như nhiều nỗi đau. Vì thế, cha mẹ hãy chú ý điều chỉnh hành vi của trẻ ngay từ khi có những dấu hiệu đầu tiên nhé!

Nguồn tham khảo: What to do when kids lie (WWW.verywellfamily.com)

“Life Mentor – Cha mẹ dẫn lối” là cộng đồng hỗ trợ các cha mẹ có con độ tuổi 10-18 trong hành trình giáo dục con, với các hoạt động chính:

  • Kết nối 1-1 với các Mentor thành công trong đa dạng lĩnh vực.
  • Định hướng sự nghiệp thông qua hoạt động trải nghiệm đa dạng các ngành nghề trong xã hội.
  • Giúp con xây dựng tư duy, kỹ năng xã hội và các bài học về quản trị cuộc sống chưa được dạy trong nhà trường.

Chúng tôi xây dựng dự án Life Mentor để lưu giữ lại những tri thức mà chúng tôi học được từ nhiều nguồn trên thế giới, như một di sản để lại cho các con mình, và nhiều trẻ em Việt Nam. 

Life Mentor mong muốn mọi trẻ em đều được thấu hiểu, tôn trọng, định hướng phát triển tiềm năng và sự nghiệp theo đúng năng lực và đam mê. Đội ngũ Mentor sẽ đồng hành trong quá trình phát triển của mỗi bạn nhỏ. Hãy cùng chúng tôi chung tay nhé.

Liên hệ công việc: lifementor2021@gmail.com

Website: https://lifementor.vn

Group FB: https://www.facebook.com/groups/lifementor2021

Spotify: https://spoti.fi/3zXawQT

← Bài trước Bài sau →